Tập đoàn Him Lam: Vi phạm tại dự án đã bán cho Vạn Thịnh Phát và loạt bê bối
Người mua trái phiếu của Vạn Thịnh Phát sẽ đối mặt với những nguy cơ nào? Bắt Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát Trương Mỹ Lan |
Vi phạm tại dự án bán cho Vạn Thịnh Phát
Trước đây, Him Lam nổi tiếng với Khu đô thị Sài Gòn Bình An (còn được biết đến với một số tên gọi khác như Him Lam Bình An, Him Lam City). Dự án do Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Sài Gòn (Công ty SDI) làm chủ đầu tư và thực hiện giải phóng mặt bằng.
Tháng 6/2019, SDI tăng vốn điều lệ từ 845 tỷ đồng lên 3.845 tỷ đồng, với hầu hết cổ phần thuộc sở hữu của Công ty Cổ phần Kinh doanh Địa ốc Him Lam (Him Lam Land). Him Lam Land là thành viên của Tập đoàn Him Lam.
Tuy nhiên, một thời gian sau, Vạn Thịnh Phát đã thế chân Him Lam trở thành chủ mới của SDI Corp, chủ đầu tư dự án Sài Gòn Bình An. Người đứng đại diện cho Vạn Thịnh Phát chính là ông Bùi Đức Khoa (sinh năm 1974) được cử vào ghế chủ tịch kiêm đại diện pháp luật của SDI Corp thay thế ông Dương Minh Hùng vốn là người cũ của Him Lam. Ông Khoa còn là người đại diện một loạt pháp nhân trong hệ sinh thái của Vạn Thịnh Phát như: Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Đô thị Ngọc Viễn Đông, CTCP Pupreme Power, CTCP Star Hill, CTCP Natural Hill...
Một diễn biến có liên quan sau đó vào giữa năm 2021, bà Mai Thị Kim Oanh, cựu Trưởng Ban kiểm soát của Masterise Group thay ông Khoa ngồi vào ghế chủ tịch SDI Corp. Tuy nhiên, ông Khoa vẫn làm tổng giám đốc và người đại diện pháp luật của công ty này.
Đáng chú ý, trước khi điều đó xảy ra, dự án Khu đô thị Sài Gòn Bình An đã bị Thanh tra Chính phủ chỉ ra nhiều sai phạm.
Theo Kết luận Thanh tra của Thanh tra Chính phủ, năm 2001, dự án Khu đô thị Sài Gòn Bình An được Thủ tướng phê duyệt quy hoạch là Khu liên hợp sân golf - thể thao và nhà ở. Sau đó, ngày 15/2/2017, Thủ tướng có văn bản chấp thuận cho điều chỉnh thành dự án khu đô thị với tổng diện tích 1.174.221,9m².
Tuy nhiên, qua thanh tra cho thấy, ngày 30/11/2015, UBND Tp.HCM phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/500 Khu đô thị Sài Gòn Bình An, phường An Phú, quận 2 (nay là TP Thủ Đức). Trong đó, phê duyệt tầng cao xây dựng tối đa 30 tầng trước khi có Văn bản số 305/TC-QC ngày 01/9/2016 của Cục Tác chiến, Bộ Tổng tham mưu về việc chấp thuận độ cao tĩnh không xây dựng công trình là không đúng trình tự, quy định tại khoản 5 Điều 4 Nghị định 20/2009/NĐ-CP của Chính phủ.
Phối cảnh khu đô thị Sài Gòn Bình An.
Bên cạnh đó, Thanh tra Chính phủ chỉ ra rằng UBND Tp.HCM không phê duyệt diện tích sàn dành cho đậu xe đối với khối nhà ở, nhà chung cư kết hợp thương mại, dịch vụ là chưa phù hợp quy định và đảm bảo diện tích đỗ xe được quy định tại điểm 3, khoản 2.8.6, Mục 2.8, Chương II của Quy chuẩn Xây dựng Việt Nam.
Thanh tra Chính phủ còn kết luận do thay đổi hướng tuyến đường dẫn cao tốc Sài Gòn - Long Thành - Dầu Giây, dẫn đến việc chồng lấn ranh quy hoạch của dự án Khu đô thị Sài Gòn Bình An đã được Thủ tướng giao đất năm 2001. Trong đó, có 7.228,3m² thuộc dự án được UBND quận 2 đền bù trước đó nhưng không sử dụng do thay đổi hướng tuyến đường.
Xây dựng sai phép, trái quy hoạch
Tại Tp.HCM, cũng là nơi đóng quân chính của mình, Him Lam được các cấp chính quyền tạo điều kiện thực hiện nhiều dự án bất động sản. Đầu tiên phải nhắc đến là Dự án nhà ở cán bộ công an tại phường Cát Lái, quận 2 Công ty Cổ phần Kinh doanh Địa ốc Him Lam làm chủ đầu tư.
