Tin ngân hàng ngày 10/8: Yêu cầu nghiên cứu tài sản ảo để ngăn chặn rửa tiền
Tin ngân hàng ngày 9/8: Nhiều thỏa thuận hợp tác ngân hàng - bảo hiểm được ký kết, gia hạn Tin ngân hàng ngày 8/8: KienlongBank được chấp thuận tăng vốn điều lệ lên 4.231 tỷ đồng |
Yêu cầu nghiên cứu tài sản ảo để ngăn chặn rửa tiền
Mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái ký Quyết định số 941/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt giai đoạn 2021 - 2025.
Chính phủ Yêu cầu nghiên cứu tài sản ảo để ngăn chặn rửa tiền/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
Theo đó, mục tiêu tổng quát của Kế hoạch là xây dựng một cơ chế phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt (PCRT/TTKB/TTPBVKHDHL) có hiệu quả ở Việt Nam vì nền hòa bình, ổn định, phát triển và hội nhập, nâng cao uy tín, vị thế của Việt Nam trong cộng đồng quốc tế; thực hiện trách nhiệm thành viên của Việt Nam trong Nhóm châu Á - Thái Bình Dương về chống rửa tiền (APG).
Kế hoạch đưa ra mục tiêu nâng cao hiệu quả công tác điều tra, truy tố, xét xử, thu hồi tài sản đối với tội rửa tiền/TTKB, đặc biệt đối với các lĩnh vực có rủi ro cao trên cơ sở hợp tác trong và ngoài nước thông qua các cơ chế hợp tác chính thức và phi chính thức. Bên cạnh đó, thực hiện có hiệu quả quy trình điều tra, truy tố song song tội rửa tiền với tội phạm nguồn của tội rửa tiền; xây dựng, hoàn thiện quy trình/trình tự điều tra tài chính song song, truy tìm, ngăn chặn, tịch thu tài sản đối với các tội phạm nguồn có rủi ro cao.
Để đạt được các mục tiêu trên, Kế hoạch đã đặt ra các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu như hoàn thiện khuôn khổ pháp lý; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát; tiếp tục tăng cường công tác điều tra, truy tố, xét xử và tịch thu, thu hồi tài sản, đặc biệt đối với các tội phạm nguồn được xác định có rủi ro cao về rửa tiền…
Theo Kế hoạch, một số bộ liên quan sẽ nghiên cứu, đề xuất xây dựng và hoàn thiện quy định xử phạt vi phạm hành chính về phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố. Đặc biệt, Kế hoạch yêu cầu nghiên cứu đối với lĩnh vực tài sản ảo để ngăn chặn hoạt động rửa tiền, tài trợ khủng bố, tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt phù hợp với chuẩn mực quốc tế và thực tiễn Việt Nam.
Bộ Công an, đề nghị Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Toàn án nhân dân tối cao tăng cường hoạt động điều tra, truy tố, xét xử tội RT/TTKB đặc biệt với các lĩnh vực được xác định rủi ro cao
SeABank tăng vốn điều lệ lên gần 19.809 tỷ đồng
Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) chính thức tăng vốn điều lệ lên gần 19.809 tỷ đồng thông qua việc phát hành cổ phiếu để trả cổ tức và phát hành cổ phiếu để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu năm 2022.
Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Quyết định số 1309/QĐ-NHNN ngày 28/07/2022 về việc chấp thuận thay đổi vốn điều lệ trên Giấy phép hoạt động của SeABank từ 16.598 tỷ đồng lên gần 19.809 tỷ đồng sau đợt phát hành 211.400.000 cổ phiếu (tương đương tỷ lệ 12,7%) để trả cổ tức và phát hành thêm 109.700.000 cổ phiếu (tương đương tỷ lệ 6,6%) để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu. Thông qua 2 đợt phát hành này, vốn điều lệ của SeABank tăng thêm 3.211 tỷ đồng và đạt gần 19.809 tỷ đồng.
Việc tăng vốn điều lệ nằm trong kế hoạch đã được Đại hội đồng Cổ đông SeABank thông qua và là dấu mốc quan trọng trong chiến lược phát triển, giúp Ngân hàng có đủ tiềm lực, nguồn vốn để nâng cao các chỉ số an toàn vốn, bổ sung quy mô vốn hoạt động, tiếp tục triển khai chiến lược hội tụ số, số hóa toàn diện các quy trình vận hành trong hoạt động tín dụng, thanh toán, đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ, từ đó nâng cao chất lượng dịch vụ và gia tăng trải nghiệm khách hàng.
Trong quý III/2022, SeABank sẽ tiếp tục lộ trình tăng vốn điều lệ thông qua việc phát hành 59.400.000 cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho Người lao động (ESOP). Cụ thể, gần 2.500 cán bộ quản lý, cán bộ nhân viên (CBNV) SeABank được lựa chọn tham gia chương trình ESOP sẽ được quyền mua cổ phiếu với mức giá ưu dãi 15.000 đồng/cổ phiếu.
Các chương trình ESOP của SeABank luôn nhận được sự hưởng ứng và đăng ký tham gia tích cực của toàn thể CBNV, đặc biệt là các thành viên Ban Tổng giám đốc và là nguồn động viên vô cùng ý nghĩa, mang lại lợi ích to lớn của Ngân hàng dành cho CBNV.
Hiện tại, các thành viên Ban Tổng giám đốc ngân hàng đều đang sở hữu số lượng lớn cổ phiếu SSB, luôn tiên phong trong việc tham gia các chương trình ESOP đã, đang và sẽ được thực hiện định kỳ của Ngân hàng.
