Xây dựng, quản lý mã số vùng trồng nông sản xuất khẩu
Quản lý mã số vùng trồng, nâng cao chất lượng nông sản xuất khẩu Xây dựng, quản lý mã số vùng trồng nông sản |
Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Phú Thọ cho biết, mã số vùng trồng (MSVT) là mã định danh cho một vùng trồng trọt, nhằm giúp cơ quan chức năng và người tiêu dùng dễ dàng truy xuất nguồn gốc, xác định quy trình sản xuất của nông sản. Đặc biệt, MSVT được xem là "tấm vé thông hành" cho nông sản xuất khẩu, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị.
Việc mã hóa vùng trồng mang lại nhiều ích lợi thiết thực cho nông dân như: Chuẩn hóa quá trình chăm sóc, quản lý cây trồng, vật nuôi, quản lý được diện tích trồng, đưa ra quy trình chuẩn trong chăm sóc; cảnh báo tình hình dịch bệnh, lên kế hoạch chăm sóc, danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng và ước lượng năng suất… Từ đó, cây trồng cho năng suất, chất lượng ngon, đồng đều, đáp ứng tiêu chuẩn của những thị trường khó tính nhất. Đây cũng là điều kiện tiên quyết để sản phẩm nông sản được xuất khẩu theo đường chính ngạch.
Ngành Nông nghiệp tỉnh xác định, việc cấp và quản lý mã số vùng trồng là điều kiện quan trọng để nông sản của tỉnh xuất khẩu chính ngạch. |
Thực hiện quy định tại Điều 64 của Luật Trồng trọt, sự chỉ đạo và hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND tỉnh, trong thời gian qua, ngành Nông nghiệp tỉnh đã tích cực tham mưu, thực hiện việc cấp và quản lý mã số vùng trồng cho các sản phẩm trồng trọt. Đến hết năm 2023, trên địa bàn tỉnh đã thiết lập, cấp và quản lý 251 mã số vùng trồng với tổng diện tích trên 4.495 ha, trong đó có 27 mã số phục vụ xuất khẩu cho 17 vùng trồng với diện tích 664 ha; 224 mã số phục vụ tiêu thụ trong nước cho 224 vùng trồng với diện tích 3.881 ha; 01 mã số cơ sở đóng gói chuối phục vụ xuất khẩu sang Trung Quốc, EU.
Cụ thể, đối với cây trồng chủ lực: Đã cấp và quản lý 207 mã số, với diện tích 3.544 ha, bao gồm: Cây bưởi (73 mã số, với diện tích 1.060 ha, trong đó có 18 mã số xuất khẩu sang Nga, Hoa Kỳ với diện tích 366 ha); Cây chuối (24 mã số, với diện tích 322 ha, trong đó có 9 mã xuất khẩu sang EU, Trung Quốc với diện tích 298 ha); Cây chè (62 mã số, với diện tích 2.031 ha); Cây rau (48 mã số, với diện tích 131 ha). Ngoài ra, các cây trồng khác: Đã cấp và quản lý 13 mã số, với diện tích 297 ha, gồm lúa gạo (02 mã số, với diện tích 235 ha để thực hiện liên kết sản xuất, chế biến mì gạo Hùng Lô), cây vải, cam, đu đủ, nho….
Năm 2023, cùng với việc đổi mới tổ chức sản xuất, áp dụng các quy trình kỹ thuật tiến tiến, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm, tại các vùng trồng, giá trị thu nhập trên một ha đất canh tác bình quân ước đạt 120 triệu đồng, tăng 6,5 triệu đồng so với năm 2022. Trong đó Cây chè ước đạt bình quân 116,4 triệu đồng/ha (tăng 5,9% so với năm 2022); Cây chuối ước đạt bình quân 192,5 triệu đồng/ha (tăng 6,1% so với năm 2022); Cây bưởi ước đạt bình quân 179,6 triệu đồng/ha (tăng 2,2% so với năm 2022); Cây rau ước đạt 149,0 triệu đồng/ha (tăng 0,6% so với năm 2022), góp phần vào tốc độ tăng giá trị tăng thêm lĩnh vực nông lâm nghiệp, thủy sản năm 2023 đạt 3,21%.
Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Phú Thọ, việc tuân thủ đúng quy trình sản xuất đã giúp quản lý và bảo vệ cây trồng tốt hơn, môi trường được cải thiện, năng suất, chất lượng sản phẩm cũng nâng lên rõ rệt. MSVT góp phần quan trọng trong tạo dựng niềm tin và khẳng định uy tín của sản phẩm hàng hóa nông nghiệp trên thị trường trong nước và quốc tế. Việc xây dựng MSVT giúp thay đổi nhận thức, hành động của người dân, doanh nghiệp và cán bộ quản lý tại địa phương về sản xuất nông nghiệp, hướng đến mở rộng quy mô, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm, góp phần xây dựng nền kinh tế nông nghiệp phát triển bền vững.
