Tăng cường bảo vệ môi trường đối với hoạt động chế biến nông sản, chăn nuôi
Chú trọng bảo vệ môi trường sinh thái trong nuôi trồng thủy sản Hài hòa giữa mục tiêu phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường |
Hiệp hội cà phê tỉnh Sơn La cho, trong 5 năm gần đây, cây cà phê đã được người dân lựa chọn trồng thay thế diện tích canh tác ngô không còn hiệu quả trên địa bàn các huyện Thuận Châu, Quỳnh Nhai. Tổng diện tích cà phê trên địa bàn tỉnh đạt trên 30.000ha, tập trung tại thành phố và các huyện: Thuận Châu, Yên Châu, Mai Sơn, Sốp Cộp, Quỳnh Nhai.
Việc kiểm soát môi trường đặc biệt là nguồn nước tại khu vực chế biến nông sản được tỉnh Sơn La chú trọng |
Hiện toàn tỉnh có 4 cơ sở chế biến cà phê quy mô lớn được UBND tỉnh phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) với công suất trên 51.000 tấn/năm. Ngoài ra, trên địa bàn 2 huyện Thuận Châu, Mai Sơn có một số cơ sở chế biến cà phê nhỏ, đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường, công suất trung bình 300 - 500 tấn/năm.
Để đảm bảo tiêu thụ cà phê cho người dân, đồng thời chủ động phòng ngừa, kiểm soát, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi gây ô nhiễm môi trường, thời gian qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Sơn La đã ban hành các văn bản chỉ đạo triển khai đồng bộ nhiều giải pháp quyết liệt để thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường, tài nguyên nước, không để tái diễn tình trạng ô nhiễm nước thải từ hoạt động chế biến cà phê gây ảnh hưởng tới nguồn nước sinh hoạt trên địa bàn thành phố và huyện Mai Sơn.
Thực hiện các chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La, Đoàn kiểm tra, giám sát việc chấp hành quy định về bảo vệ môi trường, tài nguyên nước và các lĩnh vực có liên quan đối với các cơ sở chế biến nông sản trên địa bàn Sơn La đã thường xuyên kiểm tra, giám sát hoạt động sản xuất và bảo vệ môi trường đối với 4 cơ sở chế biến cà-phê quy mô tập trung.
Hình thức kiểm tra gồm trực tiếp tại cơ sở và giám sát thông qua camera tại khu vực xử lý chất thải. Đồng thời, giao Ủy ban nhân dân cấp xã thường xuyên giám sát hoạt động sản xuất, bảo vệ môi trường, trường hợp có vấn đề phát sinh kịp thời giải quyết theo thẩm quyền hoặc báo cáo Ủy ban nhân dân huyện, Đoàn kiểm tra.
Theo đánh giá của Sở TN&MT Sơn La, nhìn chung, các cơ sở chế biến cà phê quy mô tập trung đã đầu tư xây dựng các công trình thu gom, xử lý chất thải theo Báo cáo ĐTM được phê duyệt. Trong quá trình hoạt động, các cơ sở cơ bản chấp hành nghiêm các quy định về bảo vệ môi trường, nguồn nước.
UBND tỉnh yêu cầu các Đoàn kiểm tra tăng cường giám sát chất lượng môi trường tại các cơ sở chế biến nông sản. Ảnh: Văn Ngọc |
Tuy nhiên, sản lượng cà phê trên địa bàn tỉnh rất lớn, năng lực sơ chế, chế biến của các cơ sở chế biến cà phê tập trung mới đáp ứng khoảng 15% tổng sản lượng. Việc lượng lớn vỏ bã cà phê, nước thải sản xuất từ các cơ sở quy mô nhỏ, hộ gia đình chưa được xử lý đúng quy định vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ ô nhiễm nguồn nước.
Do đó, để đảm bảo chất lượng môi trường trong chế biến nông sản niên vụ 2022-2023 tỉnh Sơn La Khuyến khích các cơ sở chế biến, hộ gia đình đã đầu tư hệ thống xử lý nước thải, chất thải rắn tăng cường thu mua, sơ chế cà phê quả tươi. Đẩy mạnh tuyên truyền gắn với xử lý vi phạm. Xây dựng kế hoạch sắp xếp các cơ sở chế biến, bố trí lịch thu hoạch, sản xuất chế biến cụ thể để tránh tập trung nước thải.
