Cầm cự qua “cơn bĩ cực”, sức khỏe các đại gia chăn nuôi heo hiện ra sao?
Quý I/2023 có thể xem là giai đoạn bĩ cực của ngành chăn nuôi heo: Giá nguyên vật liệu, thức ăn tăng cao trong khi đầu ra chậm, giá bán giảm. Ghi nhận, giá heo hơi trong kỳ có lúc giảm mạnh chạm đáy với 45.000 đồng/kg.
Bước sang quý II/2023, đặc biệt từ tháng 5, 6 giá heo dần hồi phục, hiện đã hồi phục được 23% so với mức đáy thiết lập hồi cuối tháng 3/2023. Thông tin vaccine dịch tả lợn châu Phi chính thức được sử dụng trên cả nước cùng với việc giá heo hồi phục đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp chăn nuôi có triển vọng kinh doanh tốt hơn trong nửa cuối năm 2023.
Ở diễn biến khác, ngành heo đang tự tái cấu trúc cực mạnh sau cơn bĩ cực vừa qua. Trong đó, thị phần từ các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ đang dần rơi vào tay doanh nghiệp niêm yết, dĩ nhiên với những đơn vị có lợi thế về giá thành sản xuất. Nếu trước năm 2019, các hộ nhỏ lẻ chiếm đến 70% chăn nuôi, thì sau dịch tả lợn (ASF) vừa qua, con số này đang giảm mạnh. Số lượng nông hộ tại Việt Nam đã giảm gần gấp 5 lần chỉ còn chưa đến 2 triệu hộ trong 10 năm gần đây.
Ở góc độ doanh nghiệp, trong nửa đầu năm 2023, do giá heo diễn biến bất lợi khiến cho lợi nhuận của doanh nghiệp chăn nuôi heo trên sàn không mấy khả quan.
Đơn cử Hoàng Anh Gia Lai (HAGL, HAG) của bầu Đức trong quý II/2023 đạt 1.450 tỷ đồng doanh thu, tăng 18%. Trong đó, bán heo mang về gần 444 tỷ doanh thu (tăng 71% so với cùng kỳ). Lợi nhuận gộp mảng heo 55 tỷ đồng, cải thiện so với con số 2 tỷ đồng quý I/2023 trong bối cảnh gía heo hơi đã hồi phục trong quý II/2023.
6 tháng đầu năm 2023, HAG đạt 3.147 tỷ đồng doanh thu 6, tăng 55% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, doanh thu mảng chăn nuôi heo đạt khoảng 1.007 tỷ - tăng gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ.
Dù doanh thu tăng trưởng đáng kể nhưng do gánh nặng các khoản chi phí, HAGL báo lãi ròng 404 tỷ đồng - giảm 24% so với nửa đầu năm ngoái.
Nửa đầu năm, HAGL tiêu thụ 197.299 con heo thịt, 103.759 tấn trái cây. Trong đó, lượng chuối xuất khẩu là 82.392 tấn và chuối dùng cho sản xuất thức ăn gia súc là 21.367 tấn.
Bầu Đức từng tuyên bố heo là 1 trong 2 mảng trọng điểm sau khi thí điểm thành công việc nuôi heo khép kín bằng công thức cám độc quyền (khoảng 35% nguyên liệu đầu vào là trái chuối thải từ xuất khẩu). Công ty sau đó nhanh chóng ra mắt thịt thương hiệu Heo ăn chuối Bapi và chuỗi cửa hàng bán thịt Bapi Food, mục tiêu sớm nhân rộng để trở thành thế lực trên thị trường thịt thương hiệu Việt Nam.
Hay Nông nghiệp BaF (BAF) của đại gia Trương Sỹ Bá cũng ghi nhận kết quả kinh doanh không mấy lạc quan.
