Những người lặn biển nhặt rác cứu san hô ở Đà Nẵng
Giảm phát thải để bảo vệ các rạn san hô Rạn san hô lớn thứ ba thế giới bị tẩy trắng |
Anh Đào Đặng Công Trung (trú phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà) được nhiều người biết đến như một “đại sứ”, là người truyền cảm hứng, lan tỏa những hành động đẹp vì môi trường. Sở dĩ nói như vậy vì hơn 10 năm qua, anh Trung dành rất nhiều thời gian đi nhặt rác không chỉ trên bờ mà cả dưới đáy biển. Là một người yêu biển, thường xuyên lặn ngụp dưới biển, anh Trung nhận thấy dưới đáy biển cũng có rất nhiều loại rác thải nhựa, túi ni-lông, ngư cụ hỏng bị trôi dạt mắc vào các rạn san hô quanh bán đảo Sơn Trà. Bên cạnh đó, vẫn còn không ít tác động từ ngư dân đánh bắt hải sản, cũng như du khách lặn tham quan rạn san hô. Nếu để lâu ngày, các tác động này và lượng rác thải sẽ ảnh hưởng đến môi trường sống của san hô cũng như các loài sinh vật biển.
Anh Trung bắt đầu sắm sửa chân vịt, kính lặn, sup, dụng cụ kìm, kéo... để đi nhặt rác dưới đáy đại dương. Sau những lần lặn biển, nhặt rác một mình, nhận thấy rác chìm dưới biển rất nhiều trong khi sức người có hạn, nếu làm một mình sẽ không xuể, anh thấy cần phải lan tỏa việc làm này tới những người cùng chí hướng. Tháng 6 vừa qua, anh Trung cùng với vận động viên bơi lội Nguyễn Thị Trà My (sinh năm 1996, trú quận Sơn Trà) thành lập nhóm DaNang Free Diving (Lặn tự do Đà Nẵng) gồm những người yêu thích lặn biển để cùng bảo vệ, giữ gìn môi trường biển. Đến nay, nhóm có hơn 2.000 thành viên, trong đó có gần 100 người tham gia thường xuyên đến từ các ngành nghề khác nhau, độ tuổi khác nhau, trong đó có cả thợ lặn chuyên và không chuyên.
Anh Đào Đặng Công Trung hướng dẫn các thành viên nhóm lặn tự do Đà Nẵng Free Diving nhặt rác ở dưới biển |
Một trong những người tham gia rất nhiệt tình trong hoạt động bảo vệ môi trường biển là anh Huỳnh Hoài Thanh, thành viên CLB môn chèo sup Đà Nẵng. Sinh ra và lớn lên ở biển, mỗi lần lặn biển thấy dưới đáy nhiều rác khiến anh rất trăn trở. Ban đầu, anh cũng một mình thu lượm rác nhưng rồi những người cùng yêu biển gặp nhau, tạo thành nhóm, chung tay dọn rác. Theo anh Thanh, lượng rác ở các rạn san hô nhiều và khó gỡ nhất là lưới ma, là lưới đánh cá lâu ngày bị đứt, chìm xuống đáy biển, khi có sóng lớn trôi về mắc vào san hô.
Những tấm lưới lớn trùm lên san hô lâu ngày khiến chúng thiếu ánh sáng, dần dần sẽ bị chết. Hoặc đôi khi chỉ cần những cơn sóng lớn, lưới kéo qua kéo lại cũng làm gãy san hô. Vì thế, việc gỡ bỏ những tấm lưới ma này đòi hỏi người lặn phải có kỹ năng nhận biết các mối nguy hại dưới đáy đại dương (những loài thủy sinh có độc tố), kỹ năng giữ thăng bằng dưới nước, kỹ năng điều áp dưới nước, khi cắt lưới phải nhẹ nhàng tránh tình trạng làm đứt, gãy san hô. “Một tấm lưới có rất nhiều mắt, mỗi hơi lặn chỉ được một khoảng thời gian rất ngắn có khi chỉ cắt được một mắt dây. Một tấm lưới mắc vào san hô phải cần nhiều lần ngụp lặn lên xuống, nhiều khi phải mất đến 30 phút mới gỡ hết được”, anh Thanh chia sẻ.
Cũng như anh Thanh, Minh Huy, du học sinh Mỹ (sinh năm 1994, trú phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà) cũng dành cả mùa hè vừa qua để dọn rác cho các rạn san hô. Huy kể, khi đi du học em có học thêm kỹ năng lặn biển, đi trải nghiệm lặn biển, ngắm san hô nhưng mỗi chuyến đi như vậy chi phí rất tốn kém. Trong khi ở Đà Nẵng, nhà ngay gần biển, lại có những rạn san hô rất đẹp tại sao mình không chung tay giữ gìn, bảo vệ.
Xuất phát từ suy nghĩ đó nên 4 tháng hè vừa qua, Huy đã tạo cho mình một thói quen mỗi khi ra biển thường mang theo dụng cụ để nếu lặn biển thì tranh thủ cắt lưới, nhặt nhạnh các loại rác bị mắc vào san hô. “Đà Nẵng có hệ sinh thái san hô đa dạng và đẹp, thay vì phải đi đến nơi khác để lặn ngắm tại sao mình không giữ gìn bảo vệ tài sản của quê nhà để mỗi lần trở về lại có chỗ chơi, chỗ thưởng thức; xa hơn nữa là có thể tự hào giới thiệu với bạn bè, du khách gần xa về “tài sản” của thành phố”, Huy bày tỏ.
