Tin bất động sản ngày 16/3: Mở rộng quyền sử dụng đất đối với Việt kiều
Tin bất động sản ngày 15/3: Nhiều dự án được Hà Nội đưa vào kế hoạch sử dụng đất năm 2024 Tin bất động sản ngày 14/3: Sắp diễn ra hội nghị thúc đẩy triển khai các dự án nhà ở xã hội |
Mở rộng quyền sử dụng đất đối với Việt kiều
Trong Luật Đất đai 2024 (hiệu lực từ 1/1/2025) đã được Quốc hội thông qua, điểm thay đổi mới nhận được nhiều sự chú ý là chi tiết mở rộng quyền sử dụng đất đối với Việt kiều.
Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
Cụ thể, Khoản 3 và khoản 6 điều 4 luật Đất đai 2024 về "Người sử dụng đất" quy định người sử dụng đất được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất; đang sử dụng đất ổn định, đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất mà chưa được Nhà nước cấp giấy chứng nhận. bao gồm: cá nhân trong nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam; người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài.
Bình luận về những cập nhật mới này, ông Troy Griffiths, Phó Giám đốc Điều hành Savills Việt Nam cho rằng sự thay đổi này sẽ mang lại nhiều cơ hội đầu tư hơn cho nhóm người mua bất động sản Việt Kiều.
“Thay đổi này cũng tạo tiềm năng lớn cho thị trường nhờ nguồn vốn đầu tư trực tiếp từ Việt kiều. Trong quá khứ, người Việt Nam ở nước ngoài muốn đầu tư trở lại Việt Nam phải thông qua người thân hoặc họ hàng, vì thế đã dẫn đến một số tranh chấp không đáng có. Luật mới sẽ giải quyết vấn đề này, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho đầu tư và giảm thiểu khả năng xảy ra rủi ro giữa các bên trong quá trình đầu tư”, ông Troy Griffiths nói.
Chuyên gia cho biết Savills đã có cơ hội hợp tác với nhiều với người Việt Nam ở nước ngoài và nhận thấy, một trong những điểm chính là hiện nay phần nhiều trong số họ đã lớn tuổi. Đây có thể là những người đã di cư ra nước ngoài, sau nhiều năm làm việc chăm chỉ, họ đã sở hữu lượng tài sản nhất định tiền và cân nhắc đầu tư lại vào Việt Nam, thậm chí có thể tính đến việc quay trở về.
“Cũng cần lưu ý rằng có rất nhiều người Việt Nam đang làm việc ở nước ngoài, không chỉ những Việt Kiều mà còn cả những người đang lao động tại nước ngoài. Điều này tạo ra một nguồn nhà đầu tư tiềm năng khổng lồ”, ông Troy phân tích.
Theo quan sát của chuyên gia này, rất nhiều người Việt Nam ở nước ngoài đã làm việc và học tập chăm chỉ, giờ đây họ có vốn và cũng mong muốn trở về quê hương.
Hà Tĩnh sắp có khu công nghiệp 310ha
UBND tỉnh Hà Tĩnh vừa có quyết định phê duyệt Đồ án Quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2.000 khu công nghiệp Gia Lách (xã Xuân Viên, huyện Nghi Xuân) mở rộng.
Theo đó, Khu công nghiệp Gia Lách mở rộng thuộc thị trấn Xuân An, xã Xuân Viên, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Quy mô nghiên cứu 310,81ha; quy mô lập quy hoạch 194,36ha.
Ranh giới quy hoạch gồm: Phía Bắc giáp tuyến đường An Viên Mỹ Thành đang đầu tư xây dựng; phía Nam giáp đất khu dân cư hiện có; phía Đông giáp khu dân cư hiện có và đất nông nghiệp; phía Tây giáp Quốc lộ 1 tuyến tránh thị xã Hồng Lĩnh.
Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh (cơ quan tổ chức lập quy hoạch), Sở Xây dựng (cơ quan thẩm định, tham mưu) chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật, UBND tỉnh và các cơ quan thanh tra, kiểm tra về nội dung tiếp thu, chỉnh sửa theo ý kiến của các Bộ, ngành Trung ương, HĐND tỉnh và quá trình lập, thẩm định, đề xuất đảm bảo phù hợp với các quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy định của pháp luật, đáp ứng thu yêu cầu thu hút đầu tư tại các tờ trình, hồ sơ đồ án quy hoạch và báo cáo thẩm định nêu trên.
Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh chủ trì, phối hợp với các đơn vị, địa phương liên quan ban hành quy định quản lý quy hoạch theo đồ án quy hoạch được phê duyệt; tổ chức công bố công khai đồ án quy hoạch; thực hiện quản lý quy hoạch, quản lý đất đai theo đúng quy định hiện hành; tổ chức tuyên truyền, vận động các cơ quan, đơn vị và nhân dân trên địa bàn tham gia, thực hiện theo quy hoạch.
Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các sở, ngành có liên quan theo dõi, kiểm tra, hướng dẫn Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh triển khai thực hiện quy hoạch theo đúng quy định; kịp thời báo cáo, đề xuất UBND tỉnh các nội dung liên quan.
