Tin ngân hàng ngày 21/2: NHNN bơm ròng hơn 5.000 tỷ đồng qua kênh thị trường mở
Tin ngân hàng ngày 20/2: Bổ sung quy định về rút tiền hàng loạt Tin ngân hàng ngày 19/2: Thông tin mới nhất về cơ cấu SCB |
NHNN bơm ròng hơn 5.000 tỷ đồng qua kênh thị trường mở
Phiên giao dịch 20/2 chứng kiến diễn biến đáng chú ý trên thị trường mở khi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã chào thầu thành công hơn 5.091 tỷ đồng trên kênh cho vay cầm cố giấy tờ có giá (OMO). Theo đó, 1 thành viên thị trường đã "vay nóng" NHNN số tiền trên với kỳ hạn 7 ngày và lãi suất 4%/năm.
NHNN bơm ròng hơn 5.000 tỷ đồng qua kênh thị trường mở/Ảnh minh họa |
Đây là lần đầu tiên kể từ đầu năm 2024 hệ thống ngân hàng cần nguồn hỗ trợ ở mức "ngàn tỷ" từ phía Nhà điều hành. Trước đó, mức trúng thầu kênh OMO chỉ lác đác 1 - 2 tỷ đồng trong tháng 1.
Diễn biến khá bất ngờ trên xuất hiện trong bối cảnh giai đoạn cao điểm thanh toán cận Tết Nguyên đán đã đi qua.
Ở diễn biến khác, lãi suất liên ngân hàng đã tăng trở lại sau hai phiên giảm sâu. Số liệu mới nhất được NHNN công bố cho thấy, lãi suất VND bình quân liên ngân hàng tại kỳ hạn qua đêm (kỳ hạn chính, chiếm khoảng 90% giá trị giao dịch) trong phiên 19/2 đã tăng lên 1,41% từ mức 1,04% ghi nhận vào cuối tuần trước. Cùng với kỳ hạn qua đêm, lãi suất tại hai kỳ hạn chủ chốt khác cũng đều tăng khá mạnh: kỳ hạn 1 tuần tăng từ 1,27% lên 1,6%; kỳ hạn 2 tuần tăng từ 1,39% lên 1,6%.
Lãi suất liên ngân hàng tăng trở lại đi cùng doanh số giao dịch vẫn ở mức cao cho thấy nhu cầu vay mượn lẫn nhau giữa các nhà băng vẫn còn lớn dù giai đoạn cao điểm thanh toán Cận Tết Nguyên đán đã đi qua.
Trước đó, lãi suất liên ngân hàng đã liên tục leo thang trong những ngày cận Tết với kỳ hạn qua đêm tăng vọt từ 0,12%/năm vào phiên 29/1 lên mức 2,38% vào phiên 6/2 và 7/2, tức tăng lên gấp gần 20 lần chỉ sau 1 tuần.
Để hỗ trợ những ngân hàng có nhu cầu thanh khoản, NHNN vẫn luôn duy trì kênh cho vay cầm cố giấy tờ có giá (OMO), đồng thời điều chỉnh kỳ hạn chào thầu lên tới 14 ngày trong những ngày cận Tết. Tuy nhiên, trong suốt giai đoạn trước Tết Nguyên đán, không có thành viên thị trường nào cần tới nguồn hỗ trợ của Nhà điều hành.
Bộ Tài chính công khai thông tin về khung điều kiện vay của 6 ngân hàng nào?
Bộ Tài chính vừa thông báo công khai thông tin về khung điều kiện vay của 6 Ngân hàng Phát triển gồm: Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), Ngân hàng xuất nhập khẩu Hàn Quốc (KEXIM), Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) và Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW).
Theo văn bản của Bộ Tài chính, trên cơ sở thông báo của Nhóm 6 Ngân hàng phát triển bao gồm: WB, ADB, JICA, KEXIM, AFD và KfW về khung điều kiện vay (như thời hạn khoản vay, thời gian ân hạn, lãi suất, đồng tiền vay, phí cam kết, phí thu xếp khoản vay, phí quản lý, phần phụ phí theo kỳ hạn và các ghi chú khác nếu có), Bộ Tài chính đã tổng hợp vào mẫu bảng đính kèm thông báo này. Đây là khung điều kiện vay chung của 6 nhà tài trợ lớn cung cấp hơn 80% tổng nguồn vốn vay vốn ODA và vốn vay ưu đãi của Chính phủ nhưng không phải là điều kiện vay cuối cùng của các khoản vay cụ thể.
