Điểm tin ngân hàng tuần qua: Agribank đại hạ giá biệt thự tại khu đô thị Ciputra để thu hồi nợ
Điểm tin ngân hàng ngày 14/9: VietinBank rao bán khách sạn giá trị hàng trăm tỷ tại Hội An Điểm tin ngân hàng ngày 13/9: VietinBank rao bán khoản nợ được thế chấp bằng hơn 30 bất động sản và cổ phiếu |
Agribank đại hạ giá biệt thự tại khu đô thị Ciputra để thu hồi nợ
Ngân hàng Agribank chi nhánh Tràng An mới đây đã thông báo bán đấu giá tài sản bảo đảm là 2 căn biệt thự tại khu đô thị Ciputra (quận Tây Hồ, Hà Nội).
Ảnh minh họa |
Trong hơn 2 tháng qua, ngân hàng này đã phát đi 3 thông báo bán đấu giá đối với 2 tài sản này, một lần giữa tháng 8 và 2 lần trong tháng 7. Đáng chú ý, mức giá khởi điểm của căn biệt thự liên tục giảm qua từng đợt thông báo.
Tài sản đảm bảo thứ nhất là căn biệt thự có tổng diện tích xây dựng 607 m2, phần diện tích đất là 400 m2. Giá khởi điểm là 184,5 tỷ đồng (chưa bao gồm VAT), giảm gần 10 tỷ đồng so với giá rao bán hồi tháng 8 và giảm 31 tỷ đồng so với mức giá đưa ra hồi đầu tháng 7.
Căn biệt thự thứ hai có diện tích xây dựng là 116 m2, phần diện tích đất 230 m2. Mức giá khởi điểm là 83,5 tỷ đồng (chưa bao gồm VAT). Con số này cũng đã giảm hơn 4 tỷ đồng so với giá thông báo hồi giữa tháng 8 và thấp hơn 14 tỷ đồng so với mức đưa ra hồi đầu tháng 7.
Người tham gia đấu giá cần đặt cọc trước 18,5 tỷ đồng nếu mua căn biệt thự thứ nhất và 8,4 tỷ đồng với căn thứ hai. Phiên đấu giá dự kiến diễn ra sáng 13/9. Hiện trên thị trường, giá chuyển nhượng biệt thự, liền kề tại khu đô thị Ciputra khoảng 250 - 390 triệu đồng/m2, tùy căn và vị trí.
Gần 340 doanh nghiệp trên địa bàn Đà Nẵng nợ BHXH, BHYT
Bảo hiểm xã hội TP Đà Nẵng vừa công bố danh sách 334 đơn vị chậm đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) và bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) kéo dài, số tiền lớn trên địa bàn thành phố, tính đến ngày 31/8.
Theo đó, doanh nghiệp có số tiền nợ BHXH lớn nhất là Công ty Cơ khí ô tô và thiết bị điện Đà Nẵng (địa chỉ tại KCN Hòa Khánh, phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu) với 13,6 tỷ đồng.
Tiếp đến là Chi nhánh 2 - Công ty Cổ phần Công nghiệp Quảng An 1 tại Đà Nẵng (địa chỉ tại đường Trường Sa, phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn) 12,5 tỷ đồng; Công ty Cổ phần Cơ khí - Lắp máy Sông Đà - Chi nhánh 5 (đường Nguyễn Văn Cừ, quận Liên Chiểu) 10,9 tỷ đồng.
Một số doanh nghiệp khác cũng có số tiền nợ BHXH lớn gồm: Công ty TNHH trang trí nội thất & quảng cáo Sài Gòn DAD (đường Tôn Thất Đạm, quận Thanh Khê) 8,5 tỷ đồng; Công ty Cổ phần Lilama 7 (phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu), 7,1 tỷ đồng.
