Tin ngân hàng ngày 26/6: Vietlott mang 1.126 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng để lấy lãi
Tin ngân hàng ngày 25/6: Sẽ kiểm tra các ngân hàng lãi suất cao Tin Xây dựng - bất động sản ngày 24/6: Siêu Dự án Monbay Vân Đồn đấu thầu nhiều lần vẫn “ế” |
Vietlott mang 1.126 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng để lấy lãi
Theo báo cáo tài chính của Công ty TNHH MTV Xổ số điện toán Việt Nam (Vietlott) cho thấy, tổng tài sản của công ty xổ số này đã tăng 113 tỷ đồng so với cuối năm 2022, lên 1.279 tỷ đồng. Phần lớn tài sản là ngắn hạn, chủ yếu là các khoản tiền gửi ngân hàng.
Cụ thể: Tổng tài sản của Vietlott đạt 1.279 tỷ đồng, tăng 9,7% so với đầu năm, chủ yếu là tài sản ngắn hạn với 1.243 tỷ đồng. Doanh nghiệp có 1.126 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng, trong đó gần 45 tỷ đồng là tiền gửi không kỳ hạn và 310 tỷ đồng có kỳ hạn từ 1 đến 3 tháng.
Về kết quả kinh doanh, công ty ghi nhận doanh thu thuần từ bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt gần 4.968 tỷ đồng, tăng nhẹ 0,18% so với năm 2022, tương đương mức tăng 9 tỷ đồng. Trong kỳ, giá vốn hàng bán của Vietlott là 4.699 tỷ đồng, tăng 0,5% so với năm trước, chủ yếu là chi phí trả thưởng và dự phòng trả thưởng với 3.438 tỷ đồng, tăng 8 tỷ đồng so với năm 2022.
Bên cạnh đó, Vietlott đã chi gần 503 tỷ đồng cho hoa hồng đại lý xổ số tự chọn điện toán và chi phí kinh doanh xổ số tự chọn điện toán là gần 532 tỷ đồng.
Việc giá vốn tăng nhanh hơn doanh thu khiến lãi gộp của Vietlott giảm từ gần 284 tỷ đồng năm trước xuống còn gần 269 tỷ đồng. Chi phí quản lý doanh nghiệp của công ty cũng tăng từ 79 tỷ đồng lên gần 83 tỷ đồng.
Nhờ doanh thu hoạt động tài chính tăng 36% lên 64 tỷ đồng, lãi thuần từ hoạt động kinh doanh của Vietlott chỉ giảm nhẹ 1 tỷ đồng so với năm trước. Vietlott cũng ghi nhận khoản lợi nhuận khác tăng mạnh 6 lần, từ gần 8,7 tỷ đồng năm trước lên 53 tỷ đồng. Kết quả là công ty báo lãi sau thuế gần 243 tỷ đồng, tăng 16,8% so với năm 2022.
Lãi suất trái phiếu ngân hàng quay đầu giảm
Theo báo cáo của Công ty chứng khoán MBS, lãi suất trái phiếu ngân hàng đã giảm trong tháng 6. Tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp phát hành thành công từ 1/6 đến 20/6 đạt hơn 20,4 nghìn tỷ đồng, giảm 37% so với cùng kỳ năm trước. Các ngân hàng chiếm 94% tổng giá trị phát hành, trong khi không có trái phiếu nào từ ngành bất động sản do khả năng trả nợ yếu. Một số ngân hàng phát hành lớn bao gồm ACB, Shinhanbank Việt Nam và MSB.
Ảnh minh họa |
Do các quy định chặt chẽ hơn về vốn giải ngân, các ngân hàng dự kiến sẽ phát hành trái phiếu nhiều hơn để bổ sung cơ cấu vốn dài hạn.
Tính từ đầu năm, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp phát hành đạt hơn 93,8 nghìn tỷ đồng, tăng 165% so với cùng kỳ, với lãi suất trung bình 7,8%/năm, thấp hơn mức trung bình 8,3% của năm 2023. Ngân hàng đã vượt bất động sản trở thành ngành phát hành trái phiếu lớn nhất, chiếm 57% tổng giá trị phát hành với lãi suất trung bình 4,9%/năm và kỳ hạn 4 năm.
Trái phiếu bất động sản chiếm 27% tổng giá trị phát hành, với lãi suất trung bình 12,3%/năm và kỳ hạn 2,5 năm. Các doanh nghiệp phát hành lớn bao gồm Vinhomes, Vingroup và Hải Đăng.
Ngân hàng chiếm 81,3% tỷ trọng mua lại trái phiếu trước hạn trong tháng 6. Tổng giá trị trái phiếu mua lại trước hạn từ đầu năm đạt hơn 54,3 nghìn tỷ đồng, giảm 55% so với cùng kỳ. Số lượng doanh nghiệp chậm trả tiếp tục tăng, với 113 doanh nghiệp ghi nhận chậm thanh toán, tổng giá trị trái phiếu chậm nghĩa vụ thanh toán ước khoảng 197,1 nghìn tỷ đồng, trong đó bất động sản chiếm khoảng 70%.
VietinBank rao khoản nợ xấu của Nhà xe Phiệt Học
Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam - Chi nhánh Thái Bình (VietinBank Thái Bình) vừa thông báo về việc bán toàn bộ khoản nợ của Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Vận tải Phiệt Học (Nhà xe Phiệt Học).
