Tin ngân hàng ngày 22/8: 10 doanh nghiệp lĩnh vực du lịch được vay ưu đãi gần 635 tỷ đồng
Tin ngân hàng ngày 18/8: Thanh tra việc "ép khách mua bảo hiểm kèm khoản vay" Tin ngân hàng ngày 17/8: Nợ xấu ngân hàng dự báo tiếp tục tăng |
10 doanh nghiệp lĩnh vực du lịch được vay ưu đãi gần 635 tỷ đồng
Mới đây, Sở Du lịch TPHCM phối hợp Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TPHCM tổ chức hội nghị kết nối ngân hàng và doanh nghiệp du lịch trên địa bàn TP.
10 doanh nghiệp lĩnh vực du lịch được vay ưu đãi gần 635 tỷ đồng/Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
Tại đây, 10 doanh nghiệp thuộc lĩnh vực du lịch, khách sạn, nhà hàng, lữ hành… đã được 10 ngân hàng thương mại tại TPHCM ký kết hợp đồng cho vay tổng số tiền 634,6 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi, đồng thời áp dụng gói lãi suất hỗ trợ 2% theo Nghị định 31/2022 của Chính phủ và Thông tư 03/2022 của NHNN.
Theo Phó Giám đốc Sở Du Lịch TPHCM Bùi Thị Ngọc Hiếu, sau gần 5 tháng chính thức mở cửa lại hoạt động du lịch, du lịch Việt Nam đã bước đầu đạt được những kết quả quan trọng. Tuy nhiên, doanh nghiệp ngành du lịch vẫn gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn vay để tái khởi động. Đặc biệt là nhóm doanh nghiệp lữ hành đang rất cần nguồn vốn xoay vòng nhưng lại chưa đảm bảo điều kiện vay do nguyên nhân chủ yếu là không có tài sản tín chấp. Để chính sách đi vào thực tiễn, Sở Du lịch TPHCM cũng kiến nghị các ngân hàng thương mại xem xét có cơ chế cho vay linh hoạt, đa dạng với từng doanh nghiệp du lịch, đặc biệt là các gói cho vay tín chấp dựa trên thời gian hoạt động có hiệu quả của các doanh nghiệp.
Về phía NHNN, Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TPHCM Nguyễn Đức Lệnh khẳng định, trong thời gian tới, ngành ngân hàng TPHCM tiếp tục triển khai, thực hiện tốt các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp. Các đơn vị du lịch gặp khó khăn, vướng mắc liên quan lĩnh vực ngân hàng cần phản ánh về Sở Du lịch TP và sở sẽ làm đầu mối tổng hợp phản ánh về NHNN chi nhánh TPHCM để ngành ngân hàng cùng phối hợp, hỗ trợ tháo gỡ
Cần giảm số lượng máy rút tiền ATM?
Để duy trì hệ thống ATM, các ngân hàng phải đảm bảo những chi phí không nhỏ để thuê chỗ đặt máy, chi phí kết nối đường truyền, cung ứng tiền mặt...
Song hiện nay, khi mà điện thoại thông minh đã hết sức phổ biến và các ngân hàng cũng đã cung cấp cho các thuê bao dịch vụ trực tuyến của mình để tra cứu, chuyển tiền, thanh toán dịch vụ... thì nhu cầu rút tiền mặt cũng đã giảm đi rất nhiều.
Vì thế, việc thu hẹp mạng lưới ATM là thực tế tất yếu và thực hiện việc này như thế nào là việc của chính các ngân hàng thương mại với những bài toán riêng của họ.
Thực tế, nếu đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt sẽ tiết kiệm nguồn lực, chi phí cho xã hội, khi đó mỗi chiếc di động của người dân chính là cây ATM.
Ngân hàng cũng tiết giảm được nhiều chi phí duy trì hệ thống ATM, có cơ hội giảm lãi suất cho vay cũng như có thêm nguồn lực để đầu tư ngân hàng số với nhiều chính sách ưu đãi, miễn phí giao dịch. Từ đó, giúp khách hàng vừa được nâng cao trải nghiệm, tiếp cận nhiều dịch vụ ngân hàng hiện đại hơn vừa tiết kiệm được một khoản phí đáng kể khi rút tiền mặt nội và ngoại mạng.
