Tăng cường hợp tác quốc tế trong quản lý chất thải bền vững
Nâng cao hiệu quả công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt Bình Định: Phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ thu gom chất thải rắn đô thị đạt 90% |
Theo đó, Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) đã ký Hợp đồng tín dụng trị giá 7 triệu USD với Công ty Cổ phần Nước - Môi trường Bình Dương (BIWASE) tại Việt Nam, để tài trợ vốn cho “Dự án phát điện sử dụng nguồn nhiệt từ xử lý rác thải”. Dự án phù hợp với “Sáng kiến về Cho vay và Đầu tư Hải ngoại cho khu vực ASEAN” được Chính phủ Nhật Bản tuyên bố vào tháng 11/2019 do Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) điều phối tài chính. Khoản vốn vay từ ADB sử dụng 6 triệu USD từ Quỹ Cơ sở hạ tầng khu vực tư nhân châu Á (Leading Asia’s Private Infrastructure Fund (LEAP) có sự góp vốn của JICA.
Dự án nhằm mục tiêu hỗ trợ tài chính đầu tư cho trang thiết bị của nhà máy sản xuất phân bón từ rác thải với công suất xử lý 840 tấn rác/ngày đêm, xây dựng nhà máy đốt rác và phát điện sử dụng nguồn nhiệt từ xử lý rác thải với quy mô xử lý 200 tấn rác/ngày đêm, góp phần cải thiện môi trường đô thị và thực hiện kinh tế tuần hoàn, thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs), bao gồm: Mục tiêu 7 (Đảm bảo năng lượng sạch, đáng tin cậy, bền vững với mức giá hợp lý), Mục tiêu 11 (Xây dựng các đô thị và các khu dân cư rộng mở, an toàn, vững chắc và bền vững), Mục tiêu 12 (Tiêu thụ và sản xuất có trách nhiệm)... Dự án cũng được kỳ vọng sẽ góp phần giảm phát thải khí nhà kính thông qua việc sản xuất phân bón từ rác thải.
Dây chuyền phân loại rác tại Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Bình Dương. Ảnh: BBD |
Khi dự án được hoàn thành, toàn bộ rác thải sinh hoạt được tập kết về khu liên hợp xử lý rác thải tỉnh Bình Dương (trên 2.500 tấn rác thải sinh hoạt/ngày, hiện công suất xử lý mới đạt 1.700 tấn/ngày) sẽ được phân loại toàn bộ và tái chế làm phân hữu cơ, qua đó giảm thiểu số lượng rác thải chôn lấp. Đối với lò đốt rác thu nhiệt phát điện được tài trợ vốn vay của đối tác quốc tế, dự án tại Bình Dương sẽ được đầu tư công nghệ tiên tiến, qua đó xỉ tro còn lại thấp và xỉ tro này sẽ tiếp tục được tái chế ra các loại gạch, bê tông để bảo vệ môi trường.
Trong những năm gần đây, tốc độ đô thị hóa và công nghiệp hóa nhanh chóng là nguyên nhân chính khiến cho tỷ lệ chất thải gia tăng. Tại Việt Nam, có nhiều bất cập trong quản lý chất thải do thiếu các cơ sở xử lý trung gian như nhà máy đốt rác, nhà máy sản xuất phân compost, thiếu bãi chôn lấp rác thải, hay việc xả chất thải trái phép ra môi trường gây ô nhiễm không khí, ô nhiễm đất đai, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng. Bình Dương tiếp giáp với thành phố Hồ Chí Minh và là tỉnh có tốc độ gia tăng dân số cao tại Việt Nam, cũng là nơi nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư các cơ sở sản xuất công nghiệp quan trọng, có lượng rác thải lên tới 2.661 tấn/ngày, chỉ đứng sau thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội. Tỉnh Bình Dương đang khẩn trương củng cố các nhà máy xử lý chất thải hiện có trước nhu cầu xử lý chất thải ngày càng tăng cao.
Dự án được đánh giá đáp ứng nhu cầu cấp thiết về quản lý chất thải hiệu quả ở tỉnh Bình Dương và cung cấp một hình mẫu vững chắc để các bên cho vay thương mại cân nhắc những khoản đầu tư trong tương lai, nhằm giúp thành phố trở nên đáng sống hơn và phát triển những phương thức tạo ra nguồn năng lượng tái tạo giúp giải quyết căn nguyên của biến đổi khí hậu.
Nguồn: Tăng cường hợp tác quốc tế trong quản lý chất thải bền vững