[COP28] Nhiều quốc gia thể hiện tinh thần, trách nhiệm trong ứng phó biến đổi khí hậu
Nhiều hiến kế giúp Việt Nam đạt Net Zero COP28: Nhiều quốc gia muốn học hỏi kinh nghiệm của Việt Nam trong ứng phó biến đổi khí hậu |
Theo đó, ngay trong ngày khai mạc Hội nghị lần thứ 28 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc (COP 28), nước chủ nhà Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) cam kết chi 200 triệu USD giúp các nước thu nhập thấp và dễ bị tổn thương nâng cao khả năng chống chịu với tác động của biến đổi khí hậu.
Cam kết được đưa ra dưới hình thức Quyền rút vốn đặc biệt, thông qua với Quỹ tín thác bền vững và khả năng phục hồi của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Đây là một quỹ tín thác do IMF quản lý và cung cấp nguồn tài trợ ưu đãi dài hạn cho khả năng phục hồi khí hậu và chuẩn bị ứng phó với đại dịch. RST hỗ trợ các nền kinh tế có thu nhập thấp và trung bình cũng như các quốc gia dễ bị tổn thương trước tác động của biến đổi khí hậu.
Hạn hán do biến đổi khí hậu khiến sản lượng lương thực giảm mạnh. |
UAE cũng đã công bố cam kết 30 tỷ USD vốn dành cho công cụ đầu tư vì khí hậu mới có tên ALTÉRRA nhằm thúc đẩy các nỗ lực quốc tế xây dựng một hệ thống tài chính khí hậu công bằng hơn, tập trung vào việc cải thiện khả năng tiếp cận nguồn tài trợ cho các nước Nam toàn cầu. Với cam kết này, ALTÉRRA trở thành công cụ đầu tư tư nhân lớn nhất thế giới cho hành động biến đổi khí hậu và sẽ tới huy động 250 tỷ USD trên toàn cầu vào năm 2030. Công cụ này nhằm mục đích thúc đẩy các thị trường tư nhân đầu tư vào khí hậu và tập trung vào chuyển đổi các thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển, nơi đang thiếu các nhà đầu tư truyền thống.
Nguồn tài chính cho hành động khí hậu hiện không có sẵn, không thể tiếp cận hoặc đủ khả năng chi trả khi cần thiết. Đến năm 2030, các thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển sẽ cần 2,4 nghìn tỷ USD mỗi năm để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu. Đó là lý do tại sao COP28 coi việc giải quyết vấn đề tài chính cho khí hậu trở thành trụ cột chính trong Chương trình hành động của mình và đã nỗ lực đưa ra các giải pháp đầy tham vọng, bao gồm huy động thị trường tư nhân trên quy mô lớn.
Diễn đàn Khí hậu Kinh doanh và Từ thiện, nền tảng gắn kết khu vực tư nhân của COP28 đã ra thông báo về một loạt sáng kiến biến đổi khí hậu và thiên nhiên, cam kết huy động 5 tỷ USD tài trợ chung. Ba tổ chức Quỹ Khí hậu Xanh, Đối tác Khí hậu Đồng minh và Nhà đầu tư Toàn cầu Allianz sẽ cùng nhau huy động nguồn tiền này từ cộng đồng và khối tư nhân với mục tiêu dài hạn lên tới 20 tỷ USD cho thúc đẩy hành động về khí hậu và thiên nhiên.
Quỹ Khí hậu Sequoia công bố nguồn tài trợ mới cho việc xử lý các chất siêu ô nhiễm trị giá 450 triệu USD, hợp tác với Global Methane Hub và các Tổ chức từ thiện khác. Nguồn tài trợ này sẽ giúp các quốc gia kết hợp tất cả các khí nhà kính không phải CO2 vào các mục tiêu Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) mới đến năm 2035 và tận dụng các nguồn lực bổ sung để tăng gấp 3 nguồn tài trợ khí hậu trong hạng mục này vào năm 2030.
Với sự ký kết của 123 quốc gia, Tuyên bố thừa nhận sự cần thiết trong việc bảo vệ cộng đồng và chuẩn bị hệ thống chăm sóc sức khỏe để đối phó với các tác động sức khỏe liên quan đến khí hậu cực đoan như nắng nóng, ô nhiễm không khí và các bệnh truyền nhiễm. Các bên tham gia thừa nhận tài chính là một vấn đề quan trọng nhằm thúc đẩy tuyên bố. Theo đó, một loạt cam kết tài chính mới về khí hậu và sức khỏe đã được đưa ra để hỗ trợ các cam kết chính trị này, bao gồm cam kết 300 triệu USD của Quỹ Toàn cầu để chuẩn bị hệ thống y tế, 100 triệu USD của Quỹ Rockefeller để mở rộng các giải pháp về khí hậu và sức khỏe và cam kết tài chính trị giá 54 triệu bảng Anh (khoảng 68,5 triệu USD) của chính phủ Anh.
Trong Hội nghị Thượng đỉnh về Hành động vì Khí hậu Thế giới (trong khuôn khổ COP28), nhiều đối tác đã trình bày một loạt sáng kiến mới và đầy tham vọng với khoản tài chính khí hậu ban đầu trị giá 1,7 tỷ USD để đáp ứng đồng thời các mục tiêu về khí hậu và đa dạng sinh học. UAE cam kết đóng góp 100 triệu USD tài chính mới cho các dự án về khí hậu - tự nhiên, với khoản đầu tư ban đầu 30 triệu USD vào kế hoạch 'Ghana kiên cường' của chính phủ Ghana.
Theo Chủ tịch COP28, để giải quyết vấn đề tài chính khí hậu, phải tận dụng kiến thức, nguồn lực và sức mạnh của khu vực tư nhân để đảm bảo nguồn tài trợ cần thiết cho những người có nhu cầu, đặc biệt là ở Nam bán cầu. COP 28 cam kết huy động nguồn vốn từ nhiều nguồn để đáp ứng hàng nghìn tỷ USD cần thiết nhằm giảm lượng khí thải để tất cả chúng ta có thể hướng tới một quá trình chuyển đổi công bằng, có trật tự.
Hội nghị lần thứ 28 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc (COP 28) diễn ra từ ngày 30/11 đến hết ngày 12/12 tại Dubai (Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất – UAE). |
Nguồn:[COP28] Nhiều quốc gia thể hiện tinh thần, trách nhiệm trong ứng phó biến đổi khí hậu