Điểm tin ngân hàng ngày 9/9: Tín dụng có khả năng đạt 15% trong năm 2024
Điểm tin ngân hàng ngày 7/9: VietinBank rao bán loạt bất động sản của đại gia xăng dầu Điểm tin ngân hàng ngày 6/9: Kho bạc Nhà nước sẽ "bơm" vào hệ thống ngân hàng 3.500 tỷ? |
Tín dụng có khả năng đạt 15% trong năm 2024
Mới đây, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú thông báo rằng dư nợ tín dụng hiện tại đã tăng 7,75%, với mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm 2024 là 15%. Ông Tú khẳng định với tình hình khởi sắc của nền kinh tế hiện tại, mục tiêu này hoàn toàn có thể đạt được.
Ảnh minh họa |
Theo báo cáo, tính đến ngày 26/8, tăng trưởng tín dụng là 6,63%, tuy nhiên, con số này đã tăng lên 7,75% vào đầu tháng 9. Dù trong những tháng đầu năm tăng trưởng tín dụng có thời điểm âm, nhưng từ tháng 4 trở đi, tín dụng đã phục hồi tích cực. Tăng trưởng tín dụng trong tháng 7 và 8 tiếp tục có dấu hiệu tích cực, đạt 5,33% vào thời điểm này năm 2023 và kết thúc năm với con số 13,71%.
Ông Tú cho biết mục tiêu 15% không phải là con số áp đặt mà là định hướng điều hành. Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện nhiều biện pháp để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, bao gồm phân bổ chỉ tiêu tín dụng cho các ngân hàng thương mại và giảm lãi suất cho vay. Hiện lãi suất cho vay trung bình là 6,23%, giảm 0,86% so với cuối năm 2023, trong khi lãi suất huy động là 3,84%, tăng nhẹ 0,23%.
Ngân hàng Nhà nước cũng đã cải cách cơ chế chính sách, giảm bớt thủ tục cho các ngân hàng thương mại và ứng dụng công nghệ trong hoạt động tín dụng để tạo điều kiện thuận lợi cho cả người vay và người cho vay. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước đang tiếp tục thực hiện các gói tín dụng ưu đãi, bao gồm gói 140.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội và gói tín dụng cho xuất khẩu thủy hải sản, với dự kiến tăng số dư lên khoảng 50.000-60.000 tỷ đồng.
Phó Thống đốc nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường khả năng hấp thụ vốn vay của doanh nghiệp và cam kết Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để đạt được mục tiêu tăng trưởng tín dụng trong năm 2024.
Dư nợ tín dụng bất động sản tại TPHCM tiếp tục tăng
Mới đây, đại diện Ngân hàng Nhà nước- Chi nhánh TP.HCM cho biết, dư nợ tín dụng bất động sản tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng, tháng sau cao hơn tháng trước.
Dư nợ tín dụng bất động sản tại TPHCM tiếp tục tăng/Ảnh minh họa |
Đến cuối tháng 7/2024 tổng dư nợ tín dụng bất động sản trên địa bàn TP.HCM đạt trên 1 triệu tỷ đồng, chiếm 27,6% trong tổng dư nợ tín dụng và tăng 5,5% so với cuối năm 2023 (cao hơn mức tăng chung của tín dụng trên địa bàn, 7 tháng đầu năm tín dụng chung trên địa bàn tăng 3,9%).
Trong đó, tín dụng nhà ở (gồm nhà ở xã hội, nhà ở thương mại, nhà ở khác) chiếm tỷ trọng cao nhất với khoảng 57% trong tổng dư nợ tín dụng bất động sản.
Dư nợ cho vay nhà ở xã hội đạt 2.543 tỷ đồng, tăng 78% so với cuối năm 2023. Nguyên nhân dư nợ phân khúc này tăng cao do từ đầu năm đến hết tháng 7, các tổ chức tín dụng ở TP.HCM đã tăng cường giải ngân cho vay các dự án nhà ở xã hội trên địa bàn. Trong đó, giải ngân cho vay từ gói 120.000 tỷ đồng đạt 170 tỷ đồng với dự án nhà ở cho công nhân thuê tại TP. Thủ Đức.
Tín dụng bất động sản phục vụ sản xuất kinh doanh như: cho vay phát triển hạ tầng khu công nghiệp - khu chế xuất; cho vay xây dựng văn phòng, cao ốc; xây dựng nhà hàng, khách sạn khu du lịch.. đều đạt tốc độ tăng trưởng khá.
Cụ thể, dư nợ cho vay phát triển hạ tầng khu công nghiệp - khu chế xuất đạt 48.392 tỷ đồng, tăng 18,4%; cho vay văn phòng cao ốc đạt 24.041 tỷ đồng, tăng 14% so với cuối năm 2023.
