Tin ngân hàng tuần qua: Đề xuất tăng tỷ lệ thế chấp tài sản và nhiều giải pháp thúc đẩy cho vay
Tin ngân hàng ngày 9/3: MBS dự báo lãi suất huy động có khả năng tạo đáy trong quý I Tin ngân hàng ngày 8/3: Giao dịch qua phương thức QR code tăng vọt |
Đề xuất tăng tỷ lệ thế chấp tài sản và nhiều giải pháp thúc đẩy cho vay
Mới đây, Hiệp hội Doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh (HUBA) cho biết tình hình vay vốn của các doanh nghiệp trên địa bàn vẫn rất khó khăn, mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư cho phép cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ; đồng thời tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ 2% lãi suất vay, nhiều doanh nghiệp loay hoay thế chấp tài sản để vay vốn.
Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
HUBA phản ánh thực trạng "định giá tài sản đất nông nghiệp rất thấp, tài sản đất thuê hàng năm cũng không thế chấp được, các tài sản khác bị định giá xuống khi lạm phát gia tăng... Hiện, có tới 41% doanh nghiệp khảo sát đã không còn tài sản thế chấp đủ pháp lý để vay vốn".
Trong tình hình khó khăn như hiện nay, doanh nghiệp không vay vì không có hợp đồng hoặc vay vốn không chỉ cho nhu cầu đầu tư mới, mà còn là để thanh toán các khoản vay cũ đã đến hạn.
HUBA cho rằng ngân hàng nên xem xét tăng tỷ lệ thế chấp các tài sản, thực hiện mở rộng cho vay theo hợp đồng, với các tài sản và quyền tài sản hình thành trong tương lai...
Mặt khác, hiệp hội cũng đề xuất xem xét ân hạn nợ bên cạnh việc gia hạn. Theo đó, doanh nghiệp gia hạn nợ được phép hoàn trả khoản vốn vay gia hạn tại năm cuối cùng của kỳ hạn vay, thay vì phải trả ngay khi hết gia hạn, làm tăng gấp đôi số tiền phải trả trong năm tiếp theo, gây khó khăn kép cho doanh nghiệp.
Về tình hình của các doanh nghiệp, Hiệp hội Doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh đánh giá một số ngành vẫn còn gặp nhiều khó khăn như dệt may, da giày, sản phẩm gỗ.
Đối với ngành công nghiệp hỗ trợ, chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực cơ khí, điện và điện tử, nhựa, cao su và hóa chất..., hiệp hội cho biết tình hình kinh doanh của ngành chưa tích cực, thậm chí nhiều doanh nghiệp bị suy giảm do thiếu đơn hàng, chi phí đầu vào tăng cao.
Ngoài ra, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ hiện nay hầu hết là các chi tiết rời rạc, khó đáp ứng yêu cầu của thị trường xuất khẩu và doanh nghiệp đang chịu mức lãi suất vay khá cao (7-8%).
Do vậy, HUBA đề xuất, Nhà nước xem xét đơn giản hóa thủ tục vay vốn kích cầu đầu tư, chú trọng hỗ trợ nguồn vốn và chính sách ưu đãi đối với các dự án lớn, hình thành hệ thống các nhà máy chuyên môn hóa, có thể sản xuất được các cụm linh kiện hoàn chỉnh, đáp ứng yêu cầu của khách hàng toàn cầu.
VietinBank tung 300 nghìn tỷ đồng tín dụng ưu đãi, hỗ trợ doanh nghiệp
Đáp ứng nhu cầu vay vốn tăng cao của doanh nghiệp trong đầu năm 2024, VietinBank triển khai Gói ưu đãi lãi suất STEP UP có quy mô “khủng”, lên đến 300 nghìn tỷ đồng với lãi suất đặc biệt ưu đãi, chỉ từ 5%/năm đối với VNĐ.
Bức tranh kinh tế năm 2024 dù còn tồn tại nhiều thách thức nhưng không ít chuyên gia lạc quan cho rằng, đây sẽ là năm bản lề cho sự bứt phá, dựa trên nền tảng những thành quả đã đạt được trong năm 2023, cũng như triển vọng về đầu tư công và tư nhân trong và ngoài nước. Cùng với đó, mặt bằng lãi suất có xu hướng giảm trong thời gian vừa qua cũng kích thích nhu cầu vay vốn từ doanh nghiệp.
Trong bối cảnh đó, VietinBank đã ra mắt Gói ưu đãi lãi suất STEP UP - Vay vốn kinh doanh, Vững bước tiến nhanh để hỗ trợ doanh nghiệp kịp thời nắm bắt cơ hội kinh doanh, mở rộng sản xuất, bước lên một nấc thang mới trong hoạt động của mình. Đáng nói là, chương trình có quy mô cực "khủng", lên đến 300 nghìn tỷ đồng, trong thời gian từ tháng 1/2024 cho đến hết tháng 4/2024.
