Tin ngân hàng ngày 4/6: Lãi suất liên ngân hàng giảm sâu
Tin ngân hàng ngày 3/6: Tiền gửi dân cư tăng kỷ lục gần 6,64 triệu tỷ đồng Tin ngân hàng tuần qua: Yêu cầu các ngân hàng đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng |
Lãi suất liên ngân hàng giảm sâu
Theo số liệu mới nhất được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố, lãi suất VND bình quân liên ngân hàng tại kỳ hạn qua đêm (kỳ hạn chính chiếm khoảng 90% giá trị giao dịch) trong phiên 30/5 đã giảm về còn 3,37%/năm, từ mức 4,03%/năm và 4,79% ghi nhận trong phiên 29/5 và 28/5. So với mức ghi nhận cuối tuần trước đó, lãi suất qua đêm liên ngân hàng đã giảm 1,69 điểm % và là mức thấp nhất trong 7 tuần trở lại đây.
Cùng với kỳ hạn qua đêm, lãi suất hầu hết kỳ hạn chủ chốt khác đều giảm so với cuối tuần trước đó như: kỳ hạn 1 tuần giảm 1,22 điểm %, kỳ hạn 2 tuần giảm 0,84 điểm %; kỳ hạn 1 tháng giảm 0,12 điểm %.
Ngoài sự lao dốc của lãi suất liên ngân hàng, thanh khoản hệ thống cũng phát tín hiệu dồi dào hơn khi kênh cho vay cầm cố giấy tờ có giá (OMO) đã bị 'ế' trong 2 phiên giao dịch cuối tuần qua, đồng thời lượng tín phiếu trúng thầu đã tăng vọt. Kết quả, NHNN đã hút ròng 39.704 tỷ đồng từ thị trường trong tuần qua bằng kênh thị trường mở.
Trước đó, trong giai đoạn từ giữa tháng 5 đến đầu tuần qua, thanh khoản tiền Đồng của hệ thống ngân hàng có dấu hiệu thắt chặt sau khi NHNN liên tục bán ra lượng lớn USD để bình ổn tỷ giá, rút về lượng lớn tiền Đồng.
Trong bối cảnh trên, liên tục trong hai phiên giao dịch 22/5 và 23/5 đã có lần lượt 9 thành viên và 8 thành viên thị trường tìm đến kênh hỗ trợ thanh khoản của nhà điều hành với khối lượng trúng thầu trên kênh cho vay cầm cố giấy tờ có giá (OMO) lên tới 25.000 tỷ và 43.063 tỷ đồng – mức cao kỷ lục trong nhiều năm trở lại đây. Đáng chú ý, các ngân hàng đẩy mạnh vay nóng NHNN bất chấp lãi suất OMO đã được điểu chỉnh tăng từ 4,25%/năm lên 4,5%/năm từ phiên 22/5. Sự cộng hưởng của các yếu tố đã đẩy lãi suất VND trên thị trường liên ngân hàng trong phiên giao dịch 23/5 lên trên 5%/năm ở hầu hết các kỳ hạn – mức cao nhất trong 1 năm trở lại đây.
Sự hạ nhiệt nhanh chóng của lãi suất liên ngân hàng xuất hiện khi áp lực tỷ giá đã có dấu hiệu dịu lại trong tuần qua. Cụ thể, tỷ giá USD liên ngân hàng trong tuần qua đã hạ nhiệt, không còn sát giá trần của NHNN. Kết thúc phiên 31/5, tỷ giá liên ngân hàng đóng cửa tại 25.441 VND/USD, giảm 36 đồng so với phiên cuối tuần trước đó.
Trên thị trường giao dịch giữa ngân hàng và người dân, các ngân hàng đã đồng loạt giảm giá mua USD khoảng 20 – 30 đồng trong tuần qua. Trong khi giá bán cũng giảm 3 đồng theo diễn biến của tỷ giá trung tâm.
Vì sao phải giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng?
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa có báo cáo về việc nghiên cứu và tiến tới xoá bỏ việc điều hành chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng Tổ chức tín dụng ( TCTD) gửi tới kỳ họp thứ 7 Quốc hội khoá XV.
