Xây dựng, quản lý mã số vùng trồng nông sản
Phát triển các chuỗi sản xuất, liên kết và tiêu thụ nông sản EU ra quy định mới về dư lượng hóa chất trong nông sản, thực phẩm |
Mã số vùng trồng là mã số định danh cho một vùng trồng trọt nhằm theo dõi và kiểm soát tình hình sản xuất, kiểm soát chất lượng sản phẩm, truy xuất nguồn gốc sản phẩm cây trồng. Đây cũng là điều kiện tiên quyết để sản phẩm nông sản được xuất khẩu theo đường chính ngạch. Vì vậy, ngành nông nghiệp tỉnh Bình Dương đang tích cực hỗ trợ các địa phương, hợp tác xã và doanh nghiệp trong việc xây dựng mã số vùng trồng, hướng đến phát triển bền vững, tạo giá trị gia tăng cao và phục vụ xuất khẩu đối với nông sản địa phương.
Bình Dương có diện tích cây ăn quả gần 160.000 ha, với sự đa dạng về chủng loại, tuy nhiên thời gian qua các mặt hàng này chủ yếu tiêu thụ nội địa nên giá trị chưa cao. Thời gian qua, các nhà vườn cây ăn trái trên địa bàn tỉnh đã tổ chức sản xuất, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật song vẫn còn tình trạng thiếu đồng bộ từ sản xuất đến tiêu thụ, tiềm ẩn nhiều rủi ro, hiệu quả kinh tế chưa cao. Thực tế đó cho thấy, việc phát triển các vùng sản xuất cây ăn trái tập trung với sản lượng hàng hóa lớn để đầu tư phát triển và xây dựng thương hiệu cho mỗi vùng là cần thiết.
Đến nay, toàn tỉnh Bình Dương đã được Cục Bảo vệ thực vật cấp 24 mã số vùng trồng, phục vụ xuất khẩu sản phẩm trái cây với tổng diện tích được cấp mã là 1.185,16 ha, trong đó có 14 mã số cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu chuối, mít, sầu riêng sang thị trường Trung Quốc, với tổng diện tích của các cơ sở đóng gói là 20.200m2. Trong đó, tập trung cho các cây trồng như chuối, măng cụt, sầu riêng, mít, nhãn, bưởi trên địa bàn các huyện Phú Giáo, Bắc Tân Uyên, Dầu Tiếng, TP.Thuận An và TX.Bến Cát.
Tỉnh Bình Dương tăng cường triển khai giải pháp nhằm xây dựng, quản lý hiệu quả mã số vùng trồng, nâng cao giá trị nông sản. Ảnh: TH. |
Để các cơ sở chế biến nông sản xuất khẩu, người nông dân nắm và thực hiện đúng các quy định đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh triển khai thực hiện một số giải pháp chính cho việc cấp và sử dụng mã số vùng trồng trong thời gian tới trên địa bàn tỉnh. Theo đó, đối với cơ quan quản lý cần thường xuyên thanh tra, kiểm tra việc sử dụng các mã số đã được cấp; phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, tái vi phạm nhiều lần; đặc biệt chú ý đến việc giám sát đối với các cơ sở đóng gói; đồng thời thực hiện các chương trình giám sát dư lượng. Thường xuyên liên hệ, phối hợp với các cơ quan ở Trung ương để kịp thời cập nhật yêu cầu nhập khẩu của các thị trường; tăng cường công tác tuyên truyền, tập huấn về các quy định kiểm dịch thực vật, an toàn thực phẩm; đa dạng hóa các hình thức tập huấn, tuyên truyền theo hướng tiếp cận từng nhóm đối tượng.
