Tin bất động sản ngày 15/3: Nhiều dự án được Hà Nội đưa vào kế hoạch sử dụng đất năm 2024
Tin bất động sản ngày 14/3: Sắp diễn ra hội nghị thúc đẩy triển khai các dự án nhà ở xã hội Tin bất động sản ngày 13/3: Đà Nẵng lên kế hoạch đền bù giải tỏa cho 106 dự án |
Loạt dự án được Hà Nội đưa vào kế hoạch sử dụng đất năm 2024
Vừa qua, UBND TP Hà Nội đã phê duyệt kế hoạch sử dụng đất năm 2024 quận Long Biên với 171 dự án có nhu cầu sử dụng đất, tổng diện tích hơn 775 ha. Đáng chú ý, trong số này có nhiều dự án bất động sản.
Ảnh minh họa |
Theo đó, ở danh mục dự án đăng ký mới năm 2024 có một số dự án do CTCP Him Lam làm chủ đầu tư, như: Dự án Xây dựng nhà ở cao tầng để bán tại ô đất A4 Khu nhà ở Him Lam Thạch Bàn, phường Thạch Bàn (0,33 ha); Khu nhà ở cao tầng CT1 thuộc lô đất A6 và hạ tầng kỹ thuật tại dự án Khu nhà ở Him Lam Thạch Bàn (1,5 ha).
Tiếp đến, CTCP Đầu tư Phát triển Nhà Thăng Long - Việt Nam có hai dự án mới được chấp thuận chủ trương đầu tư, bao gồm: dự án xây dựng nhà ở cao tầng để bán tại ô đất CT8 thuộc dự án xây dựng HTKT các ô đất thuộc ô quy hoạch C14 phường Phúc Đồng, quận Long Biên (1,3 ha); Xây dựng nhà ở cao tầng để bán tại ô đất ký hiệu CT2 dọc đường 21m từ QL1B đến Khu đô thị Việt Hưng, phường Phúc Lợi (1,4 ha).
Bên cạnh đó, có một số dự án bất động sản chuyển tiếp từ năm 2023 bao gồm: Dự án đầu tư xây dựng khách sạn, văn phòng (không có nhà ở) tại ô đất G4/CCKO, phường Thạch Bàn của Công ty TNHH Việt Anh; Khu nhà ở xã hội cao tầng Bảo Ngọc thuộc ô NO2, khu G3, phường Thạch Bàn (CTCP Đầu tư Bảo Ngọc TTC).
Khu nhà ở xã hội Thượng Thanh và đấu nối HTKT khu vực phường Thượng Thanh (Liên danh CTCP Him Lam Thủ Đô - CTCP BIC Việt Nam); dự án khu chức năng đô thị hai bên tuyến đường từ đê Ngọc Thụy đi khu đô thị mới Thượng Thanh (CTCP Khai Sơn); khu nhà ở Gia Quất, phường Thượng Thanh (BIC Việt Nam).
Ngoài ra, một dự án mới có quy mô lớn được đưa vào kế hoạch sử dụng đất năm nay là Khu đô thị mới Long Biên (141,5 ha) tại các phường Long Biên, Thạch Bàn, Cự Khối. Dự án này được trình chấp thuận chủ trương đầu tư vào cuối tháng 11/2023.
Liên danh nào đề xuất dự án Khu đô thị mới quy mô lớn tại Quảng Ngãi?
UBND huyện Bình Sơn cho biết vừa nhận được Công văn số 422/BQL-QLĐT của Ban Quản lý KKT Dung Quất và các Khu công nghiệp Quảng Ngãi về việc lấy ý kiến thẩm định đối với dự án Khu đô thị mới Đông Nam Dung Quất - phía Bắc.
Hồ sơ đề nghị chấp thuận đầu tư nói trên do Liên danh nhà đầu tư Công ty Cổ phần Tập đoàn bất động sản Mặt Trời và Công ty TNHH đầu tư biển đẹp Phú Quốc đề xuất.
Qua xem xét hồ sơ, UBND huyện Bình Sơn cho biết, vị trí khu đất có trong danh mục bổ sung công trình, dự án thu hồi đất năm 2024 huyện Bình Sơn được HĐND tỉnh thông qua, với tên công trình là “Khu đô thị mới Đông Nam Dung Quất - phía Bắc”, diện tích 1.469,25ha (Ban Quản lý Khu kinh tế Dung Quất và các Khu công nghiệp Quảng Ngãi đăng ký danh mục thu hồi đất để thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư hoặc đấu giá quyền sử dụng đất).
Cũng theo UBND huyện Bình Sơn, qua kiểm tra, rà soát với quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 huyện Bình Sơn được UBND tỉnh phê duyệt thì vị trí khu đất thể hiện quy hoạch là đất ở, đất thương mại dịch vụ, đất khu vui chơi giải trí công cộng, đất công an, đất quốc phòng, đất xây dựng cơ sở giáo dục và đào tạo, đất mặt nước, đất giao thông… (phần diện tích này có quy mô khoảng 1.419,28ha, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất).
Riêng phần diện tích còn lại khoảng 24,36ha chưa phù hợp với quy hoạch sử dụng đất được duyệt.