Theo đó, dự án được UBND Tp.HCM giao đất năm 2006 để đầu tư xây dựng khu nhà ở. Đến năm 2007, UBND quận 7 ban hành quyết định phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500.
Dự án có quy mô 58,3ha; gồm 840 nhà liên kế, 321 biệt thự và gần 3.000 căn hộ chung cư. Được quy hoạch để trở thành khu dân cư cao cấp, kiểu mẫu, nhưng nhiều người dân sống tại khu nhà ở Him Lam phản ánh về việc chiếm dụng đất công để xây dựng quán ăn, bãi giữ xe.
Thông tin chỉ đạo điều hành của UBND Tp.HCM nêu rõ: liên quan đến dự án khu nhà ở Him Lam, phường Tân Hưng, quận 7 do Công ty Cổ phần Him Lam làm chủ đầu tư, UBND thành phố giao UBND quận 7 xử lý vi phạm đối với các công trình sai phép và không phù hợp với đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 khu nhà ở Him Lam tại phường Tân Hưng, quận 7; giám sát việc xây dựng tại phần diện tích đất đã được quy hoạch để xây dựng các công trình công cộng, cây xanh, vườn hoa... tại khu nhà ở này.
Xin đất để không
Nhắc đến Dự án khu nhà ở xã hội phường Thượng Thanh, quận Long Biên nhiều người dân ở thủ đô không khỏi ngao ngán, bởi đây là dự án được chuẩn bị đầu tư, giải phóng mặt bằng giai đoạn năm 2014 đến quý IV/2018; dự kiến thời gian thi công xây dựng, kết thúc toàn bộ dự án từ quý III/2018 - II/2021. Dự án này được Him Lam liên danh với Công ty CP BIC Việt Nam.
Nhưng cho đến thời điểm hiện tại, dự án vẫn chỉ nằm trên giấy, chủ đầu tư chưa hề có động thái triển khai, nhưng đã được rao bán công khai trên mạng.
Không những vậy, Him Lam đã thế chấp toàn bộ dự án này để vay khoản tiền khoảng 200 tỷ, sản đảm bảo là lợi tức thu được từ việc kinh doanh, khai thác giá trị của quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất; các khoản phải thu, các khoản phí mà Công ty Cổ phần Him Lam Thủ Đô thu được trong quá trình đầu tư, kinh doanh, phát triển dự án.
Dự án này có diện tích 36 ha do Công ty CP Him Lam Hà Nội làm chủ đầu tư. Dự án đã giải phóng mặt bằng xong từ năm 2015, nhưng nhiều năm sau khu vực này vẫn chỉ là bãi đất hoang.
Năm 2015 hàng trăm hộ dân tại phường Phúc Đồng đã chấp thuận bàn giao toàn bộ nhà và đất cho UBND quận Long Biên để phục vụ dự án. Trong đó, hơn 200 hộ được bố trí tái định cư tại dự án khu nhà ở Him Lam. Đây là khu đất do công ty Him Lam đấu giá thành công năm 2015, với diện tích hơn 1,3 ha.
Theo quy định, lẽ ra sau khi được thành phố Hà Nội chấp thuận về mặt chủ trương, Công ty Him Lam phải làm các thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất và lập quy hoạch. Nhưng doanh nghiệp này đã không làm đúng trình tự thủ tục mà phối hợp với chính quyền quận Long Biên giao đất cho dân theo kiểu “cầm đèn chạy trước ô tô”. Cụ thể, vào giữa năm 2016, Công ty Him Lam đã thực hiện việc bàn giao vị trí đất cho các hộ dân để xây nhà ở.
Toàn bộ quá trình giao đất đều có sự chứng kiến của các cán bộ đại diện chính quyền quận Long Biên bao gồm Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng, phòng Tài nguyên và Môi trường; Chủ tịch UBND phường Thạch Bàn và phường Phúc Đồng. Ngay sau khi giao đất, quận Long Biên còn cấp giấy phép xây dựng cho hàng trăm hộ dân xây nhà ở.
Thế nhưng, phải đến gần 1 năm sau đó, quận Long Biên mới ký quyết định phê duyệt điều chỉnh tổng mặt bằng cho dự án này. Điều đáng ngạc nhiên, diện tích các ô đất được phê duyệt trong quyết định này lại không đúng với diện tích các ô đất đã giao cho các hộ dân tái định cư.
Dự án 61 Trần Phú - Him Lam là liên danh.
Gần đây nhất, dư luận cả nước xôn xao về việc phá biệt thự từ thời Pháp để thực hiện dự án ở số 61 Trần Phú, quận Ba Đình, TP Hà Nội. Trước áp lực từ dư luận Thành ủy thành phố đã chỉ đạo tạm dừng thi công để rà soát, kiểm tra xem có sai phạm không.
