Tin Xây dựng - Bất động sản ngày 25/6: Thị trường đất đấu giá ở Hà Nội sôi động trở lại
Tin Xây dựng - bất động sản ngày 24/6: Siêu Dự án Monbay Vân Đồn đấu thầu nhiều lần vẫn “ế” Tin Xây dựng - Bất động sản tuần qua: Nhu cầu tìm kiếm mua bán nhà đất tăng mạnh |
Thị trường đất đấu giá ở Hà Nội sôi động trở lại
Báo cáo tình hình nhà ở và thị trường bất động sản quý I/2024 của Bộ Xây dựng cho biết, việc tổ chức đấu giá đất nền tại khu đô thị, khu dân cư mới đã được các địa phương triển khai nhiều hơn so với cùng kỳ năm 2023.
Ảnh minh họa |
Theo đó, số lượng người nộp hồ sơ và trúng đấu giá tăng mạnh trong quý I/2024. Các địa phương tổ chức nhiều phiên đấu giá đất nền, thu hút sự quan tâm lớn của giới đầu tư. Đặc biệt, các lô đất tại huyện Chương Mỹ, Đông Anh và thị xã Sơn Tây được đấu giá với mức khởi điểm từ 5,5 triệu đến 33 triệu đồng/m².
Các phiên đấu giá gần đây đều có lượng hồ sơ cao và không còn tình trạng thổi giá như trước. Ví dụ, phiên đấu giá tại huyện Quốc Oai thành công với 34 lô đất, giá trúng cao nhất đạt 74,1 triệu đồng/m², chênh lệch hơn 21 triệu đồng/m² so với giá khởi điểm.
Nguyên nhân khiến thị trường đất đấu giá sôi động trở lại bao gồm giá đất mềm, phù hợp với nhiều nhà đầu tư, và lợi thế quỹ đất cùng dư địa phát triển ở các huyện vùng ven Hà Nội. Sự chuẩn bị áp dụng Luật Đất đai 2024, dự báo sẽ khiến giá bất động sản tăng, cũng thúc đẩy nhà đầu tư gom đất.
Đất đấu giá thu hút nhà đầu tư nhờ tính pháp lý rõ ràng, vị trí thuận lợi và minh bạch về giá cả. Ngoài ra, xu hướng tăng giá nhà tại Hà Nội và giá chung cư quá cao khiến nhiều người chuyển hướng sang đầu tư đất nền. Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam dự báo thị trường bất động sản năm nay sẽ tích cực hơn, mở ra nhiều cơ hội lãi cao cho nhà đầu tư khi thị trường hồi phục.
Bộ Tài chính hướng dẫn chuẩn mực mới về thẩm định giá bất động sản
Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 42/2024/TT-BTC, quy định chuẩn mực mới về thẩm định giá bất động sản, có hiệu lực từ ngày 5/8/2024.
Chuẩn mực này quy định cách tiếp cận và phương pháp thẩm định giá bất động sản theo pháp luật về giá, bao gồm cách tiếp cận từ thị trường, chi phí và thu nhập, hoặc kết hợp các cách tiếp cận này.
Phương pháp thặng dư được xây dựng dựa trên sự kết hợp của ba cách tiếp cận trên. Việc thẩm định giá sẽ căn cứ vào đặc điểm, mục đích, thời điểm và các thông tin liên quan của bất động sản.
Tổng doanh thu phát triển của bất động sản được xác định trên cơ sở điều tra khảo sát, thu thập các thông tin về giá chuyển nhượng, giá cho thuê và các yếu tố khác hình thành doanh thu (như thời gian bán hàng, thời điểm bắt đầu bán hàng, tỷ lệ bán hàng, tỷ lệ lấp đầy) của tối thiểu 03 bất động sản có đặc điểm tương tự với dự án dự kiến đầu tư xây dựng tại khu vực có bất động sản thẩm định giá hoặc khu vực có khả năng sinh lợi, điều kiện kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội tương đương có tính đến xu hướng và mức độ biến động của giá chuyển nhượng, giá cho thuê và các yếu tố khác hình thành doanh thu của dự án dự kiến đầu tư xây dựng trong tương lai. Khi xác định tổng doanh thu phát triển cần phân tích và đánh giá về khả năng thực hiện, hoàn thành và đưa vào vận hành, khai thác dự án theo tiến độ đầu tư đã cam kết và theo các quy định hiện hành về bất động sản.
Việc xác định mức biến động của giá chuyển nhượng, giá cho thuê và các yếu tố khác hình thành doanh thu căn cứ vào kết quả điều tra, khảo sát thị trường hoặc số liệu công bố của cơ quan thống kê hoặc cơ quan quản lý thị trường bất động sản, đảm bảo phù hợp mức biến động của thị trường bất động sản qua các năm.
VINAHUD dự kiến bàn giao dự án Grand Mercure trong năm 2025
Ngày 24/6, Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển nhà và đô thị VINAHUD (VINAHUD) tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024. Tại đại hội, Tổng Giám đốc Nguyễn Minh Tuấn cho biết, năm 2023 công ty đã tái cấu trúc và hoàn thiện pháp lý cho các dự án dù gặp nhiều khó khăn kinh tế.
