Đắk Lắk: Nỗ lực phát triển “tam nông” trong thời kỳ mới ở M"Drắk
Đắk Lắk: Phong vị không gian văn hóa đô thị Buôn Ma Thuột Đắk Lắk: Thêm nhiều hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp |
M'Drắk là huyện có địa bàn rộng, với nhiều đồi núi. Ngoài lợi thế về tài nguyên rừng dồi dào vào hàng bậc nhất của tỉnh, còn có những đồng cỏ lớn thuận tiện cho chăn nuôi đại gia súc, nhưng do đất đai kém màu mỡ nên sản xuất nông nghiệp của huyện gặp nhiều khó khăn hơn so với những địa phương khác. Tuy nhiên, với sự quan tâm và coi trọng vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Huyện ủy, UBND huyện đã xây dựng và triển khai các chương trình, kế hoạch để cụ thể hóa các nghị quyết của Đảng, nhất là thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 5/8/2008 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Nhờ đó, nông nghiệp địa phương tiếp tục phát triển cả về quy mô và trình độ sản xuất, duy trì tăng trưởng ở mức khá cao, khẳng định vị thế quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ cây ngắn ngày sang cây ăn quả đang được thực hiện có hiệu quả trên địa bàn huyện M'Drắk. (Trong ảnh: Vườn vải của người dân ở xã Cư Króa). |
Những năm qua, sản xuất nông, lâm nghiệp và kinh tế nông thôn của huyện M'Dắk tiếp tục phát triển, đời sống của nông dân từng bước được cải thiện và nâng lên, góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế và ổn định chính trị - xã hội của địa phương. Cụ thể, giai đoạn 2011 - 2014, tăng trưởng của ngành nông nghiệp bình quân 9,7%; giai đoạn 2015 - 2020 là 11,7%; giai đoạn 2021 - 2022, tăng trưởng bình quân 14,4%.Đáng chú ý, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường ngày càng được quan tâm đầu tư có hiệu quả. Cơ cấu cây trồng, vật nuôi chuyển dịch theo hướng thâm canh, tăng vụ, gắn với sản xuất hàng hóa. Đặc biệt giai đoạn 2016 - 2022, các thành phần kinh tế hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp đẩy mạnh phát triển sản xuất theo hướng hữu cơ, VietGAP, liên kết chuỗi. Hiện nay, huyện đã có 2 hợp tác xã, 1 doanh nghiệp có chứng nhận VietGAP; 1 sản phẩm trái cây đạt chứng nhận OCOP cấp tỉnh… Đối với lâm nghiệp, phát triển rừng trồng là thế mạnh của huyện. Đến nay huyện M'Drắk đã có khoảng 28.000 ha rừng trồng. Đây cũng là nguồn nguyên liệu cho các nhà máy hoạt động trong lĩnh vực chế biến gỗ đứng trên địa bàn. Địa phương đã hình thành được các chuỗi trồng rừng gắn liền với chế biến, xuất khẩu gỗ mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Kinh tế phát triển, đời sống nhân dân cũng được nâng lên đáng kể. Cùng với đó là nhiều chương trình mục tiêu quốc gia được đầu tư, hỗ trợ nhân dân trên địa bàn như: xây dựng nông thôn mới; giảm nghèo bền vững; Chương trình 135, 30a; Chương trình dân tộc miền núi... đã góp phần đưa đời sống vật chất, văn hóa tinh thần của nông dân chuyển biến khởi sắc, thu nhập bình quân tăng. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 5 - 6%/năm; giá trị sản xuất bình quân đầu người năm 2022 đạt trên 134 triệu đồng. Chất lượng giáo dục được nâng cao, cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học được quan tâm chú trọng đầu tư ngày một tốt hơn. Hệ thống mạng Intenet, công nghệ thông tin ngày càng được sử dụng phổ biến, người dân dần thay đổi thói quen, áp dụng công nghệ vào sản xuất. Do vậy trình độ dân trí, trình độ sản xuất của nông dân ngày càng được nâng lên.