Lãi suất của gói STEP UP cực kỳ ưu đãi, chỉ từ 5%/năm cho các khoản vay ngắn hạn bằng VNĐ. Trong đó, mức lãi suất đặc biệt cạnh tranh này được ưu tiên áp dụng đối với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu sử dụng đa dạng sản phẩm dịch vụ tại VietinBank, chuyển nguồn thu xuất khẩu về giao dịch tại VietinBank, các khách hàng đang hoạt động trong các lĩnh vực ưu tiên theo định hướng của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước.
Với STEP UP, VietinBank nằm trong số hiếm hoi các ngân hàng trên thị trường có tiềm lực tài chính mạnh để triển khai chương trình tín dụng với quy mô lớn, phủ đều khắp tất cả các phân khúc, từ doanh nghiệp SME, doanh nghiệp lớn cho đến doanh nghiệp FDI với lãi suất ưu đãi như vậy. STEP UP cũng thể hiện lời cam kết của VietinBank trong việc đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua các thách thức trên thị trường, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn giá tốt, giảm bớt áp lực tài chính để tập trung tăng tốc kinh doanh.
Ngoài việc ưu đãi lãi suất trên quy mô lớn, VietinBank cũng không ngừng tinh gọn quy trình, đơn giản hóa hồ sơ, thủ tục để hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn nhanh chóng hơn.
Ngân hàng phải công khai lãi suất cho vay bình quân
Tại công điện ngày 5/3, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá hiện mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm nhưng chưa tương xứng với lãi suất huy động. Cùng đó, tăng trưởng tín dụng 2 tháng đầu năm 2024 âm 1,12% so với cuối năm 2023.
Ngân hàng phải công khai lãi suất cho vay bình quân/Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
Ngoài vì tính thời vụ, nhu cầu vay giảm vào đầu năm, kinh tế khó khăn, giới chuyên môn cho rằng tăng trưởng tín dụng thấp còn do người dân, doanh nghiệp khó tiếp cận nguồn vốn, trong khi mặt bằng lãi suất đã giảm nhưng vẫn ở mức cao. Yêu cầu công khai lãi suất cho vay bình quân là một trong những giải pháp để người dân, doanh nghiệp lựa chọn ngân hàng vay.
Đầu năm nay, Ngân hàng Nhà nước cũng có Chỉ thị 01, trong đó, chỉ đạo các tổ chức tín dụng công khai và chịu trách nhiệm về lãi suất cho vay bình quân công bố.
Tại hội nghị ngành ngân hàng hôm 20/2, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú khẳng định việc công khai là "kỷ cương điều hành", các ngân hàng đều phải thực hiện. Lãi suất công bố sẽ là mức bình quân, không phải lãi suất cho vay với từng đối tượng, doanh nghiệp, loại hình. "nếu ngân hàng không công bố sẽ phải chịu chế tài của dư luận", Phó thống đốc nhận mạnh.
Cũng tại Công điện, để tăng tiếp cận vốn, Thủ tướng cũng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí, đơn giản hóa thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số.
Ngân hàng Nhà nước có giải pháp giảm lãi suất cho vay, rà soát kết quả cấp tín dụng của hệ thống, với từng ngành, lĩnh vực. Ông lưu ý nguồn vốn cho vay phải hướng vào sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng truyền thống như tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, thay vì các lĩnh vực rủi ro.
Cùng đó, lãnh đạo Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước kiểm tra chặt các hoạt động cho vay không đúng đối tượng ưu đãi, như cho vay với ban lãnh đạo, ban điều hành và người có liên quan, các doanh nghiệp thuộc hệ sinh thái, doanh nghiệp sân sau...
Ngành ngân hàng phải bảo đảm cấp đủ vốn cho nền kinh tế, để doanh nghiệp, người dân có thể đầu tư phát triển. "Tuyệt đối không để ách tắc, chậm trễ, không đúng thời điểm", công điện nêu.
Ngân hàng Nhà nước thực hiện các công cụ kiểm soát lạm phát và giảm thiểu, hạn chế tăng nợ xấu tại các tổ chức tín dụng. Cơ quan này chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng về việc điều hành chính sách tiền tệ và tăng trưởng tín dụng.
Ngân hàng Nhà nước thông tin về kết quả chuyển đổi số
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa cập nhật một số thông tin về kết quả chuyển đổi số trong lĩnh vực ngân hàng.
Theo đó, trong tháng 1/2024 so với cùng kỳ năm 2023, giao dịch qua Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng tăng 6,02% về số lượng và tăng 54,42% về giá trị. Thanh toán qua Hệ thống bù trừ, chuyển mạch giao dịch tài chính tăng 51,0% về số lượng và 34,96% về giá trị.
Đến cuối tháng 01/2024, thị trường có 20.986 ATM giảm 1,70% so với cùng kỳ năm 2023, 554.580 POS tăng 32,68% so với cùng kỳ năm 2023.
Tính đến cuối năm 2023, số lượng tài khoản thanh toán của cá nhân là hơn 182,88 triệu tài khoản, tăng 21,8% so với cùng kỳ năm 2022.