Ảnh minh họa |
Cụ thể, từ năm 2024, NHNN không giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đối với nhóm chi nhánh ngân hàng nước ngoài, phù hợp với đặc thù, quy mô tín dụng của nhóm này và tiếp tục giao tăng trưởng tín dụng đối với các TCTD còn lại. NHNN đang tiếp tục rà soát để từng bước dỡ bỏ hoàn toàn biện pháp này.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai nhiệm vụ này, NHNN nhận thấy còn một số khó khăn, vướng mắc.
Hiện nay, áp lực lạm phát vẫn còn hiện hữu, gây thách thức cho công tác điều hành chính sách tiền tệ và tín dụng của NHNN khi vừa hỗ trợ phục hồi kinh tế vừa phải đảm bảo kiểm soát lạm phát.
Tỷ lệ tín dụng/GDP liên tục duy trì ở mức cao, có xu hướng gia tăng (cuối năm 2023: 132,75%; 2022: 124,89%; 2021: 123,05%).
Vì vậy, NHNN cho rằng việc duy trì công cụ hạn mức tín dụng là nhằm đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng, qua đó góp phần tích cực trong kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, ổn định vĩ mô.
Trước năm 2011, do đặc thù nền kinh tế Việt Nam phụ thuộc chủ yếu vào tín dụng ngân hàng để cân đối cho các nhu cầu vốn nên tín dụng là kênh cung ứng vốn chủ yếu cho nền kinh tế, và có tốc độ tăng rất nhanh. Giai đoạn 2007-2010, tăng trưởng tín dụng bình quân cả hệ thống khoảng 36%/năm.
Tỷ lệ tín dụng/GDP giai đoạn này cũng tăng nhanh, kéo theo hệ lụy là cuộc đua lãi suất huy động giữa các TCTD để có nguồn vốn cho vay, dẫn đến lãi suất cho vay tăng tương ứng và nợ xấu hệ thống ngân hàng tăng cao, nhiều TCTD có nguy cơ mất thanh khoản, gây bất ổn kinh tế vĩ mô.
Quá trình triển khai biện pháp điều hành tăng trưởng tín dụng từ năm 2011 đến nay cho thấy, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đã giảm từ mức trên 30%/năm (cá biệt có năm tăng 53,8%) xuống còn khoảng từ 12-14%/năm trong những năm gần đây. Từ đó góp phần ổn định thị trường tiền tệ, kiểm soát và duy trì lạm phát ổn định dưới 4%.
LPBank tăng mạnh lãi suất tiết kiệm từ ngày 3/6
Ngày 3/6, Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LPBank) thông báo áp dụng lãi suất huy động tiền gửi mới. Trong đó, ngân hàng này đã tăng mạnh lãi suất huy động tại các kỳ hạn 1 – 12 tháng.
Cụ thể, với hình thức gửi tiền trực tuyến trên Lienviet24h – sản phẩm có biểu lãi suất cao nhất, LPBank đồng loạt tăng 0,1 – 0,6 điểm % lãi suất huy động ở nhiều kỳ hạn.
Theo đó, các kỳ hạn gửi ngắn hạn dưới 1 tháng có chung mức lãi suất là 0,2%/năm, không thay đổi so với trước đó; kỳ hạn 1 tháng được điều chỉnh tăng từ 2,6%/năm lên 3,2%/năm; kỳ hạn 2 - 3 tháng tăng từ 2,7%/năm lên 3,3%/năm; kỳ hạn 4 tháng tăng từ 2,8%/năm lên 3,3%/năm, kỳ hạn 5 tháng tăng từ 2,9%/năm lên 3,4%/năm; kỳ hạn 6 - 8 tháng tăng từ 4%/năm lên 4,4%/năm; kỳ hạn 9 tháng tăng từ 4,1%/năm lên 4,5%/năm; kỳ hạn 10 tháng tăng từ 4,2%/năm lên 4,5%/năm; kỳ hạn 11 tháng tăng từ 4,3%/năm lên 4,6%/năm; kỳ hạn 12 tháng tăng từ 5%/năm lên 5,1%/năm.
Các kỳ hạn 13 – 60 tháng được LPBank giữ nguyên lãi suất huy động trong khoảng 5,3 – 5,6%/năm. Trong đó, mức lãi suất cao nhất là 5,6%/năm được áp dụng đối với kỳ hạn 18 – 60 tháng.
