Tin ngân hàng ngày 18/4: Sacombank thông tin về vụ cướp tại phòng giao dịch Bàu Bàng
Tin ngân hàng ngày 17/4: Khuyến cáo hạn chế sử dụng wifi công cộng khi chuyển khoản Tin ngân hàng ngày 15/4: Tiền gửi của Techcombank tăng trưởng gần 14% |
Sacombank thông tin về vụ cướp tại phòng giao dịch Bàu Bàng
Trong thông cáo báo chí phát đi chiều ngày 17/4, đại diện Sacombank thông tin, vào lúc 11 giờ 30 phút cùng ngày, tại phòng giao dịch Sacombank Bàu Bàng đã xảy ra vụ cướp, nhưng phía ngân hàng đã trấn áp được đối tượng. Toàn bộ nhân sự và tài sản của phòng giao dịch được bảo đảm an toàn.
Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
Được biết, đối tượng thực hiện hành vi cướp đi một mình, mang theo súng rulo tự chế vào phòng giao dịch uy hiếp nhân viên, bắn đạn bi vào bảo vệ để cướp tiền mặt tại quầy.
Lực lượng bảo vệ và cán bộ nhân viên của phòng giao dịch đã nhanh chóng ứng phó, kịp thời tấn công, trấn áp đối tượng và thu giữ lại được hung khí cùng số tiền đã cướp. Đồng thời, Sacombank đã thông báo cho công an và lực lượng chức năng phong tỏa hiện trường để xử lý. Phòng giao dịch hoạt động bình thường trở lại từ 7 giờ 30 phút ngày 18/4/2023.
“Trước tình hình gia tăng các vụ cướp ngân hàng hiện nay, Sacombank không ngừng nâng cao chất lượng của lực lượng bảo vệ cũng như sẵn sàng các phương án xử lý khi xảy ra các tình huống đe doạ đến an toàn hoạt động tại các điểm giao dịch của ngân hàng” - đại diện Sacombank thông tin.
Còn theo Công an huyện Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương, khoảng 10 giờ ngày 17/4, một đối tượng vào Chi nhánh ngân hàng Sacombank, nằm trên quốc lộ 13, thị trấn Lai Uyên, huyện Bàu Bàng nhưng không giao dịch gì mà nói ngồi ở đây để chờ bạn.
Khi gần hết giờ giao dịch, đối tượng bất ngờ rút súng khống chế nhân viên ngân hàng buộc đưa tiền rồi bỏ tiền vào ba lô.
Khi phát hiện tên cướp, lực lượng bảo vệ của chi nhánh ngân hàng tìm cách khống chế bắt giữ. Để tẩu thoát, tên cướp đã rút súng bắn nhiều phát vào lực lượng bảo vệ khiến một bảo vệ bị thương, nhưng sau đó tên cướp đã bị khống chế, bắt giữ.
Moody’s giữ nguyên xếp hạng tín nhiêm của VPBank ở mức Ba3
Ngày 17/4, tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế Moody’s Investors Service (Moody’s) vừa công bố giữ nguyên xếp hạng tín nhiệm Ba3, triển vọng ổn định cho Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) trong kỳ đánh giá mới nhất.
Như vậy, mức xếp hạng Ba3 được Moody’s tiếp tục duy trì cho VPBank từ lần thăng hạng hồi tháng 7 năm ngoái, trong bối cảnh thị trường tài chính thế giới và Việt Nam vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức.
Trong báo cáo xếp hạng vừa công bố chiều nay 17/4, Moody’s đánh giá cao thương vụ bán 15% cổ phần của VPBank cho Ngân hàng SMBC (Nhật Bản), qua đó nâng tỷ lệ an toàn vốn lên mức gần 19%, cao nhất trong các ngân hàng Moody’s xếp hạng tại Việt Nam.
“Lợi nhuận của VPBank luôn nằm trong top dẫn đầu toàn ngành và đây được coi là thế mạnh của ngân hàng trong hồ sơ xếp hạng tín nhiệm,” Moody’s viết trong báo cáo.
Trong khi đó, năng lực huy động và thanh khoản của ngân hàng được nhận định ở mức cân bằng trong tình hình hiện tại, đủ khả năng hỗ trợ ngân hàng vượt qua những thời điểm khó khăn khi thị trường không thuận lợi.
Quy mô vốn chủ sở hữu của VPBank sau đợt bán vốn cho SMBC sẽ tăng lên gần 140.000 tỷ đồng, đứng thứ 2 trên toàn hệ thống ngân hàng Việt Nam. Vốn điều lệ của VPBank, tại thời điểm cuối năm 2022, đạt hơn 67.000 tỷ, trong khi giá trị vốn hóa của ngân hàng đã cán mốc 120.000 tỷ, giữ vững vị trí ngân hàng tư nhân có mức vốn hóa lớn nhất Việt Nam.
Kết thúc năm 2022, VPBank ghi nhận huy động tiền gửi khách hàng tại ngân hàng riêng lẻ tăng gần 30% so với cuối năm 2021. Uy tín của VPBank trên trường quốc tế đã giúp ngân hàng này huy động thành công hơn 1 tỷ USD từ các tổ chức tài chính toàn cầu, góp phần đa dạng hóa nguồn vốn cho vay trung và dài hạn và bảo toàn các tỷ lệ an toàn thanh khoản. Tỷ lệ an toàn vốn CAR hợp nhất theo Basel II đạt gần 15%, nằm trong top dẫn đầu thị trường.
