Tin bất động sản nổi bật trong tuần qua: Vĩnh Phúc yêu cầu khắc phục quy hoạch treo, dự án treo
Tin bất động sản nổi bật trong tuần qua: Sẽ đánh thuế dự án bỏ hoang Tin bất động sản nổi bật trong tuần qua: Điều tra hàng trăm trường hợp trốn thuế mua bán bất động sản |
Vĩnh Phúc yêu cầu khắc phục quy hoạch treo, dự án treo
Theo đó, tỉnh giao Sở Xây dựng rà soát quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị thuộc thẩm quyền phê duyệt của UBND tỉnh, đề xuất kiến nghị điều chỉnh hoặc hủy bỏ quy hoạch đã quá thời hạn và không có tính khả thi. Thời gian thực hiện trong năm 2022.
|
Sở cần chủ động hàng năm rà soát các đồ án quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết xây dựng đã được UBND tỉnh phê duyệt, nghiên cứu xây dựng kế hoạch, thực hiện quy hoạch, báo cáo UBND tỉnh phê duyệt.
UBND tỉnh cũng yêu cầu Sở Xây dựng chủ động rà soát các đồ án quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết xây dựng đã được UBND phê duyệt theo quy định. Trong quá trình thẩm định các đồ án quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị, yêu cầu các chủ đầu tư dự án thể hiện cụ thể kế hoạch thực hiện quy hoạch trong thuyết minh đồ án quy hoạch, phù hợp với tiến độ dự án đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.
Sở Xây dựng cũng được giao rà soát các chương trình và kế hoạch phát triển đô thị, khu vực phát triển đô thị, phát triển nhà ở đã được phê duyệt, nghiên cứu đề xuất giải pháp điều chỉnh, bổ sung phù hợp. Thời gian thực hiện trong tháng 9 năm nay.
Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Vĩnh Phúc được giao phối hợp với Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường tiến hành rà soát các dự án đô thị, dự án công trình dịch vụ, thương mại, sản xuất kinh doanh và các dự án sử dụng đất khác đã được chấp thuận đầu tư và cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư; đôn đốc tiến độ, báo cáo, đề xuất UBND tỉnh xem xét chấm dứt hoạt động các dự án chậm tiến độ theo quy định; thực hiện xong ngay trong năm 2022.
UBND tỉnh cũng giao Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục kiểm tra, rà soát các dự án đô thị, nhà ở, dịch vụ, thương mại, sản xuất, kinh doanh và các dự án sử dụng đất khác đã được UBND tỉnh giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất nằm ngoài khu công nghiệp và đôn đốc tiến độ thực hiện dự án. Sau đó có báo cáo, đề xuất UBND tỉnh xem xét thu hồi lại đất, thời gian thực hiện trong năm nay.
Nhà liền thổ tăng giá đến 50% mỗi năm
Theo báo cáo thị trường Bất động sản TP HCM quý 2/2022 của Savills, nguồn cung Bất động sản liền thổ đang dần phục hồi trải dài khắp TP HCM. Nguồn cung xây sẵn sơ cấp tăng 18% theo quý và 1% theo năm đạt 577 căn. Nguồn cung mới đóng góp hơn 370 căn hay 64% nguồn cung sơ cấp từ 6 dự án mới và 3 giai đoạn tiếp theo tại TP Thủ Đức, quận 12, Bình Chánh và Nhà Bè góp phần tăng 22% theo quý.
Cùng với đó, nguồn cung đất nền sơ cấp cũng tăng 10% theo quý với 221 nền nhưng giảm 17% theo năm.
Lượng giao dịch Bất động sản liền thổ đạt hơn 370 căn trong quý vừa qua, tăng 54% theo quý với tỷ lệ hấp thụ là 64%, cải thiện 15 điểm phần trăm theo quý. TP Thủ Đức dẫn đầu thị trường với 52% tổng lượng giao dịch. Các sản phẩm trên 18 tỷ đồng chiếm ưu thế với 64% lượng giao dịch và được hấp thụ 68%.
Ông Hồ Đắc Duy, quản lý cấp cao bộ phận kinh doanh nhà ở của Savills, trong những năm gần đây mặc dù thị trường Bất động sản có nhiều biến động tuy nhiên tỷ suất lợi nhuận đối với sản phẩm Bất động sản liền thổ có mức độ tăng giá khá cao dao động từ 20-25%/năm. Thậm chí tại một số dự án và khu vực giá thị trường thứ cấp tăng 40-50%/năm.