Khoản nợ của Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Vận tải Phiệt Học tại VietinBank Thái Bình bao gồm toàn bộ dư nợ gốc và nợ lãi, lãi phạt với tổng giá trị tạm tính đến hết ngày 31/5/2024 là hơn 5,6 tỷ đồng.
Tài sản bảo đảm cho khoản nợ của Nhà xe Phiệt Học là 36 xe ô tô bao gồm: 16 xe bus Samco, 7 xe Hyundai 12 chỗ, 1 xe khách SamCo 29 chỗ, 12 xe Kia Morning 5 chỗ.
Được biết, Nhà xe Phiệt Học là một doanh nghiệp vận tải hành khách lớn tại Thái Bình. Công ty này có trụ sở tại thành phố Thái Bình, Tỉnh Thái Bình và do ông Lại Văn Thuần làm Giám đốc kiêm Người đại diện theo pháp luật.
Nhà xe Phiệt Học từng dính nhiều lùm xùm liên quan đến việc tranh giành khách, chạy quá tốc độ, núp bóng xe hợp đồng chạy tuyến cố định,…
Người nhà Thành viên HĐQT ACB muốn mua 6 triệu cổ phiếu
Mới đây, Bà Nguyễn Thị Tố Lưu, mẹ vợ của ông Nguyễn Văn Hòa - Thành viên HĐQT kiêm Phó Tổng Giám đốc, Giám đốc Tài chính Ngân hàng TMCP Á Châu (HOSE: ACB), đăng ký mua 6 triệu cp ACB trong thời gian từ 28/06-26/07/2024 vì nhu cầu cá nhân.
Ảnh minh họa |
Nếu giao dịch thành công, bà Lưu sẽ nâng tỷ lệ sở hữu tại ACB từ 0.00002% (833 cp) lên 0.1343% (hơn 6 triệu cp). Với giá 23,950 đồng/cp (chiều 25/06), ước tính bà Lưu cần chi xấp xỉ 144 tỷ đồng để thực hiện giao dịch.
Trong khi đó, ông Hòa đang sở hữu 388,260 cp ACB, tương đương 0.0087%.
Ngày 03/06/2024, ACB đã kết thúc đợt phát hành hơn 582.6 triệu cp để trả cổ tức cho cổ đông với tỷ lệ 15%. Đồng thời, ngày 13/06/2024, Ngân hàng thanh toán cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 10%.
Sau đợt phát hành, số cổ phiếu đang lưu hành của ACB tăng từ 3.884 tỷ cp lên 4.447 tỷ cp. Dự kiến cổ phiếu sẽ được chuyển giao trước ngày 30/06/2024, sau khi Tổng Công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam điều chỉnh Giấy chứng nhận Đăng ký Chứng khoán.
Trên thị trường chứng khoán, kết phiên giao dịch ngày 25/6, giá cổ phiếu ACB giao dịch quanh 24,050 đồng/cp, giảm 3% so với đầu tháng 6. Thanh khoản bình quân trên 9 triệu cp/ngày.
OCB mua lại 1.500 tỷ đồng trái phiếu trước hạn
Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) vừa công bố thông tin về kết quả mua lại trước hạn 2 mã trái phiếu OCBL2225006 và OCBL2225007.
Ảnh minh họa |
Theo đó, ngân hàng đã mua lại 1.000 tỷ đồng trái phiếu mã OCBL2225006 được phát hành ngày 22/6/2022, kỳ hạn 3 năm, dự kiến ngày 22/6/2025 mới đáo hạn.
Đồng thời, OCB đã mua lại lô trái phiếu OCBL2225007 có tổng mệnh giá 500 tỷ đồng. Mã trái phiếu được phát hành ngày 23/6/2022, kỳ hạn 3 năm và phải tới năm 2025 mới đáo hạn. 2 lô trái phiếu trên đều có lãi suất phát hành 4,4%/năm.
Như vậy, chỉ trong tháng 6/2024, OCB đã tiến hành mua lại trước hạn tổng cộng 5 lô trái phiếu. Trước đó, ngân hàng đã mua lại 3 mã trái phiếu OCBL2225003, OCBL2225005 có mệnh giá 500 tỷ đồng và lô trái phiếu OCBL2225004 mệnh giá 300 tỷ đồng. Hồi tháng 5, ngân hàng cũng đã chi 600 tỷ đồng để mua lại mã trái phiếu OCBL2225002.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, OCB đã mua lại trước hạn 6 lô trái phiếu với tổng số tiền chi ra là 3.400 tỷ đồng. Trong năm nay, OCB chưa phát hành lô trái phiếu nào.
Cùng ngày, Ngân hàng TMCP Bắc Á (Bac A Bank) cũng công bố thông tin về kết quả mua lại trước hạn trái phiếu mã BABL2225004.
Lô trái phiếu có mệnh giá 500 tỷ đồng, kỳ hạn 3 năm, phát hành ngày 21/6/2022 và dự kiến đáo hạn trong năm 2025. Lãi suất phát hành 4,7%/năm.
Nguồn: Tin ngân hàng ngày 26/6: Vietlott mang 1.126 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng để lấy lãi