Địa phương này tiếp tục thiết lập, mở rộng các vùng trồng, đảm bảo các điều kiện theo quy định để được cấp mới các MSVT, cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu. |
Tuy nhiên hiện nay việc cấp MSVT trên địa bàn tỉnh vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, yêu cầu diện tích vùng trồng tối thiểu là 10ha trong khi diện tích canh tác của người dân trong tỉnh còn manh mún; khó để thực hiện đồng bộ các giải pháp kỹ thuật sản xuất. Đối với những loại cây ngắn ngày, nông dân không cố định một diện tích trồng cho mỗi loại cây trồng, thường xuyên thay đổi sau mỗi vụ. Do dó, tiến độ thiết lập MSVT còn chậm so với tiềm năng, quy mô diện tích của từng loại cây trồng tại địa phương.
Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh Phú Thọ còn thiếu doanh nghiệp trực tiếp hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu. Hầu hết các sản phẩm nông sản trên địa bàn tỉnh vẫn phải liên kết với các doanh nghiệp ngoài tỉnh để thực hiện quy trình xuất khẩu…Trong thời gian tới, ngành Nông nghiệp tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện cấp và quản lý mã số vùng trồng, tập trung vào các sản phẩm chủ lực (chè, bưởi, chuối, rau).
Địa phương này đặt mục tiêu đến năm 2025, thực hiện cấp và quản lý mã số vùng trồng các cây trồng chủ lực, có lợi thế của tỉnh với tổng số 621 mã số, diện tích 10.890 ha. Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục tuyên truyền, khuyến cáo nông dân thực hiện tốt việc duy trì mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói đã được cấp, thực hiện nghiêm túc các quy trình sản xuất đã cam kết, chứng nhận, sử dụng mã số đúng quy định để in trên bao bì, nhãn mác sản phẩm khi tiêu thụ trên thị trường trong nước hoặc xuất khẩu.
Đồng thời tiếp tục thiết lập, mở rộng các vùng trồng, đảm bảo các điều kiện theo quy định để được cấp mới các mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói phục vụ tiêu thụ sản phẩm an toàn và truy xuất nguồn gốc. Giai đoạn 2023-2025, Phú Thọ sẽ dự kiến cấp MSVT cho 179 mã cây chè với diện tích 6.000ha; bưởi 222 mã với 3.000ha; chuối 70 mã với 1.000ha; rau 150 mã với 890ha. Riêng cây chè, đến năm 2025, phấn đấu 100% diện tích sản xuất chè tập trung được quản lý, cấp MSVT cơ sở đóng gói, truy xuất nguồn gốc theo yêu cầu của các nước nhập khẩu.
Nông sản Việt Nam đang được xuất khẩu đến hơn 185 quốc gia, vùng lãnh thổ và ngày càng có sức hấp dẫn lớn với các đối tác quốc tế. Nguyên nhân một phần là nhờ công tác cấp mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói được triển khai rộng khắp trên cả nước, đáp ứng yêu cầu truy xuất nguồn gốc nông sản của nhiều thị trường. Thời gian qua, các địa phương đã đẩy mạnh xây dựng và quản lý mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói nhằm đáp ứng đúng, đủ yêu cầu của các nước nhập khẩu và hướng tới nền nông nghiệp minh bạch, trách nhiệm, từ đó tạo ra lực đẩy lớn, góp phần quan trọng vào sự tăng trưởng mạnh mẽ của kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản cả nước.
Theo Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến nay, đơn vị này đã phối hợp với các nước nhập khẩu cấp 6.997 mã số vùng trồng và 1.613 mã số cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu cho các loại quả tươi như: thanh long, xoài, vú sữa, chuối, bưởi, chanh leo, chanh không hạt, nhãn, vải, ớt, thạch đen... được phép xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, Mỹ, Australia, New Zealand, Hàn Quốc, Nhật Bản…
Cục Bảo vệ thực vật đã phối hợp với các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh đẩy mạnh việc thiết lập vùng trồng đủ điều kiện, chủ động kiểm tra, giám sát chặt chẽ các vùng trồng, cơ sở đóng gói đã được cấp mã số. Đồng thời chỉ đạo, đôn đốc các địa phương triển khai Chỉ thị 1838/CT-BNN-BVTV và triển khai văn bản 1776/ BNN-BVTV ngày 23/3/2023 về cấp và quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu, phát triển và quản lý mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói nông sản phẩm phục vụ xuất khẩu.
Xác định được vai trò quan trọng trong phát triển các vùng trồng, cơ sở đóng gói các sản phẩm xuất khẩu, Cục Bảo vệ thực vật đã tích cực phối hợp với các địa phương phát triển, mở rộng số lượng và diện tích mã số vùng trồng cũng như số lượng cơ sở đóng gói đáp ứng các yêu cầu của nước nhập khẩu; đồng thời không được lơ là trong giám sát để vùng trồng và cơ sở đóng gói duy trì được các điều kiện đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu.
Nguồn:Xây dựng, quản lý mã số vùng trồng nông sản xuất khẩu