Tin bất động sản ngày 15/3: Đất nông nghiệp được bồi thường tối đa 38 lần giá nhà nước
Tin bất động sản ngày 14/3: Phát hiện sai phạm hơn 74 tỉ đồng qua thanh tra quản lý đất đai tại Cà Mau Bất động sản sẽ gặp khó trong bao lâu? |
Đất nông nghiệp được bồi thường tối đa 38 lần giá nhà nước
Vừa qua, UBND TP HCM ban hành quy định về "hệ số điều chỉnh giá đất (hệ số K) để lập phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư lấy ý kiến người dân có đất bị thu hồi trên địa bàn năm 2023".
Quy định này được áp dụng từ 18/3, tùy mỗi quận, huyện. Theo đó, người dân có đất bị thu hồi trên địa bàn thành phố sẽ được bồi thường với giá gấp 3-25 lần so với giá đất nhà nước.
Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
Quy định hệ số K áp dụng cho hai loại đất: đất phi nông nghiệp (gồm đất ở và đất phi nông nghiệp không phải đất ở) và đất nông nghiệp. Cụ thể, khu vực có hệ số cao nhất là huyện Hóc Môn (10-25 lần) và TP Thủ Đức (6-25 lần). Khung hệ số này được tăng 10 đơn vị so với năm 2022 (tối đa 15 lần). Kế tiếp là các huyện Bình Chánh (6-22 lần), Nhà Bè (10-21 lần), Củ Chi (13-20 lần). Các địa phương còn lại có khung hệ số tối đa dưới 20 lần.
Các loại đất phi nông nghiệp không phải đất ở được bồi thường theo tỉ lệ khác nhau, bao gồm đất thương mại, dịch vụ tính bằng 80% giá đất ở liền kề. Các loại đất khác như đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp không phải là đất thương mại, dịch vụ; đất nghĩa trang, nghĩa địa; đất giáo dục, y tế; đất tôn giáo tính bằng 60% giá đất ở liền kề.
Còn đất nông nghiệp tại TP HCM có hệ số cao 5-38 lần giá nhà nước. Địa phương có hệ số cao nhất là huyện Bình Chánh với khung hệ số 15-38 lần giá nhà nước. Các quận 1, 3, 4, 5, 6, 10, 11, Tân Phú, Tân Bình, Gò Vấp có hệ số tối đa 35 lần. Các địa phương còn lại có hệ số tối đa dưới 30.
Như vậy, hệ số K để bồi thường đất ở cao nhất là 25 lần và đất nông nghiệp cao nhất là 38 lần so với bảng giá đất đất do nhà nước ban hành. So với năm 2022, hệ số K năm nay có tăng lên. Năm 2022, hệ số K để bồi thường đất ở cao nhất là 15 lần và đất nông nghiệp cao nhất là 35 lần so với bảng giá đất.
Hải Phát giải thể công ty bất động sản sau gần một năm thành lập
HĐQT Công ty CP Đầu tư Hải Phát (mã chứng khoán HPX) vừa ra quyết định đồng ý giải thể Công ty CP Đầu tư Greenland Bắc Giang với lý do thay đổi định hướng đầu tư.
Greenland Bắc Giang được thành lập hồi tháng 6/2022, trụ sở đặt tại TP Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang với lĩnh vực hoạt động chính là kinh doanh bất động sản. Vốn điều lệ của Greenland Bắc Giang là 136 tỷ đồng, trong đó, Hải Phát Invest nắm tỷ lệ 20% vốn điều lệ, tương đương số vốn góp là 27,2 tỷ đồng.
Hai cổ đông sáng lập còn lại là Công ty CP Đầu tư và Phát triển Hạ tầng Quang Anh và Công ty CP GL Group. Người đại diện pháp hiện tại của Greenland Bắc Giang là ông Trịnh Quang Ba, người đồng thời là đại diện pháp luật của GL Group.
Trên thị trường bất động sản Hà Nội, Hải Phát có hàng loạt dự án như dự án Chung cư HPC Landmark 105 Tố Hữu Hà Đông; dự án biệt thự liền kề Phú Lương Hà Đông; khu shophouse Vạn Phúc Hà Đông; Chung cư V3 Prime The Vesta Hà Đông; dự án Roman Plaza...
Về tình hình kinh doanh, cả năm 2022, Hải Phát ghi nhận 1.635 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 17% so với năm 2021. Tuy vậy, khoản lãi sau thuế lại thu hẹp một nửa, còn 140 tỷ đồng.
Nguyên nhân một phần do kết quả quý 4 không mấy khả quan, khi lượng sản phẩm dự án bán ra trong kỳ thấp hơn năm trước khiến Công ty lỗ gộp 34 tỷ đồng. Doanh thu tài chính từ việc bán các khoản đầu tư trong kỳ giúp Công ty lãi ròng 18 tỷ đồng, nhưng con số này vẫn giảm mạnh 87% so với 2021.
Tính đến cuối năm, tổng tài sản của Hải Phát Invest đạt gần 9.300 tỷ đồng, giảm gần 300 tỷ đồng so với đầu năm.
Ninh Bình có 2 dự án nhà ở xã hội được phê duyệt nhưng chậm triển khai
Trên địa bàn tỉnh Ninh Bình có 2 dự án nhà ở xã hội đã được phê duyệt, thậm chí có dự án đã có quyết định chủ trương đầu tư thế nhưng chưa có bất kỳ dự án nào được triển khai thi công, hầu như tất cả chỉ dừng lại ở công tác giải phóng mặt bằng (GPMB).
