Tin Xây dựng - bất động sản ngày 24/6: Siêu Dự án Monbay Vân Đồn đấu thầu nhiều lần vẫn “ế”
Tin Xây dựng - Bất động sản tuần qua: Nhu cầu tìm kiếm mua bán nhà đất tăng mạnh Tin Xây dựng - Bất động sản ngày 22/6: TP HCM tăng cường chính sách hỗ trợ nhà ở, nhà trọ cho công nhân |
Siêu Dự án Monbay Vân Đồn đấu thầu nhiều lần vẫn “ế”
Siêu dự án Monbay Vân Đồn quy mô gần 279 ha, tổng vốn đầu tư gần 25.000 tỷ đồng sau nhiều lần đấu thầu vẫn không có nhà đầu tư.
Phối cảnh dự án Monbay Vân Đồn |
Dự án Tổ hợp du lịch nghỉ dưỡng - giải trí cao cấp, sân golf và khu dân cư Monbay Vân Đồn (Monbay Vân Đồn) với quy mô gần 279 ha và tổng vốn đầu tư khoảng 24.883 tỷ đồng đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư vào tháng 2/2022. Dự án này được triển khai tại khu vực Ao Tiên, xã Hạ Long, thuộc Khu kinh tế Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh, và dự kiến hoàn thành trong vòng 9 năm từ quý II/2022 đến hết quý IV/2030.
Mục tiêu của dự án là xây dựng một tổ hợp du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí cao cấp, sân golf, và khu dân cư với hạ tầng kỹ thuật và xã hội hiện đại. Cơ cấu sản phẩm nhà ở bao gồm 236 căn biệt thự, 257 căn nhà phố liền kề, 2.614 căn nhà chung cư cao tầng, và 606 căn nhà ở xã hội.
Tuy nhiên, sau nhiều lần tổ chức đấu thầu, không có nhà đầu tư nào đáp ứng được yêu cầu về năng lực và kinh nghiệm. Do đó, Ban Quản lý Khu kinh tế Vân Đồn đã hủy thầu dự án theo Quyết định số 3340/QĐ-UBND ngày 14/11/2022 và hiện đang phối hợp với các cơ quan liên quan để rà soát hiện trạng sử dụng đất và đề xuất hình thức lựa chọn nhà đầu tư phù hợp theo quy định pháp luật. Phần diện tích đất trước đây giao cho Công ty HDMon thực hiện dự án đã được UBND tỉnh thu hồi.
Dự án có tổng diện tích gần 300 ha, trong đó đất liền chiếm hơn 279 ha và diện tích khu vực biển hơn 20 ha. Thời hạn hoạt động của dự án tối đa 70 năm.
Thái Nguyên tìm chủ đầu tư cho Dự án Khu đô thị hơn 900 tỷ đồng
Mới đây, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thái Nguyên công bố danh mục Dự án Khu đô thị Đông Cao - Tân Phú với tổng mức đầu tư hơn 946 tỷ đồng.
Với tổng diện tích đất sử dụng 412.329 m2 thuộc phường Đông Cao, thành phố Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên, Dự án có tổng chi phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư là 207 tỷ đồng; tổng chi phí đầu tư xây dựng là 739,19 tỷ đồng. Dự kiến, Dự án sẽ được đầu tư xây dựng và hoàn thành vào cuối năm 2028. Thời gian hoạt động của Dự án là 50 năm.
Nhà đầu tư có nhu cầu thực hiện Dự án nộp hồ sơ đăng ký về Sở Kế hoạch và Đầu tư trước 9h ngày 21/7/2024. Mục tiêu của Dự án là xây dựng khu đô thị đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội theo quy hoạch; nâng cao hiệu quả sử dụng đất đai; góp phần phát triển đô thị, đáp ứng nhu cầu về nhà ở của người dân; thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thái Nguyên.
Trước đó Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thái Nguyên cũng đã có thông báo mời đầu tư cho hai dự án nhà ở trên địa bàn. Thời điểm hết hạn nộp hồ sơ đăng ký thực là ngày 21/7.
Thứ nhất là Khu dân cư số 1 xã tân Đức, huyện Phú Bình. Sơ bộ tổng chi phí thực hiện là 470 tỷ đồng, chi phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư là 140 tỷ đồng.