Bộ Tài chính đề nghị các bộ, ngành, địa phương, chủ dự án, các tổ chức, cơ quan, các doanh nghiệp căn cứ vào các điều kiện vay vốn ODA, vay ưu đãi nêu tại mẫu bảng đính kèm làm cơ sở tính toán khi quyết định đăng ký đề xuất dự án dự kiến sử dụng vốn vay của Nhóm 6 Ngân hàng phát triển.
Trường hợp các bộ, ngành, địa phương, chủ dự án, các tổ chức, cơ quan, các doanh nghiệp dự kiến sử dụng nguồn vốn khác ngoài nguồn vốn của Nhóm 6 Ngân hàng phát triển có thể tham chiếu các điều kiện vay vốn ODA, vay ưu đãi của Nhóm 6 Ngân hàng phát triển để xây dựng các phương án phù hợp cho đề xuất dự án trước khi trình cấp có thẩm quyền xem xét quyết định.
OCB tung loạt ưu đãi cho doanh nghiệp
Khách hàng doanh nghiệp khi giao dịch và sử dụng các sản phẩm của Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) có thể nhận voucher đến 8 triệu đồng dịp đầu năm mới.
Voucher dùng để mua vàng tại PNJ trị giá 8 triệu đồng mỗi giải. Giải thưởng dành cho 5 doanh nghiệp đầu tiên có giao dịch tiền gửi từ 6 tỷ đồng với kỳ hạn tối thiểu 6 tháng tại ngân hàng, ngày 19-23/2.
Ngoài ra, từ nay đến hết 31/3, 20 doanh nghiệp đầu tiên chuyển tiền online thành công sẽ nhận ngay voucher Got It 500.000 đồng. Khách hàng mở mới tài khoản hoặc đăng ký dịch vụ ngân hàng số Omni Corp cũng nhận được voucher tương ứng với mỗi 2 tỷ tiền gửi (kỳ hạn từ 3 tháng) qua các kênh online, quầy giao dịch.
Doanh nghiệp khi tăng ròng tiền gửi không kỳ hạn (CASA) với mức 2-3 tỷ mỗi tháng sẽ nhận ngay voucher Got It trị giá 2 triệu đồng. Ở mức 3-5 tỷ sẽ nhận voucher 3 triệu đồng, từ 5 tỷ đồng trở lên sẽ nhận voucher 5 triệu đồng.
Nhằm giúp đơn vị phát triển kinh doanh, ngân hàng triển khai gói "Lộc vay", cung cấp vốn linh động trong thời gian phê duyệt 24 giờ cùng lãi suất từ 7,5% một năm, hạn mức cho vay lên đến 3.000 tỷ đồng. Doanh nghiệp còn có thể lựa chọn phương án giảm lãi suất vay lên đến 0,4% một năm theo điều kiện chương trình.
Với nhu cầu theo dõi, quản lý và sử dụng dòng tiền hiệu quả, doanh nghiệp SME có thể sử dụng gói "Lộc vận hành" từ gói giải pháp SME GreenBiz. Giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp "xanh hóa" vận hành khi ứng dụng các giải pháp số hóa tài chính nhằm tối ưu chi phí, nâng cao tính thuận tiện, hạn chế xử lý chứng từ giấy, góp phần giảm thiểu nhiên liệu và khí thải, bảo vệ môi trường.
Hai gói "Lộc giao dịch" và "Lộc giao thương" giúp doanh nghiệp bắt nhịp xu hướng tài chính công nghệ với tiện ích từ ngân hàng số Omni dành cho doanh nghiệp (Omni Corp). Các đơn vị được miễn nhiều loại phí: chuyển tiền trong nước và quốc tế, chi lương, nộp thuế điện tử. Doanh nghiệp ưu đãi tỷ giá đến 120 điểm cho khách hàng mới và giảm 10% phí cho tất cả dịch vụ tài trợ thương mại, tặng thêm 5 điểm tỷ giá trong ngày vàng thứ hai hàng tuần. Ứng dụng Omni Corp hiện cải tiến với 6 tính năng mới giúp cho việc quản lý, truy vấn tài khoản và thực hiện, tra cứu các giao dịch ngân hàng trở nên dễ dàng và thuận tiện hơn.