Trong tháng 1/2024 so với cùng kỳ năm 2023, giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng 63,3% về số lượng và 41,45% về giá trị; qua kênh Internet tăng 57,85% về số lượng và 32,43% về giá trị.
Thanh toán qua kênh điện thoại di động tăng 68,54% về số lượng và 41,12% về giá trị; qua phương thức QR code tăng 892,95% về số lượng và 1.062,01% về giá trị.
Thanh toán qua POS tăng 16,87% về số lượng và tăng 13,65% về giá trị; qua ATM giảm 15,14% về số lượng và giảm 18,76% về giá trị, số liệu trên cho thấy xu hướng dịch chuyển từ thanh toán bằng tiền mặt sang không tiền mặt.
Một số nghiệp vụ cơ bản đã được số hóa hoàn toàn 100% (tiền gửi tiết kiệm, tiền gửi có kỳ hạn, mở và sử dụng tài khoản thanh toán, mở thẻ ngân hàng, ví điện tử, chuyển tiền...).
Đến cuối năm 2023, có khoảng 40 ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mở tài khoản thanh toán bằng phương thức điện tử (eKYC) với hơn 35 triệu tài khoản thanh toán mở bằng eKYC đang hoạt động.
OceanBank "đại hạ giá" khoản nợ xấu nghìn tỷ
Ngân hàng TM TNHH MTV Đại Dương (OceanBank) mới đây thông báo bán đấu giá các khoản nợ xấu của Công ty TNHH Đại Dương và CTCP Đầu tư phát triển hạ tầng VNT (nhóm Đại Dương) phát sinh theo các hợp đồng tín dụng khoảng hơn 10 năm trước. Đây là hai doanh nghiệp thuộc hệ sinh thái Tập đoàn Đại Dương (Ocean Group) do ông Hà Văn Thắm, cựu Chủ tịch OceanBank và Ocean Group, thành lập.
Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
Cụ thể, khoản nợ của nhóm Đại Dương được hình thành từ 3 hợp đồng tín dụng trong giai đoạn từ tháng 6/2009-5/2014. Tổng giá trị các khoản nợ tính đến 28/8/2023 là 1.488 tỷ đồng, trong đó nợ lãi 1.112 tỷ đồng.
Sau 5 lần rao bán bất thành, đây là lần thứ 6 OceanBank rao bán các khoản nợ xấu trên. Giá khởi điểm của khoản nợ là 565 tỷ đồng. OceanBank cho biết, không bán lẻ từng khoản nợ.
So với lần rao bán đầu tiên diễn ra hồi cuối tháng 12/2023, chỉ sau hơn 2 tháng nhưng mức giá khởi điểm đã giảm sốc 637 tỷ đồng (53%). Trước đó, OceanBank rao bán khoản nợ này với giá khởi điểm 1.202 tỷ đồng.
Nguồn thu từ việc xử lý tài sản đảm bảo này sẽ ưu tiên trả trước cho toàn bộ dư nợ gốc khoản vay của CTCP Đại An tại OceanBank. Đại An cũng là một doanh nghiệp thuộc hệ sinh thái Ocean Group và là chủ đầu tư KCN Lai Cách (Hải Dương).
Tài sản đảm bảo cho các khoản nợ trên gồm tất cả tài sản hình thành trong tương lai gắn liền với lô đất thuê trả tiền hàng năm tại dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Lai Cách, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương.
Các tài sản hiện tại, tương lai thuộc sở hữu, quản lý của Công ty VNT gồm toàn bộ tài sản hình thành trên đất để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Minh Đức và các bất động sản đã, đang được hình thành, sẽ hình thành đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Minh Đức hoặc bất kỳ bất động sản, động sản nào khác nằm trên lô đất 198ha tại Khu công nghiệp Minh Đức, huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên, do VNT làm chủ đầu tư.
Tài sản đảm bảo còn bao gồm toàn bộ cổ phần Công ty VNT thuộc sở hữu của Công ty Đại An, bà Trương Tú Phương (Chủ tịch HĐQT Công ty Đại An) và bà Tưởng Quỳnh Hương; lợi tức, cổ tức, các quyền tài sản khác, các quyền, quyền lợi, lợi ích và các khoản đền bù, bồi thường, các khoản hoàn trả, thanh toán khác mà Công ty Đại An, bà Trương Tú Phương và bà Tưởng Quỳnh Hương được nhận phát sinh từ và/hoặc liên quan đến số cổ phần nêu trên.
Được biết, ngày 3/3/2023, OceanBank đã nộp đơn khởi kiện Công ty VNT đến TAND thị xã Mỹ Hào, huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên. Đến nay, TAND thị xã Mỹ Hào chưa thụ lý đơn khởi kiện của OceanBank.
Nguồn:Tin ngân hàng tuần qua: Đề xuất tăng tỷ lệ thế chấp tài sản và nhiều giải pháp thúc đẩy cho vay