Ngoài ra còn có: Công ty TNHH KOKILI Việt Nam (KCN Hòa Khánh, quận Liên Chiểu) 1,6 tỷ đồng; Công ty Cổ phần An Phú Quý (phường Thanh Bình, quận Hải Châu) 1 tỷ đồng; Công ty Cổ phần Tập đoàn VN Đà Thành (phường Thạch Thang, quận Hải Châu) 1,8 tỷ đồng; Công ty TNHH MTV thiết kế kiến trúc RAYMOND Việt Nam (đường Bạch Đằng, quận Hải Châu) 1,7 tỷ đồng…
Theo BHXH TP Đà Nẵng, hiện nay, tình trạng chậm BHXH, BHYT, BHTN của các đơn vị sử dụng lao động khá nghiêm trọng. Trong đó đặc biệt, một số doanh nghiệp chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN kéo dài với số tiền rất lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người lao động.
Trước đó, ngày 20/8, UBND TP Đà Nẵng đã ban hành các văn bản về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực BHXH, lĩnh vực BHYT trên địa bàn đối với Công ty TNHH Max Planning Vina (phường Hòa Thọ Tây, quận Cẩm Lệ); Công ty Cổ phần Bệnh viện quốc tế Y Đức (phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu); Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ Tân Tây Lan (trụ sở số 63 Tôn Thất Đạm, phường Xuân Hà, quận Thanh Khê); Công ty TNHH Khả Tâm (phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu).
UBND TP Đà Nẵng yêu cầu các doanh nghiệp trên đóng đủ số tiền BHXH bắt buộc, bảo hiểm tai nạn chậm đóng cho cơ quan BHXH; đồng thời nộp khoản tiền lãi bằng 2 lần mức lãi suất đầu tư quỹ BHXH bình quân của năm trước liền kề tính trên số tiền, thời gian chậm đóng.
PGBank đề nghị khởi tố tung tin đồn thất thiệt trên địa bàn huyện Gia Lâm, Hà Nội
Sáng ngày 14/9/2024, Ngân hàng TMCP Thịnh vượng và Phát triển (PGBank) đã gửi công văn đề nghị Công an huyện Gia Lâm, Hà Nội khởi tố vụ án tung tin đồn thất thiệt liên quan đến hoạt động của trên địa bàn huyện, gây ảnh hưởng đến hình ảnh, uy tín Ngân hàng và thiệt hại tiền gửi của người dân trên địa bàn.
PGBank đề nghị khởi tố tung tin đồn thất thiệt trên địa bàn huyện Gia Lâm, Hà Nội/Ảnh minh họa |
PGBank cho biết, trong thời gian gần đây, một số tin đồn không chính xác đã xuất hiện, gây hoang mang cho một số khách hàng PGBank trên địa bàn huyện Gia Lâm, Hà Nội. Ngân hàng PGBank đã báo cáo sự việc với Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Hà Nội để được chỉ đạo và phối hợp cùng các cơ quan chức năng xử lý các tin đồn thất thiệt.
Hiện Ngân hàng đang làm việc với Cơ quan Công an liên quan đề nghị tiếp nhận vụ án, để điều tra, truy tìm các đối tượng đưa thông tin sai lệch gây mất trật tự an toàn xã hội và ảnh hưởng đến lợi ích của người gửi tiền. Sự việc này đang được xử lý nghiêm túc để bảo đảm môi trường tài chính an toàn và minh bạch.
Đại diện Ngân hàng PGBank chia sẻ, Ngân hàng rất tiếc khi xảy ra vụ việc và khẳng định mọi hoạt động tại ngân hàng đều diễn ra bình thường và an toàn tuyệt đối, tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật cũng như Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, đồng thời, luôn cam kết bảo vệ toàn diện quyền lợi của Quý khách hàng.
Bảo hiểm bồi thường khoảng 7.000 tỷ đồng thiệt hại do bão số 3
Cục Quản lý giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) vừa cho biết, tính đến 17h00 ngày 12/9, qua số liệu báo cáo từ doanh nghiệp bảo hiểm, các doanh nghiệp đã tiếp nhận thông tin khoảng hơn 9.000 vụ thiệt hại về tài sản và xe cơ giới; ghi nhận 14 trường hợp tử vong, 18 vụ thuộc nghiệp vụ bảo hiểm sức khỏe. Tổng số tiền chi trả thiệt hại về con người và tài sản ước tính khoảng 7.000 tỷ đồng.
