Tin Xây dựng - Bất động sản ngày 19/6: Trình Quốc hội cho phép Luật Đất đai có hiệu lực từ ngày 1/8
Tin Xây dựng - Bất động sản ngày 18/6: Hà Nội bổ sung dự án 4 hecta trên quận Tây Hồ Tin Xây dựng - Bất động sản ngày 17/6: Hà Nội ban hành bảng giá mới làm căn cứ tính lệ phí trước bạ nhà ở |
Trình Quốc hội cho phép Luật Đất đai có hiệu lực từ ngày 1/8
Chiều 19/6, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Các tổ chức tín dụng.
Ảnh minh họa |
Theo tờ trình, Chính phủ đề xuất cho phép Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản có hiệu lực thi hành từ 1/8/2024 (sớm hơn 5 tháng). Một số quy định chuyển tiếp từ Điều 253 đến Điều 260, Luật Đất đai cho phép có hiệu lực từ 1/1/2025.
Luật Các tổ chức tín dụng có hiệu lực từ 1/7, song có 2 khoản (khoản 3, Điều 200 và khoản 15, Điều 210) có hiệu lực từ 1/1/2025, cùng thời điểm có hiệu lực của Luật Kinh doanh bất động sản.
Do vậy, khi thời điểm có hiệu lực của Luật Kinh doanh bất động sản thay đổi, thì cần thiết phải sửa đổi hiệu lực các khoản này để bảo đảm áp dụng đồng bộ quy định pháp luật, bảo đảm chặt chẽ khi nhận tài sản bảo đảm của tổ chức tín dụng.
Sau khi Chính phủ có tờ trình trước Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh sẽ trình bày báo cáo thẩm tra dự án luật này.
Theo chương trình dự kiến, từ 10h30 đến hết giờ làm việc sáng 20/6, Quốc hội sẽ thảo luận ở tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Các tổ chức tín dụng.
Chiều 21/6, Quốc hội sẽ thảo luận ở hội trường về dự luật trên. Cuối phiên họp, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Dự kiến sáng 29/6, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Các tổ chức tín dụng.
Trước đó, tại phiên họp thứ 34, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất trình Quốc hội xem xét, quyết định thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Các tổ chức tín dụng tại Kỳ họp thứ 7, theo quy trình, thủ tục rút gọn tại 1 kỳ họp.
Hà Nội phấn đấu 100% các khu công nghiệp, khu chế xuất có nhà ở xã hội
UBND TP. Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch việc thực hiện Chương trình hành động số 32-CTr/TU ngày 4/4/2024 của Thành ủy Hà Nội thực hiện Nghị quyết số 42-NQ/TW ngày 24/11/2023 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về "Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới".
Theo kế hoạch, TP. Hà Nội đặt mục tiêu tuổi thọ trung bình của người dân khoảng 77 tuổi và số năm sống khỏe đạt tối thiểu 68 năm; đạt 35 giường bệnh viện trên 10.000 dân, 19 bác sĩ trên 10.000 dân; tỉ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 98% và trên 95% người dân sử dụng dịch vụ chăm sóc ban đầu tại y tế cơ sở được bảo hiểm y tế chi trả.
Diện tích nhà ở bình quân đầu người toàn thành phố đạt khoảng 32m2 sàn/người; phát triển nhà ở xã hội mới khoảng 2,5 triệu m2 sàn nhà, đầu tư xây dựng 1-2 khu nhà ở xã hội độc lập, 100% các khu công nghiệp, khu chế xuất của thành phố có nhà ở xã hội...
Trước đó, Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội đề xuất xây mới 9 khu nhà ở xã hội tập trung, với tổng quy mô diện tích đất nghiên cứu quy hoạch 668,7 ha tại một số quận, huyện.
Cụ thể, khu nhà ở xã hội tập trung tại thị trấn sinh thái Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ (diện tích đất nghiên cứu lập quy hoạch khoảng 169 ha); dự án tại xã Tân Tiến, huyện Chương Mỹ (khoảng 127 ha); tại xã Thạch Hòa, huyện Quốc Oai (khoảng 78 ha); tại quận Hà Đông (khoảng 50 ha); tại xã Đại Áng, huyện Thanh Trì và xã Khánh Hà, huyện Thường Tín (khoảng 105 ha); dự án tại huyện Đan Phượng (khoảng 22 ha); tại xã Mai Lâm, huyện Đông Anh (khoảng 46,6 ha - trước đây đề xuất xây dựng nhà ở xã hội cho cán bộ chiến sĩ Bộ Công an); tại xã Đa Tốn, huyện Gia Lâm (khoảng 63 ha); tại thị trấn Quang Minh, huyện Mê Linh (khoảng 13 ha).
