Bảo đảm an toàn cho người, nhà ở và công trình xây dựng mùa mưa bão
Hà Nội sẵn sàng phương án thoát nước trong mùa mưa Mua bảo hiểm qua ngân hàng, khách "quay xe" hủy hợp đồng lên đến 73% |
1.000 trận thiên tai trong sáu tháng đầu năm
Báo cáo của Bộ Xây dựng cho biết, từ đầu năm 2023 đến nay, trên cả nước đã xảy ra 1.072 trận thiên tai thuộc 21/22 loại hình thiên tai (trừ sóng thần).
Theo Luật phòng chống thiên tai năm 2013, thiên tai là hiện tượng tự nhiên bất thường có thể gây thiệt hại về người, tài sản, môi trường, điều kiện sống và các hoạt động kinh tế-xã hội, bao gồm: bão, áp thấp nhiệt đới, lốc, sét, mưa lớn, lũ, lũ quét, ngập lụt, sạt lở đất do mưa lũ hoặc dòng chảy, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy, nước dâng, xâm nhập mặn, nắng nóng, hạn hán, rét hại, mưa đá, động đất và các loại thiên tai khác.
Trước thực tế trên, thực hiện Công điện số 591/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 29/6/2023 về tập trung khắc phục hậu quả sạt lở đất tại tỉnh Lâm Đồng (xảy ra trước đó cùng ngày) và chủ động ứng phó sạt lở trong mùa mưa lũ, Bộ Xây dựng vừa có công văn đề nghị UBND các tỉnh, thành phố đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đảm bảo an toàn cho người, nhà ở và công trình xây dựng trong mùa mưa bão năm 2023.
Theo đó, Bộ Xây dựng đề nghị các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến và yêu cầu người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống thiên tai ở địa phương theo 4 tài liệu hướng dẫn về: Nhà an toàn phòng, chống bão lũ; phân loại nhà an toàn; khuyến cáo lắp đặt bồn nước cho nhà và công trình; quy trình kiểm định các công trình anten thu phát sóng viễn thông, truyền thanh-truyền hình.
Bộ Xây dựng cũng đề nghị các địa phương rà soát, kiểm tra hệ thống tiêu thoát nước của khu vực đô thị nhằm bảo đảm việc chống ngập úng khi mưa, lũ; kiểm tra các biện pháp bảo đảm an toàn cho công trình đầu mối hạ tầng kỹ thuật, hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong đô thị; kiểm soát quy trình cắt tỉa cây xanh đô thị bảo đảm an toàn trong mùa mưa bão; bảo đảm an toàn điện và cung cấp nước sạch cho các vùng bị úng ngập.
từ đầu năm 2023 đến nay, trên cả nước đã xảy ra 1.072 trận thiên tai thuộc 21/22 loại hình thiên tai (trừ sóng thần). (Ảnh internet) |
Theo báo cáo mới đây của Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Trị, mưa dông kèm lốc, sét xảy ra ngày 9/7 đã làm 208 nhà bị tốc mái, 2 con gia súc bị chết, 100m3 đất đá bị sạt lở và một số thiệt hại khác.
Tại tỉnh An Giang, ngày 10/7, trên địa bàn huyện An Phú, tại vị trí sụt lún ngày 7/7 tiếp tục sụt lún với độ sâu khoảng 1,5-2m, vết nứt ăn sâu vào mép lộ nhựa khoảng 30-50cm. Hiện địa phương đã khảo sát chỉ đạo căng dây cảnh báo và lắp đặt biển báo cảnh báo cho người dân và tiếp tục theo dõi tình hình sụt lún để xử lý kịp thời khi có tình huống xảy ra.
Cũng theo Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai, từ đầu năm 2023 đến nay, trên cả nước đã xảy ra 3 trận mưa lớn, 21 trận dông lốc, 12 vụ sạt lở bờ sông, 78 trận động đất, 2 đợt rét hại và 12 đợt gió mạnh, sóng lớn trên biển. Thiên tai đã làm 7 người mất tích, ước thiệt hại kinh tế gần 25 tỷ đồng.
Đặc biệt, chỉ trong vòng 5 ngày (từ ngày 7 đến 11/7), Kon Tum xảy ra 31 trận động đất. Riêng ngày 7/7, địa phương này hứng chịu tổng cộng 14 trận động đất. Con số này do Trung tâm Báo tin động đất và cảnh báo sóng thần thống kê.
Động đất xảy ra tại huyện Kon Plông là động đất kích thích, xảy ra do hồ chứa thủy điện tích nước gây áp lực lên hệ thống đứt gãy hoạt động bên dưới, khiến động đất xảy ra sớm hơn so với quy luật tự nhiên.
Nâng cao chất lượng bản tin dự báo, cảnh báo sớm
Trước đó, Bộ TN&MT vừa ban hành Kế hoạch công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2023.
Theo đó, nhiệm vụ chung của Kế hoạch là triển khai, kiểm tra, giám sát việc thực thi Luật Khí tượng thủy văn, Luật Phòng, chống thiên tai và các văn bản hướng dẫn Luật. Tiếp tục rà soát các Nghị định, Thông tư, quy chuẩn kỹ thuật của Ngành Khí tượng Thủy văn để chỉnh sửa, bổ sung; triển khai Chiến lược phát triển ngành khí tượng thủy văn và các quy hoạch, đề án, dự án nhằm hiện đại hóa mạng lưới quan trắc khí tượng thủy văn và công nghệ dự báo.
Theo dõi chặt chẽ, dự báo, cảnh báo sớm, sát diễn biến các hiện tượng khí tượng thủy văn nguy hiểm đặc biệt là áp thấp nhiệt đới, bão, mưa lớn, lũ, lũ quét sạt lở đất, nắng nóng, hạn hán, xâm nhập mặn và các hiện tượng tai biến địa chất, sự cố ô nhiễm môi trường do thiên tai gây ra; cung cấp kịp thời các bản tin dự báo, cảnh báo cho các cơ quan, ban ngành Trung ương, địa phương phục vụ công tác chỉ đạo, phòng, chống.
Nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo thiên tai, trọng tâm là việc cảnh báo sớm; tiếp tục nghiên cứu cải tiến nội dung và hình thức các bản tin dự báo khí tượng thủy văn nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của cộng đồng.
Năm nay, Tuần lễ Quốc gia Phòng, chống thiên tai (từ ngày 15-22/5) được phát động với chủ đề “Từ ứng phó đến hành động sớm”. Sự kiện nhằm mục tiêu tăng cường thông tin truyền thông; nâng cao năng lực cộng đồng, nâng cao tinh thần, trách nhiệm của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương trong công tác phòng chống thiên tai; sẵn sàng các phương án ứng phó với thiên tai năm 2023.
Nguồn: Bảo đảm an toàn cho người, nhà ở và công trình xây dựng mùa mưa bão 2023