Kiều hối chảy về TP HCM giảm 13% trong 6 tháng
Theo Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP HCM, tổng lượng kiều hối chuyển về TP Hồ Chí Minh thông qua các tổ chức tín dụng và tổ chức kinh tế trong 6 tháng đầu năm 2022 đạt 3,16 tỷ USD, giảm 13% so với cùng kỳ năm 2021.
Nguyên nhân lượng kiều hối giảm trong thời gian qua là do cuộc xung đột Nga - Ukraine và tình hình kinh tế ở một số quốc gia, khu vực trên thế giới gặp khó khăn, qua đó kéo giảm thu nhập người lao động Việt Nam ở nước ngoài và khả năng tích lũy của kiều bào.
Được biết, nguồn ngoại tệ này góp phần quan trọng trong quá trình phục hồi, tăng trưởng kinh tế của TP HCM, đồng thời giúp thân nhân kiều bào ở trong nước có thể mở rộng sản xuất và phát triển các ngành du lịch, dịch vụ và thương mại.
Theo các chuyên gia kinh tế, từ lâu, TP HCM là trung tâm thu hút kiều hối lớn nhất nước do có nhiều người ra nước ngoài định cư. Trong khi đó, dòng kiều hối là nguồn ngoại tệ quan trọng đối với nền kinh tế Việt Nam, giúp cải thiện cán cân thanh toán và dự trữ ngoại hối... Tuy nhiên, các thế hệ người Việt sinh sống ở nước ngoài tuổi ngày một cao nên số tiền họ tích luỹ được gửi về nước cũng dần mai một, trong khi những thế hệ trẻ thì không còn nhiều kết nối với thân nhân trong nước.
Vì thế, nhiều chuyên gia đề xuất, để thu hút mạnh hơn dòng kiều hối về Việt Nam, thời gian tới, Nhà nước cần thực thi các chính sách nhằm định hướng hoặc tạo động lực để kiều hối đầu tư vào khu vực sản xuất và các lĩnh vực phát triển nguồn nhân lực, như giáo dục và sức khỏe cộng đồng... tạo ra các hiệu ứng phát triển tích cực về dài hạn cho đất nước.
Đặc biệt, cần tiếp tục có chính sách mở rộng hình thức vay vốn, tạo điều kiện cho lao động Việt Nam đi xuất khẩu lao động nước ngoài và khuyến khích mọi thành phần kinh tế mở rộng thị trường xuất khẩu, địa bàn hoạt động kinh doanh ở cả trong và ngoài nước...
Nam A Bank được tăng vốn điều lệ lên hơn 8.400 tỷ đồng
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa có văn bản chấp thuận cho Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank ) tăng vốn điều lệ thêm tối đa 1.900 tỷ đồng, dự kiến nâng vốn điều lệ từ 6.564 tỷ đồng lên 8.464 tỷ đồng.
Nam A Bank được tăng vốn điều lệ lên hơn 8.400 tỷ đồng/Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
Theo đó, ngân hàng được tăng vốn điều lệ thêm tối đa gần 1.230 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phiếu để trả cổ tức và hơn 670 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phiếu để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu theo phương án tăng vốn điều lệ đã được ĐHCĐ năm 2022 thông qua vào ngày 29/4.
Trước đó, ngày 2/3, Nam A Bank đã hoàn thành phát hành 143 triệu cổ phiếu cho nhà đầu tư riêng lẻ, qua đó nâng mức vốn điều lệ từ 5.134 tỷ đồng lên 6.564 tỷ đồng.
Tại kỳ họp ĐHCĐ hồi tháng 4, ngân hàng được cổ đông thông qua kế hoạch tăng vốn điều lệ 2022 thêm 4.000 tỷ đồng từ mức 6.564 tỷ đồng lên 10.564 tỷ đồng. Phương án tăng vốn theo 4 cấu phần gồm phát hành hơn 122,9 triệu cổ phiếu để trả cổ tức, tương ứng với hơn 1.229 tỷ đồng, phát hành 67 triệu cổ phiếu để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu tương ứng với hơn 670 tỷ đồng. Ngoài ra, ngân hàng còn chào bán 50 triệu cổ phiếu ra công chúng cho cổ đông hiện hữu tương đương với 500 tỷ đồng và chào bán 160 triệu cổ phiếu riêng lẻ, tương ứng với 160 triệu 1.600 tỷ đồng.
Sau khi được NHNN chấp thuận tăng vốn thêm tối đa 1.900 tỷ đồng, vốn điều lệ Nam A Bank dự kiến tăng tối đa 8.464 tỷ đồng.
Hiện cổ phiếu NAB của Nam A Bank đang được giao dịch trên hệ thống UPCoM (thuộc Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội), cổ đông cũng thông qua phương án niêm yết toàn bộ số cổ phiếu đang lưu hành tại sàn HOSE hoặc HNX.
Về kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm, Nam A Bank lãi trước thuế 1.171 tỷ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ, thực hiện 52% kế hoạch năm. Tính đến hết 30/6, tổng tài sản ghi nhận 171.124 tỷ đồng, tăng gần 12% so với đầu năm. Tiền gửi khách hàng đạt 124.522 tỷ đồng, tăng 8%. Phát hành giấy tờ có giá ở mức 11.631 tỷ đồng, tăng 12,3%.
Nguồn: Tin ngân hàng ngày 10/8: Yêu cầu nghiên cứu tài sản ảo để ngăn chặn rửa tiền