Phát triển rừng trồng trên địa bàn huyện M'Drắk đang mang lại hiệu quả kinh tế cao cho vùng nông thôn. |
Cùng với đó, bộ mặt nông thôn trên địa bàn huyện có nhiều chuyển biến rõ rệt, nhất là cơ sở vật chất, hạ tầng giao thông được đầu tư nâng cấp bảo đảm lưu thông qua lại từ thôn, buôn đến huyện, xã được dễ dàng, thuận tiện. Mạng lưới giáo dục, y tế được quan tâm đầu tư phát triển; nhiều nhà văn hóa, trung tâm sinh hoạt cộng đồng, điểm vui chơi được đầu tư xây dựng, bộ mặt nông thôn ngày một khang trang, sạch đẹp. Tính đến tháng 3/2023, toàn huyện đạt 144/228 tiêu chí nông thôn mới, bình quân đạt 12 tiêu chí/xã, trong đó có hai xã (Ea Pil và Ea Riêng) đạt chuẩn nông thôn mới; các xã còn lại đạt từ 8 - 13 tiêu chí và không còn xã dưới 5 tiêu chí.
Theo đánh giá của Ban Thường vụ Huyện ủy M'Drắk, bên cạnh những thành tựu đạt được, quá trình thực hiện “tam nông” trên địa bàn huyện vẫn còn tồn tại những hạn chế, yếu kém như: nông nghiệp phát triển còn thiếu bền vững, tổ chức sản xuất, kinh doanh chủ yếu vẫn dựa vào nông hộ nhỏ, thiếu liên kết; chất lượng, hiệu quả hoạt động của khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã chưa cao. Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã có nhiều chuyển biến tích cực, tuy nhiên việc sử dụng lao động tại chỗ sau đào tạo nghề còn hạn chế…
Để phát huy những kết quả đạt được cũng như khắc phục những hạn chế, khó khăn, Huyện ủy đã xây dựng Chương trình thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn huyện M’Drắk. Theo đó, tầm nhìn của huyện về “tam nông” là nông dân và cư dân nông thôn văn minh, phát triển toàn diện, có thu nhập cao. Nông nghiệp sinh thái, sản xuất hàng hóa quy mô lớn, có giá trị gia tăng cao, gắn kết chặt chẽ với thị trường trong và ngoài nước, công nghiệp chế biến và bảo quản nông sản hiện đại. Nông thôn hiện đại, có điều kiện sống tiệm cận với đô thị, môi trường sống xanh, sạch, đẹp, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm vững chắc. Để đạt được mục tiêu này, huyện đã xác định các nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm, gồm: nâng cao vai trò, vị thế, năng lực làm chủ, cải thiện toàn diện đời sống vật chất, tinh thần của nông dân và cư dân nông thôn; phát triển nền nông nghiệp hiệu quả, bền vững theo hướng sinh thái, ứng dụng khoa học - công nghệ tiên tiến, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng; phát triển mạnh công nghiệp, dịch vụ, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm tại chỗ cho lao động nông thôn; xây dựng nông thôn theo hướng hiện đại gắn với đô thị hóa; đào tạo nhân lực nông nghiệp, nông thôn; chủ động hội nhập, hợp tác quốc tế, mở rộng thị trường, thu hút nguồn lực và đẩy mạnh chuyển giao khoa học - công nghệ…
Mục tiêu đến năm 2030, huyện M'Drắk phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng chung toàn ngành nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản đạt 6,9%; số xã đạt chuẩn nông thôn mới khoảng 75%; tỷ lệ hộ nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt từ 98% trở lên; cơ bản không còn xã đặc biệt khó khăn, giảm nghèo theo hướng nhanh và bền vững, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của người nghèo…
Mục tiêu đến năm 2030, huyện M'Drắk phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng chung toàn ngành nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản đạt 6,9%; số xã đạt chuẩn nông thôn mới khoảng 75%; tỷ lệ hộ nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt từ 98% trở lên; cơ bản không còn xã đặc biệt khó khăn, giảm nghèo theo hướng nhanh và bền vững, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của người nghèo… |
Nguồn: Nỗ lực phát triển “tam nông” trong thời kỳ mới ở M'Drắk