Điểm tin ngân hàng tuần qua: Hàng loạt cổ phiếu ngân hàng tăng giá mạnh
Điểm tin ngân hàng ngày 20/7: Cho vay tiêu dùng có thể đạt tới 15.000 tỷ USD Điểm tin ngân hàng ngày 19/7: AIIB cho Việt Nam vay 5 tỷ USD với lãi suất ưu đãi |
17 cổ phiếu ngân hàng tăng giá trong tuần qua
Cổ phiếu ngân hàng tuần qua (15-19/7) diễn biến khá tích cực khi sắc xanh chiếm chủ đạo. Trong 27 mã ngân hàng đang giao dịch trên sàn chứng khoán, có 17 mã tăng giá trong tuần qua.
17 cổ phiếu ngân hàng tăng giá trong tuần qua/Ảnh minh họa |
Trong đó, cổ phiếu BVB của BVBank tăng 12,9%, đóng cửa tuần ở mức giá 14.000 đồng/cp. Trong đó, riêng phiên 17/7, cổ phiếu này tăng 7,22%. Thanh khoản BVB tuần này cũng tăng vọt với giá trị giao dịch khớp lệnh đạt hơn 420 tỷ đồng, gấp 3,4 lần tuần trước. Mới đây, BVB đã được NHNN chấp thuận tăng vốn điều lệ thêm tối đa 1.391 tỷ đồng bằng hình thức phát hành cổ phiếu để tăng vốn điều lệ từ nguồn vốn chủ sở hữu (501 tỷ đồng), phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu tối đa 689 tỷ đồng và phát hành cổ phieus theo chương trình ESOp tối đa 200 tỷ đồng.
MBB cũng tăng mạnh 10,4% trong tuần qua và lập đỉnh 25.400 đồng/cp. Thanh khoản MB tăng vọt với giá trị khớp lệnh hơn 4.300 tỷ đồng tuần qua, gấp 3,4 lần tuần trước đó. Trong đó, phiên 17/7 chứng kiến thanh khoản kỷ lục hơn 72 triệu cp được trao tay, giá trị hơn 1.700 tỷ đồng.
Các cổ phiếu tăng mạnh tiếp theo có thể kể đến NAB (+8,6%), ACB (+4,6%), OCB (+4,5%), CTG (+4,4%), MSB (+3,5%), HDB (+3,3%).
NAB của NamABank tăng vọt sau khi chốt danh sách cổ đông để phát hành cổ phiếu thưởng tỷ lệ 25% từ cuối tuần trước (ngày 12/7). Tương tự, HDB của HDBank diễn biến tích cực sau khi chốt danh sách cổ đông để chia cổ tức tiền mặt tỷ lệ 10% ngày 15/7.
Chiều ngược lại, một số cổ phiếu ngân hàng giảm giá tuần vừa qua như NVB (-3%), PGB (-2,3%), EIB (-2,8%), VPB (-1,1%),…
Khối ngoại chủ yếu bán ròng cổ phiếu ngân hàng trong tuần, đặc biệt VPB của VPBank bị bán ròng 10 triệu cp, giá trị 200 tỷ đồng. Ngoài ra nhiều mã khác bị bán ròng như TCB, SHB, OCB, BID, EIB,…Trong khi đó, nhà đầu tư nước ngoài mua ròng HDB, CTG, TPB, STB trong tuần qua.
Giám sát chặt chẽ các hệ thống thanh toán quan trọng lĩnh vực ngân hàng
Theo Thông tư 41/2024/TT-NHNN, các hệ thống thanh toán quan trọng bao gồm Hệ thống thanh toán liên ngân hàng quốc gia; hệ thống thanh toán ngoại tệ; hệ thống thanh toán tiền giao dịch chứng khoán; hệ thống bù trừ, chuyển mạch giao dịch tài chính thuộc Danh mục hệ thống thanh toán quan trọng.
