Điểm tin ngân hàng ngày 23/8: Giá USD "chợ đen" lao dốc mạnh
Điểm tin ngân hàng ngày 22/8: Vốn hóa NAB vượt mốc 22.000 tỷ đồng Điểm tin ngân hàng ngày 21/8: Sacombank rao bán khoản nợ của nhóm khách hàng hơn 5.000 tỷ đồng |
Giá USD "chợ đen" lao dốc mạnh
Trong bối cảnh giá USD trên thị trường chính thức có xu hướng tăng, thị trường chợ đen lại chứng kiến sự giảm mạnh của đồng USD trong hai tháng qua.
Ngày 22/8, Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tỷ giá trung tâm xuống còn 24.245 VND/USD, giảm 1 đồng so với trước. Trong khi đó, các ngân hàng thương mại có những điều chỉnh trái chiều; điển hình là Vietcombank tăng 20 đồng ở cả hai chiều, niêm yết giá mua vào 24.750 VND/USD và bán ra 25.120 VND/USD.
Trái ngược với các ngân hàng, giá USD trên thị trường chợ đen tiếp tục giảm, xuống mức 25.240 VND/USD (mua) và 25.320 VND/USD (bán), giảm 60 đồng so với hôm qua. Điều này dẫn đến sự gia tăng khoảng cách chênh lệch giữa giá bán đồng USD trên thị trường chính thức và chợ đen, từ 300 đồng lên 430 đồng.
Trên thị trường quốc tế, chỉ số USD-Index (DXY) đã giảm mạnh xuống mức 101,17 điểm, mức thấp nhất từ đầu năm. Các chuyên gia dự báo rằng chỉ số này có thể tiếp tục giảm, đẩy tỷ giá USD/VND trong nước giảm theo. Ngân hàng ACB dự báo đà giảm này có thể duy trì khi xuất khẩu phục hồi mạnh mẽ, trong khi ngân hàng UOB dự đoán tỷ giá USD/VND sẽ tiếp tục giảm trong các quý tới, có thể đạt mức 25.000 VND/USD vào cuối năm 2024.
Lãi suất gửi tiền kỳ hạn 24 tháng đạt mốc 6,9%-7,4%/năm
Ngân hàng Nhà nước vừa công bố thông tin về diễn biến lãi suất tiền gửi và lãi suất cho vay của tổ chức tín dụng (TCTD) đối với khách hàng tháng 7/2024.
Ảnh minh họa |
Theo đó, tiền gửi bằng đồng Việt Nam (VND) bình quân của các ngân hàng thương mại (NHTM) trong nước ở mức 0,2%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 2,4%-3,4%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 4,4%-4,8%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến 12 tháng; 5,5%-6,2%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ trên 12 tháng đến 24 tháng và 6,9%-7,4%/năm đối với kỳ hạn trên 24 tháng.
Trong khi đó, lãi suất tiền gửi USD của TCTD vẫn ở mức 0%/năm đối với tiền gửi của cá nhân và tổ chức.
Về lãi suất cho vay, lãi suất cho vay bình quân của NHTM trong nước đối với các khoản cho vay mới và cũ còn dư nợ ở trong khoảng 6,9%-9,3%/năm.
Lãi suất cho vay ngắn hạn bình quân bằng VND đối với lĩnh vực ưu tiên khoảng 3,6%/năm, thấp hơn mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa theo quy định của NHNN (4%/năm).
Lãi suất cho vay USD bình quân của NHTM trong nước đối với các khoản cho vay mới và cũ còn dư nợ ở mức 4,1%-5,0%/năm đối với ngắn hạn; 6,3%-7,4%/năm đối với trung và dài hạn.
Tại thông báo mới nhất của NHNN về lãi suất liên ngân hàng ngày 20/8/2024, lãi suất qua đêm ở mức 4,5%/năm. Lãi suất liên ngân hàng các kỳ hạn 1 tuần - 2 tuần - 1 tháng lần lượt là 4,57% - 4,52% - 4,79%/năm.
Vietcombank bầu loạt nhân sự cấp cao
Mới đây, Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đã tổ chức đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) bất thường vào ngày 19/8.
Tại cuộc họp, ĐHĐCĐ Vietcombank thông qua một số nội dung như bầu bổ sung thành viên Hội đồng quản trị (HĐQT), Ban Kiểm soát nhiệm kỳ 2023 - 2028; sửa đổi, bổ sung một số nội dung Điều lệ và Quy chế; Quy chế tổ chức và hoạt động của Ban Kiểm soát,...
Về nhân sự, ĐHĐCĐ đã bầu bổ sung ông Nguyễn Tuấn Anh - Quyền Chánh Thanh tra, Giám sát ngân hàng thuộc Cơ quan Thanh tra, Giám sát ngân hàng, NHNN làm thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2023 - 2028.
Đồng thời, ĐHĐCĐ cũng thông qua quyết định bổ sung ba thành viên Ban Kiểm soát. Theo đó, bà Đinh Thị Thái được bầu làm Trưởng Ban Kiểm soát Vietcombank nhiệm kỳ 2023-2028. Trước đó, bà Thái đảm nhiệm vị trí Phó Tổng Giám đốc Vietcombank.
Hai thành viên Ban Kiểm soát được bổ sung còn lại là bà Trương Thị Diệu Quế, Giám đốc Trung tâm Tài trợ thương mại và ông Trịnh Ngọc An, Giám đốc chi nhánh Vietcombank Thanh Hóa.
Vietcombank tiến hành bầu bổ sung thành viên HĐQT và Ban Kiểm soát sau khi một số lãnh đạo của ngân hàng này đã được Ngân hàng Nhà nước điều động, bổ nhiệm giữ chức vụ mới.
