Gia Lai: Trở về con đường sáng
Gia Lai: Đak Pơ cấp hơn 15,4 tấn lúa giống chất lượng cao cho nông dân Gia Lai: Pleiku người cao tuổi làm kinh tế giỏi |
Xóa bỏ “điểm nóng”
Năm 2008, do thiếu hiểu biết nên một số người dân ở 2 làng Kuk Kôn, Kuk Đak đã bị kẻ xấu tuyên truyền, lôi kéo tham gia tà đạo “Hà Mòn”. Thời kỳ cao điểm, đối tượng tin theo tà đạo này lên đến 108 người (21 hộ), trong số đó có 22 đối tượng bị xúi giục bỏ trốn vào rừng hoạt động. Trước tình hình đó, được sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, Huyện ủy Đak Pơ đã huy động lực lượng vào cuộc triển khai đồng bộ các giải pháp tiến hành xóa bỏ tà đạo. Sau thời gian dài tuyên truyền, vận động, đấu tranh, “điểm nóng” trên đã bị xóa bỏ; 100% số hộ từng tin theo kẻ xấu đã tự nguyện viết cam kết quay trở về con đường sáng.
Đường vào làng Kuk Đak được đầu tư khang trang. Ảnh: L.N |
Ông Trần Văn Định-Phó Chủ tịch UBND xã An Thành, nguyên Bí thư Chi bộ làng Kuk Kôn-nhớ lại: Thời điểm đó, các hộ này từ chối tham gia các lễ hội của làng; không nhận bất kỳ chế độ chính sách nào; tránh né, không tiếp xúc với chính quyền. Họ nhóm họp tập trung, có những tuyên truyền sai lệch, phi lý như: không làm cũng có ăn, đau bệnh không cần thuốc men cũng khỏi, thậm chí câm điếc hay mù lòa thì chỉ cần đọc kinh sẽ khỏi… Kịp thời nắm bắt tình hình, Chi bộ làng giao nhiệm vụ cho các chi hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, người có uy tín vận động, tập hợp các đối tượng này để tuyên truyền, giải thích. Bên cạnh đó, nhằm ổn định an ninh chính trị, nhiều giải pháp giúp người dân như: cấp bò sinh sản, giống cây trồng, phân bón, cấp thẻ bảo hiểm y tế, vận động học sinh ra lớp… cũng được quan tâm triển khai sát sao. Nhờ đó, nhiều gia đình đã nhận ra chân tướng kẻ xấu, từ bỏ tà đạo, chăm lo làm ăn vươn lên thoát nghèo, thậm chí trở thành hộ khá như các gia đình: Đinh Thị Tu, Đinh Thị Mang (làng Kuk Kôn), Đinh Pset, Đinh Gol (làng Kuk Đak).
Nhận định văn hóa là “sợi dây” kết nối tinh thần cộng đồng, cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm khôi phục sinh hoạt văn hóa truyền thống như: diễn tấu cồng chiêng, mừng lúa mới, xuống đồng, bỏ mả… “Cùng với công tác tuyên truyền gìn giữ nét văn hóa truyền thống Bahnar, chúng tôi vận động các đối tượng từng theo tà đạo “Hà Mòn” tham gia các sinh hoạt văn hóa cùng với làng, giúp họ từng bước hòa nhập trở lại. Hiện nay, tình hình an ninh chính trị trên địa bàn xã đã ổn định”-Phó Chủ tịch UBND xã An Thành cho biết.
“Điểm tựa” gia đình, truyền thống
Đưa chúng tôi dạo quanh làng, ông Đinh Seng-Trưởng thôn Kuk Kôn-cho hay: “Trước kia, các hộ theo tà đạo bỏ bê việc làm ăn, từ bỏ sinh hoạt truyền thống. Nhờ đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, họ dần hòa nhập, biết đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau, chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước”.
