Hậu Giang: Sản xuất rau màu mùa mưa
Nhà lưới phát huy hiệu quả trong mùa mưa. |
Chủ động phòng ngừa
Từ tháng trước, anh Nguyễn Văn Hoàng, ở ấp 7, xã Long Trị A, thị xã Long Mỹ đã tự gia cố các liếp trồng rau trong vườn để phòng trường hợp rau bị úng nước do mưa nhiều, anh Hoàng cho biết: “Gần 1ha đất vườn xung quanh nhà tôi dùng để trồng các loại rau cải, ước sản lượng đạt hơn 53 tấn/năm. Do có kinh nghiệm nên từ trước mùa mưa, gia đình tôi đã nhanh chóng chuẩn bị từ khâu đất trồng, nhà lưới,… không cho mưa làm dập lá, hoặc bị sâu tơ, rầy nhảy tấn công”.
Trước những trận mưa lớn, kéo dài như hiện nay, mô hình nhà lưới đã phát huy hiệu quả khi giúp bà con trong hợp tác xã (HTX) Nông sản an toàn Long Trị A giảm thiểu tối đa thiệt hại do mưa. So với cách trồng rau truyền thống, trồng rau trong nhà lưới giúp hạn chế sự tác động tiêu cực của yếu tố tự nhiên như mưa, côn trùng,… giúp cây trồng khỏe mạnh, phát triển nhanh, ít cần đến các loại thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) và phân bón.
Ông Hồ Ngọc Bình, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Nông sản an toàn Long Trị A, ở ấp 7, xã Long Trị A, thị xã Long Mỹ, cho biết: “Năm nay mưa kéo dài nên bà con chọn các loại rau dễ bán như cải ngọt, cải xanh, cải bẹ dúng,… để trồng. Hiện 12 công đất trong HTX đang xuống giống và thu hoạch để giao cho bạn hàng tại các chợ Vị Thủy, Long Mỹ,… Hơn 20ha đất còn lại người dân để trống cho đất nghỉ, chuẩn bị tốt cho vụ sau. Nhờ có nhà lưới và bờ bao nên rau không bị ảnh hưởng, tuy nhiên giá bán có giảm nhẹ, khoảng 2.000 đồng/kg so với cách đây khoảng 1 tháng, với giá bán trung bình từ 8.000-10.000 đồng/kg”.
Biện pháp thích ứng mùa mưa
Tính đến nay, toàn tỉnh đã xuống giống được 24.753ha rau màu, đạt 91,7% so với kế hoạch năm 2024, giảm 517ha so với cùng kỳ. Thu hoạch lũy kế đến thời điểm này đạt 20.344ha, năng suất trung bình ước đạt 12,5 tấn/ha. Nhìn chung diện tích trồng rau màu tại thời điểm này giảm so với cùng kỳ là do các diện tích trồng xen trong các vườn cây ăn trái tận dụng diện tích trong thời gian cây còn nhỏ nay các loại cây ăn trái đã lớn nên diện tích này cũng giảm.
Ông Bạch Văn Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, cho rằng: “Nếu tận dụng lượng nước tự nhiên trong mùa mưa thì sẽ giảm được một phần công lao động cũng như lượng nước cần phải cung cấp cho cây. Tuy nhiên, nếu mưa liên tục sẽ gây ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển của rau màu”.
Do đó, để rau màu phát triển tốt trong mùa mưa, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh khuyến cáo bà con nên chọn nền đất cao ráo, tầng canh tác dày, đất tơi xốp, cũng như tránh làm đất quá nhuyễn vì nếu gặp mưa to dễ bị nén gây thiếu oxy, dẫn đến nghẹt rễ. Đồng thời, nên dọn các tàn dư ở vụ trước để loại bỏ nơi trú ẩn của côn trùng, sâu bệnh gây hại.
Bên cạnh đó, cần có bờ bao và hệ thống thoát nước tốt để tránh nước bị tồn đọng khi gặp mưa to hoặc mưa dầm lâu ngày gây ngập úng rau; lựa chọn các giống rau có thị trường tiêu thụ ổn định và cho hiệu quả kinh tế cao như: dưa leo, khổ qua, đậu đũa,… nhằm phát triển cây màu an toàn và bền vững. Ngoài ra, nên ươm cây giống trong khay hoặc túi bầu, vừa tiết kiệm thời gian, vừa bảo đảm tỷ lệ cây sống cao, cây rau sẽ mau bén rễ sau khi trồng, tạo sức khỏe cho cây từ giai đoạn cây con để góp phần chống chịu sâu bệnh gây hại.
Không nên gieo sạ với mật độ quá dày, chế độ tưới vừa phải, vừa đủ cho cây trồng phát triển, thường xuyên theo dõi các đối tượng gây hại, áp dụng các biện pháp phòng trừ dịch hại tổng hợp (IPM), quản lý sức khỏe cây trồng (IPHM) và phun thuốc theo nguyên tắc 4 đúng, sử dụng thuốc BVTV sinh học để đạt được năng suất và hiệu quả kinh tế cao nhất.
Song song, các phòng chuyên môn và các trạm trực thuộc cần tăng cường phối hợp với địa phương theo dõi, cập nhật thông tin diễn biến thời tiết để kịp thời phổ biến bản tin thời tiết nông vụ góp phần hạn chế rủi ro trong sản xuất; theo dõi và dự báo tình hình sinh vật gây hại để tư vấn cho nông dân cách thức phòng trừ hiệu quả, an toàn hạn chế thấp nhất ảnh hưởng thiệt hại do mưa bão gây ra. Dự báo trong những ngày tới, tình hình mưa còn diễn biến còn phức tạp, các phòng chuyên môn cần hướng dẫn người dân có biện pháp xử lý kịp thời hạn chế thiệt hại, vận động nông dân gia cố bờ bao, cống đập, khai thông dòng chảy, tích cực bơm chống ngập úng cho các loại cây trồng khác.
Nguồn: Sản xuất rau màu mùa mưa