Đây là những số liệu sơ bộ ban đầu trong bối cảnh thiệt hại do bão số 3 và hoàn lưu bão gây ra, do đó số liệu về số vụ tổn thất và giá trị chi trả bồi thường bảo hiểm vẫn chưa thống kê được toàn diện, đầy đủ.
Ảnh hưởng nặng nề để lại sau bão số 3 và mưa lũ cũng tạo ra nhiều khó khăn, thách thức cho các doanh nghiệp bảo hiểm.
Tuy nhiên cơ quan quản lý sẽ tiếp tục chỉ đạo, giám sát, tạo điều kiện, đồng hành với các doanh nghiệp bảo hiểm có phương án hỗ trợ tốt nhất cho khách hàng khắc phục hậu quả thiên tai, nhanh chóng ổn định đời sống cũng như sản xuất, kinh doanh", Cục Quản lý, Giám sát bảo hiểm cho biết.
Trước đó, ngày 9/9, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm có công văn gửi Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam và các doanh nghiệp bảo hiểm đề nghị báo cáo tình hình thiệt hại và bồi thường bảo hiểm do bão số 3 gây ra.
Bão số 3 (tên quốc tế là Yagi) hình thành phía Đông của Philipines nhưng mạnh lên thành siêu bão trên biển Đông và là cơn bão mạnh nhất trên biển Đông trong vòng 30 năm qua.
Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 16, giật trên cấp 17; khi đổ bộ vào đất liền Quảng Ninh - Hải Phòng với sức gió mạnh nhất cấp 13-14, giật cấp 16-17.
Bão Yagi và hoàn lưu sau bão có phạm vi ảnh hưởng rộng khắp khu vực Bắc Bộ đến Thanh Hóa (26 tỉnh/tp); bão gây mưa lớn cho khu vực Bắc Bộ, nhất là khu vực miền núi phía Bắc.
ACB công bố Khung tài chính bền vững hỗ trợ năng lượng tái tạo và công trình xanh
Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) chính thức công bố Khung tài chính bền vững, một sáng kiến quan trọng nhằm hỗ trợ các lĩnh vực năng lượng tái tạo, vận tải và công trình xanh, đồng thời thúc đẩy kinh doanh có trách nhiệm.
Ảnh minh họa |
Bộ khung tài chính bền vững của ACB được xây dựng dựa trên 4 nguyên tắc cơ bản: mục đích sử dụng vốn, quy trình đánh giá và lựa chọn dự án, quản lý vốn huy động và báo cáo. Việc tuân thủ các nguyên tắc này không chỉ giúp ngân hàng thiết lập tiêu chuẩn phát hành trái phiếu và khoản vay bền vững mà còn góp phần thúc đẩy các hoạt động kinh doanh có trách nhiệm.
Được xây dựng theo các Nguyên tắc trái phiếu xanh và xã hội của ICMA, Nguyên tắc cho vay xanh và xã hội của LMA, bộ khung này đáp ứng định hướng tín dụng xanh từ Ngân hàng Nhà nước. Moody’s đã xếp hạng chất lượng bền vững của ACB ở mức SQS3 (tốt) và ghi nhận năng lực quản lý rủi ro ESG mạnh mẽ của ngân hàng.
Phó tổng giám đốc ACB, ông Ngô Tấn Long, cho biết ngân hàng sẽ tiếp tục đẩy mạnh nguồn vốn xanh theo chiến lược ESG và mở rộng mô hình này đến các cá nhân và tổ chức tại Việt Nam. Trong năm nay, ACB đã cấp gói tín dụng 2.000 tỷ đồng cho các doanh nghiệp xanh và xã hội, với 86% vốn đã được giải ngân. Ngân hàng cũng được vinh danh trong top 50 doanh nghiệp phát triển bền vững tiêu biểu tại Việt Nam.
Khung tài chính bền vững của ACB là một bước đi quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển lâu dài và bảo vệ môi trường, đồng thời khẳng định cam kết toàn diện của ngân hàng đối với các mục tiêu phát triển bền vững.
Nguồn: Điểm tin ngân hàng tuần qua: Agribank đại hạ giá biệt thự tại khu đô thị Ciputra để thu hồi nợ