Việc thu hẹp mạng lưới ATM cũng cần được tính toán kỹ, sao cho vừa đảm bảo thực hiện mục tiêu thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, người dùng có trải nghiệm tốt hơn vừa có thể phục vụ tối đa mọi khách hàng, nhất là số lượng không nhỏ người dân chưa quen với ngân hàng số.
Trong thời gian tới, cùng với việc đẩy mạnh phát triển dịch vụ ngân hàng trên điện thoại thông minh, các ngân hàng cũng có thể tính toán việc cân đối lại mạng lưới ATM, chuyển một số ATM về vùng sâu vùng xa, vùng nông thôn - những nơi thanh toán không dùng tiền mặt vẫn còn khó khăn trong triển khai và việc tiếp cận của người dân với các dịch vụ ngân hàng hiện đại chưa được tốt.
Vì vậy, việc kết hợp giữa mô hình ATM truyền thống và dịch vụ ngân hàng trên điện thoại thông minh sẽ là lựa chọn của hầu hết các ngân hàng. Trong dài hạn, các ngân hàng cần tiếp tục triển khai mạnh mẽ kênh ngân hàng hiện đại như internet banking, mobile banking… có nhiều chính sách ưu đãi cũng như công nghệ mới hiện đại hơn để thu hút người dùng, nhất là ở vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa.
Yếu tố an toàn, bảo mật phải được đặt lên hàng đầu, bởi niềm tin của người dùng sẽ quyết định tất cả. Người dân có tin tưởng thông tin, tài khoản của họ an toàn thì mới yên tâm giao dịch trên các kênh số.
Các nhà băng nhận chuyển giao ngân hàng "0 đồng", hỗ trợ lãi suất sẽ được nới room cao
Trong thời gian tới, các ngân hàng nhận chuyển giao bắt buộc tổ chức tín dụng yếu kém như MB và Vietcombank sẽ có lợi thế về tăng trưởng tín dụng so với các ngân hàng khác.
Về mức tăng trưởng tín dụng của MB, Công ty Chứng khoán ACB (ACBS) cho rằng việc MB nhận chuyển giao một ngân hàng yếu kém như OceanBank sẽ giúp ngân hàng được cấp hạn mức tăng trưởng tín dụng cao hơn trung bình ngành từ 1,5-2 lần trong 3-5 năm tới. ACBS dự báo tăng trưởng tín dụng của nhà băng này sẽ ở mức 20-25%/năm để cân đối giữa tốc độ tăng trưởng bảng cân đối và duy trì tỷ lệ an toàn vốn (hiện khoảng 10%) ở mức hợp lý. Trong năm 2022, MB được dự báo tăng trưởng tín dụng 22%, cao hơn so với mức tăng trưởng của NHNN là 14%.
Đồng quan điểm với ACBS, bên cạnh việc nhận chuyển giao một tổ chức, Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVCS) nhận định tính đến hết quý II, MB có hệ số CAR cao ở mức 11,2%, chất lượng tài sản tốt, hiệu quả kinh doanh cao, các hệ số thanh khoản cũng như bảng cân đối tài chính mạnh đáp ứng được khả năng tăng trưởng tín dụng mạnh mẽ. MB cùng với 4 NHTMCPNN là những ngân hàng có sự hỗ trợ mạnh mẽ nhất cho nền kinh tế theo lời kêu gọi của NHNN trong giai đoạn đại dịch Covid-19. Do đó, nhiều khả năng MB sẽ được phân bổ hạn mức tín dụng ở mức cao trong nửa còn lại của năm 2022 và trong các năm tới.
Cùng với MB, Vietcombank cũng có đề xuất nhận chuyển giao bắt buộc một tổ chức tín dụng, đồng thời cũng là ngân hàng có sự hỗ trợ mạnh mẽ cho nền kinh tế trong 2 năm đại dịch Covid-19. Do đó, BVCS nhận định nhiều khả năng Vietcombank sẽ được giao hạn mức tín dụng tích cực với mức ước tính hạn mức tín dụng cả năm vào khoảng 18-19%.
