Đắk Lắk: Đến hạn lại... lo
Đắk Lắk: Trải nghiệm “Hành trình khám phá Ban Mê” Đắk Lắk: Phát triển du lịch Krông Pắc đích ngắm 2030 |
Kiệt nguồn nước mặt
Đến nay có không ít sông, suối trên địa bàn tỉnh đã khô kiệt. Nhiều công trình thủy lợi, chủ yếu là hồ đập nhỏ rơi vào mực nước "chết", khiến hoạt động sản xuất nông nghiệp ở đây gặp rất nhiều khó khăn, bởi nguồn nước mặt hiện có chỉ đáp ứng khoảng 40% so với nhu cầu.
Nông dân huyện Lắk nỗ lực bơm nước chống hạn cho cây trồng. Ảnh minh họa: Minh Thuận |
Theo Chi cục Thủy lợi Đắk Lắk, lượng nước mặt trên các sông, suối và trong 848 công trình thủy lợi đã bắt đầu cạn dần. Những con suối lớn trên địa bàn như Ea H’leo, Cư M’gar, Krông Búk, Krông Năng, Krông Ana, Cư Kuin, Krông Pắc, Buôn Đôn và thị xã Buôn Hồ… đã kiệt nước từ đầu tháng 3/2023, khi hàng vạn nông hộ ở đây đua nhau vét tưới cho cà phê, sầu riêng, hồ tiêu và các loại cây trồng cạn. Ông Nguyễn Thành Long, Chi cục trưởng Chi cục thủy lợi Đắk Lắk cho biết, lượng nước tích trữ trong các hồ, đập đạt thấp (khoảng 350 - 400 triệu m3) so với năng lực thiết kế là hơn 650 triệu m3. Con số này sẽ tiếp tục sụt giảm trong những tháng tiếp theo nếu như không có những đợt mưa trái mùa để bổ sung nguồn nước. Tuy nhiên, sự mong đợi từ những đợt mưa “bất thường” là khó xảy ra, vì tháng 3 cho đến tháng 6 tới là thời kỳ cao điểm của mùa khô Tây Nguyên nên tình hình khô hạn chắc chắn sẽ trở nên khốc liệt hơn.
Đến nay, một số công trình thủy lợi trọng điểm có dung tích chứa từ vài chục triệu mét khối nước trở lên như Ea Súp hạ, Ea Súp thượng (huyện Ea Súp), Ea Ral (Ea H’leo), Yang Reh (huyện Krông Bông) và mới đây là Krông Pách thượng (huyện Krông Pắc) vừa được chặn dòng… cũng đang trên đà cạn dần. Theo dự báo, đến thời điểm đầu tháng 4/2023 trở đi thì lượng nước trong các lòng hồ nói trên chỉ còn lại từ 50 – 60% dung tích thiết kế. Ngoài ra, có khoảng 1/3 trong tổng số hơn 600 hồ nhỏ, đập dâng trên địa bàn tỉnh cũng sẽ rơi vào mực nước "chết" trong thời gian tới.
Theo thống kê sơ bộ của ngành nông nghiệp Đắk Lắk, tính đến cuối tháng 3/2023 đã có hơn 1.300 ha (lúa, cây trồng cạn) khô kiệt nước, dẫn đến khả năng mất trắng; gần 160.000 ha (cà phê, sầu riêng, hồ tiêu, mắc ca và cây ăn trái) thiếu hụt nguồn nước tưới cho những đợt tiếp theo.
Nhiều gia đình ở xã Ea Tu (TP. Buôn Ma Thuột) đào, vét thêm giếng để tìm nước ngầm tưới cho cây trồng. |
Nước ngầm là “cứu cánh”
Trước thực trạng hạn hán xảy ra ngày càng gay gắt và nghiêm trọng, giải pháp chống hạn trước mắt mà nhiều địa phương đưa là điều tiết nước từ nơi nhiều đến nơi ít; chủ động nâng cao ngưỡng tràn tại các đập dâng, đắp đập tạm để tăng dung tích trữ nước; khơi thông kênh mương và đặt nhiều trạm bơm để hút nước từ thấp lên cao; tiết kiệm tối đa nguồn nước cũng như thực hiện đúng lịch trình bơm tưới theo thứ tự ưu tiên cho từng loại cây trồng… Bên cạnh đó, nhiều người dân cũng đã chủ động tìm nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt như không ngừng đua nhau khoan, đào cũng như cơi nới thêm dung tích giếng để tìm nguồn nước ngầm bù vào cho lượng nước mặt ngày càng cạn kiệt.
