Tin ngân hàng ngày 3/6: Tiền gửi dân cư tăng kỷ lục gần 6,64 triệu tỷ đồng
Tin ngân hàng tuần qua: Yêu cầu các ngân hàng đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng Tin ngân hàng ngày 1/6: Eximbank chuẩn bị trả cổ tức tiền mặt lần đầu tiên sau 10 năm |
Tiền gửi dân cư tăng mạnh trở lại
Theo số liệu mới nhất của Ngân hàng Nhà nước, tính đến hết tháng 2, tiền gửi dân cư tại hệ thống ngân hàng đạt kỷ lục gần 6,64 triệu tỷ đồng, tăng 1,6% so với đầu năm. Như vậy, sau khi sụt giảm vào tháng đầu năm, tiền gửi dân cư vào hệ thống ngân hàng đã quay lại đà tăng.
Ảnh minh họa |
Trong khi đó, tiền gửi của khối tổ chức, doanh nghiệp lại giảm mạnh. Nhóm này gửi 6,52 triệu tỷ đồng tại hệ thống ngân hàng, giảm 4,66% so với đầu năm.
Đà giảm của khối doanh nghiệp kéo tổng tiền gửi chảy vào hệ thống tính đến tháng 2 giảm nhẹ, từ hơn 13,17 triệu tỷ vào cuối tháng 1 xuống còn 13,16 triệu tỷ.
Năm nay, tốc độ huy động của các ngân hàng chậm lại đáng kể. Theo báo cáo tài chính, tính đến hết quý I, nhiều nhà băng có tốc độ tăng số dư tiền gửi khách hàng cao nhất trong quý I/2023 đạt 8-19%, nhưng năm nay chỉ tăng dưới 5%. Số lượng ngân hàng ghi nhận số dư tiền gửi giảm trong ba tháng đầu năm cũng tăng mạnh.
Gần đây, các ngân hàng thương mại đồng loạt tăng lãi suất tiết kiệm, nhưng mặt bằng vẫn thấp quanh 5% một năm.
Theo ông Đinh Đức Quang, Giám đốc điều hành Khối kinh doanh tiền tệ, Ngân hàng UOB Việt Nam nhìn nhận động thái tăng lãi suất, ngoài theo xu hướng của các thị trường quốc tế, còn nhằm mục tiêu cân bằng so với lợi suất của các kênh đầu tư khác trên thị trường như vàng, chứng khoán... Bên cạnh đó, ông dự báo lãi suất tiền gửi tăng 0,5-1% trên các kỳ hạn khác nhau từ nửa cuối năm nay, khi tín dụng phục hồi.
Cũng theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống tính đến hết tháng 4 vẫn dưới 2%, thấp so với cùng kỳ các năm trước. Chuyên gia của UOB Việt Nam nhận định, thanh khoản hệ thống không gặp vấn đề và chưa nhận thấy lo lắng nhu cầu huy động với lãi suất cao hay sự đảo chiều về chính sách tiền tệ, tức từ trạng thái thả lỏng như hiện nay sang thắt chặt để kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tỷ giá.
Ngân hàng SCB rao bán loạt cây ATM
Mới đây, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) thông báo tổ chức bán thanh lý 27 máy ATM , gồm: ATM Bà Chiểu, Ngô Gia Tự, Ngô Mây, Long An, Uông Bí, Long Biên, Bãi Cháy, Bà Rịa, Kiên Giang, Sa Đéc, Gò Công…
Những máy ATM này đang được lưu giữ tại TPHCM, Đà Nẵng, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu, Quảng Ninh, Hà Nội, Bình Định… Đối tượng tham gia chào giá là tất cả cán bộ nhân viên nội bộ SCB, các công ty trực thuộc, công ty liên kết và tất cả tổ chức, cá nhân có nhu cầu đăng ký tham gia mua thanh lý trên toàn quốc.
Hình thức thanh lý là bán thanh lý riêng lẻ hoặc nguyên lô theo nhu cầu của khách hàng. SCB tổ chức bán thanh lý theo phương thức chào giá kín cạnh tranh và được bán cho cá nhân, tổ chức có giá chào mua cao nhất từng máy.
