Loạt doanh nghiệp dược phẩm báo lãi đậm, Dược Lâm Đồng lỗ thảm hại
Lợi nhuận chuỗi nhà thuốc bán lẻ Long Châu, An Khang, Pharmacity có đang tỷ lệ thuận với quy mô? Dược phẩm OPC báo lãi 180 tỷ đồng |
Dược Hậu Giang vẫn giữ phong độ, Dược Lâm Đồng lại lỗ thảm hại
Trong quý đầu năm 2023, so với các nhóm doanh nghiệp khác, lợi nhuận tại nhóm doanh nghiệp dược phẩm vẫn khá sáng sủa.
Trong đó, Dược phẩm Trung ương CPC1 Hà Nội (mã: DTP) ghi nhận tăng trưởng mạnh nhất. Cụ thể, quý 1/2023 doanh thu thuần tăng 95% lên gần 234 tỷ đồng, lợi nhuận gộp tăng 99% lên 119 tỷ đồng, biên lợi nhuận lên gần 51%. Mặc dù các chi phí đều tăng, lợi nhuận trước thuế của DTP vẫn đạt hơn 44 tỷ đồng, tăng 551% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế đạt 39 tỷ đồng, tăng 576%.
Dược phẩm Trung ương CPC1 Hà Nội cho biết năm 2023, nhiều sản phẩm mới được sản xuất và tiêu thụ trên thị trường, đồng thời dịch Covid được đẩy lùi và kiểm soát chặt chẽ dẫn đến doanh thu và lợi nhuận tăng.
Tương tự, CTCP Dược phẩm Trung ương I – Pharbaco (Mã: PBC) ghi nhận doanh thu thuần tăng 51%, lợi nhuận sau thuế tăng tới 480% lên gần 24 tỷ đồng.
Cùng ghi nhận lãi cao là Tổng công ty Dược Việt Nam – CTCP (Mã: DVN). Quý 1/2023, doanh thu thuần của công ty tăng 16% lên 1.229 tỷ đồng, lợi nhuận gộp tăng 22% lên 137 tỷ đồng, cùng với doanh thu tài chính tăng 84%, lãi từ công ty liên doanh, liên kết tăng 42% trong khi các chi phí giảm, lợi nhuận sau thuế của DVN bứt phá lên 111 tỷ đồng, tăng 148% so với cùng kỳ. Đây cũng là quý có lợi nhuận cao nhất kể từ khi công bố báo cáo tài chính của công ty.
CTCP Dược phẩm Imexpharm (HOSE: IMP) đạt lãi sau thuế quý 1/2023 gần 78 tỷ đồng, tăng 48% so với cùng kỳ năm trước, nhờ tập trung vào các sản phẩm chủ lực có giá trị và lợi nhuận biên cao. Đáng chú ý, đây là lợi nhuận quý cao thứ hai của Công ty kể từ khi niêm yết HOSE (năm 2006), quý kinh doanh có lợi nhuận cao nhất là quý 4/2022 với gần 79 tỷ đồng.
Đặc biệt, CTCP Dược Hậu Giang (mã: DHG) ghi nhận lợi nhuận cao nhất trên sàn chứng khoán. Cụ thể, quý 1/2023, Dược Hậu Giang ghi nhận 1.229 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 15% so với cùng kỳ. DHG đạt 361 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 42% so với cùng kỳ. Đây cũng là quý, công ty có mức lợi nhuận cao nhất trong lịch sử hoạt động.
Công ty cho biết, để đạt được kết quả trên, công ty tập trung bán các sản phẩm chiến lược và chủ lực như kháng sinh, giảm đau hạ sốt. Đồng thời gia tăng dự trữ nguyên liệu và tổ chức chặt chẽ hệ thống phân phối khiến doanh thu, lợi nhuận được cải thiện.
Ngược lại với bức tranh tích cực của ngành, một số doanh nghiệp dược phẩm báo tăng trưởng âm.
Điển hình như CTCP Dược phẩm Phong Phú (mã: PPP) ghi nhận kết quả sụt giảm ở nhiều chỉ tiêu kinh doanh so với cùng kỳ năm trước.
Cụ thể, doanh thu thuần của PPP trong kỳ gần như đi ngang, đạt gần 37 tỷ đồng. Tuy nhiên, giá vốn hàng bán lại tăng 7%, lên hơn 25 tỷ đồng. Hệ quả, lãi gộp của Doanh nghiệp giảm 14%, còn gần 12 tỷ đồng. Doanh nghiệp báo lãi ròng đạt 4.8 tỷ đồng, giảm 28% so với cùng kỳ.
Doanh nghiệp cho biết nguyên nhân kết quả kỳ này giảm do sản lượng sản xuất giảm 26%, trong khi định phí sản xuất giảm không tương ứng làm tăng giá thành sản xuất. Bên cạnh đó, chi phí bán hàng tăng do Công ty đầu tư mở rộng kênh bán hàng, tăng quảng bá nhận diện thương hiệu.
