Tin ngân hàng ngày 20/2: Bổ sung quy định về rút tiền hàng loạt
Tin ngân hàng ngày 19/2: Thông tin mới nhất về cơ cấu SCB Tin ngân hàng tuần qua: Thu hút tiền gửi bằng lì xì đầu năm |
Bổ sung quy định về rút tiền hàng loạt
Sáng ngày 19/2, tại cuộc họp báo công bố lệnh của Chủ tịch nước công bố Luật Các tổ chức tín dụng đã được Quốc hội khóa XV thông qua tại kỳ họp bất thường lần thứ 5 (18/1/2024), Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đoàn Thái Sơn cho biết, Luật đã hoàn thiện quy định về nâng cao yêu cầu quản trị, điều hành, hạn chế lạm dụng quyền cổ đông lớn, quyền quản trị, điều hành để thao túng hoạt động của tổ chức tín dụng.
Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
Theo đó, Luật Các tổ chức tín dụng 2024 đã giảm giới hạn tỷ lệ sở hữu cổ phần của cổ đông là tổ chức, của nhóm cổ đông và người có liên quan; quy định lộ trình 5 năm giảm dần giới hạn cấp tín dụng; sửa đổi, bổ sung quy định về khái niệm người có liên quan.
Luật bổ sung trách nhiệm công bố, công khai thông tin của cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ của tổ chức tín dụng trở lên, thông tin về người có liên quan của người quản lý, người điều hành của tổ chức tín dụng…
Bên cạnh đó, Luật Các tổ chức tín dụng 2024 cũng bổ sung quy định về rút tiền hàng loạt, trong đó quy định rõ các biện pháp sẽ áp dụng khi một tổ chức tín dụng bị rút tiền hàng loạt, bao gồm các biện pháp tự thân của ngân hàng và các biện pháp hỗ trợ thanh khoản, đảm bảo an toàn hệ thống, đảm bảo quyền lợi người gửi tiền.
Về kiểm soát đặc biệt và các phương án cơ cấu lại tổ chức tín dụng, luật mới quy định phương án phục hồi, phương án sáp nhập, hợp nhất, chuyển nhượng toàn bộ cổ phần, phần vốn góp, phương án chuyển giao bắt buộc, phương án giải thể, phương án phá sản.
Luật Các tổ chức tín dụng quy định biện pháp sẽ áp dụng khi một tổ chức tín dụng bị rút tiền hàng loạt, gồm biện pháp tự thân của ngân hàng và biện pháp hỗ trợ thanh khoản, đảm bảo an toàn hệ thống...
Luật Các tổ chức tín dụng gồm 15 chương, 210 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024. Luật bổ sung điều khoản chuyển tiếp cho những quy định được sửa đổi, bổ sung tại luật để hạn chế tác động lớn tới thị trường khi luật có hiệu lực.
Quy định chi tiết Luật Các tổ chức tín dụng 2024, dự kiến có có 2 nghị định và 4 thông tư.
Khởi tố giám đốc công ty tài chính lừa đảo chiếm đoạt hơn 300 tỷ đồng
Mới đây, công an quận Hà Đông, Hà Nội cho biết, Cơ quan CSĐT - CAQ đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với Hoàng Nam (SN 1979, quê quán TP Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình), để điều tra về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Theo kết quả điều tra bước đầu, tháng 12/2020, Hoàng Nam thành lập Công ty cổ phần đầu tư tài chính PFS và được cấp Sở kế hoạch và đầu tư TP. Hồ Chí Minh cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp địa chỉ trụ sở: số 770 Quang Trung, phường 8, quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh; văn phòng đại diện miền Bắc: số 26, Khu Galaxy, Vạn Phúc, Hà Đông, Hà Nội.
Công ty PFS hoạt động lĩnh vực hỗ trợ tư vấn các khoản vay tài chính - ngân hàng và cho vay các hình thức tín chấp, thế chấp, cầm cố tài sản. Đối với hoạt động cầm cố tài sản, công ty PFS được cơ quan chức năng cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ cầm đồ.
Quá trình hoạt động, Nam tổ chức các buổi hội thảo lôi kéo đông người đến nghe và kêu gọi góp vốn đầu tư vào công ty PFS; đồng thời hứa hẹn sử dụng tiền của các nhà đầu tư để cho cá nhân, tổ chức vay, từ đó phát sinh lợi nhuận và chi trả số lợi nhuận này cho các nhà đầu tư theo tỷ lệ từ 2% - 6%/số tiền góp vốn/tháng, thời hạn tuỳ theo hợp đồng hợp tác kinh doanh đã ký với công ty. Khi hết hạn hợp đồng, các nhà đầu tư sẽ được hoàn trả tiền vốn đã góp.
Để tạo niềm tin, Nam còn hứa hẹn ngay sau khi nhà đầu tư nộp 100 triệu thì sẽ được công ty trả tiền thưởng tương đương 0,5 "chỉ" vàng 9999.
Công ty PFS không hợp tác kinh doanh với đơn vị, doanh nghiệp nào, và sử dụng số tài khoản 5899999989999 mở tại ngân hàng MBBank để nhận tiền của các nhà đầu tư.
