Tin ngân hàng ngày 20/4: Cá nhân không được sở hữu quá 3% cổ phần tại một nhà băng
Tin ngân hàng ngày 19/4: PGBank đạt lợi nhuận tăng trên 20% trong quý I/2023 Tin ngân hàng ngày 18/4: Sacombank thông tin về vụ cướp tại phòng giao dịch Bàu Bàng |
Cá nhân không được sở hữu quá 3% cổ phần tại một nhà băng
Mới đây, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng đã ký Tờ trình gửi Quốc hội dự án Luật Các tổ chức tín dụng (TCTD) sửa đổi. Một trong những điểm mới tại Dự thảo Luật các TCTD (sửa đổi) lần này là bổ sung quy định TCTD bị rút tiền hàng loạt được áp dụng một, hoặc một số biện pháp hỗ trợ ở Điều 148.
Ảnh minh họa |
Theo dự thảo, TCTD cho vay đặc biệt được áp dụng các biện pháp hỗ trợ cụ thể như: được vay tái cấp vốn với lãi suất 0%, thời hạn tương ứng với thời hạn cho vay đặc biệt khác; được giảm 50% tỷ lệ dự trữ bắt buộc, các khoản cho vay đặc biệt được áp dụng hệ số rủi ro 0% khi tính tỷ lệ an toàn vốn và được phân loại vào nhóm nợ đủ tiêu chuẩn…
Một quy định mới nữa tại dự thảo là cá nhân không sở hữu quá 3% vốn điều lệ so với mức 5% hiện hành. Cổ đông và người có liên quan không được sở hữu quá 15% vốn điều lệ của một TCTD, giảm 5% so với quy định hiện tại. Cổ đông lớn của một NH và người có liên quan được sở hữu tối đa 5% vốn điều lệ của NH khác.
Đồng thời, dư nợ cấp tín dụng tối đa với một khách hàng dự kiến giảm từ mức 15% xuống còn 10%. Tổng dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng và người có liên quan tối đa giảm từ 25% xuống 15% vốn tự có. Thủ tướng sẽ quyết định mức cấp tín dụng tối đa vượt quá các giới hạn vay trong trường hợp đặc biệt khi khả năng hợp vốn của NH, chi nhánh NH nước ngoài chưa đáp ứng đủ.
Các quy định này cho thấy NHNN muốn siết các vấn đề sở hữu chéo, sân sau và lạm quyền cấp tín dụng cho một nhóm cổ đông nhà băng.
Về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu, dự thảo luật hóa cụ thể quy định tại Nghị quyết 42 nhưng bổ sung quy định về mua, bán nợ xấu. Theo đó, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu được mua khoản nợ xấu đang hoạch toán trong, ngoài bảng cân đối kế toán của NH; được thỏa thuận với NH để phân chia phần giá trị còn lại (nếu có) của số tiền thu hồi từ khoản nợ xấu, sau khi trừ giá mua, các chi phí xử lý.
Sửa đổi quy định về nhập khẩu hàng hóa phục vụ việc in tiền
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đang xây dựng thông tư sửa đổi Thông tư 38/2018/TT-NHNN quy định việc nhập khẩu hàng hóa phục vụ cho việc in, đúc tiền.
Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), thực tế triển khai công tác nhập khẩu hàng hóa, việc đầu tư các loại máy móc phục vụ việc in, đúc tiền dựa trên quyết định chủ trương đầu tư của cấp có thẩm quyền. Việc chỉ căn cứ vào hợp đồng in, đúc tiền sẽ không đảm bảo căn cứ pháp lý để các đơn vị thực hiện nhập khẩu hàng hóa là máy móc, thiết bị.
Theo đó, NHNN đề nghị sửa đổi Thông tư 38, theo hướng bổ sung một số nội dung chặt chẽ hơn để củng cố căn cứ pháp lý cho các đơn vị thực hiện, phù hợp thực tế công tác in, đúc tiền.
Ngoài ra, NHNN cũng đề xuất mặt hàng “Máy đúc, dập tiền kim loại” phải phân tách thành 2 mã hàng hóa khác nhau theo đặc tính kỹ thuật (máy đúc tiền kim loại theo công nghệ làm nóng chảy kim loại thành dạng lỏng và máy dập tiền kim loại) để đảm bảo phù hợp với Danh mục hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam 2022.
NHNN cũng rà soát các văn bản quy phạm pháp luật cùng lĩnh vực và kết quả cho thấy, tại Danh mục máy móc, thiết bị, nguyên liệu, vật tư, linh kiện, bộ phận, phụ tùng nhập khẩu phục vụ hoạt động in, đúc tiền có quy định “Mã số theo biểu thuế nhập khẩu” đối với từng mặt hàng. Mã số của cùng một mặt hàng tại Thông tư 38 và Thông tư 01/2017/TT-NHNN là như nhau./.