Theo đó, Dự án nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp tại phường Ninh Phong (thành phố Ninh Bình) do Công ty TNHH Đầu tư xây dựng và thương mại Trường Thắng làm chủ đầu tư, có tổng diện tích 1,34ha với 335 căn hộ chung cư dành cho người thu nhập thấp. Dự án được triển khai xây dựng năm 2020, dự kiến hoàn thành và đưa vào sử dụng trong năm 2023. Thế nhưng đến nay, dự án này mới hoàn thành xong công tác GPMB.
Đối với Khu nhà ở xã hội và dịch vụ công nhân phục vụ KCN Gián Khẩu và địa bàn lân cận tại xã Gia Trấn và xã Gia Tân (huyện Gia Viễn) với quy mô rộng đến 49,6ha có tổng số lượng nhà ở 2.153 căn. Trong đó, khu nhà ở xã hội có 3 khu nhà ở liền kề tại các lô LK-01, LK-02, LK-03 với 94 căn, mỗi căn thiết kế 3 tầng và xây dựng 3 khu chung cư (8 tòa) tại các lô CT-01, CT-02, CT-03 với 2.018 căn, mỗi tòa chung cư được thiết kế xây dựng cao 19 tầng. Tổng mức đầu tư khoảng 2.342 tỷ đồng. Sau nhiều năm triển khai thì dự án này cũng đang dừng lại ở khâu GPMB và hoàn thiện các hạ tầng cơ bản như đường nội khu, hệ thống thoát nước, vỉa hè… còn hạng mục chính là khu nhà ở xã hội thì đang trong quá trình mời gọi các nhà đầu tư.
Theo đại diện lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư Ninh Bình, nguyên nhân dẫn đến các Dự án nhà ở xã hội chậm tiến độ vì trước hết là bị ảnh hưởng bởi 3 năm đại dịch Covid-19, sau đó là bị vướng ở công tác GPMB dẫn đến các thủ tục về đất đai cũng bị chậm theo.
Hà Nội cưỡng chế kiểm đếm bắt buộc 13 hộ dân để xây dựng trường học
Đại diện UBND quận Hoàn Kiếm cho biết, thực hiện chủ trương của Nhà nước về việc thực hiện dự án xây dựng Trường tiểu học Võ Thị Sáu, trên địa bàn quận. Căn cứ Thông báo thu hồi đất; Quyết định của UBND quận Hoàn Kiếm về việc phê duyệt kế hoạch thu hồi đất, điều tra khảo sát đo đạc kiểm đếm thực hiện Dự án Xây dựng Trường tiểu học Võ Thị Sáu tại địa điểm 43F-47C Ngô Quyền và 36A Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm. Tổ công tác đã tiến hành điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm diện tích nhà, đất của các chủ sử dụng nhà, đất nằm trong mốc giới thu hồi đất để thực hiện Dự án Xây dựng Trường tiểu học Võ Thị Sáu tại địa điểm 43F-47C Ngô Quyền và 36A Trần Hưng Đạo vào các ngày 14/12/2022, 15/12/2022 và 16/12/2021, tuy nhiên chỉ có 2/15 chủ sử dụng nhà, đất phối hợp thực hiện.
Khu đất Ngô Quyền, Trần Hưng Đạo bị cưỡng chế kiểm đếm bắt buộc/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
Ngày 7/2/2023, UBND quận Hoàn Kiếm đã ban hành Quyết định kiểm đếm bắt buộc đối với 13 hộ dân nằm trong mốc giới thu hồi đất để thực hiện Dự án Xây dựng Trường tiểu học Võ Thị Sáu. Mặc dù đã được Tổ công tác vận động, thuyết phục. Tuy nhiên các hộ dân vẫn không chấp hành thực hiện việc kiểm đếm bắt buộc.
Thực hiện đúng trình tự trong công tác GPMB quy định tại Quyết định 10/2017/QĐ-UBND ngày 29/3/2017 của UBND Thành phố Hà Nội, ngày 10/3/2023, UBND quận Hoàn Kiếm đã ban hành Quyết định về việc cưỡng chế thực hiện quyết định kiểm đếm bắt buộc đối với 13 chủ sử dụng nhà đất tại 43F-47C Ngô Quyền và 36A Trần Hưng Đạo và sẽ tổ chức cưỡng chế thực hiện quyết định kiểm đếm bắt buộc theo quy định tại Điều 70 của Luật Đất đai.
Thời gian thực hiện cưỡng chế kiểm đếm bắt buộc từ ngày 15/3/2023 đến ngày 31/3/2023.
Dự án Xây dựng Trường Tiểu học Võ Thị Sáu tại khu đất 36A Trần Hưng Đạo - 43F, 47C phố Ngô Quyền, 13 Phan Huy Chú là dự án trọng điểm của quận Hoàn Kiếm giai đoạn 2020-2025, góp phần đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh trên địa bàn và nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo trên địa bàn.
UBND quận Hoàn Kiếm đề nghị 13 hộ dân còn lại ủng hộ, phối hợp thực hiện công tác kiểm đếm để góp phần đưa Dự án về đích đúng kế hoạch và cũng là tạo điều kiện cho chính bản thân gia đình sớm được ổn định cuộc sống, an cư lập nghiệp.
Nguồn:Tin bất động sản ngày 15/3: Đất nông nghiệp được bồi thường tối đa 38 lần giá nhà nước