Trong 9 khu đất trên có 2 khu đất tại huyện Gia Lâm và huyện Mê Linh với tổng quy mô nghiên cứu hơn 71 ha đất thuộc khu vực vành đai xanh, hành lang xanh, hạn chế dân số và chiều cao (1-3 tầng)…
Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 tại Hà Nam sẽ hoạt động vào quý II/2025
Liên quan đến dự án Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 tại Hà Nam được xây dựng từ lâu nhưng vẫn chưa hoạt động dẫn đến lãng phí lớn, trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Ngọc Anh, Trưởng phòng Dự án và đấu thầu (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, dự kiến cơ sở 2 của bệnh viện sẽ hoạt động vào quý II/2025.
Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 tại Hà Nam |
Theo ông Ngọc Anh, hiện nay các hạng mục xây lắp tại dự án đã hoàn thành cơ bản, đạt khoảng 90%. Hiện các nhà thầu đang tiếp tục tục rà soát, hoàn thiện các hạng mục còn lại, dự kiến cuối năm 2024 sẽ hoàn thành. Sau đó, bệnh viện cùng các nhà thầu sẽ lắp đặt thiết bị phục vụ khám chữa bệnh. Ngoài ra, việc đào tạo nhân lực y tế để phục vụ công tác khám chữa bệnh tại cơ sở 2 ở Hà Nam đã được bệnh viện thực hiện từ lâu, ông Ngọc Anh chia sẻ.
Cũng liên quan đến dự án này, tại buổi gặp mặt báo chí cung cấp thông tin y tế quý II/2024 được tổ chức ngày 17/6, Bộ Y tế cho biết, nguyên nhân chậm tiến độ của dự án Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 và Bệnh viện Việt Đức cơ sở 2 là do chưa lường hết được phát sinh trong quá trình triển khai. Đặc biệt là việc thực hiện các quy định trong đầu tư xây dựng cơ bản, thực hiện các hợp đồng xây dựng. Vì vậy, các vướng mắc đã phát sinh trong thanh, quyết toán, giải ngân vốn...
Hiện tại, Bộ Y tế đang phối hợp Bộ Xây dựng đề xuất những cơ chế để giải quyết vấn đề vướng mắc, như điều chỉnh thời hạn hợp đồng, những vấn đề chưa phù hợp trong quá trình thực hiện để bảo đảm cơ sở pháp lý.
Ngoài ra, Bộ đã phê duyệt điều chỉnh thời gian thực hiện đến hết ngày 31/12/2024 và chỉ đạo chủ đầu tư làm việc với các nhà thầu để tiếp tục thi công hoàn thành công trình.
Theo tìm hiểu, dự án Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Việt Đức cơ sở 2 có tổng vốn đầu tư 10.000 tỷ đồng, khởi công xây dựng năm 2014 tại tỉnh Hà Nam, tiến độ ban đầu là hoàn thành và đưa vào sử dụng năm 2017, sau này dự án lùi tiến độ hoàn thành đến 2019. Tuy nhiên, sau 10 năm, 2 cơ sở này vẫn "đắp chiếu" do nhiều vướng mắc chưa thể giải quyết.
Yêu cầu chủ đầu tư chung cư Scenia Bay Nha Trang cấp điện thang máy cho cư dân
Ngày 18/6, UBND TP. Nha Trang cho biết đã có công văn số 4738/UBND-QL yêu cầu Công ty CP Nha Trang Bay (chủ đầu tư chung cư Scenia Bay Nha Trang) cấp điện thang máy trở lại cho 704 hộ dân chung cư này sau 3 ngày cắt điện gây khó khăn cho việc đi lại của người dân. Đồng thời, yêu cầu lãnh đạo Công an và UBND phường Vĩnh Hải giám sát việc mở hệ thống điện, nước của Công ty CP Nha Trang Bay.
Liên quan đến việc này, ông Hoàng Bá Thái Bình - Trưởng Ban Quản trị (BQT) chung cư Scenia Bay Nha Trang, cho biết: Chung cư này có 8 thang máy, từ sáng 15/6, Công ty CP Nha Trang Bay đã cắt điện 6 thang máy, trong đó có 2 thang phục vụ cấp cứu và chuyển tải rác thải. Vì thế, hàng nghìn hộ dân sống trong 704 căn hộ phải chen chúc đi lại rất khó khăn và có nguy cơ quá tải khi chung cư chỉ còn lại 2 thang máy. Đến sáng 18/6, chủ đầu tư vẫn chưa cấp điện trở lại cho 6 thang máy của chung cư.
Trước đó, ngày 5/6, Phòng Quản lý đô thị TP. Nha Trang đã phối hợp Công an TP. Nha Trang, UBND phường Vĩnh Hải, Sở Xây dựng, Công ty CP Điện lực, Công ty CP Cấp thoát nước Khánh Hòa đã có buổi làm việc với Công ty CP Nha Trang Bay và BQT chung cư Scenia Bay Nha Trang. Tại buổi làm việc, đại diện Công ty CP Nha Trang Bay cho rằng BQT chung cư Scenia Bay Nha Trang thu phí quản lý vận hành nhưng không đóng cho chủ đầu tư để thanh toán phí với Công ty CP Điện lực, Công ty CP Cấp thoát nước Khánh Hòa.