Sai phạm tại dự án 210 Trần Quang Khải
Trong kết luận thanh tra, Thanh tra Chính phủ (TTCP) chỉ ra hàng loạt sai phạm tại nhiều dự án, trong đó có dự án đầu tư xây dựng văn phòng làm việc và cho thuê tại số 210 Trần Quang Khải và 17 Tôn Đản (quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội), do Công ty Cổ phần Him Lam (CTCP Him Lam) làm chủ đầu tư (CĐT).
Cụ thể, về thuế thu nhập chuyển nhượng vốn góp, Công ty Thực phẩm Miền Bắc ký hợp đồng hợp tác đầu tư với CTCP Him Lam thực hiện dự án, nhận hỗ trợ số tiền hơn 8.842,90 triệu đồng; chuyển nhượng phần vốn góp và nhận hỗ trợ với giá trị hơn 174.842,90 triệu đồng. Tuy nhiên, công ty mới kê khai nộp thuế thu nhập doanh nghiệp 150.909,09 triệu đồng, số tiền còn lại 23.933,81 triệu đồng chưa kê khai để nộp thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định. Đoàn thanh tra tạm tính tiền thuế thu nhập doanh nghiệp còn phải nộp bổ sung là 5.983,45 triệu đồng (23.933,81 triệu đồng ×25%).
Về việc triển khai thực hiện dự án, Sở Quy hoạch – Kiến trúc đã chấp thuận quy hoạch tổng mặt bằng và phương án kiến trúc vào năm 2009; Sở Xây dựng cũng đã cấp phép xây dựng theo phương án kiến trúc cho CĐT. Theo đó, CĐT được xây công trình nhà cao tầng đối với tầng hầm vượt chỉ giới xây dựng 6 m, trùng với chỉ giới đường đỏ. Điều này vi phạm Nghị định số 41/2007/NĐ-CP do Chính phủ ban hành năm 2007 về xây dựng ngầm đô thị.
Tiếp đó, việc xác định tiền sử dụng đất phải nộp, liên ngành gồm các Sở: Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng và Cục Thuế Hà Nội trình UBND TP Hà Nội phê duyệt bán tài sản trên đất và tiền sử dụng đất cho Công ty Thực phẩm Miền Bắc vào năm 2008, đã đưa một số khoản chi phí vào tổng chi phí phát triển để giảm trừ khi xác định giá thu tiền sử dụng đất không đúng quy định với số tiền 34.980,01 triệu đồng (trong đó chi phí kiểm định và chứng nhận sự phù hợp chất lượng công trình (1 %) chi phí xây dựng là 3.151,35 triệu đồng; chi phí dự phòng là 31.828,66 triệu đồng).
Bên cạnh đó, TTCP khẳng định trách nhiệm đối với những sai phạm nêu trên thuộc UBND TP Hà Nội và các sở, ngành như: Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Quy hoạch- Kiến trúc; Cục thuế Hà Nội và Công ty Thực phẩm Miền Bắc.
Công ty cổ phần Him Lam (Him Lam) là một trong những Tập đoàn bất động sản nổi danh nhất cả nước. Trước đây, Him Lam gắn liền với tên tuổi của đại gia Dương Công Minh, Chủ tịch HĐQT Sacombank và nguyên Chủ tịch HĐQT LienvietPostBank. Tập đoàn Him Lam gây chú ý khi nợ quá lớn, tài sản (nguồn vốn) lên tới 3 tỷ đô (tại thời điểm cuối năm 2021) nhưng có tới 96% là nợ khi tổng tài sản tại tập đoàn này đạt 96.599 tỷ đồng nhưng nợ phải trả lên tới 90.027 tỷ đồng, cao gấp... 1.370% vốn chủ sở hữu và chiếm 93,2% tổng nguồn vốn. Đáng chú ý là những khoản nợ vay lên đến giá trị tỷ đô. Tại thời điểm cuối năm 2021, tổng nợ vay của Tập đoàn Him Lam lên tới 35.037 tỷ đồng (khoảng 1,52 tỷ USD). Trong đó, vay và nợ thuê tài chính dài hạn tăng vọt từ 0 đồng lên 33.885 tỷ đồng, vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn giảm sâu từ 2.416 tỷ đồng xuống 1.152 tỷ đồng. Nợ tỷ đô nhưng chi phí lãi vay tại Him Lam lại chỉ là 0 đồng trong nhiều năm liền. Tuy nhiên, trong Báo cáo lưu chuyển tiền tệ, Him Lam xác định trong năm đã chi 7,6 tỷ đồng cho tiền lãi vay. Về phía tài sản, phần lớn tài sản của Tập đoàn Him Lam đều nằm ngoài công ty. Cuối năm 2021, các khoản phải thu ngắn hạn của Tập đoàn tăng mạnh từ 46.045 tỷ đồng lên 67.365 tỷ đồng, chiếm 69,7% tổng tài sản. |
Nguồn: Tập đoàn Him Lam: Vi phạm tại dự án đã bán cho Vạn Thịnh Phát và loạt bê bối