Tin bất động sản ngày 20/7: Hàng loạt dự án nhà ở tại Bình Dương "bán lúa non" “đắp chiếu” nhiều năm
Tin bất động sản ngày 19/7: Kiến nghị thu hồi đất Dự án Khu biệt thự du lịch sinh thái Măng Đen Tin bất động sản ngày 18/7: Năm 2022, Hậu Giang kêu gọi đầu tư 31 dự án đô thị |
Hàng loạt dự án nhà ở tại Bình Dương "bán lúa non" “đắp chiếu” nhiều năm
Mặc dù chưa đủ pháp lý nhưng các dự án bất động sản ở Bình Dương đã rao bán và thu tiền của nhiều khách hàng. Qua kiểm tra, ngành chức năng Bình Dương đã thống kê được đến nay có trên 20 dự án phát triển nhà ở thương mại đang phát sinh hiện tượng người dân tập trung đông người khiếu kiện.
Dự án Đông Bình Dương tọa lạc tại phường Tân Bình |
Một trong số các dự án trong tình trạng “đắp chiếu” nhiều năm, phải kể đến là Dự án Đông Bình Dương tọa lạc tại phường Tân Bình (TP Dĩ An, tỉnh Bình Dương) có tổng diện tích 126 ha, do Công ty TNHH Phát triển Đông Bình Dương làm chủ đầu tư.
Vào năm 2018, khi mới có quyết định phê duyệt đồ án điều chỉnh quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500, chủ đầu tư đã tiến hành thi công các hạng mục hạ tầng trong dự án. Sở Xây dựng Bình Dương đã ra quyết định xử phạt hành chính và buộc chủ đầu tư ngưng thi công và khắc phục.
Mặc dù chưa đủ pháp lý nhưng chủ đầu tư đã giao cho đơn vị phân phối mở bán, tiến hành thu tiền, huy động vốn từ khách hàng thông qua hình thức “hợp đồng hợp tác đầu tư” với mức thu từ 70%-95% tổng giá trị hợp đồng.
Tương tự, Dự án Khu nhà ở Suối Giữa (TP Thủ Dầu Một) do Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại Á Châu TP HCM làm chủ đầu tư.
Dự án Khu nhà ở thương mại - dịch vụ Contentment Plaza (Roxana Plaza) tại TP Thuận An, do Công ty TNHH Xây dựng Dịch vụ Thương mại Đầu tư bất động sản Tường Phong làm chủ đầu tư, được chấp thuận chủ trương đầu tư năm 2010. Mặc dù dự án chưa đủ điều kiện để bán nhà hình thành trong tương lai nhưng chủ đầu tư đã ủy quyền cho đơn vị phân phối mở bán, huy động vốn trái phép.
Một dự án khác cũng trong tình trạng “đắp chiếu” dù đã xây dựng xong phần thô là Dự án Vista Riverside (TP Thuận An) có tổng diện tích gần 4.000 m2, gồm 2 block với 528 căn hộ. Trước đó, năm 2018 tuy dự án chưa đầy đủ pháp lý, chưa được phép bán nhà hình thành trong tương lai, đơn vị phát triển dự án vẫn tiến hành mở bán, huy động vốn.
Quảng Nam: Thị xã Điện Bàn ý kiến về đề xuất gia hạn dự án của Công ty Bách Đạt An
UBND thị xã Điện Bàn vừa có ý kiến về việc Công ty cổ phần Bách Đạt An đề xuất gia hạn tiến độ thực hiện 6 dự án của Công ty cổ phần Bách Đạt An tại thị xã Điện Bàn, gồm Dự án Khu dân cư và chợ Điện Dương; Dự án Khu đô thị 7B; Dự án Khu đô thị Sentosa Riverside; Dự án Khu dân cư An Cư 1; Dự án Khu đô thị Bách Thành Vinh; Dự án Khu đô thị Bách Thành Vinh mở rộng.