Dự án Grand Mercure |
Cụ thể, công ty đã hoàn thành 97% công tác giải phóng mặt bằng cho Dự án Viên Nam và đầu tư 39,732% cổ phần vào Công ty Prime Land.
Kết quả kinh doanh năm 2023 không đạt như kỳ vọng, với tổng doanh thu chỉ đạt 357,616 tỷ đồng (53% kế hoạch) và chi phí đạt 77% kế hoạch.
Kế hoạch năm 2024, VINAHUD đặt mục tiêu doanh thu 557,5 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 19 tỷ đồng, tập trung vào tối ưu hóa nguồn lực và tìm kiếm đối tác chiến lược để mở rộng hoạt động kinh doanh bất động sản.
Chủ tịch HĐQT Trương Quang Minh cho biết trong năm 2024, công ty sẽ giám sát chặt chẽ Dự án Grand Mercure Hội An tại Quảng Nam để hoàn thành và bàn giao nhà cho khách hàng. Ngoài ra, công ty sẽ tiếp tục phát triển Dự án Viên Nam tại Hòa Bình và tìm kiếm thêm các dự án bất động sản tiềm năng.
Đại hội đã thông qua báo cáo kết quả kinh doanh năm 2023, kế hoạch năm 2024, báo cáo tài chính đã kiểm toán, và phương án phân phối lợi nhuận sau thuế năm 2023.
Hà Nội xử lý gần 6. 800 cơ sở nhà đất dôi dư sau sáp nhập
Hà Nội đang xử lý 6.764 cơ sở nhà, đất dôi dư sau quá trình sáp nhập và sắp xếp lại tổ chức bộ máy. Hiện tại, khoảng 90% số cơ sở này đã được phê duyệt phương án xử lý. Thành phố đặt mục tiêu hoàn thành phê duyệt toàn bộ trong năm 2025.
Ảnh minh họa |
UBND TP Hà Nội vừa ban hành nhiều văn bản chỉ đạo và phân công trách nhiệm cho các cơ quan liên quan. Theo số liệu báo cáo của Sở Tài chính, tính đến ngày 31/12/2023, trong số 6.764 cơ sở, có 6.018 cơ sở đã được phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý. UBND TP Hà Nội cũng đã ban hành Kế hoạch số 190 năm 2023 để đẩy nhanh tiến độ sắp xếp lại, xử lý nhà, đất.
Các Sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã và doanh nghiệp cần đề xuất phương án sắp xếp lại và xử lý cơ sở nhà, đất, đồng thời chịu trách nhiệm nếu không thực hiện đúng tiến độ. Các trường hợp lấn chiếm, sử dụng sai mục đích sẽ bị xử lý trách nhiệm.
Sở Tài nguyên và Môi trường cùng UBND các quận, huyện, thị xã sẽ giải quyết các vấn đề liên quan đến Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các cơ sở chưa hoàn thiện giấy tờ pháp lý.
UBND các quận, huyện, thị xã cũng phải rà soát và báo cáo các cơ sở nhà, đất không sử dụng hoặc sử dụng không hiệu quả để thành phố có biện pháp xử lý.
Thành phố sẽ tiếp tục kiểm tra chuyên đề công tác quản lý, sử dụng tài sản công và tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong việc tổ chức thực hiện và áp dụng pháp luật, nhằm nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng tài sản công.
Duyệt kế hoạch sử dụng đất TP Thủ Đức năm 2024
UBND TP HCM vừa có quyết định phê duyệt kế hoạch sử dụng đất năm 2024 của TP Thủ Đức.
Theo đó, UBND TP HCM phê duyệt kế hoạch sử dụng đất năm 2024 của TP Thủ Đức với các chỉ tiêu: diện tích các loại đất phân bổ trong năm kế hoạch; kế hoạch thu hồi các loại đất; kế hoạch chuyển mục đích sử dụng đất; kế hoạch đưa đất chưa sử dụng vào sử dụng.
Cụ thể, diện tích các loại đất phân bổ trong năm kế hoạch: đất nông nghiệp là hơn 3.970 ha; đất phi nông nghiệp hơn 17.185 ha.
Trong năm 2024, TP Thủ Đức có kế hoạch thu hồi 81,78 ha đất nông nghiệp; 116,57 ha đất phi nông nghiệp, trong đó đất ở tại đô thị cần thu hồi 39,17 ha.
Cùng với đó, TP Thủ Đức sẽ chuyển 578,55 ha đất nông nghiệp sang phi nông nghiệp; chuyển 94,23 ha đất phi nông nghiệp không phải là đất ở sang đất ở.
UBND TP HCM giao Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND TP Thủ Đức có trách nhiệm phối hợp, thực hiện công bố công khai kế hoạch sử đụng đất theo đúng quy định của pháp luật về đất đai.
Đồng thời tổ chức công bố công khai danh mục các dự án chậm triển khai điều chỉnh hủy bỏ trong kế hoạch sử dụng đất năm 2024 trên địa bàn TP Thủ Đức.
Thực hiện thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất theo đúng kế hoạch sử dụng đất đã được duyệt; tổ chức kiểm tra thường xuyên việc thực hiện kế hoạch sử dụng đất.
Nguồn: Tin Xây dựng - Bất động sản ngày 25/6: Thị trường đất đấu giá ở Hà Nội sôi động trở lại