Đối với các vùng trồng, cơ sở đóng gói cần bố trí nhân sự để thực hiện kiểm soát theo đúng quy định; chịu trách nhiệm đối với các biện pháp kỹ thuật áp dụng và bảo đảm việc tuân thủ yêu cầu của nước nhập khẩu. Đồng thời, tăng cường áp dụng khoa học công nghệ, cơ giới hóa để nâng cao năng suất và chất lượng nông sản; chủ động tuân thủ các quy định kỹ thuật về mã số của nước nhập khẩu. Cùng với đó, đơn vị phối hợp với các cơ quan quản lý của địa phương để thực hiện giám sát vùng trồng, cơ sở đóng gói theo đúng quy định; tổ chức tập huấn kỹ thuật cho người sản xuất tại vùng trồng và người lao động tại cơ sở đóng gói để nắm được các quy định và yêu cầu về mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói của các nước nhập khẩu.
Nhằm triển khai tốt công tác cấp, quản lý mã số vùng trồng (MSVT) lĩnh vực trồng trọt (nội địa), nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan về an toàn thực phẩm (ATTP), kiểm soát chất lượng nông sản tại các vùng trồng, phục vụ truy xuất nguồn gốc nông sản trong tình hình mới, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật hướng dẫn quy trình cấp MSVT lĩnh vực trồng trọt trên địa bàn tỉnh.
Các yêu cầu của vùng trồng: Quy mô tối thiểu đối với cây trồng lâu năm là 1 ha, cây hàng năm là 0,1 ha. Vùng trồng phải đáp ứng các điều kiện bảo đảm ATTP đối với cơ sở sản xuất thực phẩm theo quy định của Luật ATTP số 55/2010/QH12; có đầy đủ thông tin theo mẫu số 01 Phụ lục 1 của Quyết định số 3156/QĐ-BNN-TT ngày 19-8-2022 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về ban hành tài liệu hướng dẫn tạm thời về cấp, quản lý MSVT và cập nhật theo vụ/chu kỳ thu hoạch các thông tin về truy xuất nguồn gốc (Phụ lục 2 của quyết định nói trên), đối tượng cây trồng, tên giống cây trồng, diện tích, tiêu chuẩn (quy trình) áp dụng, sản lượng dự kiến, thời gian dự kiến thu hoạch, thị trường dự kiến tiêu thụ (vào đầu vụ/chu kỳ thu hoạch) và sản lượng chính thức khi kết thúc thu hoạch, sau khi đã được cấp MSVT.
Không thực hiện kiểm tra thực tế đối với các trường hợp vùng trồng đã được cấp giấy đủ điều kiện ATTP theo quy định của Thông tư số 38/2018/TT-BNNPTNT ngày 25-12-2018 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoặc được chứng nhận một trong các tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt (GAP) trong trồng trọt, như: VietGAP, 4C, Rainforest Alliance, GlobalG.A.P, ASIAGAP, ASEANGAP, tiêu chuẩn hữu cơ, tiêu chuẩn sản xuất bền vững… và đáp ứng yêu cầu của vùng trồng (quy mô tối thiểu, thông tin giấy đăng ký MSVT).
Thực hiện kiểm tra thực tế tại vùng trồng đăng ký với các trường hợp còn lại theo mẫu 02 Phụ lục 1 (tài liệu hướng dẫn). Nội dung biên bản cần ghi rõ vùng trồng đã đáp ứng các quy định yêu cầu của vùng trồng (tài liệu hướng dẫn) chưa, trường hợp chưa đáp ứng cần nêu rõ tiêu chí chưa đáp ứng và đề nghị cơ sở khắc phục. Trường hợp cần thiết có thể tiến hành kiểm tra thực địa đối với việc khắc phục của cơ sở; có thể thực hiện việc cấp MSVT trước và thực hiện hậu kiểm, thời gian hậu kiểm đối với trường hợp này không quá 6 tháng kể từ ngày cấp. Cấp MSVT khi vùng trồng đáp ứng các yêu cầu của vùng trồng theo tài liệu hướng dẫn sẽ được cấp mã số theo quy định. Ngoài nội dung hướng dẫn cấp, quản lý MSVT lĩnh vực trồng trọt ở trên, còn có các nội dung liên quan quản lý khác.
