Logistics - Điểm mấu chốt quyết định giá trị của nông sản Việt
"Xanh hóa” ngành logistics, đáp ứng yêu cầu mới của thị trường Hoàn thiện hệ thống logistics nâng cao sức cạnh tranh cho nông sản |
Nông dân phấn khởi vì nông sản Tết trúng mùa, được giá. (Ảnh: Hồng Thái/TTXVN) |
Ngành nông nghiệp Việt Nam hiện nay được đánh giá đã đạt được những thành tựu đáng kể. Hằng năm, các sản phẩm nông nghiệp đã mang kim ngạch khá lớn, có vai trò quan trọng trong tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn nền kinh tế Việt Nam.
Tuy nhiên, nếu không phát triển toàn diện hệ thống sản xuất, chế biến, tiêu thụ, thì toàn ngành sẽ phải chững lại để giải quyết "nút thắt cổ chai," đó là hệ thống vận chuyển, logistics nông nghiệp đặc thù.
Logistics đóng vai trò quan trọng trong cả quá trình sản xuất và tiêu thụ nông sản. Đây là điểm mấu chốt quyết định giá trị nông sản và hiệu quả kinh tế trong nông nghiệp.
Đặc biệt hơn nữa, logistics nông nghiệp lại là một hệ thống vận chuyển mang tính quyết định và cần nhiều ứng dụng kỹ thuật để vận hành. Chính vì vậy, đây là khâu không thể thiếu trong phát triển nông nghiệp bền vững.
Cần hệ thống logistics chuyên biệt
Lưu thông hàng hóa là nhu cầu thiết yếu hiện nay để phát triển sản xuất ổn định. Tuy nhiên, với các sản phẩm nông nghiệp Việt Nam hiện nay, dòng sản phẩm chế biến còn chiếm tỷ lệ thấp, ngành hàng lại đa dạng nên cũng cần một hệ thống logistics đa dạng cho nông sản Việt Nam.
Ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam, chia sẻ là một trong những sản phẩm có nhu cầu xuất khẩu tươi, ngành hàng rau quả hiện còn gặp nhiều trở ngại trong vấn đề xuất khẩu, nhất là đi đến các thị trường khó tính, khoảng cách địa lý xa.
Bên cạnh đó, hạ tầng cơ sở phục vụ cho mặt hàng này còn yếu, tổn thất sau thu hoạch cao (30-35%) dẫn đến thiệt hại về kinh tế, công nghệ bảo quản còn lạc hậu càng làm cho hàng hóa của chúng ta giảm giá trị và khó cạnh tranh trên thương trường.
Sản phẩm rau, củ, trái cây Việt Nam vốn được người tiêu dùng khắp thế giới ưa chuộng, đặc biệt là các dòng sản phẩm tươi, đông lạnh dạng tươi.
Thế nhưng, logistics và các khâu bảo quản lại là một bài toán nan giải cho cả người sản xuất lẫn doanh nghiệp xuất khẩu.
Chế biến chuối xuất khẩu. (Ảnh: Hoàng Nhị/TTXVN) |
Theo những phản ánh từ doanh nghiệp xuất khẩu rau quả, có nhiều loại trái cây rất khó vận chuyển đi xa tới thị trường khó tính như Mỹ, châu Âu, mặc dù các thị trường này ưa chuộng.
Cho dù sản phẩm có lợi thế cạnh tranh so với những loại trái cây khác, nhưng doanh nghiệp vẫn không thể làm vì khâu logistics chưa đảm bảo.
"Chẳng hạn với trái thanh long, muốn đến thị trường Mỹ, phải đảm bảo thời hạn bảo quản 35 ngày, bao gồm cả thời gian lên kệ. Thế nhưng qua khâu chiếu xạ, chất lượng cao nhất của trái thanh long chỉ còn 27 ngày, bao gồm thời gian lên kệ. Vì vậy trái thanh long Việt Nam chỉ mới có thể đến bang California, chưa thể lên kệ tại New York của Mỹ. Còn với trái vú sữa, sau khi chiếu xạ, chất lượng cao nhất chỉ còn 10 ngày, bao gồm thời gian lên kệ. Vì vậy, trái vú sữa muốn đến thị trường Mỹ chỉ có thể đi bằng đường hàng không, chi phí quá cao để có thể xuất khẩu lâu dài," ông Nguyễn Đình Tùng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Vina T&T Group chia sẻ.