Công ty CP Nha Trang Bay cho biết cũng đã có 3 văn bản đề nghị thanh toán tiền điện, nước và phí quản lý vận hành, nhưng BQT chung cư Scenia Bay Nha Trang không thực hiện. Nếu trong vòng 10 ngày, BQT chung cư Scenia Bay Nha Trang không thanh toán thì chủ đầu tư ngừng cung cấp điện, nước. Công ty CP Nha Trang Bay cũng cho biết, tổng số tiền quỹ quản lý vận hành chung cư kết dư đến cuối tháng 5/2023 là 1,1 tỷ đồng, chủ đầu tư đã hoàn trả 300 triệu đồng trong khoản tiền quản lý vận hành kết dư cho BQT chung cư Scenia Bay Nha Trang.
Nhưng theo ông Hoàng Bá Thái Bình - Trưởng BQT chung cư Scenia Bay Nha Trang, hiện Công ty CP Nha Trang Bay không cử người phối hợp xác minh số liệu đo đếm và phụ tải chỉ số điện, nước tại chung cư để có căn cứ thanh toán. Ngoài ra, chủ đầu tư cũng chưa hoàn trả tiền quản lý vận hành kết dư, chưa cung cấp thông tin về quỹ bảo trì cho BQT chung cư Scenia Bay Nha Trang và cư dân sinh sống ở đây.
Quảng Nam: Đề nghị thu hồi đất của Công ty Lê Tuấn Tuấn do nợ thuế
UBND tỉnh Quảng Nam đã có Công văn 524 giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì kiểm tra, tham mưu UBND tỉnh giải quyết việc đề nghị thu hồi đất của Chi cục Thuế khu vực Tam Kỳ - Phú Ninh đối với Công ty TNHH Lê Tuấn Tuấn.
Khu đất của Công ty TNHH Lê Tuấn Tuấn |
Theo đó, UBND tỉnh Quảng Nam giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì kiểm tra, tham mưu UBND tỉnh giải quyết việc đề nghị thu hồi đất của Chi cục Thuế khu vực Tam Kỳ - Phú Ninh theo đúng quy định của pháp luật, báo cáo UBND tỉnh.
Trước đó, ông Lê Vĩnh Nhàn, Chi Cục trưởng Chi cục Thuế khu vực Tam Kỳ - Phú Ninh có Công văn 509 gửi UBND tỉnh về việc đề nghị thu hồi đất đối với Công ty TNHH Lê Tuấn Tuấn.
Chi cục Thuế khu vực Tam Kỳ - Phú Ninh cho biết, Công ty TNHH Lê Tuấn Tuấn, mã số thuế 400852756 hoạt động theo Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh số 400852756 và đăng ký thay đổi lần đầu ngày 20/8/2013.
Công ty được UBND tỉnh cho thuê đất theo Quyết định số 124/QĐ-UBND ngày 13/1/2021, địa điểm thuê tại số 91 Trương Định, phường An Mỹ, thành phố Tam Kỳ. Thời hạn thuê đất 33 năm 2 tháng kể từ ngày 13/1/2021 đến ngày 29/2/2054. Diện tích thuê đất 638,8m2, dự án xây dựng khu vui chơi giải trí.
Trong quá trính hoạt động, sản xuất kinh doanh, Công ty TNHH Lê Tuấn Tuấn không chấp hành thực hiện nghĩa vụ nộp tiền thuê đất, thuế sử dụng đất phi nông nghiệp.
Tính đến ngày 27/5/2024, Công ty TNHH Lê Tuấn Tuấn còn nợ tiền thuê đất, tiền thuế sử dụng đất phi nông nghiệp và tiền chậm nộp với số tiền 2,16 tỷ đồng. Trong đó, tiền thuê đất trả một lần là 1,75 tỷ đồng; tiền thuế sử dụng đất phi nông nghiệp 2,49 triệu đồng và tiền chậm nộp tính đến ngày 31/12/2023 là 412 triệu đồng.
Chi cục Thuế khu vực Tam Kỳ - Phú Ninh cho biết đơn vị đã nhiều lần đôn đốc, mời đến cơ quan thuế làm việc, gửi thông báo nợ thuế, áp dụng các biện pháp cưỡng chế nợ thuế để thu hồi tiền thuê đất còn nợ, tiền chậm nộp vào ngân sách Nhà nước và gửi Công văn số 1261/CCTKV-TTTBTK ngày 31/10/2023 đề nghị UBND tỉnh thu hồi đất đối với Công ty TNHH Lê Tuấn Tuấn. Đến nay việc xử lý thu hồi đất, xử lý nợ của Công ty vẫn chưa được thực hiện.
Vì vậy, Chi cục Thuế khu vực Tam Kỳ - Phú Ninh đề nghị UBND tỉnh xem xét thực hiện thu hồi đất đối với Công ty TNHH Lê Tuấn Tuấn theo quy định tại khoản 1, Điều 64 Luật Đất đai.
Nguồn: Tin Xây dựng - bất động sản ngày 19/6: Trình Quốc hội cho phép Luật Đất đai có hiệu lực từ ngày 1/8