Kiên Giang: Xã Thạnh Đông anh hùng
Kiên Giang: Chiếc đèn măng xông Kiên Giang tổ chức nhiều hoạt động thu hút du khách |
Trong hai cuộc kháng chiến cứu nước, nhất là trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, địch đã xây dựng Thạnh Đông thành sân sau của chính quyền tay sai với việc thành lập khu dinh điền Cái Sắn.
Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Thạnh Đông Nguyễn Văn Qua cho biết: “Theo các cựu chiến binh kể lại bọn giặc thi hành hàng loạt chính sách đàn áp, khủng bố cách mạng, quần chúng nhân dân trong xã. Dù vậy, dưới sự lãnh đạo của Chi bộ Đảng, Mặt trận, quân và dân Thạnh Đông đoàn kết một lòng, kiên cường bám trụ, tiến hành đấu tranh chống giặc ngoại xâm đến ngày giải phóng quê hương”.
Trong 21 năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, các lực lượng vũ trang xã Thạnh Đông đánh trên 350 trận lớn nhỏ, loại khỏi vòng chiến đấu hơn 500 tên địch, trong đó có tên thiếu tá Mỹ và nhiều tên ác ôn; diệt, bứt rút các đồn bót của địch, thu nhiều vũ khí và quân trang, quân dụng. Với công tác binh vận, lực lượng xã đã vận động hàng trăm binh sĩ ngụy trở về với nhân dân; tuyên truyền, giáo dục nhiều thanh niên không đi lính làm tay sai cho giặc.
Đồng chí Nguyễn Quốc Khánh (bên trái) - Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Thạnh Đông, huyện Tân Hiệp (Kiên Giang) thăm, nắm tình hình mô hình nuôi lươn không bùn của người dân trên địa bàn xã. |
Để phục vụ chiến đấu, toàn xã Thạnh Đông huy động hàng ngàn lượt người và xuồng tham gia vận chuyển hàng trăm tấn vũ khí, quân trang, quân dụng và đưa đón cán bộ, chiến sĩ vượt qua kênh, đường Cái Sắn an toàn.
Hàng ngàn lượt quần chúng tham gia phá ấp chiến lược. Hàng trăm thanh niên gia nhập quân giải phóng, nhiều thanh niên xung phong vào bộ đội chủ lực chiến đấu ở chiến trường miền Đông.
Nhân dân trong xã đóng góp hàng chục ngàn giạ lúa, đặc biệt là từ năm 1972 đến năm 1975, quân và dân xã Thạnh Đông đảm bảo lương thực nuôi chứa 1 tiểu đoàn và 3 đại đội quân giải phóng về đứng chân trên địa bàn đánh địch.
Chủ tịch UBND xã Thạnh Đông Nguyễn Quốc Khánh cho biết: Với những thành tích xuất sắc và sự hy sinh trong kháng chiến cứu nước, quân và dân xã Thạnh Đông được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Sau giải phóng, xã Thạnh Đông đã hoàn thành cơ bản giải quyết các chế độ, chính sách tồn đọng sau chiến tranh. Thực hiện đúng các quy định đối với việc phụng dưỡng, chăm lo các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, thương binh, bệnh binh và các gia đình có công với cách mạng. Các gia đình chính sách trên địa bàn xã hiện có cuộc sống ổn định, không còn hộ thuộc diện hộ nghèo.
Hiện kinh tế chính của xã Thạnh Đông là sản xuất lúa, chăn nuôi. Thương mại, dịch vụ trên địa bàn xã ngày càng phát triển, nhu cầu trao đổi hàng hóa và sức mua của người dân ngày càng tăng. Toàn xã có gần 500 hộ kinh doanh lớn, nhỏ. Đến năm 2022, thu nhập bình quân đầu người của xã hơn 64,2 triệu đồng/năm. Diện mạo nông thôn trên địa bàn xã ngày càng khởi sắc, các tuyến đường ấp, xóm được bê tông hóa thông thoáng giúp việc lưu thông dễ dàng. Xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2015.
Ông Đào Ngọc Phán (75 tuổi), ngụ ấp Đá Nổi B, xã Thạnh Đông, xã Thạnh Đông, huyện Tân Hiệp kể: “Năm 1991, tôi về sống ở ấp Đá Nổi B, xã Thạnh Đông, lúc ấy ở đây đi lại còn khó khăn lắm vì toàn là đường đất. Đến khoảng năm 2010, người dân góp tiền cùng chính quyền địa phương xây dựng đường giao thông nông thôn rộng 2m, sau này mở rộng ra 3,5m. Nếu xóm này ngày xưa nhà nào có chiếc xe gắn máy coi như là sang thì giờ đây rất nhiều hộ có ô tô, mỗi dịp lễ, tết, các tuyến đường nông thôn ô tô lưu thông rất nhiều. Có thể thấy đời sống người dân nâng lên rõ rệt”.
Cùng với phát triển kinh tế, công tác xây dựng hệ thống chính trị ở xã Thạnh Đông được củng cố, tăng cường và nâng cao chất lượng hoạt động. Đặc biệt, công tác xây dựng Đảng được coi trọng, nhất là công tác phát triển đảng viên được cấp ủy thường xuyên quan tâm. Năm 1976, chi bộ Thạnh Đông chỉ có 19 đảng viên, đến nay có gần 200 đảng viên, được cấp ủy cấp trên nâng lên thành lập đảng bộ và nhiều năm liền đảng bộ được công nhận trong sạch, vững mạnh.