Cụ thể, 6 tháng đầu năm, BAF đạt doanh thu hơn 2.400 tỷ đồng, thấp hơn cùng kỳ 17% (trong đó doanh thu từ chăn nuôi đạt gần 588 tỷ đồng trong khi cùng kỳ 2022 đạt 621 tỷ đồng), đạt 33% kế hoạch năm; lợi nhuận sau thuế đạt 16 tỷ đồng, giảm 87% so với cùng kỳ, và mới chỉ đạt 5.3% kế hoạch năm.
BAF cho biết, nguyên nhân lợi nhuận sụt giảm do quá trình cắt giảm hoạt động kinh doanh nông sản theo lộ trình để tập trung vào hoạt động chăn nuôi chuỗi khép kín (3F - Feed-Farm-Food). Giá heo từ đầu năm được duy trì ở nền thấp hơn cùng kỳ, dù đã có dấu hiệu hồi phục nhưng diễn ra ở giai đoạn cuối quý 2. Bên cạnh đó, sản lượng heo bán ra chưa tăng tương ứng với quy mô đàn, nhiều trại heo chỉ mới được đưa vào vận hành trong năm nay. Công ty cũng giữ lại được lượng heo cai sữa để nuôi bán thịt, thay vì phải bán ra như trước đây.
Ở diễn biến khác, doanh thu của Tập đoàn Dabaco Việt Nam (DBC) của đại gia Nguyễn Như So trong quý II/2023 đã quay về vùng đỉnh lịch sử với 3.473 tỷ, tăng 17%. Lãi ròng 327 tỷ, gấp gần 22,9 lần cùng kỳ năm ngoái.
Dabaco cho biết, quý II năm nay, giá một số nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi trong nước và nhập khẩu giảm, dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm từng bước được kiểm soát, giá lợn hơi tăng dần, theo đó kết quả sản xuất kinh doanh của lĩnh vực thức ăn chăn nuôi và kết quả của các công ty chăn nuôi tốt hơn so với cùng kỳ năm trước.
Luỹ kế 6 tháng đầu năm 2023, doanh thu thuần đạt 5.787 tỷ đồng, tăng nhẹ gần 15 tỷ so với cùng kỳ. Do thua lỗ lớn quý 1/2023 nên Dabaco chỉ lãi sau thuế 6 tỷ đồng, chỉ bằng 1/4 số lãi ghi nhận cùng kỳ năm trước nhưng đã kịp giúp doanh nghiệp bù hết số lỗ quý I.
Là “ông lớn” trong ngành thép, Tập đoàn Hòa Phát (HPG) của tỷ phú Trần Đình Long những năm gần đây đẩy mạnh sang các lĩnh vực khác, trong đó có mảng chăn nuôi heo bắt đầu đầu tư từ năm 2015.
Dù là mảng phụ, song doanh thu - lợi nhuận từ việc chăn nuôi heo của HPG liên tục tăng mạnh và đạt đỉnh vào năm 2020. Dù vậy, kết thúc năm 2022, doanh thu mảng chăn nuôi của HPG giảm mạnh chỉ còn 6.758 tỷ, lợi nhuận đóng góp vỏn vẹn 62 tỷ đồng.
Đến 6 tháng đầu năm 2023, Tập đoàn xuất bán khoảng 170.000 heo hơi thương phẩm, hơn 32.000 heo giống 3M thương phẩm và heo giống hậu bị.
Riêng quý II/2023, doanh thu thuần Hoà Phát đạt 29.496 tỷ đồng, giảm 21% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế là 1.448 tỷ đồng, giảm 64% so với quý 2 năm ngoái và gấp 3,78 lần so với quý I/2023.
