Những gã khổng lồ gia nhập thị trường logistics thương mại điện tử Việt Nam
Gia Lai: Dự án Trung tâm logistics quốc tế Tây Nguyên: Đòn bẩy thu hút đầu tư Tháo gỡ điểm nghẽn tập trung phát triển ngành logistics |
Theo báo cáo của Google, Temasek và Bain & Company năm 2022, người tiêu dùng mua hàng trực tuyến ở Việt Nam chiếm tỷ lệ 49%, chỉ đứng sau Singapore (53%), cao hơn Malaysia và Indonesia.
Logistics thương mại điện tử dang là thị trường hấp dẫn nhiều hãng vận chuyển quốc tế. |
Mức tăng trưởng thương mại điện tử (TMĐT) của Việt Nam được các hãng dự báo sẽ tiếp tục bùng nổ trong những năm tới và sẽ cán mốc 39 tỷ USD vào năm 2025, đứng thứ 2 sau Indonesia (104 tỷ USD), ngang bằng Singapore.
Tổng doanh thu kinh tế Internet Việt Nam đến năm 2025 dự báo đạt mức 57 tỷ USD, chỉ đứng sau Indonesia. Việt Nam cũng có tỷ lệ người tiêu dùng mua sắm trực tuyến cao thứ 2 trong khu vực, chỉ sau Singapore.
Sự tăng trưởng của thương mại điện tử đã đặt ra nhu cầu cao đối với ngành logistics và dự kiến ngành tăng trưởng trung bình 42% năm 2022. Theo báo cáo của Allied Market Research, thị trường chuyển phát nhanh Việt Nam dự kiến đạt 4,88 tỷ USD vào 2030, tốc độ tăng trưởng kép 24,1% trong giai đoạn 2022-2030. Đây cũng là một trong các động lực phát triển của thương mại điện tử.
Giao hàng chặng cuối là cực kỳ quan trọng đối với các doanh nghiệp TMĐT biết rằng khách hàng mong đợi giao hàng nhanh chóng và đáng tin cậy. Hiện tại, một số nền tảng TMĐT như Lazada, Tiki và Grab có bộ phận logistics riêng bao gồm kho bãi, gói hàng và vận chuyển. Tuy nhiên, hầu hết các công ty tham gia vào TMĐT không thể xử lý logistics một mình, tạo ra nhu cầu cho các nhà cung cấp dịch vụ logistics bên thứ ba (3PL). Các công ty như Shopee và Sendo sử dụng các đối tác 3PL như Giao hàng tiết kiệm, Giao hàng nhanh...
Trái lại, sự tăng trưởng cao của ngành TMĐT mang lại nhiều cơ hội hơn cho các công ty logistics để khai thác tiềm năng của thị trường. Trong những năm gần đây, một số công ty đáng chú ý đã bắt đầu đầu tư vào lĩnh vực logistics tại Việt Nam và giúp thể hiện những thành công và cơ hội mà Việt Nam có thể mang lại.
Maersk - Ông lớn ngành vận tải hàng hải Đan Mạch sở hữu hơn 730 tàu container, hiện diện tại 130 quốc gia. Maersk đang muốn chuyển trọng tâm dần sang logistics, mong muốn đưa doanh thu mảng này vượt qua mảng vận tải biển vào giữa thập kỷ này. Định hướng đó cộng với sự hấp dẫn của thương mại điện tử khiến hãng không đứng ngoài cuộc chơi ở Việt Nam.
Tháng 8/2022, Maersk mua lại LF Logistics (Hong Kong) với giá 3,6 tỷ USD. Mới đây, ông Ditlev Blicher, Giám đốc điều hành Maersk châu Á - Thái Bình Dương đến Việt Nam mang theo tham vọng phát triển Maersk Việt Nam tiến sâu hơn vào chuỗi cung ứng đa kênh tại thị trường này.
Maersk Việt Nam với sự sáp nhật của LF Logistics sẽ trở thành đơn vị xử lý đơn hàng thông qua mạng lưới logistics toàn cầu với năng lực lưu kho, phân phối và cung ứng toàn diện được hỗ trợ bởi công nghệ. Hiện công ty xử lý rất nhiều đơn hàng thương mại điện tử B2C, tức đưa hàng đến tận tay khách hàng. Sự kết hợp này giúp Maersk Việt Nam có thể phối hợp với các sàn TMĐT để xử lý đơn hàng tại thị trường Việt Nam.
Một tên tuổi khác đáng chú ý là hãng chuyển phát nhanh hàng không FedEx. Đại gia này cũng đang thâm nhập sâu hơn thông qua việc tích hợp dịch vụ với các thị trường thương mại điện tử trong khu vực. Mục tiêu là để các nhà bán lẻ trực tuyến có thể dùng nhiều hơn tính năng của hãng mà không cần rời khỏi nền tảng thương mại điện tử.
Đầu tháng 11 này, DHL đưa vào hoạt động trung tâm khai thác mới diện tích 2.600 m2 với vốn đầu tư 2 triệu USD tại Bắc Từ Liêm (Hà Nội). Trước sự tham gia của các gã "khổng lồ", những gương mặt quen thuộc không đứng yên, cả về dịch vụ lẫn giá cả.
Lazada Logistics tháng này tuyên bố đảm nhận luôn việc giao hàng đa kênh cho các shop online. Hay nói cách khác, công ty sẽ giao hàng cho bất kỳ đơn phát sinh nào từ những web ngoại sàn hay mạng xã hội.
Nguồn: Nhiều gã "khổng lồ" gia nhập thị trường logistics thương mại điện tử Việt Nam