UBND huyện Bình Sơn cũng đã cho ý kiến thẩm định đối với một số nội dung khác liên quan đến hiện trạng sử dụng đất; đánh giá tác động của việc giảm diện tích đất nông nghiệp trong khu vực đề xuất dự án khi chuyển đổi mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án; rà soát tài sản công trong khu vực thực hiện dự án và đề xuất giải pháp xử lý theo quy định của pháp luật về tài sản công;…
UBND huyện Bình Sơn đề nghị nhà đầu tư nghiên cứu điều chỉnh diện tích bãi đỗ xe; rà soát, điều chỉnh vị trí đề xuất dự án thuộc thôn Châu Me với diện tích 1,5 ha;
UBND huyện Bình Sơn cũng đề nghị nhà đầu tư có những giải pháp cụ thể cho nhân dân sống bằng nghề biển neo đậu tàu cá nhất là vùng biển thuộc thôn Châu Thuận Tây và thôn Châu Thuận Biển (thuộc xã Bình Châu) nói riêng và xã Bình Hải, xã Bình Tân Phú nói chung, đồng thời cần có chính sách đào tạo nghề để chuyển đổi nghề nghiệp cho nhân dân trong vùng dự án khi bị thu hồi đất nông nghiệp để thực hiện dự án.
Thái Nguyên sắp có thêm dự án khu dân cư hơn 640 tỷ đồng
Theo đó, dự án có diện tích sử dụng đất 30,16ha. Sơ bộ cơ cấu sản phẩm gồm: nhà ở liền kề và biệt thự (xây thô, hoàn thiện mặt ngoài); đất ở đã hoàn thành hạ tầng kỹ thuật được chuyển nhượng quyền sử dụng đất dưới hình thức phân lô, bán nền; đất thương mại dịch vụ; 1.487 m2 đất tái định cư... Quy mô dân số khoảng 3.500 người.
Tiến độ thực hiện từ quý I/2024 đến quý IV/2027.
Mục tiêu đầu tư Dự án nhằm xây dựng khu nhà ở đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội theo quy hoạch; góp phần phát triển đô thị, đáp ứng nhu cầu về nhà ở của người dân.
Trước đó không lâu, UBND tỉnh Thái Nguyên vừa có quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án Khu đô thị Đắc Sơn (khu số 1) tại phường Đắc Sơn, thành phố Phổ Yên.
Dự án có quy mô sử dụng đất 29,2ha. Sơ bộ tổng vốn đầu tư của dự án hơn 1.399 tỷ đồng, trong đó sơ bộ chi phí thực hiện dự án 1.122,2 tỷ đồng; sơ bộ chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư 276,8 tỷ đồng.
HoREA đề nghị bổ sung đối tượng vay gói 120.000 tỷ đồng
Theo Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA), để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng tiêu dùng bất động sản, Hiệp hội đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét bổ sung đối tượng là người mua nhà ở thương mại giá vừa túi tiền từ 3,5 tỷ đồng/căn trở xuống (khoảng 35 triệu đồng/m2) được tiếp cận gói tín dụng 120.000 tỷ đồng (mới giải ngân 646 tỷ đồng là quá thấp), bởi lẽ Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ và Công điện số 18/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo bảo đảm dòng vốn tín dụng tập trung vào các động lực tăng trưởng của nền kinh tế (tiêu dùng, xuất khẩu, đầu tư) mà đối tượng tiêu dùng bất động sản chính là người mua nhà.
Ảnh minh họa |
Ngoài ra, để thực hiện chính sách ưu đãi tín dụng nhà ở xã hội theo quy định của Luật Nhà ở 2023, Hiệp hội đề nghị Bộ Xây dựng phối hợp với Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan có thẩm quyền xem xét khôi phục lại đề xuất gói tín dụng 110.000 tỷ đồng (mới chỉ bằng 30% tổng nhu cầu vốn để thực hiện Chương trình phát triển 1 triệu căn nhà ở xã hội giai đoạn 2021-2030) cho người mua, thuê mua nhà ở xã hội với lãi suất cho vay ưu đãi 4,8-5%/năm trong thời hạn tối đa 25 năm.
Hiệp hội cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét bãi bỏ quy định tại Thông tư 39/2016/TT-NHNN (được sửa đổi bổ sung tại Thông tư 06/2023/TT-NHNN), không quy định tổ chức tín dụng “phải có biện pháp phong tỏa số tiền giải ngân vốn cho vay tại tổ chức tín dụng cho vay” đối với “trường hợp cho vay để thanh toán tiền nhằm bảo đảm thực hiện nghĩa vụ”, để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất với các quy định của Bộ Luật Dân sự 2015 về các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ “đặt cọc, thế chấp, bảo lãnh” để bảo đảm “quyền” của “bên nhận đặt cọc, thế chấp, bảo lãnh”, trong đó có trường hợp “đặt cọc” để mua, thuê mua bất động sản, nhà ở hình thành trong tương lai, như ý kiến của Hiệp hội và Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật thuộc Bộ Tư pháp.
Rất tiếc là bản dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 39/2016/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước chưa tiếp thu để sửa đổi cho phù hợp hơn...
Nguồn: Tin bất động sản ngày 15/3: Nhiều dự án được Hà Nội đưa vào kế hoạch sử dụng đất năm 2024