Diện tích khu đất là 257.989 m2, hiện trạng chưa giải phóng mặt bằng. Tại đây, nhà đầu tư sẽ xây dựng toàn bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trong phạm vi ranh giới theo quy hoạch được phê duyệt; đầu tư xây dựng công trình nhà ở liền kề và công trình thương mại dịch vụ.
Thời gian hoạt động không quá 50 năm kể từ ngày giao đất, cho thuê đất. Tiến độ từ quý II/2024 đến hết quý III/2028.
Vào hồi tháng 5, cũng trên địa bàn TP Phổ Yên, có 2 dự án được thông báo mời đầu tư. Gồm Khu đô thị Vạn Xuân 3 (tổng vốn gần 740 tỷ đồng, ngoài ra chi phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư hơn 319 tỷ đồng) và Khu dân cư Thành Lập 2 (sơ bộ tổng chi phí thực hiện hơn 342 tỷ đồng, chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư hơn 114 tỷ đồng).
Theo kế hoạch phát triển nhà ở năm 2024 của tỉnh Thái Nguyên, dự kiến nhu cầu sử dụng đất xây dựng nhà ở của địa phương là 1.314,5 ha. Tổng nhu cầu vốn dự kiến hơn 13.296 tỷ đồng. Danh mục dự kiến phát triển nhà ở thương mại trên toàn tỉnh có 330 dự án, nhà ở xã hội có 87 dự án và nhà ở tái định cư có 26 dự án.
Bộ Xây dựng đề xuất thiết lập lại Quy hoạch xi măng
Theo Bộ Xây dựng, năm 2017, Luật Quy hoạch có hiệu lực đã bãi bỏ các Quy hoạch sản , trong đó có sản phẩm xi , từ đó việc đầu tư các dự án sản xuất xi măng được thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư.
Ảnh minh họa |
Tuy nhiên, những năm gần đây, tình trạng dư thừa công suất sản xuất xi măng trên toàn quốc có hiện tượng tăng cao, dẫn đến khó kiểm soát tình hình cung cầu xi măng tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.
Do đó, Bộ Xây dựng kiến nghị Thủ tướng Chính giao Bộ Xây dựng nghiên cứu đề xuất thiết lập lại Quy hoạch lĩnh vực xi măng để bổ sung vào Luật Quy hoạch sửa đổi trong thời gian tới.
Những năm gần đây, hoạt động sản xuất xi măng suy giảm do tác động của nhiều yếu tố bất lợi cùng với việc thị trường bất động sản chưa phục hồi.
Tổng sản lượng sản xuất xi măng và clinker cả năm 2023 chỉ đạt 92,9 triệu tấn, dây chuyền hoạt động trung bình toàn ngành chỉ đạt 75% tổng công suất thiết kế. Tổng sản lượng tiêu thụ năm 2023 đạt 87,8 triệu tấn, bằng 88% so với năm 2022.
Trong khi đó, quy mô công suất ngành hiện quá lớn, vượt 120 triệu tấn/năm, lại đang ở trong thế khó chưa từng thấy, khi cung lớn mà nhu cầu tiêu dùng trong nước lẫn xuất khẩu đều thu hẹp. Tiêu thụ xi măng nội địa năm 2023 thấp chưa từng thấy, đạt chưa nổi 60 triệu tấn, kênh xuất khẩu cũng giảm về quanh 30 triệu tấn.
Tổng mức đầu tư ngành xi măng Việt Nam ước tính theo giá trị hiện đã lên đến 500.000 tỷ đồng (tương đương 20 tỷ USD), với tổng công suất đạt 122 triệu tấn/năm, nhưng có thể sản xuất vượt số này nhờ tăng tỷ lệ phụ gia.
Nghệ An chấp thuận nhà đầu tư thực hiện dự án Khu đô thị Nghi Liên
UBND tỉnh Nghệ An vừa trao quyết định chấp thuận đầu tư dự án Khu đô thị Nghi Liên, thành phố Vinh cho Liên danh nhóm Công ty thành viên thuộc Eurowindow Holding.