Tổ chức vận hành hệ thống thanh toán quan trọng là tổ chức trực tiếp vận hành hệ thống thanh toán ngoại tệ; hệ thống thanh toán tiền giao dịch chứng khoán; hệ thống bù trừ, chuyển mạch giao dịch tài chính.
Giám sát hệ thống thanh toán quan trọng là việc theo dõi hoạt động của hệ thống thanh toán quan trọng; kiểm tra, đánh giá hệ thống thanh toán quan trọng và đưa ra cảnh báo, khuyến nghị (nếu cần thiết) để góp phần tăng cường đảm bảo sự hoạt động ổn định, an toàn của các hệ thống thanh toán quan trọng trong nền kinh tế.
Giám sát hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán là việc theo dõi hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán; kiểm tra, đánh giá hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán và đưa ra cảnh báo, khuyến nghị (nếu cần thiết).
Đơn vị giám sát thực hiện giám sát hệ thống thanh toán quan trọng, hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán thông qua các biện pháp như: Theo dõi hoạt động của hệ thống thanh toán quan trọng, hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán; kiểm tra tại chỗ đối với hệ thống thanh toán quan trọng, hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán.
Ngoài ra, một số biện pháp khác gồm có việc đánh giá hệ thống thanh toán quan trọng, hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán; cảnh báo, khuyến nghị trong giám sát hệ thống thanh toán quan trọng, hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán./.
Nam A Bank triển khai dự án ESG hướng tới mục tiêu ngân hàng xanh
Ngày 19/07/2024, Nam A Bank đã tổ chức Lễ triển khai Dự án quản lý rủi ro môi trường, xã hội và quản trị (ESG). Dự án này giúp kiểm soát rủi ro môi trường, thúc đẩy phát triển bền vững và hướng tới mục tiêu Ngân hàng xanh đạt cấp độ 5 vào năm 2025.
Ảnh minh họa |
Nam A Bank cam kết ứng dụng ESG vào các hoạt động thực tiễn, bao gồm cho vay có trách nhiệm và tăng tỷ trọng cấp tín dụng xanh. ESG đề cập đến ba yếu tố: Môi trường, Xã hội và Quản trị, giúp xác định tính bền vững và ảnh hưởng của tổ chức.
Với sự tư vấn từ KPMG, Nam A Bank sẽ hoàn thiện các yếu tố ESG trong hoạt động, nhằm nâng cao uy tín, thương hiệu và vị thế cạnh tranh. Điều này không chỉ đáp ứng yêu cầu từ cộng đồng mà còn tạo ra cơ hội mới, giúp ngân hàng phát triển bền vững và đáp ứng kỳ vọng của khách hàng.
Nam A Bank kỳ vọng từng bước mở rộng phạm vi bao phủ và tích hợp toàn diện đánh giá rủi ro ESG vào khung quản lý rủi ro hiện có. Ở một tầm cao hơn, ngân hàng này còn hướng đến các chuẩn mực quốc tế trong vấn đề môi trường, xã hội, qua đó nâng cao chỉ số xếp hạng tín nhiệm ESG, đóng góp vào mục tiêu phát triển Ngân hàng xanh đạt cấp độ 5 vào năm 2025. Thực thi ESG vừa là khó khăn, thách thức nhưng cũng là một trong những động lực thúc đẩy mục tiêu số hóa, đồng thời làm nổi bật thương hiệu, định vị chính xác trên thị trường tài chính và tạo lợi thế đi đầu trong chiến lược phát triển bền vững.
Dự toán thu ngân sách năm 2025 phấn đấu tăng từ 5-7%
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã chỉ đạo xây dựng dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2025 với mục tiêu phấn đấu tăng từ 5-7% so với ước thực hiện năm 2024. Việc này nhằm tổng hợp đầy đủ các khoản mới phát sinh trên địa bàn và đảm bảo tính đúng, tính đủ nguồn thu ngân sách.
