Gia Lai: Làm giàu từ sản phẩm OCOP
Gia Lai: Cồng chiêng “thắp lửa” hôn trường Gia Lai thúc đẩy phát triển dịch vụ logistics |
Chương trình OCOP đã trở thành đòn bẩy giúp sản phẩm đặc trưng của địa phương vươn xa, góp phần nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm, tăng thu nhập của người dân nông thôn.
Chuyển biến từ OCOP
Khởi nghiệp từ hạt mắc ca, đến nay, chị Nguyễn Thị Hoàng Vy (thôn Cầu Vàng, xã Kdang, huyện Đak Đoa) dần khẳng định thương hiệu hạt mắc ca sấy Phúc Nguyên Khang. Trò chuyện với chúng tôi, chị Vy cho biết: Năm 2017, vườn mắc ca của các hộ dân trên địa bàn huyện đã cho thu bói. Thời gian này, cây mắc ca vẫn còn khá xa lạ với nhiều người, các hộ dân chưa biết bán sản phẩm cho ai. Vì vậy, họ đành thu hoạch, sơ chế, phơi nắng, đem rang hạt bằng củi rồi rao bán trên mạng xã hội nhưng cũng chẳng được là bao.
“Lúc đó, tôi nghĩ, để sản phẩm được người tiêu dùng lựa chọn thì cần có quy trình chế biến hạt chuẩn bằng máy sấy chứ không phải rang tay hay nướng như hiện tại, kể cả cách cắt nứt hạt và đóng gói sản phẩm. Vậy là tôi bắt đầu tìm hiểu, học hỏi, thử nghiệm và đầu tư máy móc, thiết bị để chế biến hạt mắc ca”-chị Vy kể.
Hiện nay, cơ sở chế biến của chị Vy đã được đầu tư hệ thống máy móc, thiết bị, kho lạnh bảo quản nguyên liệu. Chị Vy đặc biệt chú trọng chọn hạt từ 3 loại giống: 816, 849 và 842 để chế biến sản phẩm “VIP”. Đây là những giống mắc ca cho hạt đẹp, vỏ mỏng, ăn có hương vị rất ngon nên chị chọn tham gia sản phẩm OCOP. Dù bán với giá 290 ngàn đồng/kg, cao hơn các dòng sản phẩm khác gần 100 ngàn đồng/kg nhưng được người tiêu dùng rất ưa chuộng.
“Với mong muốn mang đến cho người tiêu dùng sản phẩm chất lượng, năm 2023, tôi bắt tay vào làm hồ sơ, thủ tục để tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP. Kết quả, sản phẩm hạt mắc ca sấy nứt Phúc Nguyên Khang đạt chứng nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh.
Sau khi đạt OCOP, lượng khách hàng đã tăng lên gấp 3 lần, doanh thu mỗi năm đạt 200-300 triệu đồng. Đặc biệt, dịp Tết Nguyên đán vừa qua, toàn bộ sản phẩm của tôi đã được tiêu thụ hết. Ngoài ra, cơ sở còn tạo việc làm thường xuyên cho 3-4 lao động tại chỗ với thu nhập bình quân 6-7 triệu đồng/người”-chị Vy vui vẻ nói.
Cơ sở của chị Vy tạo việc làm ổn định cho lao động nông thôn với thu nhập cao. Ảnh N.S |
Tương tự, với mong muốn nâng tầm chất lượng cũng như mở rộng thị trường cho sản phẩm cà phê truyền thống của gia đình, năm 2021, ông Huỳnh Đức Xuyến (320 Nguyễn Huệ, thị trấn Đak Đoa) quyết định đăng ký tham gia Chương trình OCOP với bộ sản phẩm cà phê Gia Phú và được công nhận là sản phẩm 3 sao OCOP cấp tỉnh.
Ông Xuyến cho biết: “Ngoài đầu tư lắp đặt dây chuyền sản xuất hiện đại, cơ sở còn liên kết với nhiều hộ dân trên địa bàn thu hái quả cà phê chín nên chất lượng sản phẩm được nâng cao. Với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, các sản phẩm cà phê Gia Phú không chỉ tiêu thụ mạnh trong tỉnh mà còn mở rộng ra cả nước, doanh thu mỗi năm đạt 800 triệu đồng”.
Bộ sản phẩm cà phê của gia đình ông Xuyến sau khi đạt chứng nhận OCOP đã giúp mở rộng thị trường tiêu thụ. Ảnh: Q.T |
Trong khi đó, khởi nghiệp từ việc ép dầu phộng thuê cho người dân trên địa bàn, bà Nguyễn Thị Cúc (thôn 4, thị trấn Phú Hòa, huyện Chư Păh) đã đầu tư hệ thống máy móc, nhà xưởng để sản xuất sản phẩm mang thương hiệu Mười Hiệp đạt OCOP 3 sao cấp tỉnh năm 2021.
Bà Cúc chia sẻ: Thấy nhiều hộ trong thôn trồng đậu phộng và có nhu cầu ép lấy dầu để dùng hoặc bán cho thương lái, năm 2019, bà quyết định đầu tư mua máy ép thủy lực để cho sản phẩm đạt chất lượng. Đến nay, sản phẩm dầu phộng của gia đình đã tạo dựng được lòng tin với người tiêu dùng và đang có mặt trên thị trường trong và ngoài tỉnh.