Đối với nhiều loại trái cây Việt Nam, dù thời gian bảo quản dài như trái bưởi, dừa tươi, nhưng doanh nghiệp vẫn lựa chọn xuất khẩu đến những thị trường gần như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản.
Ông Đàm Văn Hưng, chủ cơ sở xuất khẩu bưởi đã xanh Hương Miền Tây, cho biết bất kỳ thị trường nào cũng có tiềm năng cho nông sản Việt Nam.
Tuy nhiên, Hương Miền Tây chọn các thị trường gần để có thể đảm bảo chất lượng sản phẩm tươi ngon nhất có thể. Trong điều kiện thiếu kho lạnh hay container lạnh, thì các đơn hàng của Hương Miền Tây vẫn được giao đúng hạn, nông dân thu hoạch đúng thời gian và có thu nhập, xoay vòng sản xuất.
Chính vì vậy, có nhiều ngành hàng nông nghiệp hiện nay rất cần một hệ thống logistics phù hợp cho nhiều loại nông sản, để đảm bảo chất lượng cao khi cung ứng ra thị trường thế giới.
Yêu cầu công nghệ và kho chứa phù hợp
Với xu thế hiện nay, phát triển logictics phục vụ cho các mặt hàng nông sản cần có sự chuyên sâu trong từng khâu.
Với đặc thù là sản phẩm tươi, cần giữ chất lượng như vừa thu hoạch là điều các doanh nghiệp xuất khẩu mong muốn. Bởi sự cạnh tranh hiện nay không chỉ về giá mà còn về chất lượng, các chi phí khác. Nếu làm đồng bộ thì mới có thể đảm bảo chất lượng tốt nhất như doanh nghiệp mong muốn.
Ông Phạm Văn Trọng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Tiền Giang, chia sẻ Tiền Giang vốn đã xuất khẩu các sản phẩm trái cây ra nhiều thị trường thế giới, nhưng nếu chi phí vận chuyển quá lớn mà lại chưa có công nghệ bảo quản, kho chứa sản phẩm đảm bảo chất lượng thì đây là một điều đáng tiếc, tỷ lệ hao hụt cao từ khâu bảo quản chưa tốt sẽ gây thất thoát một nguồn thu nhập đáng kể.
Bên cạnh đó, sự đồng bộ trong ứng dụng công nghệ trong logistics cũng góp phần bảo quản nông sản sau thu hoạch theo yêu cầu của thị trường.
Bà Nguyễn Nam Phương Thảo, Giám đốc kinh doanh Tập đoàn Hoàng Phát, cho biết hiện nay nhiều doanh nghiệp xuất khẩu rau quả đang rất cần những kho chứa công nghệ cao để giữ sản phẩm tươi cho đến khi ra cảng.
Chế biến sản phẩm dứa đóng hộp tại nhà máy của Công ty CP Xuất Nhập khẩu Nông sản An Giang. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN) |
Nắm bắt được yêu cầu này, Tập đoàn Hoàng Phát đã đầu tư công nghệ cho các kho lạnh, cũng như liên kết với các doanh nghiệp logistics có số lượng container lạnh đáp ứng nhu cầu xuất khẩu rau quả tươi sống của các doanh nghiệp.
Nếu không đầu tư công nghệ cao cho các kho lạnh, container lạnh này thì thời gian bảo quản rút ngắn lại, tỷ lệ hao hụt của doanh nghiệp tăng lên.
Các doanh nghiệp xuất khẩu liên kết với doanh nghiệp logistics có hệ thống kho lạnh đảm bảo, thời gian bảo quản được giữ ổn định và giảm tỷ lệ hao hụt sản phẩm từ 8-10% xuống còn 5%.
Là một doanh nghiệp tiếp cận thị trường Việt Nam trong suốt 11 năm, ông Paul Lê, Phó chủ tịch Tập đoàn Central Retail tại Việt Nam, nhấn mạnh nói đến logictics không chỉ nói đến giá vận chuyển hay giá bán, mà còn chú trọng các khâu làm kho lạnh.