Anh Tha Ny Êban (xã Ea Tu, TP. Buôn Ma Thuột) chia sẻ: Thấy cà phê, hồ tiêu khô cháy thì phải tìm cách cứu vãn. Giếng cạn, anh phải đào thêm và cơi nới đáy giếng rộng ra từ 1,5 – 2 m để tìm nước, vậy mà vẫn không đủ tưới cho 8 sào cà phê, 3 sào hồ tiêu. Đầu tháng 2 vừa rồi, anh phải đào thêm một giếng mới để tưới đợt 2 và đợt 3 cho diện tích cây trồng trên. Qua tìm hiểu, được biết ở địa bàn xã Ea Tu, không riêng gì anh Tha Ny bỏ ra trên dưới 20 triệu đồng để khai thác nước ngầm chống hạn, mà hầu khắp các địa phương khác trên địa bàn Đắk Lắk đều chọn giải pháp này.
Chú trọng yếu tố bền vững
Đắk Lắk luôn chú trọng yếu tố bền vững trong nền sản xuất nông nghiệp và xác định đây là mục tiêu/hướng đi vững chắc trong công cuộc xây dựng, phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Vì thế, trong thời gian qua đã có nhiều chủ trương, chính sách từ Trung ương đến địa phương được hoạch định và tích cực triển khai vì mục tiêu trên. Trong đó nguồn nước tưới được coi là yếu tố quan trọng nhất, quyết định sự “thành bại” cho nền sản xuất nông nghiệp ở đây.
Nông dân trồng cà phê cần nhiều nguồn nước tưới vào mùa khô hằng năm. |
Hiện nay nguồn nước tưới trên địa bàn Đắk Lắk chỉ đáp ứng khoảng 1/4 nhu cầu thực tế (khoảng 260 tỷ m3), vì thế việc xây dựng thêm và nâng cấp các công trình thủy lợi ở đây là yêu cầu bức thiết đặt ra. Hơn bốn thập niên qua, Nhà nước, doanh nghiệp và người dân đã đầu tư hàng trăm nghìn tỷ đồng để xây dựng gần 850 công trình thủy lợi lớn nhỏ trên địa bàn để góp phần cung cấp nước tưới cho hơn 650.000 ha cây trồng các loại.
Tuy nhiên, trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội ở đây, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp đã bộc lộ những hạn chế và bất cập khiến yếu tố bền vững ngày càng mất đi. Trong đó nổi lên là vấn đề quy hoạch trong sản xuất thường xuyên bị phá vỡ, dẫn đến tình trạng thụ động trong công tác dự báo, nắm bắt thị trường, chiến lược phát triển; đặc biệt là sự ổn định trong đời sống sản xuất của người dân. Ví như diện tích cà phê được quy hoạch vào khoảng 150.000 - 180.000 ha, nhưng có thời điểm đã vượt ra ngoài con số 220.000 ha. Cây hồ tiêu cũng đã tăng gần gấp đôi so với quy hoạch khoảng 40.000 - 42.000 ha. Lúa nước cũng vậy, năm nào diện tích tự phát cũng nằm từ 1.500 - 1.800 ha.
Đặc biệt là cây sầu riêng, gần đây đã tăng lên nhanh chóng với diện tích hơn 18.000 ha do giá trị kinh tế mang lại khá cao, nhất là khi loại trái cây này được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc rộng lớn theo đường chính ngạch. Số diện tích cây trồng “ngoài dự liệu” này đã khiến hoạt động sản xuất trên địa bàn Đắk Lắk theo hướng bền vững gặp không ít thách thức - từ việc quản lý, cung ứng dịch vụ, nâng cao chất lượng sản phẩm, tìm kiếm thị trường… cho đến vấn đề ứng phó với với tình trạng khô hạn xảy ra hằng năm.
Rõ ràng, để hướng tới một nền sản xuất nông nghiệp bền vững cho Đắk Lắk thì đồng thời với chủ trương nhanh chóng chuyển đổi cơ cấu cây trồng hợp lý, tuân thủ đúng với quy hoạch đề ra - và luôn coi đó là giải pháp hàng đầu, thì việc quy hoạch sử dụng tài nguyên nước ở đây một cách đồng bộ, khoa học và có hiệu quả phải được chính quyền các cấp, ngành liên quan cùng người dân quan tâm thực hiện mới bảo đảm yêu cầu, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương trong thời gian tới.