Ông Duy dự báo, phân khúc nhà liển thổ tại TP HCM trong thời gian tới sẽ tiếp tục tăng mặc dù hiện tại thị trường Bất động sản tương đối trầm lắng và tính thanh khoản chưa cao. Lý do chính là quỹ đất khan hiếm, nguồn cung hạn chế và nhu cầu sở hữu cao khiến giá trị dòng sản phẩm Nhà phố, biệt thự sẽ tăng mạnh ở cả sơ cấp lẫn thứ cấp.
Theo ông Duy, không chỉ Bất động sản liền thổ mà ngay cả chung cư, đất nền vùng ven giá cũng được đẩy lên khá cao so với giá trị thực. Hơn nữa các chủ đầu tư khi giới thiệu ra thị trường hầu như đều thiết lập giá sản phẩm của họ trong 2-3 năm tới.
Dù vậy, dòng sản phẩm Bất động sản liền thổ vẫn là kênh đầu tư hiệu quả và nơi trú ẩn an toàn trong bối cảnh tình hình lạm phát tiếp tục tăng trong thời gian sắp tới. Loại hình này phù hợp với nhà đầu tư có dòng tài chính ổn định, có thể đầu tư trong trung và dài hạn.
Đề xuất làm bãi xe buýt trong Công viên Gia Định để giảm tải cho sân bay Tân Sơn Nhất
Theo đó, đề xuất này vừa được Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng gửi đến Trung tâm Quản lý Hạ tầng kỹ thuật (Sở Xây dựng TP HCM).
|
Đơn vị đề xuất cho biết, hạ tầng khu vực sân bay Tân Sơn Nhất đang quá tải, taxi và xe công nghệ không đủ đáp ứng nhu cầu đi lại của hành khách nên thường xuyên ùn tắc.
Do đó, đơn vị thống nhất chủ trương tiếp tục sử dụng 1.476 m2 đất trong công viên Gia Định, giáp đường Hồng Hà (quận Gò Vấp và Phú Nhuận) làm bãi giữ xe số 1, phục vụ xe buýt đỗ chờ xuất bến tại sân bay Tân Sơn Nhất. Phía sân bay cũng có thể phối hợp Trung tâm Quản lý giao thông công cộng làm thủ tục check in tại bãi xe này, giảm ùn ứ trong các nhà ga.
Trước đó, Tổng công ty Cảng hàng không miền Nam và Sở GTVT TP HCM cũng đề xuất xây dựng thêm bãi đậu xe rộng 3.500 m2, nằm tiếp giáp đường vào ga quốc tế và góc đường Bạch Đằng - Trường Sơn - Hồng Hà (quận Tân Bình) cho taxi truyền thống và ôtô công nghệ để giải quyết ùn tắc trong sân bay.
Bộ GTVT đã có văn bản gửi UBND TP HCM chỉ đạo Sở GTVT phối hợp với các đơn vị liên quan nghiên cứu tổ chức bãi đỗ xe, khu vực đỗ xe cạnh sân bay; nghiên cứu xây dựng phương án tổ chức xe vận chuyển hành khách từ sân bay đến bãi đỗ xe, khu vực đỗ xe cạnh sân bay để giải tỏa khách tại sân bay Tân Sơn Nhất.
Mới đây, UBND TP HCM cũng đã có văn bản giao Sở GTVT làm việc với các đơn vị liên quan để thống nhất phương án tổ chức giao thông ở sân bay Tân Sơn Nhất, trong đó ưu tiên thêm xe buýt kết nối. Trong trường hợp tình hình vẫn không cải thiện, thành phố sẽ đề xuất phương án quản lý sân bay phù hợp với cơ chế đặc thù về quản lý đô thị đặc biệt.
Các khu công nghiệp Đồng Nai thu hút 632 dự án đầu tư trong nước
Theo Ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai, 31 khu công nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh đã thu hút được 632 dự án có vốn đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký hơn 71,2 ngàn tỷ đồng.
Theo Ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai, 31 khu công nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh đã thu hút được 632 dự án có vốn đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký hơn 71,2 ngàn tỷ đồng. Hiện có 506 dự án đang hoạt động, 61 dự án đang trong quá trình xây dựng nhà xưởng, văn phòng, 40 dự án chưa triển khai và 25 dự án tạm ngưng hoạt động.