Theo Quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, ngoài các khu công nghiệp trong Khu kinh tế Vũng Áng và Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Cầu Treo, đến năm 2030, Hà Tĩnh sẽ quy hoạch thêm 5 khu công nghiệp tại các vị trí kết nối giao thông thuận lợi.
Hà Nội: Đề nghị huyện Thanh Oai giải quyết tồn đọng trong vi phạm đất đai
Đó là yêu cầu của Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn tại buổi làm việc với huyện Thanh Oai được tổ chức ngày 15/3.
Theo báo cáo, năm 2023 tình hình kinh tế - xã hội của huyện đạt được nhiều kết quả tích cực. Cụ thể, tổng giá trị sản xuất trên địa bàn đạt 28.507 tỷ đồng (đạt 103,2% kế hoạch), thu nhập bình quân 72,155 triệu đồng/người/năm. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn hơn 1.722 tỷ đồng (bằng 105% dự toán thành phố giao).
Tại buổi làm việc, huyện Thanh Oai đề xuất điều chỉnh, bổ sung nội dung, tính chất và chức năng của Thanh Oai vào điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.
Ông Bùi Văn Sáng, Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai cho rằng, điều chỉnh quy hoạch chung của huyện đều căn cứ theo quy hoạch chung Thủ đô, kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt. Các quy hoạch về công nghiệp, đô thị sinh thái có kết nối với các quận, huyện.
Ông Bùi Văn Sáng kỳ vọng dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô khi đi vào hoạt động sẽ tạo "đòn bẩy" về giao thương giữa huyện với các địa phương.
Kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND thành phố Dương Đức Tuấn đề nghị năm 2024 huyện Thanh Oai cần tăng cường đấu giá quyền sử dụng đất để tăng nguồn đầu tư.
Ngoài ra, huyện cần tập trung rà soát, bổ sung quy hoạch cho phù hợp điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô trên cơ sở phát huy nguồn lực về địa lý, thổ nhưỡng.
Phó Chủ tịch Dương Đức Tuấn cũng đề nghị huyện Thanh Oai đẩy mạnh tiến độ giao đất tái định cư Vành đai 4 - Vùng Thủ đô. Đồng thời, giải quyết tồn đọng trong vi phạm đất đai trên địa bàn huyện thời gian qua.
Khởi công cụm công nghiệp lớn nhất huyện Giao Thủy, Nam Định
Sáng 15/3, tại xã Giao Thiện, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định, Công ty Cổ phần xây dựng Giao Thủy đã khởi công cụm công nghiệp (CCN) Giao Thiện với tổng diện tích 50ha. Đây là CCN thứ 2 và có quy mô lớn nhất trên địa bàn huyện Giao Thủy, theo Báo Xây dựng.
Ông Trần Anh Dũng - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nam Định tặng hoa chúc mừng. Ảnh: Cổng TTĐT huyện Giao Thủy |
CCN Giao Thiện được thành lập theo Quyết định số 2579/QĐ-UBND ngày 16/11/2021 của UBND tỉnh Nam Định, có quy mô giai đoạn 1 khoảng 50ha trên địa bàn xã Giao Thiện, huyện Giao Thủy.
Dự án do Công ty Cổ phần Xây dựng Giao Thuỷ làm chủ đầu tư với tổng mức vốn đầu tư 609 tỉ đồng, được xây dựng theo hướng đồng bộ. Đặc biệt, mạng lưới giao thông của CCN thiết kế theo dạng ô bàn cờ với các trục đường song song và vuông góc với tuyến đường bộ ven biển tỉnh Nam Định.
CCN được phát triển để cung ứng hạ tầng phục vụ phát triển các ngành nghề gồm: công nghiệp phụ trợ; cơ khí chế tạo máy; sản xuất linh kiện, phụ tùng ô tô; sản xuất, lắp ráp hàng điện tử, thiết bị điện; các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo khác (dệt may, da giầy, đồ chơi).
Dự kiến, dự án triển khai và đưa vào hoạt động vào tháng 1/2025.
Theo Ban Quản lý các KCN (KCN) tỉnh Nam Định, hiện toàn tỉnh hiện có 5 KCN đã và đang được triển khai xây dựng, đưa vào khai thác gồm: KCN Hòa Xá (đã lấp đầy 100%); KCN Dệt may Rạng Đông đang triển khai xây dựng hạ tầng giai đoạn 2, đã thu hút được hai nhà đầu tư thứ cấp vào đầu tư; KCN Mỹ Trung đã được đầu tư một phần hạ tầng kỹ thuật; KCN Mỹ Thuận (quy mô 158ha) đang được đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng và KCN Bảo Minh (đã lấp đầy 100%).
Nam Định cũng đang đầu tư xây dựng 24 cụm công nghiệp với tổng diện tích 495,21ha; trong đó có 22 cụm công nghiệp (tổng diện tích 445,41 ha) đã đi vào hoạt động.
Tỉnh hiện tập trung đầu tư xây dựng hai cụm công nghiệp mới là Cụm công nghiệp Yên Bằng (huyện Ý Yên) và Cụm công nghiệp Thanh Côi (huyện Vụ Bản) đều có quy mô 50ha.
Nguồn:Tin bất động sản ngày 16/3: Mở rộng quyền sử dụng đất đối với Việt kiều