VPBank cũng dự báo có thể được nới room cao khi ngân hàng này đã sử dụng hết hạn mức được tạm cấp từ đầu năm và có kế hoạch nhận chuyển giao một tổ chức tín dụng yếu kém. Công ty Chứng khoán VNDirect kỳ vọng ngân hàng mẹ VPBank sẽ có được hạn mức tăng trưởng tín dụng cao hơn trong nửa cuối năm 2022, ước khoảng 23% nhờ tỷ lệ an toàn vốn (CAR) cao (12,7%) và tỷ lệ cấp dư nợ tín dụng trên vốn huy động (LDR) thấp (70,8%) vào cuối quý II.
VietinBank cũng là ngân hàng hỗ trợ nền kinh tế trong những năm đại dịch Covid-19 nên nhóm phân tích BVCS cho rằng ngân hàng này cũng nằm trong nhóm có thể được cấp hạn mức tín dụng cao. Tuy nhiên, CAR của VietinBank tương đối hạn chế vì vậy BVCS kỳ vọng mức tăng trưởng tín dụng cả năm của VietinBank ở quanh mức 12%.
BIC chi trả gần 1 tỷ đồng tiền bảo hiểm cho khách hàng vay vốn tại Cần Thơ
Vừa qua, tại Trụ sở chính Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam - Chi nhánh Tây Đô (Cần Thơ), Công ty Bảo hiểm BIDV Miền Tây (BIC Miền Tây) đã trao gần 1 tỷ đồng tiền bảo hiểm người vay vốn - BIC Bình An - cho gia đình khách hàng Nguyễn Ngọc Phát không may tử vong do đuối nước.
BIC chi trả gần 1 tỷ đồng tiền bảo hiểm cho khách hàng vay vốn tại Cần Thơ/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
Ông Nguyễn Ngọc Phát (sinh năm 1979 tại Khánh Hòa) tham gia bảo hiểm người vay vốn cho một phần khoản vay tại Chi nhánh BIDV Tây Đô - Phòng Giao dịch Mê Kông để phục vụ sản xuất kinh doanh. Vào ngày 14/05/2022, khi đang ở trên tàu tham quan trên Vịnh Hạ Long, ông đã không may trượt chân té ngã và tử vong sau đó. Ngay khi nhận được tin báo từ gia đình ông Phát, BIC Miền Tây (đơn vị cấp đơn bảo hiểm cho ông Phát) đã gửi lời thăm hỏi, động viên tới gia đình khách hàng, đồng thời, gấp rút phối hợp với gia đình và BIDV Tây Đô thu thập các hồ sơ liên quan để triển khai các thủ tục chi trả bồi thường theo quy định.
Tổng số tiền chi trả cho gia đình ông Nguyễn Ngọc Phát là 974.774.930 đồng, bao gồm: dư nợ gốc, lãi tại thời điểm xảy ra sự kiện bảo hiểm; hỗ trợ tiền lãi vay trong thời gian chờ làm thủ tục bồi thường; trợ cấp mai táng phí.
Đại diện gia đình - bà Hoàng Nữ Kim Anh - vợ của ông Nguyễn Ngọc Phát xúc động gửi lời cảm ơn tới Công ty Bảo hiểm BIDV Miền Tây cũng như Chi nhánh BIDV Tây Đô đã giúp đỡ gia đình giải quyết thủ tục nhanh chóng, giúp gia đình phần nào vơi bớt nỗi đau mất mát và giảm bớt gánh nặng tài chính cho gia đình.
Với những quyền lợi thiết thực và tính nhân văn sâu sắc, BIC Bình An ngày càng khẳng định vai trò là người bạn đồng hành tin cậy với mỗi khách hàng vay vốn trước các rủi ro không thể lường trước trong cuộc sống, đồng thời cung cấp cho Ngân hàng công cụ bảo vệ hữu hiệu trong trường hợp khách hàng không may xảy ra rủi ro, mất khả năng trả nợ.
Nguồn: Tin ngân hàng ngày 22/8: 10 doanh nghiệp lĩnh vực du lịch được vay ưu đãi gần 635 tỷ đồng