UBND thị xã Điện Bàn cho rằng, việc chậm trễ thực hiện các dự án trên do nhiều nguyên nhân chủ quan, khách quan khác nhau.
Do đó, nhằm tạo điều kiện cho chủ đầu tư có cơ sở triển khai các thủ tục tiếp theo hoàn thành các dự án, UBND thị xã Điện Bàn đề xuất Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu UBND tỉnh Quảng Nam thống nhất gia hạn tiến độ thực hiện dự án nêu trên của Công ty cổ phần Bách Đạt An.
Theo UBND thị xã Điện Bàn, tính đến ngày 14/7/2022, 6 dự án trên đã quá thời hạn UBND tỉnh Quảng Nam cho phép, nhưng Công ty cổ phần Bách Đạt An vẫn chưa thể hoàn thành, đưa vào khai thác sử dụng.
“Chiếu” theo báo cáo Công ty cổ phần Bách Đạt An và Trung tâm Phát triển quỹ đất thị xã Điện Bàn, UBND thị xã Điện Bàn cho rằng, nguyên nhân chính của việc chậm trễ triển khai các dự án là do công tác giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn, vướng mắc; các dự án phải dừng lại để rà soát, cập nhật để điều chỉnh ranh giới quy hoạch và khớp nối hạ tầng khung đô thị theo Quy hoạch phân khu điều chỉnh 1/2000 và hoàn chỉnh hồ sơ thủ tục pháp lý dự án. Ngoài ra, tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, kéo dài cũng ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các dự án.
Ngoài đề xuất cho phép Công ty cổ phần Bách Đạt An được gia hạn tiến độ thực hiện, UBND thị xã Điện Bàn còn đề nghị các cơ quan, đơn vị liên quan phối hợp chặt chẽ để đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác giải phóng mặt bằng các dự án, tạo điều kiện công ty này hoàn thành dự án theo đúng tiến độ đã cam kết.
TP HCM chốt 3 phương án thiết kế cảnh quan khu vực trước chợ Bến Thành
Theo Sở Quy hoạch Kiến trúc , hiện có 3 phương án tái lập được đặt ra sau khi khảo sát, nghiên cứu. Đối với phương án 1, tái lập vòng xoay Quách Thị Trang như hiện trạng trước đây sẽ giữ nguyên tuyến giao thông, giữ được yếu tố lịch sử của TP HCM và tái lập nhanh theo hợp đồng ký với nhà thầu tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên).
Phương án 2 là thiết kế không gian ngầm theo quy hoạch đồ án 930 ha khu trung tâm. Sở Quy hoạch Kiến trúc TPHCM đánh giá có nhiều ưu điểm như giúp chỉnh trang đô thị, kết nối giao thông, hệ thống ngầm đồng bộ khu vực Công viên 23 Tháng 9, đường Lê Lợi; giữ được đặc trưng văn hóa... Nhược điểm phương án là mất thời gian và kinh phí, cần tính toán thêm về giao thông khu vực, phân luồng tránh ùn tắc. Phương án này cần xây dựng rõ kế hoạch phân kỳ, cụ thể là thực hiện phần ngầm đồng bộ và sau đó mới thiết kế cảnh quan trên mặt đất và toàn khu vực.
Phương án 3, thiết kế cảnh quan khu vực trước chợ Bến Thành và điều chỉnh một số hướng tuyến giao thông. Phương án thực hiện theo đúng đồ án 930ha, nhanh chóng chỉnh trang tái lập, vẫn giữ được yếu tố văn hóa, ổn định vị trí tượng Trần Nguyên Hãn khi thiết kế cảnh quan. Tuy nhiên, nhược điểm của phương án này là chỉ tập trung thiết kế cảnh quan trên mặt đất. Khi thực hiện ngầm sẽ lại tháo dỡ, rào chắn.