Theo đại diện Ngân hàng Nhà nước- Chi nhánh TP.HCM, tăng trưởng tín dụng bất động sản trên địa bàn gắn với xu hướng tăng trưởng của thị trường. Tuy nhiên, tín dụng bất động sản chủ yếu là cho vay trung và dài hạn, có thời gian dài, bởi vậy sự tăng trưởng và phát triển hiệu quả, bền vững của thị trường có tác động quan trọng đối với hoạt động tín dụng của các ngân hàng thương mại. Do đó, các tổ chức, cá nhân liên quan cần tuân thủ nghiêm các quy định về tín dụng, về mục đích sử dụng vốn vay và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp để tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển.
Bà Nguyễn Thúy Hạnh được bầu làm Tổng giám đốc Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam
Bà Nguyễn Thúy Hạnh là người Việt Nam đầu tiên được bổ nhiệm vị trí lãnh đạo cao nhất tại Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam.
Ngày 06/09/2024, Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam thông báo bổ nhiệm bà Nguyễn Thúy Hạnh vào vai trò Tổng Giám đốc kiêm Giám đốc khối khách hàng doanh nghiệp và đầu tư. Quyết định có hiệu lực từ ngày 01/10/2024.
Bà Nguyễn Thúy Hạnh là người Việt đầu tiên được bổ nhiệm vị trí lãnh đạo cao nhất tại ngân hàng Standard Chartered Việt Nam.
Theo Standard Chartered Việt Nam, quyết định này củng cố thêm cam kết của Ngân hàng trong việc thúc đẩy sự đa dạng và phát triển nhân tài quốc gia.
Với 30 năm kinh nghiệm trong ngành, bà Thúy Hạnh có sự am hiểu sâu sắc về thị trường trong nước và kinh nghiệm từ ngân hàng quốc tế. Từ khi gia nhập Standard Chartered vào năm 1997, bà Hạnh đã đảm nhiệm nhiều vị trí lãnh đạo cấp cao, như Giám đốc định chế tài chính, phụ trách thị trường Việt Nam, Lào, Campuchia, Giám đốc khối doanh nghiệp toàn cầu và định chế tài chính, Giám đốc doanh nghiệp thương mại.
Khoanh nợ cho ngư dân vay vốn theo Nghị định 67
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa đề xuất cần có nguồn ngân sách cấp bù lãi suất cho các ngân hàng trong trường hợp áp dụng cơ chế khoanh nợ cho ngư dân vay vốn đóng tàu theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP. Đề xuất này nhằm hỗ trợ giải quyết khó khăn cho ngư dân và ngân hàng thương mại trong bối cảnh nhiều ngư dân không còn khả năng trả nợ và bị kê biên tài sản.
Ảnh minh họa |
Theo phản ánh từ cử tri Quảng Ngãi, nhiều ngư dân đã gặp khó khăn lớn khi không thể trả nợ vay vốn đóng tàu theo Nghị định 67, dẫn đến việc bị thu hồi nhà, đất. Cử tri đề nghị có giải pháp khoanh nợ hoặc giãn nợ để giảm bớt khó khăn và ổn định tình hình địa phương.
Từ năm 2014 đến cuối năm 2017, các ngân hàng đã ký hợp đồng tín dụng cho vay đóng mới và nâng cấp 1.177 tàu với tổng số tiền trên 11.700 tỷ đồng. Đến quý I/2024, dư nợ cho vay theo chương trình này đạt hơn 8.660 tỷ đồng. Tuy nhiên, nhiều ngư dân vẫn không thể trả nợ, gây khó khăn cho các ngân hàng và làm tăng trích lập dự phòng rủi ro.
NHNN cho rằng cần sự phối hợp của các Bộ, ngành và địa phương để triển khai đồng bộ các giải pháp hỗ trợ. Hiện tại, Nghị định 67 và các văn bản sửa đổi không quy định về chính sách khoanh nợ. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang làm việc với các đơn vị liên quan để trình Chính phủ ban hành Nghị định thay thế, nhằm giải quyết các khó khăn trong triển khai chính sách.
Ngoài việc sửa đổi chính sách, NHNN cũng cho biết sẽ phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong quá trình điều chỉnh chính sách. Đặc biệt, trong trường hợp khoanh nợ được thực hiện, cần tính đến nguồn ngân sách cấp bù lãi suất cho ngân hàng và đánh giá khả năng trả nợ của ngư dân sau thời gian khoanh nợ.
Về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, Nghị định 67 đã quy định các khoản vay bị rủi ro do nguyên nhân khách quan có thể được cơ cấu lại thời hạn và tiếp tục hưởng hỗ trợ lãi suất theo quy định của Bộ Tài chính. Để hỗ trợ thêm, NHNN đã ban hành Thông tư 02/2023/TT-NHNN và Thông tư 06/2024/TT-NHNN, yêu cầu các tổ chức tín dụng thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ đến hết ngày 31/12/2024.
Nguồn: Điểm tin ngân hàng ngày 9/9: Tín dụng có khả năng đạt 15% trong năm 2024