Chẳng hạn như Central Retail đang đầu tư rất nhiều kho lạnh với các cấp nhiệt độ khác nhau như kho 2-4 độ C, kho 4-6 độ C.
Với những kho phân cấp nhiệt độ này sẽ giúp cho rau củ quả tươi nhất khi bày lên kệ.
Mấu chốt phát triển khâu logictics chính là làm sao để khách hàng mua hàng nhiều nhất và sẽ lựa chọn sản phẩm trong những lần sau chứ không nên nhắm vào mức giá và vận chuyển.
Có thể thấy trong 30 năm qua, các sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam đã đạt chất lượng tốt, khâu còn lại là xây dựng hệ thống logistics phù hợp sẽ tạo điều kiện cho nông sản được tiêu thụ tốt hơn.
Liên kết chuỗi logistics rải rác
Từ thực tế vận chuyển hàng hóa của Việt Nam, hình thức logistics nông sản tại các địa phương tồn tại dưới dạng các doanh nghiệp thu mua và giao dịch với các doanh nghiệp tiêu thụ, chế biến xuất khẩu.
Chính vì có nhiều đơn vị thu mua, qua nhiều khâu khác nhau, nên vô tình đẩy giá vận chuyển các mặt hàng nông sản lên cao.
Theo thống kê của Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam, ngay từ những năm trước đây, chi phí logistics cho nông nghiệp ở Việt Nam cao hơn Thái Lan 6%, Malaysia 12% và Singapore 300%.
Theo báo cáo công bố năm 2022 của Tập đoàn logistics toàn cầu Agility, chi phí logistics ở Việt Nam chiếm khoảng 20% GDP, cao hơn gấp đôi tại các nước phát triển.
Đặc biệt là trong giai đoạn ứng phó với dịch bệnh COVID-19, chi phí vận chuyển càng tăng cao hơn, ảnh hưởng đến vận chuyển hàng hoá trong nước và xuất khẩu, làm cho các mặt hàng nông nghiệp Việt Nam khó cạnh tranh tại thị trường quốc tế.
Theo bà Nguyễn Tú Uyên, Giám đốc Công ty Logistics CMU, các mặt hàng nông sản tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long muốn tập trung được thì phải thông qua nhiều phương tiện vận chuyển khác nhau, từ xe thồ đến ba gác, xe tải, tàu ghe... do đặc thù khu vực này có nhiều đường giao thông nông thôn nhỏ, hẹp. Đây là những hệ thống logistics nhỏ lẻ, rải rác.
Chính vì vậy, qua nhiều khâu vận chuyển đã làm ảnh hưởng đến chất lượng cũng như giá bán sản phẩm.
Đơn cử như trái vải Bắc Giang phải đi “du lịch” một vòng từ Bắc Giang đến Hà Nội, vào Thành phố Hồ Chí Minh, đến nhà máy chiếu xạ, rồi mới được đưa đến nhà máy đóng gói xuất khẩu.
Vô tình đoạn đường này làm giảm chất lượng trái vải cũng như thời gian bảo quản trái vải và đưa lên kệ.
Nếu chuỗi vận chuyển này liên kết chặt chẽ hơn hoặc rút ngắn đoạn đường thì có thể giảm chi phí logistics và tăng thời gian bảo quản cho vải.
"Với sự phát triển nông sản xuất khẩu hiện nay, nhiều mặt hàng được các thị trường lớn như Trung Quốc, Mỹ cấp mã số vùng trồng hoặc chứng nhận quy trình sản xuất tương đương với nước sở tại, nhưng lại chưa thuận lợi xuất khẩu cũng từ khâu logistics. Do đó, nếu các khâu của logistics có sự liên kết, các đơn vị vận chuyển, kho lạnh, chiếu xạ có sự phối hợp chặt chẽ thì nhiều mặt hàng nông sản Việt Nam như thanh long, vú sữa, vải... có thể vượt qua được giới hạn thời gian bảo quản từ khâu sản xuất đến lên kệ với người tiêu dùng," bà Nguyễn Tú Uyên nói thêm.