Theo Sở Quy hoạch Kiến trúc, phương án 3 có thể từng bước thực thi theo đồ án quy hoạch được duyệt nhưng vẫn giữ được không gian đặc trưng của TP HCM. Để thực hiện phương án này cần chia 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 hình thành quảng trường trước chợ Bến Thành, gồm bố cục mảng xanh tại đảo giao thông, mảng cây xanh dọc trung tâm; vị trí đặt tượng Trần Nguyên Hãn; bố cục mặt bằng khu vực quảng trường phục vụ nhu cầu khác. Về giao thông vẫn giữ một phần hướng tuyến đi từ đường Trần Hưng Đạo đến đường Lê Lợi để đáp ứng nhu cầu kết nối vào trung tâm.
Giai đoạn 2 sẽ hoàn thiện theo định hướng quy hoạch, kết nối đồng bộ quảng trường trước chợ Bến Thành và các dự án khác như Công viên 23 Tháng 9, đường Lê Lợi. Giao thông khu vực đã được tư vấn Nikken Sekkei nghiên cứu khi lập đồ án 930 ha.
Trước đó, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi giao sở, ngành đề xuất phương án quy hoạch xây dựng lại bùng binh trước chợ Bến Thành, đặt lại tượng Trần Nguyên Hãn sau 8 năm di dời để xây ga ngầm Bến Thành của tuyến metro số 1.
Hưng Yên tìm nhà đầu tư khu nhà ở thương mại tại Yên Mỹ 942 tỷ đồng
Mới đây, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hưng Yên vừa thông báo tìm chủ cho dự án đầu tư xây dựng khu nhà ở thương mại 319 trên địa bàn xã Tân Lập và thị trấn Yên Mỹ, huyện Yên Mỹ.
Hưng Yên tìm nhà đầu tư khu nhà ở thương mại tại Yên Mỹ 942 tỷ đồng |
Vị trí: Phía đông bắc giáp đất quy hoạch giáo dục thị trấn Yên Mỹ. Phía đông nam giáp đường quy hoạch số 05. Phía tây bắc giáp khu đất quy hoạch dự án Khu nhà ở Yên Mỹ. Phía tây nam giáp đường quy hoạch số 1 huyện Yên Mỹ.
Quy mô diện tích đất của dự án khoảng 92.788,6 m2 (9,2 ha); dân số khoảng 1.296 người.
Trong đó, đất ở 41.725 m2; đất cây xanh, thể thao 11.944,8 m2; đất kênh mương, thủy lợi 6.881,9 m2; đất giao thông 29.073,3 m2; đất nhà văn hóa 1.200 m2; đất bãi đỗ xe 1.936,6 m2.
Theo Quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 Dự án đầu tư xây dựng Khu nhà ở thương mại 319 đã được phê duyệt, quy mô dự án sẽ xây dựng công trình nhà ở (nhà ở liền kề; nhà ở biệt thự song lập, nhà ở biệt thự đơn lập); xây dựng nhà văn hóa; công trình bãi đỗ xe; cây xanh; kênh mương thủy lợi; đường giao thông.
Khu đất chưa giải phóng mặt bằng, hiện trạng là đất sản xuất nông nghiệp khoảng 81% diện tích khu đất được giao cho các hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất. Phần diện tích còn lại do UBND xã quản lý.
Tổng chi phí thực hiện dự án ước khoảng 942,3 tỷ đồng. Vốn đầu tư từ vốn tự có của doanh nghiệp và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác.
Dự án có thời gian hoạt động là 50 năm kể từ ngày nhà đầu tư được cấp văn bản chấp thuận nhà đầu tư. Về tiến độ, chủ đầu tư hoàn thành dự án trong thời hạn 60 tháng (5 năm) kể từ ngày chấp thuận nhà đầu tư hực hiện dự án.
Nộp hồ sơ đăng kí dự án đến 9 giờ ngày 22/8/2022.
Nguồn: Tin bất động sản ngày 20/7: Hàng loạt dự án nhà ở tại Bình Dương "bán lúa non" “đắp chiếu” nhiều năm