Bên cạnh tiền gửi online, LPBank cũng tăng lãi suất huy động dành cho khách hàng gửi tiền tại quầy với mức điều chỉnh 0,2%/năm tại các kỳ hạn 1 – 5 tháng.
LPBank là một trong những ngân hàng đầu tiên tăng lãi suất huy động trong tháng 6 cùng với TPBank. Trước đó, đã có khoảng 20 ngân hàng tăng lãi suất trong tháng 5, với một số nhà băng điều chỉnh tăng 2 – 3 lần
Xu hướng tăng lãi suất huy động đã xuất hiện từ cuối tháng 3 và diễn ra trên diện rộng vào tháng 4 và tháng 5. Tuy nhiên, xu hướng tăng vẫn chủ yếu đến từ nhóm ngân hàng cổ phần tư nhân, trong khi nhóm 4 ngân hàng do nhà nước chi phối là Vietcombank, BIDV, VietinBank và Agribank là vẫn áp dụng biểu lãi suất huy động ở mức thấp lịch sử.Sacombank có thể ghi nhận khoản thu bất thường trong năm 2024
Trong báo cáo cập nhật mới công bố, Chứng khoán KB (KBSV) kì vọng Sacombank sẽ ghi nhận khoản thu nhập bất thường 1.336 tỷ đồng trong năm 2024 từ thương vụ bán khoản nợ liên quan đến khu công nghiệp Phong Phú, sau khi trích lập toàn bộ phần nợ trái phiếu VAMC.
Ảnh minh họa |
Trước đó, tại cuộc họp ĐHCĐ thường niên năm 2024 của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), lãnh đạo ngân hàng này cho biết đã đấu giá thành công khoản nợ được đảm bảo bằng quyền tài sản tại dự án khu công nghiệp Phong Phú. Khi đó, lãnh đạo Sacombank cho biết đã thu hồi được 20% tổng giá trị bán đầu giá thành công. Bên đấu giá sẽ thanh toán theo tiến độ hoàn thành hồ sơ pháp lý dự án, dự kiến 40% tổng số tiền sẽ được thanh toán tiếp trong năm 2024 và 40% còn lại sẽ thanh nốt trong năm 2025.
Hồi đầu năm 2023, Sacombank đã tổ chức bán đấu giá 18 khoản nợ được bảo đảm bằng tài sản tại dự án khu công nghiệp Phong Phú. Đây là lần thứ 6 Sacombank rao bán khoản nợ này với giá khởi điểm là 7.934 tỷ đồng.
Cũng theo Sacombank, tổng giá trị các khoản nợ tính đến ngày 31/12/2021 là 16.196 tỷ đồng, trong đó dư nợ gốc là hơn 5.134 tỷ đồng và lãi tồn đọng là hơn 11.061 tỷ đồng. Đây là khoản nợ phát sinh từ việc cho vay của SouthernBank giai đoạn 2011 - 2012. Đến năm 2015, SouthernBank sáp nhập vào Sacombank thì khoản nợ này trở thành nợ xấu mà Sacombank phải xử lý.
Dự án KCN Phong Phú nằm trên mặt tiền đường Nguyễn Văn Linh, liền kề với khu đô thị Phú Mỹ Hưng, nằm ngay góc đường Trịnh Quang Nghị và Nguyễn Văn Linh, quận Bình Chánh, TP. HCM. Dự án có quy mô 134 ha, bao gồm 67 ha đất khu công nghiệp và 67 ha đất dành cho dịch vụ công nghiệp (nhà ở chuyên gia, siêu thị, bệnh viện).
Việc xử lý được khoản nợ trên giúp Sacombank tiến sát mục tiêu hoàn thành đề án tái cơ cấu trong năm nay. Trước thắc mắc của cổ đông cho rằng, Sacombank vẫn đạt mức lợi nhuận đề ra hàng năm nên cần sớm chia cổ tức cho cổ đông, ông Dương Công Minh, Chủ tịch HĐQT Sacombank cho biết, do đang tái cơ cấu nên dù đã trình lên NHNN xin được chia cổ tức cho cổ đông, nhưng chưa được chấp thuận mà phải tập trung nguồn lực để xử lý các tồn đọng trong thời kỳ hậu M&A và sau quá trình tái cấu trúc sẽ chia cổ tức.
Nguồn: Tin ngân hàng ngày 4/6: Lãi suất liên ngân hàng giảm sâu