Điểm tin ngân hàng ngày 12/9: Ngân hàng hạ giá bất động sản tiền tỷ nhưng vẫn ế
Điểm tin ngân hàng ngày 11/9: BAOVIET Bank dừng toàn bộ dịch vụ thẻ tín dụng quốc tế Visa Điểm tin ngân hàng ngày 10/9: Nợ xấu đang có xu hướng giảm |
Ngân hàng hạ giá bất động sản tiền tỷ nhưng vẫn ế
Mới đây, Agribank chi nhánh Tràng An tiếp tục thông báo bán đấu giá tài sản bảo đảm là hai ngôi biệt thự tại KĐT Ciputra thuộc sở hữu của ông Chu Văn An (sinh năm 1975). Hai căn biệt thự này có diện tích lần lượt là 607m2 và 184m2. Đây là tài sản đảm bảo cho khoản vay của và Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Dung Phát, Công ty TNHH Thương mại Thành An và Công ty TNHH Đầu tư thương mại XNK quốc tế Minh Ngọc.
Ảnh minh họa |
Lần này, Agribank hạ giá khoảng 29 tỷ đồng đối với hai căn biệt thự so với giá khởi điểm được thông báo cho phiên đấu giá vào tháng 8. Cụ thể, căn biệt thự thứ nhất hiện giá khởi điểm còn 184,5 tỷ đồng, giảm tới gần 20 tỷ đồng. Giá khởi điểm của căn biệt thự thứ hai là 83,5 tỷ đồng. Mức giá này cũng giảm 9 tỷ đồng.
Trước đó, Agribank chi nhánh Đống Đa cũng từng rao bán gần 10 lần tài sản thế chấp của Công ty Cổ phần Khách sạn Bến Du Thuyền. Tài sản này là hàng nghìn m2 đất tại thuộc dự án khu đô thị và bến du thuyền ở Nha Trang bao gồm: 690 căn hộ và sân vườn Penthouse tầng 36, tầng hầm và 35 tầng kinh doanh thương mại. Tất cả đều là những tài sản hình thành trong tương lai. Giá khởi điểm cũng giảm tới 200 tỷ so với lần rao vào hồi tháng 9/2023.
Ngân hàng Sacombank cũng thông báo rao bán nhiều bất động sản thuộc dự án Xi Grand Court. Dự án này có địa chỉ tại 256-258 Lý Thường Kiệt, phường 14, quận 10, TP.HCM.
So với lần rao đầu, giá khởi điểm của 10 căn penthouse và 9 căn hộ giữ trung tâm TP.HCM giảm cao nhất hơn 2 tỷ đồng.
Ngân hàng BIDV chi nhánh Bình Tân từng thông báo rao bán nhiều lô đất tại Đồng Nai, Bà Rịa Vũng Tàu và TP.HCM với mức giá từ vài tỷ đồng. BIDV cho biết, có 2 lô đất tại TP.HCM đã được rao bán trước đó 11 lần nhưng vẫn chưa có người mua.
Thực hiện quy định mới về quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước
Thông tư 43/2024/TT-NHNN dự kiến sẽ có hiệu lực chính thức từ ngày 23/9 tới. Văn bản này sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2014/TT-NHNN ngày 10/12/ 2014.
Theo Thông tư 43, muộn nhất cuối quý I hằng năm hoặc sau khi có đủ cơ sở theo quy định, Cục Quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước chủ trì xác định mức dự trữ ngoại hối nhà nước trong năm trình Thống đốc phê duyệt để báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Ngoài ra, văn bản này cũng bổ sung quy định trường hợp thị trường tài chính trong nước và quốc tế có biến động và các trường hợp khác có ảnh hưởng tới việc tuân thủ tiêu chuẩn, hạn mức đầu tư dự trữ ngoại hối nhà nước, Cục Quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước báo cáo Trưởng Ban Điều hành.
Trên cơ sở chỉ đạo của Trưởng Ban điều hành, Cục Quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan nghiên cứu, đề xuất phương án điều chỉnh tiêu chuẩn, hạn mức đầu tư dự trữ ngoại hối nhà nước và tiêu chuẩn lựa chọn đối tác thực hiện các nghiệp vụ quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước khác báo cáo Trưởng Ban điều hành trình Thống đốc quyết định.