Họ ngụp lặn ở bãi Nam để “giải cứu” san hô |
Anh Công Trung chia sẻ, nhặt rác dưới đáy biển là việc không hề dễ dàng, không phải ai cũng có thể tham gia được bởi liên quan đến yếu tố an toàn. Do đó, những người tham gia đều phải tự trang bị cho mình kiến thức, kỹ năng cần thiết. Bản thân anh Trung là người có kinh nghiệm đi lặn và có chứng chỉ do Hiệp hội Hướng dẫn viên lặn biển chuyên nghiệp (PADI) cấp nên mỗi lần tổ chức đi gom rác dưới biển anh Trung đều chủ động hướng dẫn các tình nguyện viên tham gia một số kỹ năng nhất định. Anh Trung luôn nhắc nhở các tình nguyện viên làm một cách khéo léo để không bị đứt gãy, ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng của san hô cũng như tác động xấu, ảnh hưởng đến hệ sinh thái của biển, bởi mỗi năm san hô chỉ sinh trưởng được khoảng 1cm. Đặc biệt, với những đoạn lưới có bào tử san hô đang sinh trưởng thì không nên cắt mà phải giữ lại để san hô phát triển.
Nhờ có sự lan tỏa cũng như sự chuẩn bị chu đáo mà các chuyến tổ chức lặn biển, thu gom rác tập trung của nhóm DaNang Free Diving hoạt động rất hiệu quả. Lần gần đây nhất là buổi thu gom rác tại bãi Nam (cuối tháng 8) với sự tham gia của 47 tình nguyện viên từ đủ các ngành nghề, độ tuổi khác nhau đã gom được hơn 250kg rác thải các loại. Sự chung tay, góp sức của những người yêu môi trường biển đã giúp các rạn san hô ở Bãi Nam và Hòn Sụp được làm sạch trong mùa hè vừa qua. Những hoạt động thiết thực, cụ thể cũng như nguồn năng lượng tích cực từ các tình nguyện viên đã được lan tỏa mạnh mẽ và ngày càng được nhiều người biết đến. Để rồi cứ mỗi lần nghe thông tin hội, nhóm tổ chức dọn rác dưới đáy biển lại có rất nhiều người ủng hộ, tham gia.
Trước khi xuống biển, cả nhóm được anh Trung phân công, hướng dẫn về kỹ thuật lặn biển, nhặt rác và dặn dò mọi người nhất định không được làm ảnh hưởng đến san hô trong quá trình nhặt rác.
Anh Trung cho hay rạn san hô ở bãi Nam là một trong những rạn lớn ở vùng biển Đà Nẵng. Khu vực này san hô là một vỉa rất lớn kéo dài khoảng 700m. Đa phần san hô ở những khu vực cạn bị gãy do hoạt động khai thác du lịch và tàu bè đánh cá của ngư dân. Khu vực xa bờ san hô rất đẹp với tổng cộng hơn 50 loài, đa phần là san hô cứng.
Theo anh Trung, san hô phục hồi rất chậm. Muốn phục hồi cần hội tụ nhiều yếu tố trong đó có việc nuôi cấy. Hiện ở Đà Nẵng có một nhóm tình nguyện cũng đang thực hiện việc nuôi cấy san hô. Nếu nước biển sạch, không có nhiều tác động của thiên tai thì san hô sẽ phục hồi trong 5 năm.
Dù thường xuyên thu nhặt rác nhưng mỗi lần biển động, rác từ các nơi lại tấp vào, vì thế các thành viên trong các nhóm lại thường xuyên đi lặn, kiểm tra, thấy có rác là xử lý ngay. Để bảo đảm an toàn cho các rạn san hô quanh bán đảo Sơn Trà cũng như an toàn cho những người tham gia lặn biển nhặt rác, anh Trung và những người yêu biển mong muốn các đơn vị chức năng thường xuyên tuyên truyền, tuần tra kiểm soát hoạt động của các ngư dân các phường ven biển không nên đánh bắt, thả lưới sát các rạn san hô; không câu cá, bủa lưới gần những khu vực này. Đặc biệt, khách du lịch không tự ý vào các khu vực có san hô đã quy hoạch, bảo vệ, các đơn vị khai thác khách du lịch không nên tự ý đưa khách vào những khu vực này…
Bà Dương Thị Xuân Liễu, Trưởng Phòng Quản lý và khai thác du lịch Sơn Trà thuộc Ban Quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng cho hay, hoạt động lặn nhặt rác của nhóm Đà Nẵng Free Diving rất có ý nghĩa đối với việc bảo vệ san hô ở bãi Nam. Thời gian qua, Ban Quản lý cùng các câu lạc bộ ở TP Đà Nẵng thường xuyên tổ chức dọn rác, làm sạch san hô. Sau hoạt động nhặt rác lần này, bà Liễu cho hay Ban Quản lý sẽ tiếp tục cùng với nhóm Đà Nẵng Free Diving tổ chức các buổi tương tự nhằm làm sạch các rạn san hô, bảo vệ tài nguyên quý ở bán đảo Sơn Trà
Nguồn:Những người lặn biển nhặt rác cứu san hô ở Đà Nẵng