Tăng cường quản lý bảo vệ, phòng chống cháy rừng dịp Tết Nguyên đán
Cháy rừng bất thường ở Bắc Cực có thể giải phóng lượng lớn carbon Đà Nẵng: Nắng nóng kéo dài, nguy cơ cháy rừng lên đến mức nguy hiểm |
Theo nhận định của UBND tỉnh Đắk Lắk, hiện nay, đã bước vào thời gian cao điểm có nguy cơ gia tăng về phá rừng, lấn chiếm đất rừng, khai thác gỗ trái pháp luật và cháy rừng trên địa bàn tỉnh, đặc biệt trong khoảng thời gian trước, trong và sau Tết Nguyên đán. Để hạn chế tình trạng phá rừng trái pháp luật, cháy rừng, khai thác, mua bán lâm sản trái phép. Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành có liên quan, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và các chủ rừng cần tập trung thực hiện có hiệu quả các nội dung:
Tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về công tác quản lý bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng theo quy định của Luật Lâm nghiệp và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật; tập trung lồng ghép công tác tuyên truyền bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng với công tác tuyên truyền về vai trò, tác dụng, ý nghĩa của việc trồng cây, gây rừng; động viên các cấp, các ngành và nhân dân tích cực tham gia trồng cây, trồng rừng, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, giảm nhẹ thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Tập trung tuần tra, kiểm tra rừng, ngăn chặn tình trạng phá rừng, cháy rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp tại các khu vực, địa bàn trọng điểm, các điểm nóng về phá rừng, khai thác gỗ trái pháp luật, vùng giáp ranh giữa tỉnh Đắk Lắk với các tỉnh bạn; tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về lâm nghiệp của các chủ rừng, các cơ sở chế biến, mộc dân dụng, các lò than, các tụ điểm mua bán lâm sản, động vật hoang dã, các tuyến đường vận chuyển lâm sản trái phép trước, trong và sau Tết Nguyên Đán Quý Mão để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý.
Thực hiện nghiêm trách nhiệm quản lý về công tác phòng cháy, chữa cháy rừng. Chỉ đạo các lực lượng liên ngành (Kiểm lâm, Công an, Quân đội) tăng cường phối hợp chặt chẽ, thực hiện quy chế phối hợp trong công tác bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng; có các phương án bảo đảm lực lượng, vật tư, trang thiết bị và hậu cần, thường trực, sẵn sàng phối hợp lực lượng ứng phó, xử lý các tình huống cấp bách trong bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng, không để xảy ra cháy lớn; thường xuyên kiểm tra, điều tra, xác định nguyên nhân và đối tượng gây ra cháy rừng để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo các đơn vị liên quan chủ động phương án bảo vệ, phòng chống cháy rừng, ngăn chặn hành vi xâm hại rừng trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới. (Ảnh minh họa: BL)
Tiếp tục triển khai thực hiện kế hoạch trồng rừng, trồng cây xanh trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 theo Quyết định số 1237/QĐ-UBND ngày 24/5/2021 của UBND tỉnh nhằm đạt được mục tiêu của Đề án “Trồng 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025” của Thủ tướng Chính phủ được phê duyệt tại Quyết định số 524/QĐTTg ngày 01/4/2021, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, cải thiện cảnh quan và ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân và sự phát triển bền vững của đất nước.
Công an tỉnh chủ động triển khai lực lượng cài cắm, nắm bắt tình hình quản lý, bảo vệ rừng của các chủ rừng, địa phương để kịp thời xử lý các vụ vi phạm pháp luật nghiêm trọng, hỗ trợ các chủ rừng, địa phương trong trường hợp cần thiết. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh và Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ được giao chủ động phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng; đấu tranh, ngăn chặn tình trạng phá rừng, khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản trên địa bàn các huyện, khu vực biên giới của tỉnh; tổ chức triển khai, thực hiện có hiệu quả Quy chế phối hợp giữa các sở, ngành có liên quan trong lĩnh vực lâm nghiệp theo quy chế đã ký kết.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tập trung chỉ đạo các đơn vị trực thuộc triển khai, hướng dẫn các chủ rừng thực hiện các biện pháp bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng, phát triển rừng; tổ chức kiểm tra, giám sát, phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm minh các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm quy định của Nhà nước về phá rừng, khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản trái pháp luật, các hành visăn, bắt, mua, bán, tàng trữ, vận chuyển các loài động vật hoang dã trái phép, đặc biệt các loài nguy cấp, quý, hiếm.
Sở Tài nguyên và Môi trường chủ động tham mưu, hướng dẫn các chủ rừng hoàn thiện hồ sơ địa chính, phương án sử dụng đất; thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định của pháp luật về đất đai tại các đơn vị chủ rừng, các Dự án Nông lâm nghiệp để kịp thời phát hiện vi phạm, đề xuất xử lý, thu hồi, giải quyết các vụ việc tranh chấp đất lâm nghiệp theo quy định.
Các đơn vị chủ rừng phải tăng cường, bố trí lực lượng để kiểm tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện và ngăn chặn các hành vi xâm hại đến tài nguyên rừng, đất lâm nghiệp do đơn vị quản lý; trong trường hợp cần hỗ trợ bảo vệ rừng phải báo cáo ngay cho Chủ tịch UBND cấp huyện để chỉ đạo giải quyết kịp thời. Người đứng đầu đơn vị phải chịu trách nhiệm trước cấp trên, trước pháp luật khi để xảy ra phá rừng, cháy rừng, khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản trái pháp luật trên lâm phần được giao nếu không kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý.
Nguồn:Tăng cường quản lý bảo vệ, phòng chống cháy rừng dịp Tết Nguyên đán