Cục Quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước cũng được giao là cơ quan chủ trì, phối hợp với Vụ Chính sách tiền tệ, Vụ Quản lý ngoại hối và Vụ Dự báo, thống kê nghiên cứu và báo cáo Trưởng Ban Điều hành trình Thống đốc phê duyệt một số nội dung. Đó là việc bổ sung hình thức đầu tư khác trong từng thời kỳ; hướng dẫn đầu tư đối với hình thức ủy thác đầu tư và các hình thức đầu tư ./.
TPBank chuẩn bị chốt quyền trả cổ tức 20%
Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) vừa thông báo 24/9/2024 là ngày đăng ký cuối cùng hưởng quyền nhận cổ tức bằng cổ phiếu năm 2023 với tỷ lệ 20% (cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu tại ngày chốt quyền sẽ được nhận 20 cổ phiếu mới).
TPBank chuẩn bị chốt quyền trả cổ tức 20%/Ảnh minh họa |
Dự kiến, TPBank sẽ phát hành thêm 440,3 triệu cổ phiếu mới để trả cổ tức cho cổ đông. Sau phát hành, vốn điều lệ của TPBank sẽ tăng từ 22.016 tỷ đồng lên tối đa 26.420 tỷ đồng, tương ứng với số cổ phiếu lưu hành là gần 2,642 tỷ đơn vị.
Trước đó, trong tháng 7, TPBank đã thực hiện thanh toán cổ tức tiền mặt cho cổ đông với tỷ lệ 5%. Tổng số tiền mà ngân hàng chi ra là hơn 1.100 tỷ đồng.
Cùng với TPBank, Eximbank cũng đã thông báo 20/9 ngày đăng ký cuối cùng hưởng quyền nhận cổ tức năm 2023 với tỷ lệ 3% bằng tiền mặt và 7% bằng cổ phiếu.
Đối với cầu phần tiền mặt, Eximbank chia theo tỷ lệ 3% (1 cổ phiếu được nhận 300 đồng). Với hơn 1,7 tỷ cổ phiếu đang lưu hành, ước tính ngân hàng sẽ phải chi xấp xỉ 522 tỷ đồng cho đợt cổ tức này. Thời gian thanh toán là 4/10/2024.
Đây là lần đầu tiên Eximbank trả cổ tức bằng tiền mặt sau 10 năm. Lần gần nhất nhà băng này trả cổ tức tiền mặt cho cổ đông diễn ra vào năm 2014 với tỷ lệ 4%.
Với phần cổ tức bằng cổ phiếu, Eximbank dự kiến phát hành thêm gần 121,9 triệu cổ phiếu mới với tỷ lệ 7% (cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu tại ngày chốt quyền được nhận thêm 7 cổ phiếu mới mới). Dự kiến sau phát hành, vốn điều lệ của Eximbank sẽ tăng từ 17.469 tỷ đồng lên 18.688 tỷ đồng. Thời gian phát hành chưa được công bố cụ thể, nhưng dự kiến là trong năm nay.
Trước đó, một số ngân hàng cũng đã chốt danh sách cổ đông để chi trả cổ tức bằng cổ phiếu trong tháng 8 là MSB, OCB, SeABank và VIB.
Moody's xếp hạng tín nhiệm của OCB ở mức Ba3 và nâng triển vọng lên 'ổn định'
Moody's Investors Service (Moody's) vừa công bố giữ nguyên xếp hạng tín nhiệm của Ngân hàng Phương Đông (OCB) ở mức Ba3 và nâng triển vọng lên mức "ổn định".
Cụ thể, xếp hạng tiền gửi ngân hàng dài hạn (LT) của đồng nội tệ (LC) và ngoại tệ (FC) tại OCB đã giữ nguyên ở mức Ba3. Đồng thời, đánh giá tín dụng cơ sở (BCA) và BCA điều chỉnh được duy trì ở mức B1.
Ngoài ra, Moody's cũng giữ nguyên đánh giá rủi ro đối tác (CRRs) dài hạn với đồng ngoại tệ và nội tệ ở mức Ba3, xếp hạng rủi ro đối tác dài hạn ở Ba3 (cr). Moody's cũng nâng cấp triển vọng của OCB sang mức "ổn định".
Trước đó, vào tháng 5 năm nay, OCB đã được VIS Rating (tổ chức liên kết với Moody's và các tổ chức khác) xếp hạng A+ về độ tín nhiệm dựa trên khả năng sinh lời, năng lực quản trị rủi ro và chất lượng tài sản. VIS Rating ghi nhận OCB có khả năng sinh lời mạnh, nhờ vào lợi suất cho vay và biên lãi thuần (NIM) cao hơn ngành, đồng thời duy trì tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản (ROA) cao hơn mức bình quân toàn ngành.