Các doanh nghiệp có vốn đầu tư trong nước đang hoạt động trong khu công nghiệp có ngành nghề khá đa dạng như: dệt may, giày dép, sản phẩm gỗ, chế biến thực phẩm, công nghiệp hỗ trợ cho một số ngành. Hàng hóa của những doanh nghiệp trên đa số xuất khẩu và cung ứng cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam. Một số doanh nghiệp có vốn đầu tư vào các khu công nghiệp lớn là Công ty TNHH Bình Tiên Biên Hòa, Công ty CP Đồng Tiến, Tập đoàn Hòa Phát, Tập đoàn Masan… Từ cuối năm 2021, dịch bệnh Covid-19 được khống chế, các doanh nghiệp có vốn đầu tư trong nước khôi phục sản xuất khá nhanh, mức tăng trưởng xuất khẩu cao hơn so với doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài./.
Thẩm định lại giá bán tạm tính căn hộ dự án Khu nhà ở xã hội Golden City
Vừa qua, Sở Xây dựng An Giang cho biết, Sở Xây dựng nhận được Công văn số 01/2022/PA/T3-T4 ngày 01/8/2022 của Công ty Cổ phần Dịch vụ và Thương mại Đông Á về việc thẩm định giá bán nhà ở xã hội tại dự án Khu nhà ở xã hội Golden City tòa T3 + T4. Sau khi xem xét hồ sơ và phương án xác định giá bán nhà ở xã hội tại dự án nêu trên do Công ty cung cấp, do dự án đang triển khai xây dựng, chưa thực hiện kiểm toán, quyết toán nguồn vốn nên Sở Xây dựng chỉ có ý kiến về giá bán tạm tính theo hồ sơ do Công ty cung cấp.
|
Tổng diện tích sử dụng căn hộ của tòa T3 + T4 là 32.131,7m2, với 584 căn hộ. Tổng vốn đầu tư xây dựng, gồm chi phí đầu tư xây dựng và một số khoản mục chi phí hợp lý khác, được phân bổ cho phần diện tích nhà ở xã hội để bán là 358.691.985.362 đồng (theo bảng tính Công văn số 01/2022/PA/T3-T4 ngày 01/8/2022 của Công ty). Lợi nhuận định mức tính cho dự án tối đa bằng 10% tổng vốn đầu tư xây dựng được phân bổ cho phần diện tích nhà ở xã hội để bán là 35.869.198.536 đồng.
Như vậy, giá bán tạm tính nhà ở xã hội (tối đa bình quân) 1m2 sử dụng căn hộ của dự án Khu nhà ở xã hội Golden City, phường Mỹ Hòa, thành phố Long Xuyên đối với tòa T3 + T4 là 12.893.000 đồng/m2 (giá này đã bao gồm thuế GTGT 5%, chưa bao gồm chi phí bảo trì theo quy định).
Sở Xây dựng An Giang đề nghị Công ty Cổ phần Dịch vụ và Thương mại Đông Á cần tuân thủ các quy định của Luật Kinh doanh bất động sản và các quy định pháp luật khác có liên quan trước khi thực hiện bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở xã hội theo quy định.
Theo Quyết định số 33/QĐ-UBND ngày 08/01/2020 của Chủ tịch UBND thành phố Long Xuyên về việc phê duyệt Tổng mặt bằng tỷ lệ 1/500 nhà ở xã hội - Khu đô thị Golden City An Giang, phường Mỹ Hòa, thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang. Đồ án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 Khu đô thị Golden City An Giang, phường Mỹ Hòa, thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang, có tứ cận: Phía Đông Bắc giáp tuyến D7; Phía Đông Nam giáp tuyến NI2; Phía Tây Bắc giáp tuyến NI5; Phía Tây Nam giáp tuyến D1. Diện tích đất 42.83lm2. Dân số dự kiến khoảng 6.696 người.
Khu đô thị Golden City An Giang đáp ứng nhu cầu về chỗ ở của người dân thành phố Long Xuyên và các khu vực lân cận. Là khu nhà ở xã hội, gồm 2 khu nhà ở chung cư cao 10 tầng, được đầu tư xây dựng đồng bộ về hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, kết hợp các công trình dịch vụ công cộng và cây xanh vườn hoa, sân chơi.
Nguồn: Tin bất động sản nổi bật trong tuần qua: Vĩnh Phúc yêu cầu khắc phục quy hoạch treo, dự án treo