Chuyển động Năng lượng bền vững tuần qua: Đức kêu gọi thế giới kiên trì theo đuổi mục tiêu năng lượng tái tạo
Chuyển động Năng lượng bền vững tuần qua: Đầu tư cho năng lượng tái tạo tăng mạnh Chuyển động Năng lượng bền vững tuần qua: Ai Cập đặt mục tiêu sản xuất hydro xanh với chi phí thấp nhất toàn cầu |
Ảnh minh họa/ https://kinhtexaydung.petrotimes.vn |
Đức kêu gọi thế giới kiên trì theo đuổi mục tiêu năng lượng tái tạo
Thủ tướng Đức Olaf Scholz ngày 7/11 đã kêu gọi các đại biểu tham dự Hội nghị lần thứ 27 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP27) tại Sharm el-Sheikh, Ai Cập, không từ bỏ những mục tiêu về năng lượng tái tạo, bất chấp tác động của cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine.
Thủ tướng Scholz cho biết kinh tế Đức đã gặp nhiều khó khăn khi Nga hạn chế nguồn cung năng lượng và giá khí đốt tăng cao. Hiện Đức đang nỗ lực tìm kiếm nguồn cung thay thế khi đối mặt với nguy cơ thiếu khí đốt trong mùa đông. Giới chức nước này đã quyết định tái khởi động các nhà máy điện than “trong một thời gian ngắn”.
Theo Thủ tướng Scholz, ngoài việc giảm sử dụng than đá, Đức đang đầu tư hàng tỉ USD vào cơ sở hạ tầng để nhập khẩu khí đốt tự nhiên từ các nhà cung cấp mới, trong đó có Mỹ và Qatar. Berlin cũng tăng cường đầu tư các chương trình môi trường quốc tế, nâng tổng số tiền đầu tư lên 6 tỉ euro.
Ai Cập và Mỹ thảo luận về hợp tác năng lượng sạch
Bên lề Hội nghị lần thứ 27 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP27), Bộ trưởng Dầu mỏ và Tài nguyên khoáng sản Ai Cập Tarek El-Molla và Trợ lý Bộ trưởng Tài nguyên năng lượng Mỹ Geoffrey R. Pyatt ngày 9/11 đã thảo luận về những cơ hội hợp tác mới trong lĩnh vực năng lượng, đặc biệt là liên quan đến sử dụng và lưu trữ carbon, hydro xanh, sử dụng hiệu quả năng lượng và tái tạo năng lượng.
Trong một tuyên bố sau cuộc gặp, ông El-Molla đánh giá cao hợp tác hiệu quả của Bộ Dầu mỏ và Tài nguyên khoáng sản Ai Cập với các công ty và tổ chức của Mỹ hoạt động tại Ai Cập, bao gồm Phòng Thương mại Mỹ tại Ai Cập.
Về phần mình, ông Pyatt cho biết Ai Cập có những yếu tố cần thiết để trở thành một trung tâm năng lượng của khu vực, tập trung vào cung cấp khí đốt tự nhiên và năng lượng điện cho các nước láng giềng, đồng thời thúc đẩy đầu tư vào sản xuất hydro xanh.
Thụy Sĩ thông qua kế hoạch sử dụng máy phát điện khẩn cấp cho mùa đông
Ngày 9/11, đài truyền hình quốc gia Thụy Sĩ (RTS) đưa tin chính phủ nước này đã thông qua kế hoạch sử dụng các máy phát điện khẩn cấp để đảm bảo nguồn cung năng lượng trong mùa Đông này. Ngoài ra, nước này cũng đang xem xét kế hoạch xây dựng các bể chứa khí tự nhiên để tránh nguy cơ xảy ra khủng hoảng năng lượng.
Theo RTS, máy phát điện thường được sử dụng để cung cấp điện cho các máy bơm nước uống hoặc các trung tâm máy tính trong trường hợp mạng lưới điện công cộng gặp sự cố. Trước khi đưa ra quyết định trên, Thụy Sĩ cũng đã áp dụng một số giải pháp đảm bảo nguồn cung năng lượng, trong đó có dự trữ thủy điện, tăng công suất của mạng lưới truyền tải điện, thiết lập cơ chế giải cứu các công ty điện quan trọng.
Kết quả cuộc khảo sát gần đây do Credit Suisse tiến hành cho thấy 1/10 số công ty ở Thụy Sĩ đã cắt giảm sản lượng do giá điện tăng cao, trước nguy cơ thiếu hụt năng lượng vào mùa Đông. Cũng theo cuộc khảo sát trên, biện pháp phổ biến nhất mà các công ty Thụy Sĩ đang áp dụng để đảm bảo nguồn cung năng lượng là giảm tiêu thụ năng lượng, tiếp đến là mua các máy phát điện khẩn cấp và pin và lắp đặt các tấm pin năng lượng mặt trời.
9 quốc gia mới tham gia Liên minh điện gió ngoài khơi toàn cầu
Tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc năm 2022 (COP27), 9 quốc gia Bỉ, Colombia, Đức, Ireland, Nhật Bản, Hà Lan, Na Uy, Anh và Mỹ đã tham gia Liên minh điện gió ngoài khơi toàn cầu (GOWA), cam kết tăng cường phát triển điện gió ngoài khơi nhanh chóng.