OCB hiện đang tích cực triển khai các tiêu chuẩn quốc tế tiên tiến như Basel II nâng cao, Basel III cho rủi ro thanh khoản và IFRS9. Ngân hàng đã duy trì tỷ lệ an toàn vốn (CAR) ở mức 13,8%, cao hơn nhiều so với ngưỡng 8% theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Tỷ lệ nợ xấu của OCB vào cuối quý II/2024 đứng ở mức 2,3%, phù hợp với giới hạn quy định và cho thấy khả năng quản lý rủi ro hiệu quả.
Trong nửa đầu năm, OCB đã tăng huy động tiền gửi khách hàng 4,5% và nâng tỷ lệ CASA lên 12,7%, nhờ đó cải thiện khả năng thanh khoản của ngân hàng. Với bộ đệm thanh khoản bao gồm tiền mặt, dự trữ bắt buộc và trái phiếu Chính phủ chiếm 31% tổng tài sản có hữu hình, OCB đã chứng tỏ khả năng chống chịu tốt trước các biến động thị trường bất ngờ.
OCB dự kiến sẽ tiếp tục duy trì và gia tăng đệm thanh khoản, nhằm đảm bảo an toàn cho khách hàng và đối tác, đồng thời góp phần vào sự ổn định chung của hệ thống ngân hàng.
ACB thay đổi thông tin về danh sách cổ đông nắm trên 1% vốn điều lệ
Ngân hàng Thương mại Cổ phần Á Châu (ACB ) vừa công bố danh sách cổ đông sở hữu trên 1% vốn điều lệ của ngân hàng, trong đó có sự bổ sung của 2 cổ đông cá nhân và 3 cổ đông tổ chức.
ACB thay đổi thông tin về danh sách cổ đông nắm trên 1% vốn điều lệ |
Cụ thể, Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại Giang Sen, có liên quan đến ông Trần Hùng Huy và bà Đặng Thu Thủy, hiện nắm giữ hơn 80 triệu cổ phiếu ACB, chiếm tỷ lệ 1,79%. Những cá nhân có liên quan đến cổ đông này sở hữu tổng cộng trên 228 triệu cổ phiếu, tương đương 5,1%.
Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại Bách Thanh nắm gần 56 triệu cổ phiếu ACB, chiếm tỷ lệ 1,25%. Các cá nhân liên quan đến cổ đông này sở hữu trên 250 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 5,6%.
Công ty Cổ phần Làng Giáo dục Quốc tế Thiên Hương sở hữu 60 triệu cổ phiếu ACB, tương đương 1,34%. Các cá nhân liên quan đến cổ đông này nắm hơn 113 triệu cổ phiếu, tương đương 2,54%.
Về phía các cổ đông cá nhân, Nguyễn Thiên Hương JENNY và Nguyễn Đức Hiếu JONNY, con của bà Ngô Thu Thúy, cũng được đưa vào danh sách bổ sung. Nguyễn Thiên Hương JENNY nắm giữ hơn 60 triệu cổ phiếu ACB (1,34%), trong khi Nguyễn Đức Hiếu JONNY sở hữu trên 47 triệu cổ phiếu (1,06%). Tổng tỷ lệ sở hữu của hai cá nhân này là 2,41%.
Danh sách mới nhất cho thấy tổng tỷ lệ sở hữu của 6 cổ đông trên là 6,77% vốn điều lệ của ACB, với ba cổ đông liên quan đến bà Ngô Thu Thúy nắm giữ hơn 3,7% vốn điều lệ.
Trước đó, vào ngày 30/7/2024, ACB đã công bố danh sách cổ đông có sở hữu trên 1% vốn điều lệ, trong đó ông Trần Hùng Huy, Chủ tịch Hội đồng quản trị, sở hữu hơn 153 triệu cổ phiếu (3,43%), và bà Đặng Thu Thủy, Thành viên Hội đồng quản trị, sở hữu 53,3 triệu cổ phiếu (1,19%).
Ngoài ra, ba tổ chức ngoại gồm Smallcap World Fund, Inc., Boardwalk South Limited và VOF PE Holding 5 Limited nắm giữ tổng cộng hơn 6% vốn điều lệ của ngân hàng.
Nguồn: Điểm tin ngân hàng ngày 12/9: Ngân hàng hạ giá bất động sản tiền tỷ nhưng vẫn ế