Đắk Lắk: "Sống xanh", hạn chế rác thải nhựa
Đắk Lắk: Du lịch cần khai thác trải nghiệm văn hóa bản địa Đắk Lắk: Quyền lợi của người dân sẽ được bảo đảm |
Chính quyền hành động
UBND tỉnh đã ban hành văn bản chỉ đạo thực hiện Chỉ thị số 33/CT-TTg ngày 20/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa với những mục tiêu, giải pháp cụ thể; tuyên truyền, vận động, kêu gọi cộng đồng thay đổi hành vi, thói quen sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, túi nilon khó phân hủy, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, bảo vệ sức khỏe con người và hệ sinh thái.
Theo đó, nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương đã thay đổi thói quen sử dụng nước uống đóng chai, ống hút, chén, dĩa và các vật dụng bằng nhựa dùng một lần trong công sở và khi tổ chức các hội nghị, tiếp khách. Cụ thể, đã chuyển đổi sang tự đun nấu nước hoặc dùng các vật dụng tái sử dụng nhiều lần, các sản phẩm thân thiện môi trường như: ly và bình thủy tinh, bình nước loại lớn và tái sử dụng nhiều lần...
Túi nilon được sử dụng phổ biến để chứa đựng hàng hóa. |
Nhiều sở, ban, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội và chính quyền các địa phương trên địa bàn tỉnh đã đưa phong trào “Chống rác thải nhựa” vào quy chế hoạt động, bình xét thi đua; chỉ đạo các đơn vị trực thuộc nghiêm túc thực hiện cam kết không sử dụng bao bì nilon, sản phẩm nhựa khó phân hủy, sản phẩm nhựa sử dụng một lần trong hoạt động của cơ quan, đơn vị; tuyên truyền, vận động cán bộ, công chức và cộng đồng tham gia hưởng ứng phong trào “Nói không với bao bì nilon và sản phẩm nhựa sử dụng một lần”, thu gom, phân loại rác thải nhựa để tái chế…
Tại thị xã Buôn Hồ, từ nhiều năm nay, tại các hội nghị và cả hoạt động của các phòng, ban trực thuộc UBND, Thị ủy đã không còn xuất hiện những chai nước nhựa dùng một lần mà thay vào đó là nước uống được chứa trong các chai thủy tinh. Không chỉ thế, thay vì đặt maket in bằng tấm nhựa thì nay các hội nghị đã sử dụng maket điện tử. Cán bộ, đảng viên trong các đơn vị đã đặc biệt chú trọng đến việc hạn chế sử dụng túi nilon trong các hoạt động, sinh hoạt hằng ngày; đồng thời, hưởng ứng tích cực việc phân loại rác thải tại nhà. Đoàn viên thanh niên là lực lượng xung phong đi đầu trong phong trào “Chống rác thải nhựa” từ việc không sử dụng nước uống đóng chai và ống hút nhựa trong các cuộc họp; đến xây dựng nhiều sân chơi cho trẻ em với vật dụng được tái chế từ lốp xe, xây dựng các con đường bích họa và đường hoa thanh niên, thu gom rác thải để bảo vệ môi trường. Trong các chương trình, phong trào hoạt động của tổ chức Đoàn cũng thường gắn với việc tuyên truyền đoàn viên thanh niên và nhân dân nói không với rác thải nhựa, sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường...
Thói quen cần thay đổi
Hiện nay, rất nhiều các sản phẩm làm từ nhựa mang lại nhiều tiện ích, giá cả lại rẻ nên được nhiều người ưa chuộng và sử dụng phổ biến. Trung bình mỗi ngày, một gia đình thải ra môi trường từ 5 – 10 chiếc túi nilon và chai lọ nhựa, thậm chí là nhiều hơn bởi khi đi chợ, mua hàng hóa dù bất cứ thứ gì cũng đều được đựng trong những chiếc túi nilon, có những thực phẩm được bọc từ 2 - 3 túi. Cùng với đó, rất nhiều nơi bán hàng, nhất là các quán ăn uống đều sử dụng rất nhiều sản phẩm nhựa, như túi nilon, ly, thìa, ống hút nhựa. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết những sản phẩm nhựa này có đặc tính khó phân hủy, một chai nhựa đựng nước uống có thể tồn tại trong lòng đất đến 10 thế kỷ mà không bị phân hủy. Hơn thế nữa, nó để lại nhiều hậu quả vô cùng to lớn và lâu dài cho sức khỏe con người và hệ sinh thái.
Đoàn viên thanh niên làm khu vui chơi từ vật liệu tái chế cho thiếu nhi xã Tân Tiến, huyện Krông Pắc. Ảnh:Vân Anh |
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, một vấn đề đáng quan tâm là rác thải sinh hoạt phát sinh chưa được phân loại tại nguồn và thu gom, xử lý hợp vệ sinh. Khối lượng rác thải khu vực nông thôn, đặc biệt là các vùng sâu, vùng xa được thu gom, xử lý đạt tỷ lệ thấp, hầu hết rác thải sinh hoạt phát sinh hiện nay vẫn được người dân tự xử lý bằng hình thức thủ công là đốt hoặc chôn lấp sau khuôn viên vườn nhà vì không có dịch vụ thu gom. Toàn tỉnh hiện chỉ mới có trên 52% xã, phường có dịch vụ thu gom rác thải. Trong năm 2022, khối lượng chất thải rắn sinh hoạt đô thị được thu gom, xử lý 469,82 tấn/ngày (đạt 90,7%); khối lượng chất thải rắn sinh hoạt nông thôn được thu gom, xử lý chỉ 216,58 tấn/ngày (đạt 24,2%). Mặt khác, dù có đến 49 cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt với tổng diện tích hơn 107 ha nhưng chỉ có 2 bãi chôn lấp hợp vệ sinh; còn lại hầu hết các bãi chôn lấp tập trung, xử lý chất thải rắn trên địa bàn các huyện, xã vẫn chưa được đầu tư xây dựng theo đúng tiêu chuẩn, tiềm ẩn nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường cho chính khu vực bãi chôn lấp và các khu vực lân cận xung quanh bãi chôn lấp.
Do đó, các ngành chức năng cần tăng cường vận động, tuyên truyền, khuyến cáo các cơ sở sản xuất, kinh doanh, buôn bán nhỏ thay đổi thói quen sử dụng các sản phẩm nhựa tiện dụng, túi nilon dùng một lần. Ngoài hành động của chính quyền các cấp, mỗi người dân, mỗi đơn vị chỉ cần ý thức, thay đổi thói quen một chút thôi thì chúng ta sẽ cùng chung tay hạn chế được rất nhiều rác thải nhựa.
Nguồn: "Sống xanh", hạn chế rác thải nhựa