OCB còn có gói "Lộc tài khoản" giá trị lên đến 50 triệu đồng với 5.000 tài khoản số đẹp như ý như: tài khoản theo số hotline, mã số thuế, ngày thành lập, ngày sinh của chủ doanh nghiệp…
Sacombank đấu giá thành công KCN Phong Phú, thu về hơn 7.900 tỷ đồng
Đại diện Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) vừa xác nhận với hãng chứng khoán Agribank (Agriseco) về việc đã đấu giá thành công Khu công nghiệp Phong Phú với giá trị trên 7.900 tỷ đồng và hiện đang chờ nhận tiền thanh toán.
Ảnh minh họa |
Điều này sẽ giúp Sacombank gia tăng tài sản sinh lời và tạo dư địa tăng trưởng cao trong giai đoạn tới, Agriseco nhận định. Đáng chú ý, số tiền đấu giá thành công trên cao hơn đáng kể so với dự kiến thu về 7.000 tỷ đồng trong kế hoạch ban đầu của Ngân hàng Sacombank.
Trước đó, hồi cuối tháng 12/2023, đại diện Sacombank cho biết đã xử lý dứt điểm phần lớn các vấn đề tồn tại, hoàn thành nhiều mục tiêu trọng yếu của Đề án tái cơ cấu. Nhờ đó, nợ xấu và tài sản tồn đọng thuộc Đề án giảm 75%, giảm tỷ trọng trong tổng tài sản từ 28,1% (năm 2016) xuống chỉ còn 3,5%, góp phần đưa lợi nhuận đạt kế hoạch và tăng trưởng ổn định.
Đồng thời, Sacombank đã trích lập đủ 100% dự phòng cho toàn bộ danh mục tài sản tồn đọng còn lại chưa xử lý, qua đó chính thức hoàn thành toàn bộ nghĩa vụ tài chính tại Đề án tái cơ cấu.
Agriseco đánh giá, việc hoàn thành toàn bộ nghĩa vụ tài chính tại Đề án tái cơ cấu sẽ cho phép Sacombank đẩy nhanh tiến độ đấu giá 32,5% vốn cổ phần tại Công ty Quản lý Tài sản (VAMC). Dự kiến Sacombank sẽ hoàn thành sớm nhất việc đấu giá trên vào quý 2/2024 và có thể thu về khoảng 19.000 tỷ đồng.
Đại diện Ngân hàng Sacombank hiện cho biết sẽ hoàn thành Đề án tái cơ cấu trong nửa đầu năm 2024.
Nhiều tổ chức tài chính đánh giá việc hoàn thành Đề án tái cơ cấu sẽ tạo ra “sự bùng nổ lợi nhuận” của Sacombank trong thời gian tới khi ngân hàng này không còn áp lực trích lập dự phòng cho các tài sản tồn đọng; nguồn vốn được gia tăng khi thu hồi xong các khoản nợ xấu; và có thể đạt mức tăng trưởng tín dụng cao hơn 11% nhờ điều kiện vĩ mô thuận lợi hơn.
Sacombank là một trong số ít các ngân hàng niêm yết ghi nhận sự cải thiện về tỷ lệ thu nhập lãi thuần (NIM) trong năm 2023. Luỹ kế cả năm 2023, ngân hàng này báo lãi ròng đạt 9.595 tỷ đồng, tăng 51% so với năm 2022. Sacombank hiện có quy mô tài sản và lợi nhuận lớn thuộc top 10 toàn ngành.
Hiện SSI Research dự báo lãi ròng năm 2024 của Sacombank có thể tăng 27%, đạt 12.085 tỷ đồng.
Nguồn: Tin ngân hàng ngày 21/2: NHNN bơm ròng hơn 5.000 tỷ đồng qua kênh thị trường mở