Hiện nay, các mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói trong nước đã được cấp đang duy trì sử dụng, kiểm soát hiệu quả các đối tượng kiểm dịch thực vật của nước nhập khẩu, không vi phạm quy định của các nước nhập khẩu. Qua đó, góp phần nâng cao uy tín của nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế và tăng kim ngạch xuất khẩu; đồng thời cũng góp phần định hướng người nông dân thực hành sản xuất chuyên nghiệp hơn, sản xuất theo tiêu chuẩn và thị hiếu của thị trường, truy xuất nguồn gốc sản phẩm được thuận lợi và minh bạch, tạo niềm tin cho các nhà nhập khẩu.
Khi được cấp mã số vùng trồng, mã cơ sở đóng gói, nông sản sẽ nâng cao khả năng cạnh tranh, thúc đẩy liên kết, hình thành các chuỗi giá trị bền vững hướng đến xuất khẩu. Ảnh: PL. |
Tuy nhiên, việc triển khai MSVT trên địa bàn tỉnh cũng gặp một số khó khăn nhất định, như: Đa phần bà con sản xuất manh mún, nhỏ lẻ với quy mô nông hộ, trong khi yêu cầu vùng sản xuất phải có diện tích từ 2 ha trở lên. Bên cạnh đó, một số hộ dân chưa ghi chép đầy đủ sổ theo dõi quá trình chăm sóc, thu hái. Do đó, thời gian tới ngành chức năng đã xây dựng kế hoạch tiếp tục quan tâm khuyến khích, hỗ trợ người dân tăng cường liên kết trong sản xuất và đẩy mạnh công tác thông tin, tập huấn, giúp bà con tháo gỡ kịp thời các vướng mắc để sớm xây dựng được MSVT.
Đến nay, cả nước đã có 6.883 mã số vùng trồng và 1.588 mã số cơ sở đóng gói nông sản được cấp. Các mã số này tập trung chủ yếu vào các sản phẩm xuất khẩu chính như xoài, thanh long, nhãn, gạo, sầu riêng. Số lượng mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói được cấp nhiều nhất từ các thị trường Trung Quốc, Mỹ, New Zealand và Australia. Đồng bằng sông Cửu Long là vùng dẫn đầu về số lượng mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói. Thời gian qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã quan tâm, chỉ đạo sát sao và ban hành nhiều văn bản liên quan đến việc cấp mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói.
Cụ thể như: Công văn 5841/BNN-BVTV ngày 26/8/2020 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành về việc tăng cường công tác giám sát, quản lý mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu; Công văn số 2425/BNN-BVTV ngày 27/4/2021 về việc kiểm tra, giám sát vùng trồng, cơ sở đóng gói để cấp mã số phục vụ xuất khẩu; Công văn số 1776/BNN-BVTV ngày 23/3/2023 về việc cấp và quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói nông sản phục vụ xuất khẩu... Năm 2023, Cục Bảo vệ thực vật đã xây dựng 15 lớp tập huấn và 2 hội nghị liên quan đến mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói.
Tính đến hết tháng 7/2023, Cục Bảo vệ thực vật đã tổ chức 8 lớp tập huấn và 1 hội nghị với sự tham dự của 657 lượt người. Các hiệp hội ngành hàng cũng chủ động phối hợp với cơ quan quản lý để hỗ trợ, tập huấn cho hội viên về vấn đề mã số. Chính quyền địa phương quan tâm và bố trí nguồn lực cho nhiệm vụ quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói xuất khẩu. Đến nay có 23/63 tỉnh, thành phố đã phê duyệt kế hoạch và bố trí nguồn lực để giám sát mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói...
Nguồn:Xây dựng, quản lý mã số vùng trồng nông sản