Nếu nhiều cá nhân, tổ chức cùng đăng ký mua với cùng một mức giá, hội đồng thanh lý sẽ thông báo các bên thương lượng, nếu không thương lượng được SCB sẽ tổ chức bốc thăm chọn người trúng thầu. Giá chào mua là giá đã gồm VAT và tất cả các chi phí tháo dỡ, bốc xếp, vận chuyển tài sản và các chi phí khác.
Trước đó, SCB cũng thông báo thanh lý lô 23 ô tô chuyên dụng dùng để chở tiền với giá khởi điểm 3,98 tỷ đồng. Lô xe thanh lý gồm 17 ô tô Mitsubishi Pajero và 6 ô tô Hyundai Starex từng được SCB dùng làm xe chở tiền. Tất cả đều mang biển số TPHCM, đăng ký trong giai đoạn 2004-2011.
Trong lô xe trên, có 2 chiếc cũ nhất đăng ký năm 2004 và một chiếc mới nhất đăng ký vào 2011. Còn lại, hầu hết được đăng ký trong những năm 2007 (5 chiếc) và 2008 (11 chiếc). Với giá khởi điểm cho cả lô là 3,98 tỷ đồng (đã bao gồm thuế VAT), trung bình mỗi chiếc có giá khoảng 173 triệu đồng.
SCB không bán riêng lẻ từng xe mà chào cả lô cho cá nhân, tổ chức có nhu cầu theo hình thức chào giá kín để hội đồng thanh lý tài sản của ngân hàng chọn mức mua cao nhất. Khách chào giá phải đặt cọc 690 triệu đồng, tương đương 30 triệu đồng mỗi xe. Tiền cọc sẽ được hoàn lại nếu không trúng đấu giá.
SCB cũng mời chào giá gói thầu tháo gỡ 21 pano quảng cáo tại 16 đơn vị kinh doanh của SCB. Giá dự thầu của nhà thầu gồm toàn bộ các chi phí cần thiết để thực hiện gói thầu theo đúng thiết kế và yêu cầu kỹ thuật nêu trong yêu cầu chào giá.
LPBank sắp bầu bổ sung thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2023-2028
Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LPBank) vừa thông báo tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) bất thường với nội dung chính là kiện toàn bộ máy Hội đồng Quản trị (HĐQT).
Ảnh minh họa |
Theo đó, ngày đăng ký cuối cùng để cổ đông hiện hữu ứng cử, đề cử và tham dự ĐHĐCĐ bất thường năm 2024 của LPBank là 01/7/2024. Đại hội dự kiến sẽ diễn ra trong tháng 8, tại Trụ sở chính của Ngân hàng, số 210 Trần Quang Khải, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội.
Trước đó, HĐQT LPBank thông qua việc bầu ông Lê Minh Tâm, Thành viên độc lập HĐQT giữ chức vụ Phó chủ tịch HĐQT vào ngày 27/5/2024. Tính tới thời điểm hiện tại, HĐQT của LPBank có 7 thành viên.
Việc bổ sung thêm các thành viên mới vào HĐQT là bước đi giúp LPBank nâng cao hơn nữa năng lực quản trị nhằm thay đổi mạnh mẽ, hiệu quả toàn diện, phát triển bền vững và thận trọng; Để đảm bảo lợi ích tối đa cho khách hàng, cổ đông và đối tác.
Kiện toàn bộ máy nhân sự cấp cao nhằm xây dựng và đưa ra được những chiến lược kinh doanh phù hợp trong từng thời kỳ để đạt được những mục tiêu đã đề ra. Điều này thể hiện quyết tâm, hành động mạnh mẽ của LPBank trong hành trình trở thành Ngân hàng bán lẻ Top đầu, Ngân hàng của mọi người, tăng cường chất lượng nguồn nhân sự cấp cao, nâng cao các chuẩn mực quản trị, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế chuẩn bị cho giai đoạn phát triển trong các năm tiếp theo.
Với phương châm lấy khách hàng làm trọng tâm, chính trực, LPBank định hướng gắn trách nhiệm xã hội trong kinh doanh, đẩy mạnh đầu tư chuyển đổi số toàn diện, đáp ứng nhu cầu khách hàng và thị trường, nâng tầm vị thế LPBank.
Nguồn: Tin ngân hàng ngày 3/6: Tiền gửi dân cư tăng kỷ lục gần 6,64 triệu tỷ đồng