Hậu Giang: Tất bật vụ mai tết
Hậu Giang tổ chức họp mặt nguyên lãnh đạo tỉnh qua các nhiệm kỳ Hậu Giang: Thị trấn Vị Thanh vượt khó, đổi mới xây dựng quê hương |
Những chậu mai vàng Hậu Giang được vô chậu, lặt lá sẵn sàng phục vụ thị trường Tết Nguyên đán. |
Chuẩn bị từ sớm
Đã nhiều năm nay, khoảng mùng 10 tháng Chạp, nhịp sống của bà con HTX mai vàng Phú Hưng, huyện Châu Thành, lại rộn ràng hơn hẳn. Những chậu mai được bà con lặt lá, vô chậu, chăm sóc cẩn thận chuẩn bị giao cho khách. Từ một thú vui, một món ăn tinh thần, giờ đây, nghề trồng và kinh doanh mai kiểng đã là nguồn thu nhập chính cho bà con nơi đây. HTX hiện có hơn 70 thành viên, trong đó có 17 thành viên được cấp giấy chứng nhận nghệ nhân hoa kiểng.
Ông Lê Văn Ky, Giám đốc HTX mai vàng Phú Hưng, cho hay: Tết Quý Mão năm nay, HTX chuẩn bị trên 20.000 chậu mai cung ứng cho thị trường, tương đương tết năm trước. Đến thời điểm này, đã tiêu thụ được khoảng 30%. Giá cả rất đa dạng, từ vài trăm ngàn đồng, loại to có giá vài triệu đồng, thậm chí những cây lâu năm có giá hàng chục triệu đồng, thậm chí cao hơn. Ngoài bán mai, các thành viên của HTX còn làm dịch vụ cho thuê mai tết với giá từ 5-25 triệu đồng/cây (tùy cây lớn nhỏ). Riêng các cây lớn, dáng đẹp thì khách hàng chủ yếu là các doanh nghiệp, công ty lớn thuê.
“Khách hàng của HTX có ở hai mươi mấy tỉnh, thành từ miền Đông, miền Trung tới Cà Mau. Chúng tôi trồng chủ yếu là các giống: mai giảo Thủ Đức, mai Đại Lộc, mai 8 cánh, 12 cánh, mai thuần chứ không còn 5 cánh nữa. Đến thời điểm này, tôi ra được 100 gốc rồi, ăn tết khỏe”, ông Lê Văn Ky phấn khởi cho biết.
Theo ông Ky, làng mai Phú Hưng hình thành hơn 40 năm nay nên khách hàng rất tin tưởng về uy tín và chất lượng. Ưu điểm của mai nguyên thủy, điểm mạnh của HTX chính là dễ trồng, dễ chăm sóc, giá phải chăng nên rất được ưa chuộng.
Để có được một cây mai đẹp, bán được giá cao, đòi hỏi người trồng phải mất nhiều năm chăm sóc, uốn tỉa và tạo dáng. Bà con cho biết, cây mai càng hội tụ đủ 4 yếu tố: “nhất đế, nhì thân, tam cành, tứ nụ” thì giá trị càng cao. Vì là nguồn thu nhập chính nên cứ vào thời điểm cận tết là người nông dân lại hồi hộp, trông chừng thời tiết và cả thị trường để xử lý mai đạt hiệu quả.
Mấy năm gần đây, không chỉ bán tại vườn, tại các chợ hoa, các thành viên trong HTX mai vàng Phú Hưng còn mở bán online. Khách hàng ở xa có thể liên hệ trực tiếp, lựa chọn cây mai theo ý thích và túi tiền rồi chờ nhận hàng.
Ông Võ Văn Hảo, thành viên HTX mai vàng Phú Hưng, chia sẻ: “Chúng tôi bán qua youtube, chợ truyền thống rồi khách hàng lại tận vườn mua cũng có. Năm nay, thấy tình hình sung túc hơn năm rồi. Nếu thấp nhất tầm khoảng 1,5 triệu đồng/cây, còn cao vài chục đến 100 triệu đồng/cây cũng có. Số cây có giá vài chục triệu cũng ít, tầm 5-7 triệu đồng/cây thì nhiều”.
Huy động nhân công nhà
Theo nhà vườn trồng mai có nhiều kinh nghiệm, thời tiết năm nay trở lạnh sớm không phù hợp với loài cây này, bởi mai vàng ưa nắng. Họ phải điều chỉnh thời gian lặt lá và lượng nước tưới để đảm bảo cây mai vàng nở hoa đúng ngày mùng 1 tết.
Việc lặt lá mai thường chỉ diễn ra trong 1 tuần, do vậy bà con phải huy động toàn bộ người thân trong nhà và còn thuê thêm người nếu trồng số lượng lớn. Đây cũng là thời điểm nhiều lao động nhàn rỗi có thêm thu nhập ăn tết từ việc bứng cây mai, dời cây, đốn cây, đắp mô, làm cỏ vườn mai, lặt lá mai... Qua một mùa mai tết, mỗi lao động thời vụ nếu siêng năng cũng có thu nhập vài triệu đồng, ăn tết khỏe re. Việc tìm nhân công không khó nhưng để tìm được người có kinh nghiệm thì không dễ nên thường chủ vườn sẽ kêu mối quen, có uy tín để phụ mình lặt lá.
Ông Lê Văn Ky cho hay: “Năm nay, nhân công 220.000 đồng/ngày. Mình cho người ta ăn sáng, nước nôi. Xử lý nó rụng 50%, 50% lặt. Thí dụ mướn lặt 1 người/1 triệu đồng, như của tôi 2 vườn tốn 4 triệu mấy đến 5 triệu đồng. Nếu không xử lý thuốc thì tốn gần mười mấy triệu tiền nhân công. Mình nhiều thì mướn nhiều, ít thì mướn ít. Vườn tôi 500 chậu mai, mướn 10 người lặt trong vòng 3 ngày”.
Từ ngày chuyển đổi vườn cây kém hiệu quả sang trồng mai làm kinh tế, cứ giáp tết là nhà ông Trần Ngọc Hưởng, ở thành phố Vị Thanh, lại bận rộn và vui hơn ngày thường khi huy động “nhân công nhà”, có khi là vài bà con trong xóm đến lặt phụ hơn 1.000 cây mai trong vườn.
“Khi lặt lá phải nâng niu cành mai nếu không sẽ rớt nụ thưa bông. Quan trọng nhất là không được làm gãy cành, nhánh nếu không sẽ phá dáng thế của cây. Để mai nở đều, đẹp phải tưới phân thuốc, rồi canh theo độ lớn của nụ, thời tiết đất trời rồi định ngày lặt lá. Phải canh ngày cho hoa nở đúng tết thì bán mới đắt hàng”, ông Trần Ngọc Hưởng cho biết.
Tết ở miền Tây luôn có sự hiện diện của hình ảnh những bông mai nở vàng rực, tượng trưng cho một năm mới may mắn, hạnh phúc. Dù còn nhiều khó khăn do thời tiết, chi phí vật tư nông nghiệp nhưng người trồng mai nói chung và bà con trồng mai Hậu Giang nói riêng vẫn luôn dành hết tâm huyết cho sản phẩm mình làm ra. Trước tết thì rộn ràng chuẩn bị đưa mai ra chợ, còn sau những buổi chợ cuối năm, bà con làng mai lại trở về chuẩn bị cúng rước ông bà, vui xuân 3 ngày tết rồi lại tất bật chuẩn bị cho vụ mai năm mới. Và cứ thế, những bà con ở làng mai lại cần mẫn mang xuân cho đời từ những sắc hoa tươi thắm.