Các quốc gia tham gia GOWA đã đồng ý hợp tác để thúc đẩy các tham vọng toàn cầu và xóa bỏ các rào cản đối với việc triển khai điện gió ngoài khơi tại các thị trường mới và hiện tại. Mục tiêu của GOWA là góp phần giúp thế giới đạt được tổng công suất điện gió ngoài khơi toàn cầu tối thiểu 380GW (Gigawatt) vào năm 2030, trung bình 35GW mỗi năm trong những năm 2020 và tối thiểu 70GW mỗi năm từ năm 2030, đạt đỉnh 2.000GW vào năm 2050.
Hiện nay, điện gió ngoài khơi có thể được triển khai ở quy mô lớn với chi phí cạnh tranh và trong một khung thời gian ngắn. Đây là một lộ trình nhanh chóng và khả thi để thu hẹp khoảng cách ngày càng tăng giữa các mục tiêu phát triển năng lượng tái tạo và tốc độ thực hiện hiện tại.
Năng lượng tái tạo giúp ổn định kinh tế và giải quyết lạm phát
Theo Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Christian Lagarde, việc chuyển sang các nguồn năng lượng sạch hơn sẽ giúp giảm nguy cơ giá năng lượng tăng vọt. Bà Lagarde chỉ ra rằng: “Giá năng lượng tăng cao cho thấy chúng ta phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch như thế nào và dễ bị ảnh hưởng ra sao”.
Chủ tịch ECB nêu rõ việc chuyển sang các nguồn năng lượng tái tạo, như điện gió hoặc điện mặt trời, cũng sẽ giúp đưa đến tỷ lệ lạm phát thấp và ổn định hơn cũng như cải thiện nền kinh tế.
Giá nhiên liệu hóa thạch đã tăng vọt kể từ khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra từ cuối tháng 2 năm nay. Điều này đặc biệt tác động xấu đến châu Âu, khu vực vốn nhập khẩu lượng lớn khí đốt qua các đường ống từ Nga trong nhiều năm qua. Mới đây, Chủ tịch ECB Lagarde cho rằng tác động của xung đột Nga-Ukraine và giá năng lượng tăng cao sẽ khiến kinh tế Eurozone suy thoái nhẹ vào khoảng cuối năm nay và đầu năm sau.
Pháp sẽ đầu tư 1 tỉ euro hỗ trợ chuyển đổi năng lượng dài hạn tại Nam châu Phi
Tại Hội nghị về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc (COP27), Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nhấn mạnh châu Âu và Pháp cam kết sẽ tuân thủ mục tiêu cắt giảm 55% lượng khí thải nhà kính vào năm 2030; đồng thời kêu gọi các quốc gia tiếp tục tuân thủ cam kết theo Thỏa thuận Paris năm 2015 và tại Hội nghị COP26.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã đưa ra một số “đề xuất công bằng khí hậu” để giúp các nước châu Phi và các nước có mức thu nhập trung bình huy động được các nguồn vốn quốc tế cho các dự án khí hậu gồm: thay đổi các quy tắc quốc tế về chuyển đổi nguồn vốn đa phương; hình thành các dự án chính trị và tài chính chung để phát triển các khu vực dự trữ sinh quyển.
Đáng chú ý, Pháp cho biết sẽ hỗ trợ các quốc gia đang phát triển hướng tới các nguồn năng lượng tái tạo và dừng sử dụng than đá. Cụ thể, Pháp sẽ đầu tư 1 tỉ euro trong khuôn khổ chương trình đối tác chuyển đổi năng lượng dài hạn tại khu vực Nam châu Phi. Đây là dự án do Đức đề xuất với quy mô tài chính lên đến 8,5 tỉ euro.
Khu vực Nam Mỹ ráo riết phát triển năng lượng sạch
Cuộc đua phát triển các nguồn năng lượng sạch đang được chính phủ một số nước ở khu vực Nam Mỹ thúc đẩy ráo riết, điển hình là Argentina và Brazil.
Chính phủ Argentina sẽ trình Quốc hội dự luật thúc đẩy sản xuất hydro, trong đó tập trung đầu tư cho năng lượng sạch trong 30 năm tới. Hiện nước này đang có một dự án hợp tác với Australia phát triển hydro xanh, mang tên Pampas, tổng vốn đầu tư khoảng 8,4 tỷ USD.
Tại Brazil, tập đoàn dầu khí quốc gia Petrobras cũng vừa công bố một loạt dự án khử carbon với mục tiêu cắt giảm phát thải tương đương gần 1 triệu tấn khí CO2 mỗi năm. Tập đoàn sẽ đầu tư 2,8 tỷ USD vào các dự án giảm thiểu khí thải trong 5 năm tới, trong đó có 248 triệu USD tài trợ cho quỹ phát triển giải pháp đổi mới và giải pháp carbon thấp trong ngành công nghiệp dầu mỏ.