Hướng tới xây dựng hệ thống đồng bộ
Từ câu chuyện chi phí vận chuyển, logistics đã ăn mòn lợi nhuận của nông sản Việt Nam, làm chất lượng nông sản giảm dần do những cản trở cục bộ từ các địa phương chưa phát triển hệ thống giao thông hoàn chỉnh, ngành nông nghiệp nói riêng và chuỗi hệ thống nói chung đã chung tay tìm một lối đi cho logistics nông sản đặc thù.
Ông Trần Công Thắng, Viện trưởng Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn cho rằng, ngành nông nghiệp Việt Nam cần xây dựng một hệ thống logistics gắn từ vùng sản xuất đến thị trường trong nước và xuất khẩu.
Trọng tâm của hệ thống này là xây dựng trung tâm logistics ba cấp.
Đầu tiên là trung tâm logistics gắn với vùng sản xuất. Thứ hai là hệ thống logistics cấp vùng, tạo động lực kết nối của vùng sản xuất với các thị trường lớn.
Thứ ba là hệ thống trung tâm logistics phục vụ suất nhập khẩu. Trung tâm này đặt ở các cửa khẩu có giao thương lớn với các nước xung quanh. Trong hệ thống phân cấp này phải tính đến cả đội ngũ thương lái để tạo thành các cấp độ logistics hoàn chỉnh.
Theo ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thống kê mảng logistics quốc tế cho thấy Việt Nam có hơn 5.000 doanh nghiệp, doanh nghiệp nội địa chiếm 89% nhưng đều là doanh nghiệp nhỏ và vừa, chiếm 30% thị phần.
Đáng nói, con số 30% nêu trên phải tính cả phần các doanh nghiệp nhận làm thuê cho các đối tác nước ngoài.
Với số lượng doanh nghiệp logistics này, giúp vận chuyển mặt hàng nông sản Việt Nam hơn 67% đi bằng đường biển, 7,5% đi đường hàng không để tới các thị trường châu Âu, Mỹ, Australia...
Để cho ngành hàng nông sản Việt Nam thuận lợi đến các thị trường nhưng vẫn giữ được chất lượng ban đầu thì các khâu trong hệ thống logistics nông sản đều phải được chú trọng.
Đồng thời, hệ thống này được phân cấp rõ ràng, đặc thù theo địa hình và điều kiện giao thông mỗi địa phương, mỗi khu vực để sự kết nối này thuận lợi và dễ dàng.
Đơn cử, sắp tới Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất Cần Thơ là Trung tâm sơ chế, đóng gói, logistics vùng Đồng bằng sông Cửu Long, hội tụ các mặt hàng nông sản của khu vực để xử lý đồng bộ trước khi xuất khẩu.
Bên cạnh đó, ngoài việc quy hoạch những trung tâm logistics vùng, bổ sung hạ tầng có tính tích hợp như kho bãi kiêm bảo quản, đóng gói... đối với các nhóm hàng hóa nông sản chất lượng cao có kim ngạch chưa lớn, việc phát triển thị trường mới theo tuyến vận tải, nghiên cứu các phương án kết hợp vận chuyển các mặt hàng khác nhau, phối hợp giữa các doanh nghiệp cùng lĩnh vực kinh doanh có thể giúp tối đa hóa hiệu quả, giảm thiểu chi phí.
Để hệ thống này thành công, các địa phương bắt tay xây dựng và vận động doanh nghiệp tham gia, xã hội hóa từng khâu để phát huy tốt nhất tài lực, vật lực của mỗi khu vực.
Bên cạnh xây dựng hệ thống logistics cho các mặt hàng nông sản, ông Trần Thanh Nam còn nhấn mạnh, phải phát triển cả hệ thống logistics cho thương mại điện tử nông sản. Đây là một kênh tiêu thụ có nhiều tiềm năng và là kênh tiêu thụ chủ lực khi xảy ra sự cố do dịch bệnh, biến động kinh tế..../.
Nguồn:Logistics - Điểm mấu chốt quyết định giá trị của nông sản Việt