Theo Quyết định số 74/QĐ-UBND ngày 20/6/2024, UBND tỉnh Nghệ An đã chấp thuận nhà đầu tư là Liên danh Công ty TNHH Thăng Long và CTCP Đầu tư du lịch Eurowindow Nha Trang thực hiện dự án Khu đô thị Nghi Liên với tổng vốn đầu tư hơn 6.300 tỷ đồng.
Khu đô thị Nghi Liên có diện tích đất sử dụng gần 103.7ha, trong đó, nhà ở liền kề (569 lô), biệt thự (58 lô) tổng diện tích 18.7ha; nhà ở liền kề, biệt thự còn lại 3.1ha; nhà ở tái định cư hơn 1ha; nhà ở xã hội 7.1ha...
Mục tiêu của tỉnh Nghệ An là thông qua dự án này góp phần hoàn thiện cơ sở hạ tầng, thiết lập môi trường sống mới, chất lượng, tiết kiệm năng lượng, theo tiêu chí phát triển bền vững khu vực cửa ngõ phía Bắc thành phố; kết nối hài hòa kiến trúc cảnh quan và hệ thống hạ tầng kỹ thuật các khu chức năng lân cận.
Cả Thăng Long và Eurowindow Nha Trang đều là thành viên của CTCP Eurowindow Holding. Trong đó, Công ty TNHH Thăng Long thành lập từ năm 1994, vốn điều lệ 2.000 tỷ đồng, do bà Nguyễn Thị Phương Lan là Giám đốc đồng thời là người đại diện pháp luật.
Công ty Cổ phần Đầu tư du lịch Eurowindow Nha Trang được thành lập năm 2008, vốn điều lệ 1.350 tỷ đồng, do bà Trịnh Minh Huệ là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc.
Trước đó, năm 2021, Liên danh hai Công ty này đã được UBND tỉnh Nghệ An chấp thuận thực hiện 02 dự án Khu đô thị xã Nghi Phú - Hưng Lộc và Khu đô thị phường Đông Vĩnh - Cửa Nam (thành phố Vinh).
Long An rà soát, xử lý 41 dự án đầu tư
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Long An, đơn vị sẽ tập trung rà soát, tiến hành kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện đối với các dự án đầu tư nhằm kịp thời xử lý vi phạm; đồng thời hướng dẫn doanh nghiệp chấn chỉnh, thực hiện đúng quy định của pháp luật về đầu tư kinh doanh.
Ảnh minh họa |
Cụ thể, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Long An đã tiến hành rà soát và xử lý 41 dự án đầu tư trong 6 tháng đầu năm 2024, với mục tiêu kiểm tra, đánh giá và xử lý vi phạm. Các lỗi vi phạm chủ yếu liên quan đến chậm tiến độ, không điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư và không thực hiện báo cáo hoạt động đầu tư theo quy định. Trong đó, đã ban hành 21 quyết định xử phạt với tổng số tiền gần 1,8 tỷ đồng. Đồng thời, kiểm tra 17 doanh nghiệp theo Luật Doanh nghiệp và xử phạt 5 trường hợp với tổng số tiền 120 triệu đồng.
Trong năm 2023, tỉnh Long An đã thu hồi 67 dự án đầu tư do không thực hiện đúng nội dung đầu tư và không báo cáo hoạt động đầu tư, bao gồm 41 dự án đầu tư trong nước (vốn 4.487,5 tỷ đồng) và 26 dự án đầu tư nước ngoài (vốn 65,89 triệu USD). Ngoài ra, đã xử phạt hành chính 31 dự án với tổng số tiền 2,1 tỷ đồng và nhắc nhở 27 dự án khác.
UBND tỉnh Long An đã thu hồi thêm 47 dự án đầu tư trong nước (vốn gần 5.000 tỷ đồng) và 33 dự án đầu tư nước ngoài (vốn gần 79 triệu USD) vào cuối năm 2023. Từ đầu năm 2024, đã thu hồi thêm 4 dự án đầu tư nước ngoài (vốn 2,38 triệu USD) và 6 dự án đầu tư trong nước (vốn 287 tỷ đồng).
Nguồn:Tin Xây dựng - bất động sản ngày 24/6: Siêu Dự án Monbay Vân Đồn đấu thầu nhiều lần vẫn “ế”