Trong đó, doanh thu từ nông nghiệp (chăn nuôi lợn, bò, gà, sản xuất thức ăn chăn nuôi…) chưa loại trừ giao dịch nội bộ khoảng 1.479 tỷ đồng giảm 13% so với cùng kỳ, chiếm 5% doanh thu. Lợi nhuận sau thuế mảng nông nghiệp chưa loại trừ giao dịch nội bộ đạt 54 tỷ đồng, gấp 4 lần so với quý II/2022. Hồi quý 1/2023, mảng nông nghiệp của HPG lỗ lớn nhất kể từ khi bắt đầu hoạt động với 117 tỷ đồng, cũng là quý lỗ thứ 2 liên tiếp.
Năm 2023, Hòa Phát dự kiến phát triển đàn cho cụm trại Long Hà (Bình Phước) vào hoạt động với quy mô 5.000 nái và gần 47.000 heo thịt trên lứa.
Một trường hợp khác là Công ty CP Thaiholdings (THD) - doanh nghiệp gắn liền với tên tuổi ông Nguyễn Đức Thụy (bầu Thụy) đã cùng công ty con (Thaigroup) đầu tư 600 tỷ đồng để hợp tác kinh doanh với Công ty CP Xuân Thiện Thanh Hóa 2 và Công ty CP Xuân Thiện Thanh Hóa 3, đầu tư dự án chăn nuôi heo và sản xuất heo giống công nghệ cao.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, Thaiholdings đạt doanh thu 1.319 tỷ đồng, giảm 51% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận trước thuế đạt hơn 151 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 100 tỷ đồng, giảm lần lượt là 54% và 65%.
Cuối năm 2018, Masan Group của tỷ phú Nguyễn Quang Đăng cũng gia nhập thị trường chăn nuôi heo với việc đẩy mạnh đầu tư chuỗi cung ứng - trang trại, nhà máy chế biến, chuỗi bán lẻ - và ra mắt thương hiệu thịt mát MEATLife. Mảng kinh doanh này của tập đoàn do Công ty Masan MEATLife, vận hành với trang trại nuôi heo kỹ thuật cao tại tỉnh Nghệ An - MML Farm Nghệ An - quy mô 223 ha, công suất 250.000 con heo hơi/năm.
Ghi nhận 6 tháng đầu năm 2023, Masan Meatlife lỗ trước thuế hơn 349 tỷ đồng và lỗ sau thuế hơn 347 tỷ đồng. Riêng quý II/2023, doanh thu thuần tăng 70% so với cùng kỳ năm trước, lên 1.703 tỷ đồng nhưng lỗ trước thuế 182 tỷ đồng và lỗ sau thuế 179 tỷ đồng.
Giá lợn hơi đã hồi phục mạnh trong quý II đặc biệt là tháng 5-6 vừa qua là cơ sở quan trọng để các đại gia nuôi heo kỳ vọng doanh thu và lợi nhuận cải thiện. Với diễn biến của tháng 7-8 thì giá thịt lợn hơi hiện vẫn đang neo vùng khá cao.
Ngoài ra phải kể đến việc xu hướng giá lợn hơi được kỳ vọng sẽ tiếp tục duy trì tích cực trong nửa sau của năm nay do xu hướng tái đàn tại Việt Nam và Trung Quốc sau dịch tả lợn châu Phi còn chậm, khiến nguồn cung sẽ chưa thể tăng ngay trở lại và giá lợn hơi có thể sẽ tăng tiếp hoặc ít nhất, khó lòng giảm sâu hơn nền giá hiện tại.
Giá thức ăn chăn nuôi hiện giảm sâu. Một yếu tố quan trọng nữa để kỳ vọng vào kết quả kinh doanh 6 tháng cuối năm là xu hướng giảm giá của nguyên vật liệu đầu vào như ngô, đậu tương, lúa mì… trên thị trường hàng hóa thế giới. Việc giá thức ăn chăn nuôi giảm giúp các doanh nghiệp chăn nuôi tiết giảm chi phí chăn nuôi từ đó tăng biên lãi gộp.
Nguồn: Cầm cự qua “cơn bĩ cực”, sức khỏe các đại gia chăn nuôi heo hiện ra sao?