Cùng với chế biến nông sản, hoạt động chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh trong những năm gần đây có nhiều sự phát triển về số lượng, từ đó góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh. Trên địa bàn tỉnh hiện có trên 10 cơ sở chăn nuôi (lợn, bò) quy mô lớn và hàng nghìn cơ sở quy mô vừa, nhỏ, chăn nuôi nông hộ. Cùng với sự tăng trưởng trong phát triển kinh tế địa phương thì tình trạng ô nhiễm môi trường từ hoạt động chăn nuôi đang là thách thức không nhỏ đối với đời sống kinh tế xã hội.
Để thực hiện có hiệu quả quy định bảo vệ môi trường theo Luật Bảo vệ môi trường 2020, Luật Chăn nuôi 2018, phòng ngừa nguy cơ ô nhiễm UBND tỉnh giao Sở TN&MT đôn đốc, hướng dẫn, yêu cầu các cơ sở chăn nuôi thuộc đối tượng lập Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM), cấp Giấy phép môi trường lập hồ sơ thủ tục về môi trường; đầu tư xây dựng và vận hành các công trình xử lý chất thải phát sinh đảm bảo quy chuẩn kỹ thuật về môi trường trước khi thải ra môi trường.
Tăng cường thanh, kiểm tra các cơ sở đã được UBND tỉnh phê duyệt Báo cáo ĐTM và các đối tượng thuộc thẩm quyền cấp Giấy phép môi trường. Trường hợp phát hiện vi phạm, cương quyết xử lý nghiêm. Nâng cao chất lượng thẩm định Báo cáo ĐTM, cấp Giấy phép môi trường thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh với các cơ sở chăn nuôi. Trường hợp xảy ra sự cố ô nhiễm từ hoạt động chăn nuôi, hướng dẫn, đôn đốc, yêu cầu các Sở, ngành có liên quan, UBND các huyện, thành phố triển khai các nhiệm vụ, giải pháp để khắc phục ô nhiễm.
UBND chỉ đạo các Sở, ngành chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát công tác bảo vệ môi trường trong chăn nuôi. Ảnh: Khánh Huyền |
UBND tỉnh giao Sở NN&PTNT khẩn trương tham mưu cho UBND tỉnh ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành văn bản hướng dẫn, tổ chức thi hành pháp luật về chăn nuôi gắn với bảo vệ môi trường. Báo cáo kết quả thực hiện với UBND tỉnh trước ngày 30/12/2022.
Hàng năm trước ngày 30/3, chủ trì rà soát tất cả các cơ sở chăn nuôi trang trại đang hoạt động. Kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn, yêu cầu các cơ sở chăn nuôi xây dựng và hoạt động trước ngày 1/1/2020 mà không đáp ứng điều kiện chăn nuôi thì phải hoàn thiện đầy đủ điều kiện chăn nuôi theo quy định của Luật Chăn nuôi, chậm nhất ngày 31/12/2025.
Trong đó, yêu cầu các tổ chức, cá nhân chăn nuôi trang trại quy mô lớn phải được cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện chăn nuôi. Báo cáo kết quả rà soát với UBND tỉnh, đồng thời gửi Sở TN&MT để phối hợp kiểm tra, giám sát.
Sở NN&PTNT chủ trì tham mưu xây dựng và tổ chức vùng chăn nuôi, sản xuất, chế biến thức ăn chăn nuôi tập trung gắn với xử lý chất thải, bảo vệ môi trường. Trong quá trình thẩm định đề xuất chủ trương đầu tư các dự án chăn nuôi, nghiên cứu tham gia ý kiến theo đúng các quy định của Luật Chăn nuôi 2018, trong đó phải đảm bảo chặt chẽ yêu cầu quy định về khoảng cách an toàn, khu vực không được phép chăn nuôi gắn với các yếu tố điều kiện tự nhiên và bảo vệ môi trường.
Nguồn; Tăng cường bảo vệ môi trường đối với hoạt động chế biến nông sản, chăn nuôi