Đắk Lắk: Thời tiết bất lợi, nông dân trồng mía gặp khó
Đắk Lắk: Du lịch sẵn sàng trước ngày mở hội Đắk Lắk: Phát triển TP. Buôn Ma Thuột khai thác nguồn lực từ cơ chế đặc thù |
Thời điểm này, trên những ruộng mía ở huyện Ea Kar, người dân đang tất bật thu hoạch mía.
Năm nay, gia đình ông Phan Văn Phủ (thôn An Bình, xã Ea Tih) có 22 ha mía cho thu hoạch. Ngoài diện tích mía của gia đình, ông còn đứng ra liên kết với người dân thành lập tổ hợp tác trồng mía để cung ứng cho các nhà máy đường, với diện tích khoảng 200 ha.
Theo ông Phủ, so với mọi năm, đến thời điểm này gia đình cũng như các hộ dân trong xã đã thu hoạch được hơn một nửa diện tích. Tuy nhiên, năm nay thời tiết mưa nhiều khiến tiến độ thu hoạch mía chậm hơn một tháng so với vụ trước. Để đẩy nhanh việc thu hoạch, mỗi ngày ông thuê hơn 300 nhân công chặt mía. Tuy nhiên việc thu hoạch lại phụ thuộc vào sức mua và công suất tiêu thụ của nhà máy nên muốn thu nhanh cũng không được. Trung bình mỗi ngày ông chỉ bán được khoảng 310 - 320 tấn mía cho các nhà máy đường.
Ông Phủ nhẩm tính: “Niên vụ này, tổng sản lượng mía của cả tổ hợp tác ước đạt khoảng 20.000 tấn (năng suất 90 tấn/ha). Với tình hình thu mua như hiện nay thì phải đến hết tháng 6 dương lịch mới thu hoạch hết mía ở địa phương. Theo đó, việc thu hoạch mía kéo dài sẽ làm ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng mía bởi vào thời điểm tháng 3 đến tháng 4 thường có mưa giông sẽ khiến cho chữ đường bị giảm xuống, kéo giá thành cũng giảm theo, mía trổ cờ bung hoa khiến cây bị bọng ruột, làm giảm năng suất từ 20 - 30%. Chưa kể trời mưa khiến việc thu hoạch khó khăn, giá nhân công tăng, thậm chí có thể bị ngưng thu hoạch nếu đường đi lại lầy lội, xe vận chuyển mía không vào được”.
Người dân xã Krông Jing (huyện M’Drắk) tất bật thu hoạch mía để kịp cho vụ sản xuất tiếp theo. Ả |
Chủ tịch UBND xã Ea Tih Phạm Đình Văn cho biết, hiện toàn xã có khoảng 700 ha mía nhưng đến nay chỉ mới thu hoạch được 300 ha. Việc thu hoạch mía chậm sẽ ảnh hưởng rất lớn đến mùa sau vì đã muộn thời vụ, ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển của cây mía.
Những ngày này, chị H’Kuông Niê (xã Krông Jing, huyện M’Drắk) đang tất bật thu hoạch ruộng mía của gia đình. Năm nay, gia đình chị có hơn 1 ha mía cho thu hoạch, đạt sản lượng khoảng 80 tấn. Chị H’Kuông cho biết, vào thời điểm trước Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, trời mưa kéo dài, các ruộng mía lầy lội khiến xe tải lớn khó di chuyển đến bốc mía nên việc thu hoạch chậm hơn so với các niên vụ trước khoảng 20 ngày. Sau Tết, thời tiết thuận lợi hơn nên gia đình chị cùng những hộ dân trồng mía tranh thủ và tập trung nhân công để đẩy nhanh tiến độ thu hoạch và bắt kịp niên vụ trồng mía tiếp theo.
Ông Nguyễn Thế Thập, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện M'Drắk cho biết, hiện trên địa bàn huyện có trên 6.000 ha mía. Năm nay thời tiết có phần bất lợi do mưa nhiều trong thời điểm chuẩn bị thu hoạch khiến việc thu hoạch gặp khó khăn và chậm hơn so với các năm trước. Đến nay, người dân trồng mía trên địa bàn huyện mới thu hoạch được khoảng 1.500 ha. Để đẩy nhanh tiến độ thu hoạch, Phòng đã làm việc với các đơn vị thu mua và chính quyền địa phương khuyến cáo người dân tập trung nhân công, phương tiện nhanh chóng thu hoạch mía, phấn đấu đến trước thời điểm ngày 30/4 toàn bộ diện tích mía trên địa bàn huyện hoàn thành việc thu hoạch, bảo đảm kịp triển khai kế hoạch trồng cho niên vụ tiếp theo để duy trì sự phát triển, sinh trưởng ổn định của cây mía.
Do ảnh hưởng của thời tiết, tiến độ thu hoạch mía bị chậm so với mọi năm. |
Được biết, trong niên vụ 2022 - 2023, toàn tỉnh có gần 12.700 ha mía đường được trồng tập trung chủ yếu tại các huyện Ea Kar, M'Drắk, Ea Súp; sản lượng ước đạt gần 900.000 tấn. Trong những năm qua, cây mía được xem là cây trồng đem lại lợi ích kinh tế ổn định, tạo việc làm cho nhiều người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, thời tiết diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc gieo trồng cũng như thu hoạch mía của người dân.
Trước diễn biến thời tiết thất thường và ngày càng khó lường như hiện nay, để người dân an tâm gắn bó lâu dài và tăng hiệu quả kinh tế của cây mía, các địa phương cần có kế hoạch xây dựng vùng nguyên liệu mía ổn định ở những khu vực có điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của loại cây này; khuyến cáo, hỗ trợ người trồng mía chuyển đổi giống mía chất lượng, năng suất cao để có thể thích ứng tốt với biến đổi khí hậu.
Đồng thời, tăng cường đầu tư khoa học kỹ thuật vào sản xuất, liên kết theo chuỗi giá trị nhằm tạo sự phát triển ổn định và đầu ra bền vững cho cây mía.
Nguồn: Thời tiết bất lợi, nông dân trồng mía gặp khó