Đắk Lắk: Giữ hồn bến nước
Đắk Lắk: Đi qua miền thân thiện Tiền Giang: Khấm khá nhờ nuôi cá, trồng dừa Mã Lai |
Rừng, ai cũng hiểu đó chính là đại ngàn, nơi có thảm thực vật và động vật, có sông, suối, ao hồ; làng là nơi quần cư của một nhóm hộ gia đình cùng thị tộc (hoặc bào tộc theo cách ghi nhận của một nhà dân tộc học người Pháp từng nghiên cứu về tộc người Êđê). Rừng và làng vừa tách rời nhau vừa tồn tại trong nhau, làng ở trong rừng và rừng hiện diện trong làng qua các vật thể được khai thác, chế tác… từ rừng. Với đồng bào Êđê (cũng như các dân tộc bản địa khác ở Tây Nguyên), trong không gian văn hóa riêng có của họ thì bến nước là một thành tố hiện hữu quan trọng, không chỉ trong đời sống thực dụng mà cả trong chiều sâu văn hóa, tâm linh.
Dấu gạch nối giữa rừng và buôn làng
Khác với những thành tố văn hóa vật thể khác như nhà dài (hoặc nhà rông phía bắc Tây Nguyên), tượng nhà mồ, vật dụng sinh hoạt (gùi, xà gạc, ghế kpan…), bến nước là một thực thể mang tính nước đôi/phân lập. Bến nước không hẳn thuộc về làng, nó chỉ là điểm cuối gom nước tập trung vào một nơi chốn để con người sinh hoạt. Và nước thì luôn chảy từ những con suối xa tận trong rừng sâu. Tuy vậy, bến nước cũng không hẳn thuộc về rừng, nó sinh ra và gắn bó với rừng nhưng lại là nơi con người tạo dựng, sử dụng và bảo vệ.
Vào thập kỷ cuối cùng của thế kỷ 20, tôi đã từng đi qua rất nhiều buôn làng của người Êđê, từ các huyện vùng sâu, vùng xa như Krông Bông, Lắk, Krông Năng… đến các huyện gần trung tâm như Krông Ana, Cư M’gar... Hình ảnh ghi nhận được là mỗi buôn làng Êđê đều có riêng ít nhất một bến nước, nước được dẫn từ suối sâu trong rừng nên đó là nguồn nước sạch, dùng để nuôi sống buôn làng. Cấu trúc của các bến nước khá giống nhau, đó là một vị trí quang đãng, thuận tiện nằm ở cuối các con suối. Tại đây, người ta sử dụng đất, đá, gỗ làm thành chiếc đập nhỏ ngăn dòng suối lại, nước của dòng suối bị chặn sẽ dâng lên rồi chảy vào các ống dẫn làm bằng những ống tre lồ ô có đường kính lớn. Nếu vì lý do nào đó mà nguồn nước chưa đảm bảo đủ độ trong, sạch, người ta sẽ làm thêm dàn ống nứa ngang mặt nước, hứng nước từ các ống tre rồi tiếp tục chảy xuống. Cách “vận hành” này rất thông minh bởi những vật thể lớn như cành cây, lá rụng trôi theo dòng nước sẽ bị các ống tre giữ lại, các vật thể nhỏ hơn cũng được các ống nứa ngăn lại hoặc rơi xuống, kết quả nguồn nước cuối cùng đảm bảo độ trong sạch cao nhất.
Bến nước là nguồn sống, điểm sinh hoạt chung của cộng đồng người dân tộc Êđê. Ảnh: Hữu Hùng |
Nguồn sống và nơi giao lưu văn hóa cộng đồng
Trong đời sống đồng bào Êđê, bến nước là nguồn sống cơ bản. Bến nước là nơi người ta hứng và gùi về những giọt nước tinh sạch, thoáng khí dùng trong sinh hoạt như nấu nướng, chế biến thực phẩm. Chỉ nước lấy ở bến nước khi đổ vào các ghè rượu cần mới thì mới cho ra loại rượu ngon nhất, thấm đẫm “hồn rừng” nhất. Tôi còn nhớ, lần nào đó đi công tác, do đêm đã khuya, khi thưởng thức rượu cần chúng tôi đã phải dùng đến loại nước đóng chai. Rút cuộc, rượu cần, theo nhận xét của nhiều người, đã mất hẳn đi hương vị núi rừng.
Bến nước, trong cấu trúc văn hóa buôn làng còn là nơi gặp gỡ, giao lưu giữa các thành viên trong gia đình, cộng đồng. Mỗi buổi sáng tinh mơ hay buổi chiều sau ngày lên nương rẫy, con đường dẫn ra bến nước luôn rậm rịch bước chân già có, trẻ có, phụ nữ lẫn đàn ông, nam thanh nữ tú. Để rồi, sau đó, tốp năm, tốp ba cùng tắm giặt, chơi đùa dưới dòng nước mát lạnh. Sau một ngày sinh hoạt mệt nhọc, đây là giờ phút thư giãn, tất cả tùy vào tuổi tác, giới tính… cùng nhau trò chuyện rôm rả. Đề tài được mở ra bất tận, từ thời tiết đến mùa màng, từ việc chuẩn bị lễ cúng các thần linh đến chuyện tình cảm của các đôi trai gái mới lớn.
Là nguồn sống, điểm sinh hoạt chung của cộng đồng nên bến nước được người Êđê rất coi trọng và bảo vệ. Với họ, nguồn nước sạch không chỉ góp phần làm nên môi trường tốt, mang lại sức khỏe, che chở buôn làng tránh được bệnh tật, tai họa mà còn làm nên mùa màng bội thu, đem lại của cải, no ấm cho cả cộng đồng. Vì lẽ đó mà thần bến nước cũng như Lễ cúng bến nước là một trong những tín ngưỡng và thực hành nghi lễ văn hóa dân gian quan trọng trong đời sống của đồng bào Êđê.
Thiếu nữ Êđê bên bến nước. Ảnh: Hữu Hùng |
Giữ hồn bến nước
Cuộc sống hiện đại luôn có xu hướng phai nhạt dần các yếu tố văn hóa truyền thống. Nhiều vùng nông thôn khi đã đô thị hóa thì ngay cả không gian sống của mỗi gia đình cũng bị thu hẹp huống hồ quỹ đất dành cho những “thiết chế” văn hóa như bến nước là điều rất khó. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn nhiều buôn làng giữ được, điển hình như bến nước buôn Ju ở xã Ea Tu (TP. Buôn Ma Thuột) hay như bến nước Đăm Di ở buôn Sah A, xã Ea Tul (huyện Cư M’gar)... Một vài buôn làng, để giữ bến nước thích nghi với quá trình đô thị hóa đã xây dựng bến nước kiên cố bằng vật liệu bê tông, xi măng, gạch đá.
Muốn giữ được bến nước, ngoài việc lưu ý dành diện tích đất trong quá trình đô thị hóa thì điều quan trọng nữa là giữ được rừng đầu nguồn, nơi che chở, hình thành các mạch nước ngầm. Những năm gần đây, chính quyền địa phương ở nhiều nơi trong tỉnh đã thực sự quan tâm đến vấn đề này bằng các chủ trương như thu hồi diện tích đất quanh các bến nước nhằm mở rộng diện tích rừng đầu nguồn và đồng thời đầu tư, tôn tạo, phục dựng các bến nước. Thực sự đó là những tín hiệu tốt trong việc giữ gìn các bến nước như giữ gìn một phần hồn cốt văn hóa của đồng bào Êđê nói riêng và Tây Nguyên nói chung.