Chúng tôi dừng chân trước ngôi nhà của vợ chồng anh chị Đinh Jyưnh-Đinh Thị Mang. Ngôi nhà cấp 4 bài trí tươm tất, gọn gàng. Bên hông nhà, anh chị còn trồng thêm rau, hoa. Không gian được gia chủ chăm chút khác hẳn thời gian 7 năm anh Jyưnh lẩn trốn trong rừng khiến cuộc sống gia đình đảo lộn, vợ con hoang mang. Giờ đây, gia đình anh chị có được cuộc sống ổn định, thu nhập mỗi năm khoảng 90 triệu đồng. Anh chị đã sắm được máy tuốt lúa và chiếc máy cày, ngoài phục vụ công việc của gia đình còn để làm dịch vụ. Anh Jyưnh bày tỏ: “Từ khi trở về địa phương, bản thân tôi và gia đình luôn chấp hành tốt các quy định của pháp luật cũng như hương ước của làng. Gia đình tập trung phát triển kinh tế, tham gia các hoạt động, duy trì văn hóa truyền thống như cồng chiêng, đan lát. Tôi mong Đảng, Nhà nước tiếp tục quan tâm giúp đỡ để cuộc sống của đồng bào thêm ổn định, bền vững”.
Ông Đinh Seng-Trưởng thôn Kuk Kôn (bìa phải) cùng cán bộ văn hóa xã đến thăm hỏi một gia đình từng theo tà đạo "Hà Mòn”. Ảnh: Lam Nguyên |
Gần đó, gia đình anh chị Đinh Kứ-Đinh Thị Tu cũng được xem là điển hình trong phát triển kinh tế từ cây mía và chăn nuôi trâu, bò với thu nhập khoảng 100 triệu đồng/năm. Nếu không mất 4 năm lẩn trốn trong rừng theo tà đạo và 6 năm ngồi sau song sắt vì vi phạm chính sách đoàn kết thì kinh tế gia đình anh còn khá hơn nữa. Trở về cuộc sống đời thường, anh Kứ tu chí làm ăn, bận rộn với vườn rẫy và dành thời gian đan những chiếc gùi tinh xảo. Anh vừa bán được 10 chiếc gùi với giá 200-300 ngàn đồng/chiếc, kiếm thêm thu nhập cho gia đình.
Nói về sự khởi sắc của làng, Trưởng thôn Kuk Kôn vui mừng thông tin: Làng sắp được đầu tư xây dựng nhà rông với kinh phí khoảng 1,5 tỷ đồng, trong đó, người dân tự nguyện đóng góp 100 triệu đồng. Công trình dự kiến động thổ vào tháng 8 tới, đến cuối năm sẽ hoàn thành.
Trong khi đó, chuyện trò cùng P.V, ông Đinh Prung-Trưởng thôn kiêm Bí thư Chi bộ làng Kuk Đak-cho hay: Từ sự vào cuộc vận động của cả hệ thống chính trị, 2 hộ trong làng từng trót theo tà đạo giờ đã xóa bỏ mặc cảm để hòa cùng nhịp sống chung của làng, chăm lo phát triển kinh tế và đã thoát nghèo cách đây 5 năm.
Những đứa trẻ làng Kuk Kôn. Ảnh: Lam Nguyên |
Nhớ lại khoảng thời gian còn lẩn trốn trong rừng, cả ông Đinh Gol và anh Đinh Pset không quên được cảm giác lo sợ, ngay cả tiếng động của một cành khô gãy rụng cũng làm họ bỏ chạy. Do vậy, được trở về với cuộc sống giản dị ngày thường chính là hạnh phúc. Gia đình ông Gol vừa được hỗ trợ làm thủ tục vay Ngân hàng Chính sách Xã hội 20 triệu đồng để xây nhà vệ sinh. Anh Pset từ chỗ từ chối tham gia sinh hoạt văn hóa truyền thống thì nay đã tự giác, đi đầu các phong trào. Khép lại quãng đời đáng quên, anh Pset là nghệ sĩ của làng với tài chơi đàn goong, đánh chiêng, giỏi đan lát… “Giờ không ai còn muốn nhắc lại chuyện buồn của làng nữa. Chúng tôi tuyên truyền, vận động bà con chí thú làm ăn, gắn kết cộng đồng, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc và xây dựng quê hương, quyết không để lặp lại sai lầm thêm một lần nữa”-ông Prung nói.