Trong hội nghị trực tuyến với các địa phương về công tác xây dựng dự toán ngân sách năm 2025, ông Mai Sơn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, cho biết ngành Thuế sẽ chỉ đạo các Cục Thuế bám sát để nắm bắt những nguồn thu mới và các dự án hết thời gian ưu đãi. Ngành Thuế cũng sẽ thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, đồng thời nâng cao hiệu quả quản lý thuế đối với thương mại điện tử.
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc yêu cầu các địa phương xây dựng dự toán ngân sách phải tuân thủ đúng quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản pháp luật liên quan, phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và các kế hoạch 5 năm. Ông nhấn mạnh cần chú trọng đến các cơ chế, chính sách đặc thù để lập dự toán chính xác.
Đối với các nhiệm vụ chi thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia, các địa phương cần khẩn trương lập dự toán và gửi đúng hạn cho Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, và Kiểm toán Nhà nước. Các khoản thu tiềm năng như tiền sử dụng đất và chuyển quyền sử dụng đất cần được đưa vào dự toán.
Bộ trưởng cũng yêu cầu tiếp tục ổn định tỷ lệ điều tiết các khoản thu phân chia và số bổ sung phân bổ ngân sách Trung ương cho địa phương như năm 2024. Các địa phương phải xây dựng cơ sở dự toán chi ngân sách dựa trên dự toán thu được hưởng theo phân cấp và số bổ sung từ ngân sách Trung ương, đảm bảo đủ dự toán chi cho các dự án, nhiệm vụ và chính sách đã ban hành, đặc biệt là các chính sách chi cho con người và đảm bảo an sinh xã hội.
Tổng tài sản BaoViet Bank tăng gần 15% trong 6 tháng đầu năm
Ngân hàng TMCP Bảo Việt (BaoViet Bank) vừa công bố kết quả kinh doanh sơ bộ 6 tháng đầu năm 2024 với lợi nhuận trước thuế đạt 25,79 tỷ đồng, tăng 4,42% so với cùng kỳ, trong đó, riêng quý 2 đóng góp 17,5 tỷ đồng.
Tổng tài sản BaoViet Bank tăng gần 15% trong 6 tháng đầu năm/Ảnh minh họa |
Tính đến 30/6/2024, tổng tài sản của ngân hàng đạt 97.062 tỷ đồng, tăng mạnh tới 14,67% so với thời điểm đầu năm. Trong đó, quy mô tín dụng đạt 49.728 tỷ đồng, tăng trưởng 4,24% so với cùng kỳ năm 2023.
Tiền gửi khách hàng đến cuối tháng 6 của BaoViet Bank đạt 58.888 tỷ đồng, tăng trưởng 7,71% so với đầu năm, tỷ lệ cho vay so với huy động trong ngưỡng an toàn theo quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).
Thu nhập lãi thuần tăng 19,6% so với cùng kỳ năm trước. Hoạt động dịch vụ ghi nhận mức tăng mạnh sau 6 tháng nhờ nguồn thu khai thác từ tệp khách hàng Tập đoàn Bảo Việt. Thu nhập hoạt động kinh doanh ngoại hối cũng ghi nhận mức 64,11 tỷ đồng, tăng 117%.
Tổng thu nhập hoạt động 6 tháng đầu năm của ngân hàng ghi nhận 1.034 tỷ đồng. Chi phí hoạt động 6 tháng tăng 22% so với cùng kỳ do ngân hàng tiếp tục tập trung đầu tư cho các dự án công nghệ thông tin nhằm đẩy mạnh chuyển đổi số. Đồng thời, việc bổ sung quỹ lương, củng cố thu nhập, quyền lợi cho người lao động cũng góp phần làm tăng chi phí hoạt động ngân hàng trong 6 tháng qua.
Nguồn: Điểm tin ngân hàng tuần qua: Hàng loạt cổ phiếu ngân hàng tăng giá mạnh