“Để có sản phẩm sạch đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng, cơ sở thực hiện quy trình sản xuất dầu nghiêm ngặt, bảo đảm an toàn và chất lượng cao. Trong quá trình ép dầu, hạt đậu được sàng lọc, sau đó xay mịn thành bột và hấp cách thủy. Đậu phộng hấp xong được đóng thành gói nhỏ rồi đưa vào bộng ép đứng thủy lực. Dầu phộng sau khi được ép sẽ được xử lý qua một dây chuyền lắng lọc khép kín và được đóng chai. Mỗi năm, cơ sở sản xuất khoảng 500 lít dầu, giá dao động 135-145 ngàn đồng/lít”-bà Cúc cho hay.
Hướng đến phát triển bền vững
Hiệu quả từ thực hiện Chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh thời gian qua được đánh giá có nhiều chuyển biến tích cực. Trong đó, khâu mở rộng thị trường tiêu thụ đang được các chủ thể chú trọng nhằm nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm.
Theo ông Huỳnh Đức Xuyến, sản phẩm của gia đình đạt chuẩn OCOP, sản lượng mỗi năm càng tăng đã tạo động lực để ông duy trì, phát triển sản phẩm, nỗ lực khẳng định được thương hiệu và uy tín trên thị trường.
“Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục liên kết với các hộ dân trên địa bàn mở rộng sản xuất theo hướng sạch, thu hái đúng quy trình nhằm nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm. Cùng với đó, quan tâm thiết kế mẫu mã bao bì và đầu tư quảng bá, giới thiệu sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử, trưng bày tại các hội chợ… Từ đó, các sản phẩm của gia đình sẽ ngày càng phát triển và đứng vững trên thị trường”-ông Xuyến kỳ vọng.
Chương trình OCOP trở thành bàn đạp để sản phẩm đặc trưng địa phương bay xa. Ảnh: Q.T |
Còn chị Nguyễn Thị Hoàng Vy thì cho hay: “Trong quá trình chế biến hạt mắc ca, tôi đã từng gặp khó khăn khi tìm nguồn nguyên liệu đầu vào vì khách hàng dùng sản phẩm cũ đã quen vị. Để có nguồn nguyên liệu cung ứng cho sản xuất, năm nay, tôi dự định liên kết với một số hộ dân trên địa bàn trồng 2.000 cây mắc ca gồm các giống 816, 849 và 842.
Cùng với đó, cơ sở không ngừng đầu tư trang-thiết bị, máy móc để cho ra những sản phẩm chất lượng hơn, đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng. Việc tận dụng được ưu thế của địa phương và liên kết được vùng nguyên liệu là một trong những điều kiện quyết định đến sự bền vững khi phát triển các sản phẩm”.
Theo ông Nguyễn Công Sơn-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Păh: Đến nay, huyện có 21 sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Riêng năm 2023, huyện có 11 sản phẩm OCOP, trong đó, 6 sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng lại, 5 sản phẩm đánh giá mới. Trong năm nay, huyện sẽ phát triển thêm 10 sản phẩm mới và đánh giá, phân hạng lại 5 sản phẩm đã hết thời hạn chứng nhận.
“Chương trình OCOP đã mang lại hiệu quả thiết thực giúp các chủ thể yên tâm đầu tư cho sản phẩm của mình phát triển ngày càng lớn mạnh, mang lại nguồn thu nhập khá. Đây là động lực để đánh thức tiềm năng và lợi thế phát triển kinh tế nông thôn của địa phương trong những năm tới”-ông Sơn nhận định.
Bộ sản phẩm cà phê bột Gia Phú và mắc ca Gia Phú đạt OCOP 3 sao cấp tỉnh. Ảnh: N.S |
Trong khi đó, qua 4 năm thực hiện Chương trình OCOP, đến nay, huyện Đak Đoa đã có 37 sản phẩm được công nhận OCOP, gồm: 6 sản phẩm 4 sao và 31 sản phẩm đạt 3 sao của 17 chủ thể. Đặc biệt, các sản phẩm được công nhận OCOP của huyện tiêu thụ rộng rãi trong và ngoài tỉnh.
Ông Nguyễn Kim Anh-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện-thông tin: Chương trình OCOP không chỉ góp phần định hướng cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng chế biến sâu, nâng cao chất lượng sản phẩm mà còn là “bàn đạp” để sản phẩm đặc trưng của địa phương vươn xa.
Trên thực tế, nhiều sản phẩm OCOP của địa phương đã chiếm được lòng tin của người tiêu dùng nhờ chất lượng đảm bảo. Từ đó, các chủ thể và người nông dân đã liên kết với nhau xây dựng các vùng nguyên liệu sản xuất tập trung với quy mô lớn hơn, tạo ra những sản phẩm đặc trưng có giá trị cao và đem lại lợi nhuận cao hơn.
“Thời gian tới, huyện tiếp tục định hướng, tạo mọi điều kiện để các chủ thể OCOP liên kết, mở rộng vùng nguyên liệu nhằm đảm bảo nhu cầu chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, chú trọng hỗ trợ về mặt cơ chế, chính sách để các chủ thể phát triển sản phẩm OCOP cũng như tham gia đánh giá, phân hạng lại”-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đak Đoa nhấn mạnh.
Nguồn: Gia Lai: Làm giàu từ sản phẩm OCOP