Nhờ các nỗ lực gia cố nền tảng vốn và tăng cường huy động trong năm 2022, VPBank ghi nhận tín dụng tăng trưởng vượt trội, đạt gần 31% tại ngân hàng mẹ, đảm bảo cung ứng nguồn vốn cần thiết cho thị trường.
HDBank lên kế hoạch mua công ty chứng khoán
Ngân hàng HDBank sẽ góp vốn, mua lại một công ty chứng khoán trong năm nay để mở rộng sản phẩm và dịch vụ phục vụ khách hàng.
Theo đại diện ngân hàng HDBank, nền kinh tế Việt Nam đang duy trì tốc độ tăng trưởng cao và ổn định, thuộc nhóm dẫn đầu của khu vực và trên thế giới. Đây sẽ là tiền đề tốt cho thị trường chứng khoán phát triển. Bên cạnh đó, số lượng tài khoản chứng khoán trong nướuc mới đạt tỷ lệ hơn 6% dân số, còn thấp so với mức 10-15% của các nước khác trong khu vực và trên thế giới.
"Điều này cho thấy tiềm năng tăng trưởng của thị trường chứng khoán Việt Nam còn rất lớn", đại diện ngân hàng nhận xét.
Với mong muốn góp phần thúc đẩy sự phát triển thị trường chứng khoán, HDBank sẽ trình đại hội cổ đông thông qua việc tham gia góp vốn, mua lại cổ phần một công ty chứng khoán. Thương vụ này giúp nhà băng mở rộng sản phẩm dịch vụ cung cấp cho khách hàng, đa dạng hóa và tăng cường nguồn thu dịch vụ, thông qua nhiều hoạt động mới như tư vấn phát hành, tư vấn tài chính, tái cấu trúc doanh nghiệp, quản lý tài sản và các dịch vụ khác.
Tiêu chí mà HDBank đưa ra để lựa chọn công ty chứng khoán góp vốn, mua cổ phần bao gồm được cấp phép để thực hiện các nghiệp vụ như môi giới chứng khoán, tự doanh chứng khoán và tư vấn đầu tư chứng khoán; có vốn điều lệ trên 1.000 tỷ đồng theo báo cáo tài chính kiểm toán năm gần nhất; hoạt động kinh doanh có lợi nhuận liên tiếp trong ba năm gần nhất. Đồng thời công ty này phải đảm bảo đáp ứng các điều kiện khác theo quy định của pháp luật và quy định hiện hành của HDBank.
TPBank dự kiến bầu cựu lãnh đạo NHNN, BIDV vào HĐQT, BKS
Mới đây, Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) cập nhật tài liệu Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023. Tại cuộc họp, ngân hàng sẽ tiến hành bầu Hội đồng quản trị (HĐQT), Ban kiểm soát (BKS) nhiệm kỳ mới (2023-2028).
Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
Số lượng thành viên được bầu vào HĐQT là 6 người, trong đó có 1 thành viên độc lập. Danh sách ứng cử viên trình ĐHĐCĐ xem xét có 4 thành viên thuộc HĐQT nhiệm kỳ cũ là ông Đỗ Minh Phú (Chủ tịch HĐQT), ông Đỗ Anh Tú (Phó Chủ tịch HĐQT), ông Lê Quang Tiến (Phó Chủ tịch HĐQT), ông Shuzo Shikata.
Hai ứng cử viên mới là bà Nguyễn Thị Mai Sương và bà Võ Bích Hà (ứng cử thành viên độc lập). Trong đó, bà Nguyễn Thị Mai Sương (sinh năm 1961) từng có nhiều năm làm việc tại Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và Hiệp hội Ngân hàng. Bà Sương từng là Giám đốc NHNN chi nhánh TP. Hà Nội (2009-2016) và Trưởng ban Hiệp Hội Ngân hàng (2016-2022), bà nghỉ hưu theo chế độ từ tháng 7/2022 đến nay.
Bà Võ Bích Hà (sinh năm 1967) có 20 năm làm việc tại BIDV, từng đảm nhiệm vị trí Giám đốc Ban Quản lý đầu tư, Trưởng ban Ban Kiểm soát của ngân hàng. Bà Hà nghỉ hưu theo chế độ từ tháng 12/2022 đến nay.
Danh sách ứng viên bầu vào Ban Kiểm soát có bà Nguyễn Thị Thu Hương (sinh năm 1967), có nhiều năm làm việc tại Ngân hàng Nhà nước và BIDV. Bà Hương từng là Vụ trưởng Vụ Thanh tra, giám sát các TCTD nước ngoài, thuộc Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước từ năm 2011-2019. Từ 2019-2022, bà Hương là ủy viên HĐQT, đại diện 30% vốn nhà nước tại BIDV. Sau đó từ 11/2022, bà Hương nghỉ hưu theo chế độ.
Ngoài ra, ông Thái Duy Nghĩa, bà Nguyễn Thị Thu nguyệt, đang là thành viên BKS nhiệm kỳ hiện tại cũng tiếp tục ứng cử tham gia nhiệm kỳ mới.
Năm 2023, TPBank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 8.700 tỷ đồng, tăng 11% so với năm 2022. Tổng tài sản dự kiến đạt 350 nghìn tỷ, tăng 7%. Dư nợ cho vay và trái phiếu tổ chức kinh tế tăng 18% lên 215.755 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, Ngân hàng cũng có kế hoạch tăng vốn điều lệ lên 22.016 tỷ đồng, tương đương tăng 39% thông qua việc chia cổ tức bằng cổ phiếu.
Nguồn: Tin ngân hàng ngày 18/4: Sacombank thông tin về vụ cướp tại phòng giao dịch Bàu Bàng