Cùng cảnh ngộ, CTCP Hóa - Dược phẩm Mekophar (Mã: MKP) là một trong những doanh nghiệp dược phẩm có mức giảm lợi nhuận sâu nhất (82%) so với cùng kỳ xuống 4 tỷ đồng do sự sụt giảm của doanh thu bán hàng và doanh thu tài chính khi chưa kịp ghi nhận lợi tức từ các đơn vị góp vốn.
Cũng kinh doanh ảm đạm là trường hợp của CTCP Dược phẩm OPC (mã: OPC) đạt doanh thu thuần đạt 198 tỷ đồng, giảm 48% so với cùng kỳ năm trước. Sau khi trừ đi các chi phí, Dược Phẩm OPC báo lãi trước thuế đạt 36,8 tỷ đồng, giảm 30% và lợi nhuận sau thuế đạt 29 tỷ đồng, giảm 27,5% so với cùng kỳ năm 2022.
Lý giải về tình hình kinh doanh quý 1/2023, Dược Phẩm OPC cho biết do khó khăn chung của thị trường nên doanh thu giảm so với cùng kỳ, bên cạnh đó mức giảm của lợi nhuận ít hơn mức giảm của doanh thu chủ yếu do tỉ trọng giá vốn trên doanh thu thuần và chi phí bán hàng giảm so với cùng kỳ.
Đặc biệt, với mức lỗ 6 tỷ đồng trong ba tháng đầu năm, CTCP Dược Lâm Đồng (Ladophar - Mã: LDP) đã có 4 quý lỗ liên tiếp, kể từ quý 2/2022. Cuối năm 2021, Ladophar chính thức về tay nhóm Louis Holdings. Đến tháng 4/2022, sau vụ việc ông Đỗ Thành Nhân bị bắt thì tình hình kinh doanh của Ladophar bắt đầu thua lỗ. Năm ngoái, công ty lỗ luỹ kế gần 39 tỷ đồng.
Lợi nhuận doanh nghiệp dược phẩm còn dư địa tăng trưởng?
Trong báo cáo phân tích về ngành dược của SSI Research hồi tháng 1, đơn vị phân tích dự báo, tăng trưởng của ngành dược sẽ hạn chế, lợi nhuận có thể ghi nhận mức thấp hơn trước khi khá dần lên. Trong đó, doanh thu ngành sẽ tăng 8%, đạt 169.000 tỷ đồng (7,2 tỷ USD) vào năm 2023.
SSI Research cho rằng, bối cảnh sau đại dịch sẽ ổn định ở hầu hết các khía cạnh nhưng suy thoái kinh tế có thể làm đình trệ chi tiêu cho chăm sóc sức khỏe. Nửa đầu năm 2023 sẽ là khoảng thời gian khó lường đối với nguồn cung hoạt chất (API) và tá dược.
Còn theo quan điểm của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), năm 2023, kênh ETC (kênh đấu thầu tại sở và bệnh viện) sẽ dễ thở hơn.
Đầu tiên là Luật khám, chữa bệnh 15/2023/QH15 bắt đầu được thi hành kể từ ngày 1/1/2024, bổ sung quy định về tự chủ đối với cơ sở khám, chữa bệnh của Nhà nước. Điều này sẽ tạo điều kiện cho các bệnh viện công tự chủ về nguồn vốn để đầu tư cơ sở vật chất để phù hợp với nhu cầu khám bệnh. Đồng thời, khắc phục tình trạng ùn tắc tại bệnh viện, bệnh nhân phải chờ đợi do cơ sở y tế thiếu máy móc, thiết bị. Từ đó, lưu lượng bệnh nhân tới khám, chữa bệnh tại bệnh viện có thể gia tăng thúc đẩy tiêu thụ sản lượng thuốc trên kênh ETC.
Thứ hai là Thông tư 06/2023/TTT-BYT sửa đổi một số điều liên quan tới quy định về đấu thầu thuốc tại cơ sở y tế công lập của thông tư 15/2019/TT-BYT. Thông tư mới sẽ tháo gỡ những bất cập về giá thuốc trúng thầu ngày càng giảm trong những năm qua khi giá trúng thầu của năm nay không được cao hơn giá trúng thầu của năm trước đó. Trong khi đó, chi phí đầu vào nguyên liệu API đều có xu hướng tăng qua từng năm tạo áp lực lên giá vốn và biên lãi gộp cho các công ty sản xuất dược phẩm.
Theo Dự báo của Fitch Solutions, doanh thu kênh ETC sẽ 5,46 tỷ USD (tăng 7%) cho năm 2023 và 6,81 tỷ USD (tăng 7,7%) cho năm 2026, tốc độ tăng trưởng kép 5 năm đạt 8% dựa trên cơ sở về việc mở rộng độ bao phủ của bảo hiểm y tế toàn dân và dự báo tốc độ tăng trưởng nhanh của thuốc biệt dược gốc, thuốc generics đã được cấp giấy phép sản xuất.
Ngoài ra, đơn vị phân tích còn cho rằng, những doanh nghiệp sản xuất dược phẩm có định hướng phát triển dài hạn trên kênh ETC sẽ được hưởng lợi nhờ vào những chính sách hỗ trợ của Bộ Y tế.
Nguồn:Loạt doanh nghiệp dược phẩm báo lãi đậm, Dược Lâm Đồng lỗ thảm hại