Sau khi nhận tiền của các nhà đầu tư, Nam đã sử dụng tiền của nhà đầu tư sau để trả lợi nhuận cho nhà đầu tư trước, trả tiền lương cho nhân viên, trả tiền thuê văn phòng. Số tiền còn lại Nam sử dụng để trả nợ và chi tiêu cá nhân hết, hiện không còn khả năng chi trả.
Quá trình điều tra, cơ quan CSĐT đã tiến hành khám xét tại trụ sở Công ty cổ phần đầu tư tài chính PFS, thu giữ nhiều hợp đồng hợp tác kinh doanh do Hoàng Nam ký với các nhà đầu tư.
NCB bổ nhiệm phó tổng giám đốc mới
Mới đây, Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB) công bố bổ nhiệm bà Võ Thị Thùy Dương giữ chức Phó tổng giám đốc kiêm Giám đốc khối quản trị nguồn nhân lực.
Theo tìm hiểu, Bà Võ Thị Thùy Dương sinh năm 1977, là thạc sĩ ngành luật kinh tế và quốc tế - Đại học Luật Hà Nội. Bà có gần 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực quản trị nguồn nhân lực với nhiều chức vụ quan trọng tại các doanh nghiệp lớn và ngân hàng uy tín. Trong đó, với vai trò Phó tổng giám đốc hãng hàng không Bamboo Airways, bà đã có những đóng góp tích cực trong công tác xây dựng và phát triển nguồn nhân lực, tập trung nguồn lực vào công tác nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng yêu cầu cao của khách hàng.
Bà Võ Thị Thùy Dương gia nhập NCB trong bối cảnh ngân hàng đang triển khai những bước chuyển đổi theo chiến lược mới giai đoạn 2024-2028 và tầm nhìn đến năm 2032, hướng tới mục tiêu phát triển lành mạnh, an toàn, minh bạch. Theo đó, công tác phát triển nhân sự, hoàn thiện bộ máy được coi là một trong những yếu tố then chốt. Năm 2023, đơn vị đã bổ sung nguồn lực, củng cố đội ngũ điều hành, nâng cao chất lượng nhân sự, đáp ứng nhu cầu phát triển nhanh, mạnh trong giai đoạn mới.
Đến nay, NCB sở hữu đội ngũ nhân sự cao cấp giàu kinh nghiệm, có năng lực chuyên môn và quản lý trên thị trường tài chính - ngân hàng. Các chính sách nhân sự mới cũng được triển khai hàng loạt, đưa ngân hàng lần đầu tiên trở thành "Nơi làm việc tốt nhất châu Á 2023" theo đánh giá của HRAA - một trong những giải thưởng uy tín hàng đầu trong lĩnh vực nhân sự.
Việc bổ sung nhân sự cao cấp có kiến thức và giàu kinh nghiệm thể hiện sự quyết tâm và bài bản của ngân hàng trong việc tái cơ cấu toàn diện và triển khai chiến lược phát triển mới từ năm 2024.
Đại diện ngân hàng cho biết NCB luôn coi con người là trung tâm của sự phát triển. Với sự đầu tư mạnh mẽ vào công tác nhân sự, ngân hàng mong muốn tạo nên những thay đổi rõ nét về chất lượng dịch vụ, mang đến cho khách hàng trải nghiệm về sản phẩm dịch vụ tài chính theo chiến lược đã đề ra.
Ngừng giao dịch cổ phiếu NAB trên sàn UPCoM từ 29/02
Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa thông báo 28/02/2024 là ngày giao dịch cuối cùng trên hệ thống giao dịch UPCoM đối với cổ phiếu NAB của Ngân hàng TMCP Nam Á.
Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
Gần 1.06 tỷ cổ phiếu NAB sẽ bị hủy đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM từ ngày 29/02/2024. Lý do là Ngân hàng TMCP Nam Á đã được chấp thuận niêm yết tại Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HOSE).
Cổ phiếu NAB dự kiến lên sàn HOSE với ngày giao dịch đầu tiên là 08/03/2024.
Nam A Bank là ngân hàng duy nhất được HOSE chấp thuận đăng ký niêm yết cổ phiếu trong năm 2023.
Trên sàn UPCoM, giá cổ phiếu NAB đã tăng 110% so với đầu năm 2023, hiện đang được giao dịch quanh 16.600 đồng/cp (sáng 19/02/2024). Thanh khoản bình quân gần 500.000 cp/ngày.
Về kết quả kinh doanh, lợi nhuận trước thuế năm 2023 của NAB đạt 3.304 tỷ đồng, tăng 46% so với năm trước.
Tính đến ngày 31/12/2023, tổng tài sản đạt hơn 210.000 tỷ đồng, tăng hơn 18% so với đầu năm, gia nhập nhóm 20 ngân hàng có quy mô tổng tài sản lớn nhất hệ thống.
Các chỉ tiêu quan trọng khác như huy động vốn đạt gần 165.000 tỷ đồng, tăng gần 20% so với đầu năm; dư nợ cho vay đạt gần 142.000 tỷ đồng, tăng hơn 18%. Điểm tích cực là NIM tiếp tục ổn định ở mức trên 3,3% trong bối cảnh biên lãi suất huy động và cho vay khách hàng thu hẹp, nhờ các giải pháp tối ưu cơ cấu tài sản sinh lãi và cơ cấu huy động.
Nguồn:Tin ngân hàng ngày 20/2: Bổ sung quy định về rút tiền hàng loạt