Quý I/2023, Saigonbank huy động vốn tăng hơn 13%
Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn Công thương (Saigonbank) vừa công bố Báo cáo tài chính quý I/2023. Theo đó, hoạt động kinh doanh tiếp tục được duy trì ổn định, an toàn, hiệu quả.
Tính đến 31/3/2023, dư nợ cho vay của Saigonbank đạt 18.770,85 tỷ đồng, tăng 8,72% so với cùng kỳ năm trước. Tín dụng được ngân hàng tập trung cho vay các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).
Tỷ lệ nợ xấu kiểm soát ở mức 2,3% trên tổng dư nợ với số tuyệt đối là hơn 432 tỷ đồng. So với cuối năm 2022, nợ xấu tại Saigonbank tăng nhẹ, theo lý giải của ngân hàng, nợ xấu tăng là do có một số khách hàng vay tiêu dùng tại các ngân hàng và công ty tài chính khác không trả được nợ, bị chuyển sang nợ xấu và có một số khách hàng Saigonbank phải chuyển nhóm sang nợ xấu theo tổ chức tín dụng khác (qua thông tin CIC). Tất cả các khoản nợ xấu đều được kiểm soát chặt chẽ và có tài sản bảo đảm đầy đủ, đồng thời được phân loại và thực hiện trích lập dự phòng đầy đủ theo quy định. Tại thời điểm 31/3, tỷ lệ dự phòng bao phủ nợ xấu của ngân hàng này lên tới 147%.
Huy động vốn của Saigonbank quý I đạt 21.793,19 tỷ đồng, tăng 13,11% so với cùng kỳ năm trước, phù hợp với tăng trưởng tín dụng, đảm bảo an toàn hoạt động. Tỷ lệ cho vay so với tổng tiền gửi đạt 82,27%, đáp ứng đúng quy định của NHNN là tỷ lệ phải thấp hơn 85%. Tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn được kiểm soát ở mức 16,21% (so với yêu cầu tối đa 34%) cho thấy Saigonbank hoạt động bền vững, đáp ứng yêu cầu về an toàn thanh khoản.
Tỷ lệ an toàn vốn (CAR) của Saigonbank ngày 31/03/2023 đạt 15,33%, gần gấp đôi so với mức yêu cầu của NHNN là 8%, và thuộc top có CAR cao trong hệ thống.
Lợi nhuận hợp nhất quý I/2023 của Saigonbank đạt 104,86 tỷ đồng, tăng 6,2% so với cùng kỳ năm trước.
Liên quan đến hỗ trợ khách hàng, trong quý I năm nay Saigonbank đã triển khai gói tín dụng ưu đãi hạn mức 1.000 tỷ đồng với mức lãi suất thấp hơn đến 1,5%/năm so với lãi suất cho vay thông thường nhằm hỗ trợ khách hàng doanh nghiệp xuất khẩu. Đồng thời, nhà băng này cũng chủ động giảm lãi suất 0,4%/năm so với mức lãi suất khách hàng đã ký với Saigonbank, với hạn mức 3.000 tỷ đồng.
Vietcombank triển khai gói tín dụng 30.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/03/2023 và công văn hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước về triển khai tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững, Vietcombank thông báo triển khai chương trình cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ tại hệ thống Vietcombank như sau:
Vietcombank triển khai gói tín dụng 30.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội/Ảnh minh họa |
1. Quy mô giải ngân của chương trình: 30.000 tỷ VND.
2. Đối tượng vay vốn: khách hàng là pháp nhân, cá nhân đầu tư dự án và mua nhà ở tại các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ thuộc danh mục dự án do Bộ Xây dựng công bố theo quy định.
3. Thời hạn giải ngân: đến khi doanh số giải ngân đạt 30.000 tỷ VND nhưng không quá ngày 31/12/2030.
4. Thời gian ưu đãi lãi suất: 3 năm đối với chủ đầu tư và 5 năm đối với người mua nhà.
5. Lãi suất cho vay trong thời gian ưu đãi thấp hơn 1,5 – 2%/năm so với lãi suất cho vay trung dài hạn VND bình quân của các ngân hàng thương mại nhà nước trên thị trường trong từng thời kỳ. Lãi suất cho vay cụ thể theo thông báo của Vietcombank trong từng thời kỳ.
Điều khoản và điều kiện chi tiết của chương trình quy định tại Nghị quyết 33, hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước và hướng dẫn của Vietcombank
Là ngân hàng thương mại hàng đầu Việt Nam luôn chủ động thực hiện các chính sách điều hành của Chính phủ, của Ngân hàng Nhà nước, Vietcombank cam kết triển khai chương trình cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ công khai, minh bạch, kịp thời, đúng đối tượng, đúng mục đích đối với khách hàng đáp ứng đủ điều kiện chương trình vì mục tiêu tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững, từ đó góp phần phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế đất nước.
Nguồn: Tin ngân hàng ngày 20/4: Cá nhân không được sở hữu quá 3% cổ phần tại một nhà băng