Mới nhất, nguyên Trưởng Ban kiểm soát Vietcombank Lại Hữu Phước đã được NHNN bổ nhiệm giữ chức vụ Phó Chánh Thanh tra, Giám sát ngân hàng thuộc Cơ quan Thanh tra, Giám sát ngân hàng NHNN kể từ ngày 1/8 với thời hạn 5 năm kể từ ngày được bổ nhiệm.
Với các quyết định bổ nhiệm trên, HĐQT Vietcombank hiện có 9 thành viên và Ban Kiểm soát Vietcombank có 6 thành viên.
Lãi suất trái phiếu ngân hàng hấp dẫn hơn gửi tiết kiệm
Trong bối cảnh hiện tại, trái phiếu ngân hàng đang nổi lên như một kênh đầu tư an toàn với mức sinh lời hấp dẫn, vượt trội so với lãi suất gửi tiết kiệm thông thường. Nhiều ngân hàng lớn đã và đang phát hành trái phiếu ra công chúng, thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư nhờ lãi suất cao.
Lãi suất trái phiếu ngân hàng hấp dẫn hơn gửi tiết kiệm |
Gần đây, Agribank đã chào bán 10.000 tỷ đồng trái phiếu với lãi suất gần 7%/năm, bao gồm lãi suất tham chiếu cộng thêm 2%. HDBank cũng đã phát hành lô trái phiếu kỳ hạn 7 năm với lãi suất lên tới 7,5%/năm. BVBank dự kiến chào bán lô trái phiếu có thời hạn 6 năm với lãi suất năm đầu tiên cao nhất đạt 7,9%/năm, và từ năm thứ 2 trở đi, lãi suất dự kiến từ 7,2%/năm trở lên.
Theo số liệu từ Bộ Tài chính, trong 6 tháng đầu năm 2024, các tổ chức tín dụng đã phát hành tổng cộng 69.600 tỷ đồng trái phiếu, chiếm 63,2% tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp được phát hành. Phần lớn nhà đầu tư mua trái phiếu là các tổ chức tín dụng và công ty chứng khoán, trong khi nhà đầu tư cá nhân chỉ chiếm 5,2%. Lãi suất bình quân của các đợt phát hành này đạt 7,41%/năm với kỳ hạn trung bình 3,78 năm.
Các chuyên gia kinh tế nhận định rằng trái phiếu ngân hàng là kênh đầu tư an toàn và hiệu quả so với gửi tiết kiệm. Hiện tại, lãi suất gửi tiết kiệm kỳ hạn trên 12 tháng tại các ngân hàng thương mại nhà nước chỉ khoảng 4,7%/năm, trong khi các ngân hàng thương mại cổ phần đưa ra mức lãi suất từ 5-5,5%/năm. Trái phiếu ngân hàng không chỉ đảm bảo lợi nhuận cao hơn mà còn an toàn, vì bản chất giống với việc cho ngân hàng vay tiền và nhận lãi.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng lưu ý rằng, việc phát triển kênh trái phiếu cần được mở rộng ra các ngành khác ngoài ngân hàng, đặc biệt là bất động sản, để phát huy hiệu quả tối đa trong việc huy động vốn và thúc đẩy sự phục hồi của nền kinh tế. Nhà đầu tư cũng cần thận trọng, nhận thức đầy đủ về các rủi ro tiềm ẩn, bao gồm khả năng chậm thanh toán từ phía đơn vị phát hành, dù đó là ngân hàng hay tổ chức khác.
BVbank phát hành 15 triệu trái phiếu ra công chúng
Ngân hàng TMCP Bản Việt (BVbank) phát hành 15 triệu trái phiếu ra công chúng đợt một, lãi suất cố định năm đầu là 7,9%, góp phần giúp nhà đầu tư đa dạng hóa danh mục.
BVbank phát hành 15 triệu trái phiếu ra công chúng/Ảnh minh họa |
Trái phiếu được chào bán ra công chúng thông qua phương thức phát hành trực tiếp tại các điểm giao dịch, với mức lãi suất 7,9 % trong năm đầu. Từ năm thứ hai, lãi trái phiếu tính theo số lãi tham chiếu cộng thêm 2,5% mỗi năm.
Cụ thể, BVBank chào bán 56 triệu trái phiếu, dự kiến phát hành 6 đợt. Trong đó đợt một là 15 triệu trái phiếu, mệnh giá là 100.000 đồng. Số lượng đăng ký mua tối thiểu là 100 trái phiếu đối với nhà đầu tư cá nhân hoặc 1.000 trái phiếu đối với nhà đầu tư tổ chức. Như vậy, chỉ cần từ 10 triệu đồng, khách hàng cá nhân có thể mua và nắm giữ trái phiếu BVBank để hưởng mức sinh lợi cao.
Lô trái phiếu đợt một được chào bán từ nay đến 12h ngày 10/9, thời hạn 6 năm. Khách hàng sẽ được nhận lãi định kỳ hàng năm. Ở lần phát hành trái phiếu này, BVBank sẽ thực hiện quyền mua lại từ thời điểm tròn 24 tháng kể từ ngày phát hành.
Theo ông Ngô Minh Sang, Giám đốc khối khách hàng cá nhân BVBank chia sẻ, trái phiếu là một kênh đầu tư đáng cân nhắc. Trái phiếu do BVBank chào bán được đăng ký tập trung tại Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ Chứng khoán Việt Nam, niêm yết trên hệ thống của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội sau khi kết thúc đợt chào bán.
Nguồn: Điểm tin ngân hàng ngày 23/8: Giá USD "chợ đen" lao dốc mạnh